NGUYỆN ĐƯỜNG ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG
HỘI DÒNG ĐỨC MẸ HIỆP NHẤT – BẮC NINH
Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất được sinh ra và lớn lên trong lòng Mẹ Giáo phận Bắc Ninh. Những thành viên đầu tiên do Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng quy tụ từ năm 1963. Trải qua biết bao thăng trầm sóng gió và đổi thay, nhờ ơn Chúa, Hội dòng vẫn đang được lớn lên và phát triển từng ngày cho đến hôm nay.
Từ khi được thành lập, mọi cử hành trong đời sống thiêng liêng của Hội dòng đều được thực hiện nơi nhà thờ của giáo xứ Đạo Ngạn. Bởi lẽ, Hội dòng chưa có một nơi thờ phượng xứng hợp cho mọi cử hành thiêng liêng của quý sơ. Vì vậy, ngay khi được Tòa thánh kí sắc lệnh thành lập Hội dòng, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, cùng với Đức Cha Phó Giuse Đỗ Quang Khang, đã dâng thánh lễ đặt viên đá khởi công xây dựng ngôi nguyện đường cho Dòng với tước hiệu “Đức Mẹ Thăm Viếng” vào ngày 07/02/2022.
Ngôi nguyện đường này là một minh chứng cho ơn Chúa tuôn đổ không ngừng trên chị em Đức Mẹ Hiệp Nhất. Đây là công trình quan trọng nhất từ trước tới nay trong hành trình phát triển của Hội Dòng.
Ngôi nguyện đường được xây dựng với biết bao công khó, và tình thương mến của mọi thành phần dân Chúa. Cùng với niềm hy vọng được lớn lên trong mối tương quan thân tình với chính Thiên Chúa và sống trổi vượt Linh Đạo – Đặc Sủng của Hội Dòng.
Nguyện đường Đức Mẹ Thăm Viếng được thiết kế theo lối kiến trúc Gothic, một loại hình kiến trúc độc đáo được hình thành từ thế kỷ 12 tại Tây Âu. Nhắc tới kiến trúc Gothic, người ta nghĩ ngay tới những đặc trưng cơ bản như mái chóp nhọn, vòng tròn, cửa sổ kính màu, vòm quạt hay cột tượng…
Nguyện Đường Đức Mẹ Thăm Viếng, với tổng diện tích là 1.179,2m², có lối kiến trúc vòm cao, biểu trưng cho đôi tay Thiên Chúa dang rộng đón nhận tất cả chúng ta vào trong cung lòng yêu thương của Ngài.
Nguyện đường chọn tông màu kem nhạt, nhẹ nhàng, tạo cảm giác thanh bình và êm ả như tâm hồn người thánh hiến.
Phía cuối nguyện đường là ngọn tháp cao 40m, có gắn cây Thánh Giá trên đỉnh tháp, như nhắc nhở sự vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện qua cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Chạy dọc theo chiều dài ngọn tháp là 7 chữ thập, nhắc nhớ về 7 sự thương khó, nói lên tính hiệp thông trọn vẹn của Mẹ Maria trong công trình cứu chuộc của Con Mẹ.
Nổi bật ngay chính giữa mặt tiền là bức tượng Đức Mẹ mang đậm nét văn hóa quan họ. Mẹ chính là trung tâm điểm và cũng là trọng tâm linh đạo trong đời sống dâng hiến của chị em Đức Mẹ Hiệp Nhất. Mẹ Maria, với vẻ hiền từ và yêu thương, nhắc nhở chúng ta về tình mẫu tử, về sự che chở và bảo vệ đối với mỗi người con của Mẹ.
Nét đặc sắc, độc đáo của văn hóa quan họ không chỉ được thể hiện qua hình tượng Đức Mẹ Quan họ hay qua tấm áo dòng chị em khoác lên mình mỗi ngày, mà tại sảnh chính, khi mọi người bước vào nguyện đường, dù ở cửa chính hay ngước nhìn lên trên, chúng ta cũng có thể thấy nhiều họa tiết của công trình là sự cách điệu của chiếc nón quai thao, một hình ảnh quen thuộc của người dân Kinh Bắc. Chiếc nón để bảo vệ, để che chở, như chính tấm lòng từ ái của Đức Mẹ vậy.
Nói đến Mẹ Maria, chúng ta không thể không nói tới tràng chuỗi Mân Côi. Bao quanh vòm Gothic lớn chính giữa cùng với Mẹ là 10 chữ thập mỗi bên, biểu trưng cho tràng chuỗi Mân côi với chục Kính Mừng, như nhắc nhở mọi người hãy siêng năng lần chuỗi và chuyển cầu cho thế giới.
Nguyện đường được bố trí 3 cửa ra vào ở cuối, với 1 cửa lớn chính giữa và 2 cửa nhỏ 2 bên.
Phía trên tháp chuông treo 3 quả chuông bằng đồng cỡ lớn, tương ứng với ba nốt: Sol, Si, và Rê. Chuông trầm là nốt Sol, có trọng lượng 550kg, được dùng để dâng kính Thiên Chúa Ba Ngôi. Chuông ở giữa là nốt Si, có trọng lượng 300kg, được sử dụng để dâng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Cuối cùng là chuông nốt Rê, nhằm dâng kính Đức Mẹ Hiệp Nhất, vì muôn ơn lành Mẹ đã ban cho từng thành viên trong Hội dòng, có trọng lượng 160kg. Tiếng hòa điệu sớm hôm, giống như những lời ca theo nốt nhạc âm vang, trầm ấm nhưng rộn rã, mời gọi mọi người đến thờ phượng Chúa.
Từ cửa chính bước vào, chúng ta sẽ gặp thấy giếng rửa tội ngay giữa tiền sảnh. Giếng rửa tội được đặt ở đây như một lời nhắc nhở về hồng ân được làm con Thiên Chúa, được mặc lấy Chúa Kitô nơi tâm hồn mỗi người.
Phía bên trên giếng rửa tội là một cấu trúc vòng tròn được đắp nổi cách tỉ mỉ, thể hiện tấm bánh Thánh Thể. Vòng tròn ấy nhắc nhở mọi người, mỗi khi bước vào nguyện đường là để gặp gỡ chính Thiên Chúa trong cầu nguyện mà cao điểm là Bí Tích Thánh Thể. Vòng tròn ấy ví như tấm bánh miến tinh tuyền, là chính Chúa Kitô, được bẻ ra, nuôi dưỡng Giáo Hội. Cũng vậy, đời sống của các nữ tu trong Hội dòng như một phần của tấm bánh, cũng được bẻ ra mỗi ngày và trở nên kẻ phục vụ tha nhân.
Vòng tròn với hoạ tiết cách điệu từ những miếng ghép và tạo nên chữ “Khi” và “Rô” trong tiếng Hy Lạp, tiếng việt nghĩa là Kitô.
Những miếng ghép to, nhỏ, hình thù khác nhau, tượng trưng cho sự đa dạng nhưng hiệp nhất nên một trong Chúa Kitô. Những miếng ghép ấy cũng có thể ví như mỗi chị em trong Hội dòng với sự phong phú Chúa ban, cùng được quy tụ, hiệp nhất trong một Hội dòng để theo sát Chúa Kitô, sống đời thánh hiến trong tinh thần của Đức Mẹ Hiệp Nhất.
Mái vòm của nguyện đường không chỉ mang giá trị về mặt hình thức, mà còn có một ý nghĩa sâu sắc: thể hiện sự hiệp nhất trong đa dạng, tất cả cùng hướng về Thiên Chúa và cùng nhau xây dựng một cộng đoàn mạnh mẽ.
Ghế nhà trong nhà nguyện cũng được thiết kế cách điệu theo hình chiếc tà áo quan họ và được bố trí cách trang trọng, tạo không gian thoải mái và thanh tịnh cho mọi người trong những buổi cửa hành thiêng liêng. Từng hàng ghế được xếp ngay ngắn, ví như tâm hồn người thánh hiến luôn ứng trực trước lời mời gọi của Thiên Chúa vậy.
Ba bức tranh Mozaic gồm có tranh Đức Mẹ Thăm Viếng bà Êlizabet – là bảo trợ Hội Dòng; bức tranh Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Đức Mẹ cùng với các tông đồ trong nhà tiệc ly, mang dấu chỉ ơn hiệp nhất. Cuối cùng là bức tranh Pieta (Đức Mẹ Sầu Bi) – Đức Mẹ nhận lấy xác Chúa từ trên cây thập giá, với ý nghĩa Đức Mẹ hiệp nhất với Con mình trong công trình cứu chuộc nhân loại.
Những bức tranh kính được các nghệ nhân thể hiện khéo léo trên từng ô cửa kính với những hình ảnh mang tính biểu tượng. Bánh rượu nói đến bí tích Thánh thể; cuốn kinh thánh nhắc nhớ Lời Chúa; ngọn nến và bàn tay chắp lại gợi lên hình ảnh đời thánh hiến, hai chữ M.A được xếp chồng tỉ mỉ chính là danh thánh Đức Maria với triều thiên 12 ngôi sao; chữ JHS nói lên sự vĩnh hằng của Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc nhân loại, Người là Alpha và Ômega, là khởi nguyên và tận cùng.
Những cửa sổ này không chỉ giúp không gian ngôi nguyện đường thêm duyên dáng, trang trọng mà còn thể hiện sự linh thiêng của lối kiến trúc thời phục hưng, giúp cho mọi tín hữu dễ dàng hướng tâm hồn lên để đón nhận ơn Chúa và mở ra với thế giới tạo thành.
Cung Thánh chính là điểm nhấn của ngôi nguyện đường, nơi mọi nghi lễ thiêng liêng quan trọng được diễn ra; cũng được xây dựng cách hài hòa, với cấu trúc hình chữ M ôm trọn bàn thờ và gian thánh. Như Đức Maria vâng phục trọn hảo thánh ý Thiên Chúa. Qua đó, mời gọi mỗi người nữ tu Đức Mẹ Hiệp Nhất noi gương Mẹ, sống thân phận là một nữ tỳ khiêm hạ của Thiên Chúa.
Giảng đài – nơi công bố Lời Chúa, được đặt bên trái gian cung thánh nhìn từ dưới lên. Phía trước giảng đài là một tác phẩm điêu khắc, diễn tả câu chuyện được trích trong Tin mừng Mát-thêu. Đó cũng là câu chuyện nói lên sự hiệp nhất trong đức tin, khi Mát-thêu kể lại việc, những người phụ nữ đi ra viếng mộ và được thiên thần báo tin Chúa đã phục sinh…rồi các bà đã mau mắn thế nào, và hớn hở ra sao khi chạy về báo tin mừng ấy cho các môn đệ Đức Giêsu.
Cũng vậy, mỗi thành viên trong dòng được mời gọi trở nên những nhà truyền giáo nhiệt thành, để loan báo tin mừng trong mọi cảnh huống của đời sống, sứ vụ và cho thế giới hôm nay.
Tâm điểm của cung thánh là thánh giá Chúa Kitô, diễn tả mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh, nền tảng cốt lõi và là trọng tâm của niềm tin Công Giáo.
Những ô bóng và mờ lớn nhỏ trên những mảnh đá ốp tỉ mỉ làm nền cho Thánh giá Chúa, đã tạo nên hình thái giống như những làn sóng nhạc, cùng với ca từ trầm bổng dâng lên cõi Trời cao. Hình ảnh đó muốn diễn tả đời sống dâng hiến của mỗi nữ tu như bản trường ca vô tận, ngợi khen sự hy hiến của Chúa Giêsu trên Thập Giá.
Phía trên thánh giá là bức tranh kính Chúa Thánh Thần với biểu tượng hình chim bồ câu. Nhờ mặc khải của Đức Giêsu mà chúng ta nhận ra rằng Chúa Thánh Thần chính là Nguyên Lý Hiệp Nhất của Chúa Ba Ngôi và nơi Giáo Hội, nay được cụ thể hoá nơi chính đời sống của Hội Dòng mang linh đạo Hiệp Nhất.
Nhà Tạm, nơi cất giữ Mình Thánh Chúa được xem như là yếu tố quan trọng nhất, được bố trí ở chỗ trung tâm gian thánh, bên dưới Thánh Giá Chúa. Thánh lễ, viếng Thánh Thể, chầu Mình Thánh Chúa, đọc kinh thần vụ và nhiều cử hành đạo đức khác… là những việc làm không thể thiếu trong nhịp sống của các nữ tu. Nơi Nhà Tạm, Chúa Kitô đang ở giữa Hội dòng, nâng đỡ các thành viên và cùng hoạt động trong mọi đời sống tông đồ của các chị em.
Hình thức Nhà chầu cũng nói lên sự hiệp nhất từ khác biệt, những họa tiết vuông to, nhỏ, được xếp đặt quanh mình thánh Chúa, như mỗi thành viên trong dòng được chính Đức Kitô quy tụ và hiệp nhất cũng bởi chính Đức Kitô.
Bàn thờ tế lễ với bức phù điêu phía trước, mô tả câu chuyện hai môn đệ trên đường trở về Emmaus đã gặp Chúa Giêsu Phục Sinh thế nào, và khi Ngài ở lại dùng bữa với cử chỉ cầm, bẻ bánh rất thân tình đối với các môn đệ. Đó cũng là câu chuyện nói lên sự hiệp nhất trong đức tin khi hai ông quay trở lại Giêrusalem để báo cho các anh em môn đệ khác về những gì mình chứng kiến, và kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh.
Qua đó, mỗi nữ tu đức mẹ hiệp nhất cũng được mời gọi ở lại với Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, sống thân tình với ngài, được lớn lên trong đức tin, và hăng hái đi loan báo tin mừng.
Như thế, từ đường nét tổng thể đến chi tiết, từ lối kiến trúc văn hóa cho tới tính biểu tượng của ngôi nguyện đường, đều toát lên ý nghĩa của sự hiệp nhất từ trong đa dạng, phong phú, riêng biệt, nhưng không thể tách rời.
Bước vào ngôi nguyện đường, chúng ta như được chìm vào trong lời cầu nguyện tha thiết của Chúa Giêsu: “Xin cho mọi người nên một” (Ga 17, 23). Ước mong rằng, khát vọng đó của Thầy Chí Thánh được thành toàn trong thế giới, mà mỗi nữ tu Đức Mẹ Hiệp Nhất nói riêng là một thành phần không thể thiếu trong công cuộc thực thi khát vọng hiệp nhất này .
BTT HIỆP NHẤT
Tin cùng chuyên mục:
Khai mạc khoá Linh thao thứ 2 – năm 2025
Ngày 29/6: Thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ
Chúa nhật lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô – Năm C
Tĩnh Tâm Tháng 6 – Đề tai: “Đời sống tông đồ – Cùng nhau loan báo Tin Mừng”