Chúa Đã Sống Lại Thật
Sự thật thì đây không phải là một khám phá mới mẻ gì. Vào năm 1980, khi một đám thợ xây ở Israel đào móng để xây cất ở Talpiot, ngoại ô Giêrusalem, người ta đã đào được một ngôi cổ mộ khoảng 2,000 năm với 10 quan tài bằng đá. Sau khi mất 20 năm để giải đoán các tên trên khắc các quan tài ấy, người ta thấy có những tên sau đây: Giêsu con Giuse, Maria, Matthêu, Giôpha và Giuđa, con của Giêsu. Các nhà khảo cổ của Do Thái cho rằng những khám phá này không có giá trị gì đặc biệt nên họ đã trao các quan tài bằng đá này cho Sở Bào Trì Các Di Tích Cổ của Israel (Israel Antiquities Authority) gìn giữ. Theo nhà khảo cổ thời danh của Israel là giáo sư Amos Kloner thì những người này có liên hệ gì với Chúa Giêsu trong Tân Ước. Bởi vì các tên đó rất thông thường đối với người Do Thái thời ấy, và nhiều lý do khác, như một gia đình nghèo như gia đình Chúa Giêsu ở tận Nadareth làm sao có tiền xây một ngôi mộ ở Giêrusalem như thế…. Theo Viện Khảo Cổ Hoa Kỳ (Archaeological Institute of America), thì Simcha Jacobovici, đạo diễn phim “The Lost Tomb of Jesus” được James Cameron cho truyền hình trên Discovery Channel ngày mùng 4 tháng 3, 2007, đã mời rất nhiều nhà chuyên môn đến để nghiên cứu về thuyết của ông rằng đây là mộ của gia đình Chúa Giêsu. Nhưng ngoài ông ta ra thì không một ai có vẻ hoàn toàn đồng ý với những bằng chứng mà ông trình bày. Trong phạm vi bài này, tôi không muốn chưng thêm, nhưng xin xem thêm trang web được nối kết ở cuối bài này và nhiều trang web khác thì sẽ thấy rõ là không học giả tên tuổi nào có thể đồng ý với Jacobovice và James Cameron.
Từ Mật Mã của DaVinci đến Ngôi Mộ Gia Đình Chúa Giêsu, chúng ta sẽ còn nghe thấy nhiều chuyện giật gân động trời hơn nữa. Trong hai ngàn năm qua, người ta đã cố gắng tiêu diệt đạo Công Giáo dưới đủ mọi hình thức. Từ bắt bớ, giam cầm, và tàn sát như thời các Tông Đồ, thời Đế Quốc Rôma, và khắp nơi trên thế giới, đến việc cấm nói về Chúa, cầu nguyện hay treo hình ảnh hoặc những biểu tượng có liên quan đến Thiên Chúa ở học đường, công sở và các nơi công cộng, cho đến việc phỉ báng Thiên Chúa để làm tiền. Ngày nay trên thị trường phim ảnh, những phim ảnh khiêu dâm đứng đầu, cho nên không lạ gì khi con người đổ xô nhau đi xem những phim xuyên tạc chống lại Công Giáo, là tôn giáo duy nhất có can đảm đứng lên tố cáo và chống lại những việc làm vô luân đồi bại này. Người ta chọn Mùa Chay Thánh để tung ra câu chuyện Ngôi Mộ Gia Đình Chúa Giêsu nhằm làm lung lạc Đức Tin của những người tin Chúa. Là người Công Giáo chúng ta tin chắc chắn rằng Chúa Giêsu đã sống lại thật. Và đây là một số lý do để chúng ta tin.
Nếu Chúa Giêsu đã không chịu chết trên Thánh Gía, mà còn sống ở Giêrusalem cùng với bà Maria Mađalêna, thì những người Do Thái thời đó đã dùng bằng chứng này để đạp đổ mọi lập luận của các Thánh Tông Đồ. Các Sách Tin Mừng và sách Tông Đồ Công Vụ viết rằng chính các Tông Đồ đã chứng kiến tận mắt việc ngôi mộ trống, việc Chúa Giêsu hiện ra với các ngài và việc Chúa lên trời. Sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, các Tông Đồ đã mạnh dạn đi khắp nơi rao giảng Đức Kitô Phục Sinh, và các giới lãnh đạo Do Thái đã dùng hết cách để ngăn cấm các ngài rao giảng về Chúa Phục Sinh. Nếu Chúa Giêsu thật sự còn sống thì chắc chắn rằng các Tông Đồ đã không nhọc công và hy sinh hết sức để rao giảng như thế, và người Do Thái chắc chắn phải tìm thấy Người và đem ra làm bằng chứng để tiêu diệt Kitô giáo ngay từ phôi thai. Đọc Tông Đồ Công Vụ chúng ta thấy Saolô đi từng nhà để tìm những người theo Chúa mà bỏ tù (TĐCV 8:3). Mà chắc chắn phải có nhiều người Do Thái quá khích như Saolô ở Giêrusalem lúc ấy thì Chúa làm sao trốn thoát tay họ. Nhưng thay vì bắt được Chúa, thì Saolô đã bị Chúa bắt (TĐCV 9:1-22), mà còn mạnh mẽ làm chứng rằng: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi thật vô ích, và đức tin của anh em cũng vô ích. Như vậy chúng tôi thành những nhân chứng giả của Thiên Chúa, bởi vì chúng tôi đã làm chứng cho Thiên Chúa rằng Ngài đã cho Đức Kitô sống lại, mà Ngài đã không cho Người sống lại, nếu thực sự là kẻ chết không sống lại” (1 Corinthians 15:14-15).
• Người ta có thể nói là Thánh Kinh là do các Kitô hữu viết, nên những bằng chứng trong Thánh Kinh là chủ quan, bịa đặt. Thưa người ta có thể đúng nếu sự bịa đặt này có lợi cho người đặt chuyện, và không có một bằng chứng nào ở ngoài Thánh Kinh. Sử gia Do Thái Flaviô Giôsêphô (37-100 A.D.) viết trong sách Những Việc Đời Xưa của Người Do Thái (Antiquities of the Jews, chương 93) rằng: “Khi Philatô đã kết án đóng đanh (Giêsu) vì bị các lãnh tụ của chúng ta tố cáo, thì những kẻ trước đây yêu mến ông ta vẫn tiếp tục theo ông ta, vì ông ta đã hiện ra với họ trong ngày thứ ba, vẫn còn sống, như các ngôn sứ của Thiên Chúa đã báo trước, cùng với vô số những chuyện lạ lùng về ông ta.”
• Tuy nhiên vẫn có người cho rằng những người theo Chúa Giêsu đã sửa sách này của Giôsêphô và thêm những câu trên vào đó. Giả sử như họ nghĩ đúng, thì chúng ta có thể phân biệt được một điều là thật hay giả dựa vào sự thái độ của người làm chứng. Theo lịch sử thì ngoài Thánh Gioan ra thì tất cả các Tông Đồ khác đều tử vì đạo. Chính Thánh Phaolô là ngưởi theo Chúa sau tất cả các Tông Đồ khác cũng bị xử tử tại Rôma vì tin vào Chúa Giêsu. Ngoài ra không biết có bao nhiên ngàn người bị chết thời đó vì tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại. Xin hỏi Dan Brown hay James Cameron có dám chết cho điều hai người này viết về Chúa Giêsu hay không? Nếu họ không dám chết mà tất cả những người đầu tiên đi rao giảng Chúa Giêsu Phục Sinh đều dám nói như Thánh Phêrô và Gioan trước Công Nghị Do Thái mà không sợ chết: “Các ông hãy xét xem có phải là đúng trước mặt Thiên Chúa khi nghe lời các ông hơn là nghe lời Ngài, vì chúng tôi không thể không nói ra những gì chúng tôi đã nghe, và đã thấy?” (TĐCV 4:19).
Thử hỏi các Tông Đồ bịa đặt chuyện Chúa Giêsu sống lại để làm gì? Nếu nhờ sự bịa đặt này mà các ngài được giàu sang, quyền thế, hay bất cứ lợi lộc gì thì chúng ta còn có thể tin là các ngưởi chống Công Giáo nói hợp lý. Nhưng nếu bịa đặt để bị đánh đòn trước quần chúng, bị bỏ tủ, và bị xử tử thì những người điên cũng chẳng dại gì mà làm thế. Mà nếu các ngài điên thì không thể nào chỉ hơn ba trăm năm sau cả Đế Quốc Rôma có thể trở thành Công Giáo được nhờ lời rao giảng của các ngài. Cho nên chỉ nhờ việc gặp được Đức Kitô Phục Sinh, và nhờ quyền năng của Thánh Thần mà các Kitô hữu đầu tiên mới có thể đứng vững và tiếp tục làm chứng về Người khắp nơi.
• Trước khi kết luận, tôi xin mượn lời của ông Gamaliel nói với Công Nghị: “Thưa quý vị người Israel, hãy thận trọng trong cách quý vị đối xử với những người này. Trước đây, Thêuđa nổi lên, khoe mình là một nhân vật quan trọng, và tuyển mộ được chừng bốn trăm người; nhưng sau khi hắn bị giết, thì những người theo hắn cũng tan rã, và không còn gì hết. Sau hắn là Giuđa người Galilêa nổi lên vào thời kiểm tra dân số, và lôi cuốn được một số đông dân chúng theo hắn; nhưng hắn cũng bị giết, và tất cả thuộc hạ của hắn đều bị giải tán. Nên bây giờ, tôi xin thưa cùng quý vị, đừng làm gì những người này, và hãy cho họ về. Vì nếu ý định hay việc làm này xuất phát từ người ta, tất nhiên sẽ tự tan rã; Nhưng nếu từ Thiên Chúa, thì quý vị không thế nào tiêu diệt được họ. Quý vị có thể lại trở thành những kẻ chống lại Thiên Chúa” (TĐCV 5:35-39). Ông Gamaliel nói câu này gần 2,000 năm qua. Công Nghị của người Do Thái đã biến mất từ lâu. Đền thờ của họ cũng bị phá hủy không còn tảng đá nào chồng lên tảng đá nào (Matthew 24:2; Mc 13:2; Lc 19:44,21:6). Ở Việt Nam cũng thế, các triều Cảnh Thịnh, Tự Đức, Minh Mạng đều qua đi. Nhưng Đạo Chúa càng ngày càng phát triển trên khắp thế giới.
Niềm tin vào chứng từ của các Thánh Tông Đồ về việc Phục Sinh của Đức Kitô đã đứng vững trong hai ngàn năm qua. Đây là niềm tin then chốt của Đức Tin Công Giáo. Các kẻ thù của Thiên Chúa biết rằng đánh đổ được niềm tin này là đánh đổ được chính nền móng của Đức Tin, vì thế chúng đã tìm hết cách để làm việc ấy. Vững tin vào lời Chúa hứa cùng Thánh Phêrô: “Thầy bảo con rằng con là Phêrô, (nghĩa là Ðá,) và trên chính đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cổng âm phủ sẽ không thắng nổi” (Matthew 16:18), chúng ta tin tưởng rằng tất cả những tấn công này của ma quỷ, dù vũ bão đến đâu cũng không lay chuyển được Đức Tin của chúng ta nếu chúng ta bám chặt vào Tảng Đá Phêrô qua Huấn Quyền của Hội Thánh Công Giáo là “cột trụ và nền tảng của chân lý” (2 Timothy 2:19).
Nguyện xin Đức Chúa Giêsu Kitô Phục sinh ban cho mỗi người chúng ta một quả tim mới, và củng cố niềm tin của chúng ta, để chúng ta đứng vững và can đảm làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh bằng chính việc làm và ngay cả mạng sống chúng ta, giữa những cơn cuồng phong thế tục đang ào ạt tấn công căn nhà Đức Tin của chúng ta. Amen.
Phaolô Phạm Xuân Khôi
Nguồn: Ủy Ban Giáo Lý Việt Nam Tại Hoa Kỳ
Tin cùng chuyên mục:
Chân Dung Nữ Tân Bộ Trưởng Đầu Tiên Tại Vatican
Lời Thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ
Năm Thánh là gì? | Gặp gỡ Đức Cha Giuse Đỗ Quang Khang
Cáo phó bà cố Maria, thân mẫu dì Maria Nguyễn Thị Thỏa