Kính gửi quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em,
Chúng ta bước vào mùa Chay Thánh với nhiều lo âu khi dịch bệnh Virus Corona vẫn lan rộng khắp toàn cầu gây ảnh hưởng xấu tới con người, kinh tế sa sút, xã hội khủng hoảng, cuộc sống người dân bị đe dọa. Mùa Chay mời gọi người Kitô hữu ăn chay, cầu nguyện và làm việc lành phúc đức để xoa dịu nỗi khổ đau của nhân loại và làm cho Tin Mừng Phục sinh chiếu tỏa vào đời sống gia đình, xã hội trong những lúc khó khăn thử thách này.
Hiện Tình Giáo Phận
Trong dịp cuối năm Canh Tý (2020) vừa qua, cha Tổng đại diện và tôi có dịp đến với các giáo hạt trong giáo phận (ngoại trừ giáo hạt Bắc Giang do Covid -19 bùng phát trở lại trong cộng đồng) để lắng nghe chia sẻ của đại diện các thành phần dân Chúa trong giáo phận. Qua đó, tôi nhận thấy sinh hoạt đức tin nơi các xứ họ vẫn sống động, đa phần anh chị em tham dự và ý thức được tầm quan trọng của thánh lễ, nhất là lễ Chúa Nhật và lễ trọng; năm qua, nhiều xứ họ đã xây dựng được cơ sở vật chất mới. Trong những ngày phong tỏa giãn cách xã hội vì dịch bệnh Virus Corona thì một số anh chị em đã cùng nhau đọc kinh trong gia đình mà bấy lâu nay bị quên lãng.
Ngược lại, qua những ý kiến của các đại diện, tôi cũng nhận thấy một số khó khăn thách thức mà các gia đình, xứ họ và giáo phận đang phải đối diện. Đó là nhiều người trẻ lơ là việc học giáo lý và tham dự thánh lễ, đặc biệt là những cặp vợ chồng vì làm ăn kinh tế mà sống xa nhau làm gia tăng nguy cơ đổ vỡ. Bên cạnh đó, một số người bị ảnh hưởng bởi các phong trào hay tư tưởng trái ngược với đức tin Kitô giáo; một số anh chị em giáo dân thay vì vững tin vào quyền năng Thiên Chúa thì lại tin vào ma quỷ qua việc bói toán, mời thầy cúng đến gia đình trừ tà…. Mỗi khi gặp những hiện tượng ngược lại với niềm tin Công giáo như vậy, anh chị em hãy nhớ lại lời cảnh tỉnh của thánh Gioan Tông Đồ: “Anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1Ga 4,1).
Năm Tôn Vinh Thánh Giuse
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi toàn thể Hội Thánh dành một năm, từ ngày 8 tháng 12 năm 2020 đến ngày 8 tháng 12 năm 2021 để kính nhớ đặc biệt thánh Giuse. Cùng với Giáo Hội Việt Nam, từ xa xưa, giáo phận chúng ta đã có truyền thống kính nhớ thánh Giuse vào thứ tư hằng tuần, tháng 3 hằng năm, cách riêng hai lễ thánh Giuse ngày 19 tháng 03 và ngày 01 tháng 5. Hầu như nhà thờ hay nhà nguyện nào cũng có tượng hay ảnh Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse. Trong “3 câu lạy” cuối những giờ kinh, chúng ta xin Chúa “thương xót chúng con”, xin Đức Mẹ và thánh Giuse “cầu cho chúng con”. Trong kinh thánh Giuse, chúng ta xin ngài: “hằng bầu cử cho chúng con được bắt chước người, và trông cậy vì quyền thế người, cho được giữ đạo cho trọn, cùng được chết lành và được hưởng phúc vô cùng trên thiên đàng”. Ở Toà giám mục có tượng thánh Giuse và thường xuyên có người đến cầu nguyện với ngài. Đôi khi có người xin ơn cho gia đình, cho khỏi bệnh, cho công ăn việc làm được thuận lợi…. Qua thánh Giuse, Chúa muốn dạy chúng ta biết vâng theo thánh ý Chúa, cộng tác với Chúa trong việc yêu thương, gìn giữ và bảo vệ gia đình, âm thầm như một đầy tớ trung tín và khiêm tốn, cần mẫn làm việc để nuôi dưỡng gia đình. Nhưng nhiều khi chúng ta lại có thói quen chạy đến với Chúa, Đức Mẹ, thánh Giuse và các thánh chỉ để xin ơn mình muốn mà ít quan tâm đến thánh ý Chúa ngang qua cuộc đời mình để cần mẫn thực thi giống như thánh cả Giuse.
Năm đặc biệt về thánh Giuse, người Kitô hữu được mời gọi “Hãy đến cùng thánh Giuse” như trong kinh chúng ta vẫn thường đọc: “Lạy ông thánh Giuse, chúng con chạy đến cùng người trong cơn gian nan chúng con mắc phải….”, nhất là mỗi khi chúng ta gặp rắc rối trong đời sống gia đình, gặp khó khăn về công ăn việc làm…. Cũng trong năm thánh Giuse, tôi mời gọi các xứ họ đọc “Kinh ông thánh Giuse” trong các giờ kinh chung hằng ngày. Thứ tư hằng tuần, xin quý cha dâng thánh lễ và làm việc kính thánh Giuse cách đặc biệt cho cộng đoàn. Về phía giáo phận, nếu điều kiện cho phép, chúng ta sẽ cử hành một thánh lễ đặc biệt kính thánh Giuse vào ngày 19 tháng 03 hay ngày 01 tháng 5, hoặc vào một ngày thuận tiện trong năm.
Văn Hóa Quan Tâm
Nhân dịp ngày cầu nguyện cho hoà bình thế giới 01 tháng 01 năm 2021 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp với tựa đề “Văn hoá quan tâm, đường dẫn đến hoà bình”. Truyền thống tốt đẹp của người Việt cũng thể hiện rất rõ sự quan tâm tới tha nhân như tinh thần: “Lá lành đùm lá rách”, “Anh em như thể chân tay”, “Chị ngã em nâng”,“Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Tuy nhiên, do ảnh hưởng xu hướng tục hoá và thực dụng, văn hóa quan tâm của người Việt Nam phần nào giảm sút khi các cá nhân, gia đình ngày một sống khép kín. Dẫu vậy, tinh thần tương thân tương ái vẫn là một nét văn hóa sống động trong cuộc sống của người Việt. Chẳng hạn, khi có một trường hợp đáng thương, người Việt sẽ quan tâm giúp đỡ, không chỉ người cùng xã, cùng huyện, cùng tỉnh, nhưng nhiều khi vượt qua cả biên giới quốc gia, tôn giáo. Ước gì người Việt Nam nói chung và người Công Giáo tiếp tục dấn thân sống cho đi, sống quảng đại để văn hoá quan tâm trở nên nếp sống thường nhật trong xã hội.
Trái ngược với “Văn hóa quan tâm” là căn bệnh “vô cảm”. Có thể nói xưa cũng như nay, bệnh vô cảm không ít thì nhiều ở đâu cũng có. Chúng ta đều biết dụ ngôn Chúa Giêsu kể về chuyện một người từ Giêrusalem xuống Giêricô bị thương, khi đó nhiều người đi qua đã làm ngơ, kể cả viên tư tế và trợ tế trong đền thờ cũng ngó lơ, mà chỉ một người Samaria bị coi là ngoại đạo đã sẵn sàng cứu giúp. Chúa Giêsu đến để mặc khải khuôn mặt xác thực nhất của Thiên Chúa đó là yêu mến. Ngài yêu mến trẻ em, yêu mến người nghèo, yêu mến người hoạn nạn và bệnh tật, yêu mến người bị quỷ ám, yêu mến cả những người tội lỗi bị xã hội kết án. Bởi vậy trong mùa Chay Thánh, tôi mời gọi anh chị em khám phá và họa lại khuôn mặt của Thiên Chúa yêu thương bằng việc quan tâm tới những người xung quanh, nhất là những người nghèo, người ốm đau bệnh tật.
Mùa Chay là dịp để người Kitô hữu từ bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới, vác thập giá mình theo Chúa Giêsu bằng việc đoạn tuyệt với tính hư nết xấu, thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa giải, siêng năng tham dự thánh lễ, tích cực tham dự các buổi ngắm nguyện; để cùng nhau xây dựng Nước Chúa trong “công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14,17). Xin Chúa Kitô Phục Sinh, qua lời cầu bầu của Đức Maria và thánh cả Giuse, chúc lành cho tất cả chúng ta.
Bắc ninh, Chúa Nhật Mồng Ba Tết Tân Sửu (14/ 02/ 2021) + Cosma Hoàng Văn Đạt S.J.
Giám Mục Bắc Ninh
Tin cùng chuyên mục:
Tìm hiểu về Năm Thánh
Đề tài Tĩnh tâm Quí IV
Cáo phó ông cố Augustinô, thân phụ dì Anna Trần Thị Hải
Thấy Ơn Cứu Độ Của Thiên Chúa (08.12.2024 – Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C)