Tĩnh tâm tháng 10 (Quí IV. 2022) – Đặc Sủng Linh Đạo Hội Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất

HC điều 2&3

Khung cảnh: Đặt mình trong một thế giới đầy chia rẽ, hận thù, bất ổn, sứ mạng Chúa trao cho tôi sống hiệp nhất và trở nên nhân tố hiệp nhất trong lòng Giáo hội và ở giữa thế giới.

Ơn xin: Xin ơn Chúa để sống sự hiệp nhất với thánh ý Chúa, kiến tạo sự hiệp nhất giữa lòng nhân loại.

  1. Chúa Giêsu sống hiệp nhất

– Ngay từ khi A-đam, E-và phạm tội, con người đã cắt đứt tương quan với Thiên Chúa. Vì yêu thương, Thiên Chúa  đã sai Con Một Ngài xuống trần gian để cứu độ loài người (x.Ga 3,16).

“Khi bước vào trần gian Đức Ki-tô đã thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (x. Dt 10,5-9). Chúa Giê-su  đã luôn sống hiệp nhất với thánh ý Chúa Cha trong tất cả mọi suy nghĩ lời nói và hành động (x. Ga 5,19.30); “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34).

Con Thiên Chúa muốn nên một với loài người  Ngài đã tự hủy mình,  mặc lấy thân nô lệ sống như người trần thế, để nâng loài người lên (x.Pl 2,6-7).

– Chiêm ngắm Con Thiên Chúa làm người sinh ra không chỉ thiếu thốn về vật chất mà còn bị coi thường, hắt hủi, bị bỏ rơi. Đấng toàn năng phải chạy trốn khi con người tìm cách giết (Mt 2, 13-14.19-23). Ngài chấp nhận thân phận của những người yếu đuối bị kẻ có sức mạnh bách hại.

  • Chịu cám dỗ với con người bị cám dỗ (Mt 4, 1-11), buồn phiền sợ hãi với chúng ta (Mt 26, 36-46; Dt 5, 7-10).
  • Ngài sống thân phận của người yêu, mà bị người yêu phản bội, bỏ rơi (Mt 26, 36 -27, 44).
  • Ngài nên một với nhân loại tội lỗi đến độ mọi tội của nhân loại, Ngài coi là tội của Ngài (2Cr 5,21). Ngài sống thân phận của người yếu, vô tội mà bị người mạnh đè nén, áp bức, vu oan đến nỗi lên án tử.
  • Bằng cái chết hổ nhục trên Thập Giá Chúa Giê-su đã sống trọn vẹn thánh ý Chúa Cha và đã qui tụ tất cả con cái về một mối, đã liên kết dân Do thái và dân ngoại thành một dân tộc mới của Thiên Chúa.

Như vậy, Chúa Giê-su đã hiệp nhất trọn vẹn với thánh ý Chúa Cha và vì yêu con người, Chúa Giêsu đã nên một với con người trong tất cả mọi hoàn cảnh cụ thể.

Để hiệp nhất với thánh ý Chúa Cha và nên một với loài người, Chúa Giê-su  đã xóa mình hoàn toàn.

– Chiêm ngắm Chúa Giê-su sống hiệp nhất đánh động tôi điều gì?

– Tôi có ước ao được trở nên giống Chúa Giê-su không?

– Tôi phải làm gì để trở nên giống Chúa? Hãy đem những điều ấy mà thưa chuyện cùng Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất.

  1. Mẹ Maria sống hiệp nhất

Khi con người loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình, Thiên Chúa đã có kế hoạch sai con mình đến cứu độ nhân loại, đưa nhân loại về với Chúa. Để cho kế hoạch của Chúa được thực hiện trọn vẹn, Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria làm mẫu gương tuyệt vời của sự hiệp nhất.

– Trong mầu nhiệm nhập thể: Ngay sau tiếng “xin vâng” âm thầm và khiêm tốn thì trong cung lòng của Mẹ đã diễn ra một sự hiệp nhất trọn vẹn giữa Thiên Chúa và loài người. Mẹ nên một với Ngôi Hai Thiên Chúa đang ngự nơi cung lòng tinh tuyền của Mẹ. Mẹ luôn sẵn sàng đón nhận tất cả những gì Chúa muốn trong cuộc đời Mẹ với tâm tình khiêm nhường, phó thác. Mẹ nhận mình là “Phận nữ tỳ hèn mọn” (Lc 1, 38.48), Mẹ đã sống phận nữ tỳ trong suốt cuộc đời, Mẹ đón nhận mọi tình huống xảy đến.

– Trong cuộc Tử nạn: Mẹ đã theo sát Chúa Giêsu, Mẹ đứng dưới chân thập giá hiệp nhất với sự đau  khổ của Chúa Giê-su và Chúa đã trao cho  Mẹ chức vụ làm mẹ của đoàn dân mới (x. Ga 19,25-27).

– Vào lễ Ngũ tuần: Mẹ hiện diện cùng các môn đệ trong phòng tiệc ly chờ đợi Chúa Thánh Thần đến (Cv 1,14).

Mẹ đã hoàn toàn nên một với Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người cũng chính là Con của Mẹ ngay từ lúc Chúa Nhập Thể cho đến lúc Chúa tắt hơi trên Thánh Giá.

Như thế Mẹ đã hiệp nhất trọn vẹn với thánh ý Chúa Cha trong chương trình cứu độ. Mẹ mang Chúa Giêsu đến với con người, đưa con người đến sự hiệp nhất với Ba Ngôi Thiên Chúa.

– Chiêm ngắm Mẹ Hiệp Nhất đã đánh động tôi điều gì?

– Tôi làm gì để nên giống Mẹ? Hãy thưa chuyện cùng Mẹ và xin Mẹ ban ơn cho ta biết sống như Mẹ.

  1. Hội dòng sống hiệp nhất

Đặc sủng Linh Đạo là một ân huệ Chúa ban cho Hội Dòng đồng thời cũng là một trách nhiệm Chúa trao phó để chúng ta cố gắng làm cho ân huệ ngày càng phát triển.

Hội dòng lấy câu tôn chỉ: “Như Đức Maria, hiệp nhất với thánh ý Chúa và kiến tạo sự hiệp nhất giữa lòng nhân loại” (TTN II,nghị quyết 2). Để kiến tạo sự hiệp nhất giữ lòng nhân loại. Hiến chương mời gọi trước hết: “chị em cố gắng kiến tạo sự hiệp nhất trong cộng đoàn (x. Pl 2,2-4)”.

Để sống đặc sủng hiệp nhất mỗi chị em trong Hội dòng cần có một đời sống gắn kết mật thiết với Chúa Giê-su, một đời yêu mến Mẹ Maria, noi theo các nhân đức của Mẹ để thực hiện con đường của Chúa và của Mẹ đã đi, không có con đường nào khác ngoài con đường  tự hủy.

Nếu tôi không tự hủy, tôi chẳng thể nào xây dựng sự hiệp nhất. Nhìn ngắm công trình nhà nguyện của Hội dòng, tất cả phải được ăn khớp với nhau. Từng viên gạch và mỗi bộ phận phải chấp nhận để cho người thợ mài dũa để làm đúng chức năng của mình. Nếu mỗi thứ một kiểu, không ăn khớp với nhau (cát, sỏi, xi măng, gạch… không chấp nhận hòa quyện với nhau thì mãi mãi chỉ là những đống gạch, cát, sỏi, đá bề bộn, ngổn ngang, không bao giờ thành ngôi nhà nguyện. Muốn xây dựng một Hội dòng vững chắc mỗi thành viên cần phải được mài dũa và sống con đường tự hủy.

Trong cộng đoàn vẫn còn những vấn đề chưa hiệp nhất là vì chúng ta chưa dám tự hủy, còn tính toán thiệt hơn, vênh vang, tự đắc, ghen tỵ… Nếu chỉ loay hoay với quyền lợi của tôi mà không nghĩ đến lợi ích chung, nghĩ  đến chị em thì không bao giờ có được niềm vui và hạnh phúc thật sự. Chúng ta nhớ lời Đức Cha phó giảng trong một dịp tĩnh tâm cho chị em. Đức Cha nói hãy đem “ Lời kinh Hòa bình” vào thực hiện trong cuộc sống thì sẽ có niềm vui thật, đó cũng là con đường xây dựng sự hiệp nhất. Thánh Phaolô dạy “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2, 3-4). Con đường xây dựng sự hiệp nhất là con đường quên mình tìm người (Pl 2, 3-4), con đường tự hủy (Pl 2, 6-8) và phó thác mọi sự trong tay Cha (Pl 2, 9-11).

– Tôi có thật sự muốn sống đặc sủng linh đạo hiệp nhất không? Tôi thật sự muốn thì tôi phải làm gì?

– Cái gì trong tôi gây ra sự chia rẽ: kiêu ngạo, ý riêng (coi mình là trọng tâm), chiến tranh lạnh, mặc cảm, ghen tỵ, dèm pha, nói hành nói xấu…?

– Tôi cần chỉnh đốn lại thế nào để sống hiệp nhất?

Tâm sự với Chúa Ba Ngôi, xin Chúa ban ơn để chúng ta vượt thắng con người tội lỗi và những mầm mống chia rẽ đang tiềm ẩn nơi chúng ta. Tâm sự với Đức Mẹ là Mẹ của sự hiệp nhất giúp chúng ta biết noi gương Mẹ sống hiệp nhất để chúng ta thực hiện được câu tôn chỉ của Hội dòng.

Maria Nguyễn Thị Doanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *