ĐỀ TÀI TĨNH TÂM THÁNG 2/2023

TẢI File PDF: ĐỀ TÀI TĨNH TÂM – THÁNG 2.2023

 

Tĩnh tâm tháng 2/2023

Khó nghèo thánh hiến theo Linh Đạo Hiệp nhất

Mt 19, 16-22; HC Điều 21-29

Khung cảnh: Chiêm ngắm đời sống khó nghèo của Chúa Giêsu và suy nghĩ về lời khấn khó nghèo của tôi.

Ơn xin: Xin ơn yêu mến Chúa Giêsu nghèo khó, noi gương Chúa sống nghèo khó thật sự và nghèo khó trong tinh thần để tự do phục vụ mọi người.

 

  1. Ý nghĩa thiêng liêng của đức khó nghèo và tinh thần khó nghèo

« Đức khó nghèo thánh hiến tuyên xưng Thiên Chúa là của cải duy nhất chân thật của con người. Lời khấn khó nghèo mời gọi các thành viên sống khó nghèo theo gương Đức Kitô, Đấng vốn giàu sang phú quý, đã tự ý trở nên khó nghèo, để làm cho chúng ta trở nên giàu có. Đức khó nghèo thánh hiến mời gọi các thành viên chia sẻ sự khó nghèo bên trong của Đức Kitô: hoàn toàn lệ thuộc vào thánh ý của Chúa Cha, nhận tất cả từ Cha và quy cả về Cha” (Hc đ.21).

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng giàu có vô cùng, nhưng trong mầu nhiệm Nhập Thể, Ngài đã tự hủy mình ra không, mặc lấy thân nô lệ. Người sinh ra trong cảnh nghèo (Lc 2, 7), sống không chỗ tựa đầu ( Mc 8, 20), chết trần trụi như một tử tội. Chúa Giêsu chấp nhận thân phận của người nghèo để không xa lạ với họ. Chúa làm việc như mọi người để có cơm ăn, chịu sự bếp bênh của ngày mai, chấp nhận những thiếu thốn trong sự tin tưởng phó thác đời mình cho Thiên Chúa Cha.

“Gắn bó với Đức Giêsu khó nghèo trong niềm vui và lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa Cha, chị em chấp nhận những bấp bênh của cuộc sống, luật lệ chung của lao động. Chị em tránh sử dụng của cải theo ý muốn nhất thời hoặc tạo cho mình những nhu cầu tự tạo. Tinh thần khó nghèo theo Tin Mừng đòi hỏi chị em luôn giữ một nếp sống đơn sơ, thanh đạm, tránh mọi tìm kiếm xa xỉ và dư thừa, siêu thoát với những tiện nghi của cuộc sống” (Hc đ.23).

Với đà phát triển của xã hội, chủ nghĩa hưởng thụ vật chất, sự thèm khát chiếm hữu đã và đang tìm cách len lỏi vào đời sống tu sĩ. Nếu không cẩn thận, ta sẽ quên mất lời khấn khó nghèo, dễ bị cám dỗ về những nhu cầu tự tạo và tìm lý do để biện minh. Vì thế, ta phải phân định đâu là điều cần thiết và đâu là ước muốn, cố gắng giảm bớt những chi tiêu không cần thiết, sống đơn sơ thanh đạm, lúc đó ta mới sống được những giá trị đích thực của đời tu. Nếu ta bám víu vào những sự thế gian, có nhiều nhu cầu tự tạo, dần dần trong tâm hồn ta không có chỗ cho Chúa và suốt đời ta chỉ loanh quoanh tìm sự an toàn theo thói đời, ta sẽ không có được niềm vui và hạnh phúc thật. Còn nếu ta dám buông bỏ, sống siêu thoát để chỉ cậy dựa vào Chúa, ta sẽ được tự do, niềm vui và hạnh phúc thật sự.

– Kiểm điểm lại đời sống khó nghèo của tôi như thế nào? Tôi đã thật sự hoàn toàn lệ thuộc vào Thánh Ý Chúa chưa?

– Tôi đã sống đơn sơ, thanh đạm, siêu thoát như thế nào? Tôi còn dính bén với thụ tạo nào? Và cần dứt bỏ nó như thế nào?

 

  1. Mẹ Maria khó nghèo

“Đức Maria là nữ tỳ khó nghèo khiêm hạ, được Thiên Chúa đoái thương chúc phúc. Mẹ hoàn toàn phó thác tin tưởng vào Chúa, lòng trào dâng niềm vui và bình an của mối phúc thứ nhất.

Theo gương Mẹ, chúng ta mở lòng đón nhận mọi ân sủng từ Chúa Cha, quy tất cả về Người bằng sự ngợi khen, cảm tạ” (Hc đ.22).

Mẹ Maria có tâm hồn nghèo khó, trái tim Mẹ lúc nào cũng có chỗ cho Thiên Chúa và  hết mọi người, vì thế Mẹ quảng đại cho đi tất cả  những gì Mẹ có, Mẹ không bon chen, thu vén, tích trữ bất cứ của cải gì cho mình. Mẹ tận hiến trọn cuộc đời cho Thiên Chúa, để Thiên Chúa toàn quyền quyết định cho cuộc đời của Mẹ.

Với tâm hồn nghèo khó nên từng giây phút trong cuộc đời Mẹ đều thấy mình cần Chúa, Mẹ đã hớn hở vui mừng cất lời kinh Tạ Ơn không phải vì giàu tiền bạc, giàu nhân đức, nhưng chỉ vì  Mẹ là “phận nữ tỳ hèn mọn  được Thiên Chúa đoái thương nhìn tới” (x. Lc 1,48).

Tôi đã sống theo gương Mẹ là “nữ tỳ khó nghèo khiêm hạ”như thế nào? Tôi cần chỉnh đốn điều gì để giống Mẹ?

  1. Khía cạnh pháp lý của lời khấn khó nghèo

“Bằng lời khấn khó nghèo, người nữ tu Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất cam kết chấp nhận sự hạn chế, tùy thuộc vào bề trên và Hội dòng trong việc định đoạt và sử dụng của cải theo Hiến Chương và Nội Qui” (Hc đ.25).

Bằng lời khấn khó nghèo ta đã tự nguyện dâng hiến cuộc đời cho Chúa qua Hội dòng. Cả con người và cuộc đời của ta thuộc quyền sở hữu của Chúa. Chính vì vậy ta phải sống sự hạn chế và lệ thuộc vào bề trên và Hội dòng, nhưng ta thường bị cám dỗ không muốn sống lệ thuộc, muốn tự mình định đoạt và sử dụng của cải theo ý mình. Thế nên mỗi khi cần xin điều gì ta thường ngại không muốn vì ta chưa có sự nghèo khó thật sự.

– Tôi chấp nhận sự hạn chế, tùy thuộc vào bề trên và Hội dòng trong việc định đoạt và sử dụng của cải theo Hiến chương và Nội Quy như thế nào?

– Tôi có tự ý sử dụng của cải theo ý riêng mà không muốn sống sự lệ thuộc không?

 

  1. Giá trị của lao động – Phương tiện sinh sống của chị emNếp sống giản dị và chừng mực.

“Trong tinh thần khó nghèo, chị em phải đề cao giá trị lao động, vì lao động không những góp phần cho phẩm giá con người, mà còn là một cách tham gia công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.

Chị em lao động để sinh sống và phục vụ tha nhân. Chị em noi gương lao động của Đức Giêsu ở Nazaret luôn âm thầm, tận tụy, vị tha và hiệp thông với Chúa Cha” (Hc đ.24).

“Chị em sinh sống bằng chính việc lao động của mình. Trong các quan hệ lao động, chị em cần quan tâm đến công bằng xã hội, ý thức vai trò chứng tá của mình và phải tránh gương mù gương xấu.

Chị em không được dùng việc buôn bán như phương tiện sinh sống hoặc để làm ích cho kẻ khác, trừ trường hợp rất đặc biệt, nhưng phải được sự đồng ý của Đức Giám Mục Giáo phận” (Hc đ.27).

“Đức khó nghèo thôi thúc chị em:

Xây dựng nếp sống giản dị và chừng mực; vun trồng tinh thần tiết kiệm khi sử dụng thời giờ riêng, cũng như các đồ dùng và các của cải chung.

Tập luyện tinh thần siêu thoát, biết phân biệt điều cần thiết thực sự với điều ước muốn” (Hc đ.28).

Lao động là một điều cần thiết của đời sống khó nghèo, chúng ta không được bỏ qua việc lao động, và cũng không đánh giá công việc “sang – hèn” theo cái nhìn của thế gian, nhưng theo tinh thần của Chúa, tất cả mọi công việc đều có giá trị, nếu chúng ta làm tận tâm tận lực vì lòng yêu mến Chúa và hy sinh cho tha nhân. Thánh Phaolô đã nêu gương lao động: “đêm ngày chúng tôi đã làm lụng vất vả để không trở nên gánh nặng cho người nào…ai không làm cũng đừng ăn” (2 Tx 3,710).

 

– Tôi tận tụy làm việc trong cộng đoàn như thế nào? Tôi là người hy sinh dấn thân hay tôi là người hay ghen tỵ với chị em?

Tôi sống giản dị, chừng mực, tiết kiệm sử dụng thời giờ, sử dụng của cải đồ dùng chung như thế nào?

– Tôi biết nhận định và phân biệt điều cần thiết và điều ước muốn để tránh nhu cầu tự tạo như thế nào?

 

  1. Những quy định về sử dụng của cải vật chất

“Sau khi tuyên khấn lần đầu, chị em vẫn giữ quyền sở hữu tài sản và có khả năng thủ đắc thêm tài sản mới.

Nhưng trước khi tuyên khấn lần đầu:

 Chị em nhường việc Quản lý tài sản của mình cho ai tùy ý;

 Định đoạt về việc sử dụng tài sản và huê lợi của tài sản ấy.

Chậm nhất trước khi khấn trọn, chị em làm chúc thư định đoạt về tài sản của mình.

Khi có lý do chính đáng, cần sửa đổi điều gì trong việc trên, và khi làm bất cứ hành vi nào liên quan đến tài sản, phải có phép của chị Tổng Phụ Trách.

Bất cứ của gì chị em thủ đắc do công sức riêng hay vì danh nghĩa Hội dòng, cũng như các tặng phẩm, tiền trợ cấp, bảo hiểm đều thuộc về Hội dòng.

Các bề trên phải chu cấp tương xứng các nhu cầu của các thành viên. Hàng năm, cộng đoàn làm dự trù ngân sách chi tiêu cần thiết của cộng đoàn và đưa ra hạn mức chi tiêu thông thường hàng tháng cho các nhu cầu của cá nhân và đệ trình để bề trên Tổng quyền phê duyệt” (Hc đ.26; NQ đ.4).

Khi đã tuyên khấn, ta hoàn toàn thuộc về Chúa và thuộc về Hội dòng. Hiến Chương và Nội quy đưa ra những quy định rất rõ ràng. Vì vậy ta không giữ riêng của gì cho bản thân nhưng mọi sự đều làm của chung, chị em được sử dụng theo nhu cầu của mình. Các chị phụ trách phải quan tâm và chu cấp tương xứng các nhu cầu cho chị em để chị em an tâm phụng sự Chúa hết mình trong Hội dòng. Khi ta không giữ riêng của gì, thì ta sẽ thanh thoát và sẽ được Thiên Chúa là của cải duy nhất và vững chắc cho cuộc đời mình. Còn khi ta có quá nhiều bám víu vào những sự ở đời, ta sẽ không có Chúa vì Chúa không có chỗ trong cuộc đời của ta.

– Tôi đã hiểu và sống đúng với những qui định về việc sử dụng của cải vật chất chưa?

Tôi có cậy vào mình có tiền lương, tiền trợ cấp, hoặc nghĩ mình làm ra của cải hơn chị em để ghen tỵ, vênh vang không?

  1. Tinh thần chia sẻ – Chứng tá của đức khó nghèo theo Tin Mừng

“Mỗi cộng đoàn hãy tùy sức chia sẻ của cải vật chất và tinh thần cho các cộng đoàn trong Hội dòng, cũng như góp phần đáp ứng nhu cầu Giáo hội địa phương, và người nghèo.

Hằng năm, mỗi cộng đoàn trích một phần thu nhập để góp vào quỹ chung của Hội dòng, theo quyết định của Tổng tu nghị” (Hc đ.29).

“Mỗi chị em cũng như các cộng đoàn hãy cố gắng trở nên chứng tá sống động về đức bác ái và đức khó nghèo theo Tin Mừng:

Bằng sự tôn trọng công bình xã hội trong tương quan với mọi người.

Bằng thái độ sẵn sàng phục vụ mọi người cách vô vị lợi, nhất là người nghèo.

Bằng tinh thần thanh thoát vui tươi và đời sống đạm bạc thực sự.

Bằng cách tìm ra những hình thức mới để sống đức khó nghèo hôm nay” (Hc đ.30).

Sống khó nghèo là biết chia sẻ cho người khác về của cải vật chất cũng như tinh thần, thời gian và công sức, quan tâm đến những người nghèo.

Chứng tá của đức khó nghèo theo Tin Mừng là: nếp sống đơn sơ đạm bạc không xa xỉ, không sử dụng những đồ vật sang trọng, tinh thần thanh thoát vui tươi, thái độ phục vụ âm thầm vô vị lợi, sống công bằng bắc ái. Cách sống như vậy sẽ làm chứng cho mọi người biết mọi sự thế gian này sẽ qua đi chỉ có Chúa mới là của cải đích thực và vĩnh cửu.

– Đời sống của tôi đã là một lời chứng tá về sự khó nghèo theo Tin Mừng chưa?

– Tôi đã biết chia sẻ thời giờ, sức lực, khả năng, tinh thần, vật chất cho người khác chưa?

– Đời sống khó nghèo của tôi cần chỉnh đốn điều gì?

 

Tâm sự: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn gọi chúng con bước theo Chúa trong ơn gọi đời sống thánh hiến. Chúng con thấy mình còn nhiều thiếu sót, yếu đuối, bất toàn, vô ơn. Nhưng Chúa vẫn yêu chúng con, bất chấp tội lỗi và sự yếu hèn của chúng con. Chúng con xin lỗi Chúa, xin Chúa tha thứ cho chúng con, có lúc chúng con vẫn bám víu vào những thụ tạo mau qua. Xin cho chúng con ơn hoán cải và canh tân để chúng con biết yêu Chúa bằng một tình yêu trọn vẹn không bớt xén, bằng một tình yêu chân thực không giả dối, sống nghéo khó theo Tin Mừng, trung thành với ơn gọi thánh hiến và bước đi theo con đường của Chúa, sống thánh thiện trong  cách ăn nết ở hằng ngày của chúng con. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *