Giải thích tuyên bố của Công đồng Vaticanô II: “Chính nhờ Phụng vụ, nhất là trong Hy tế Tạ ơn, mà ‘công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện’ ” (Hiến chế về Phụng Vụ Thánh – Sacrosanctum Concilium, số 2).
Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa Kitô đã hoàn tất công cuộc cứu độ nhân loại. Tuy nhiên, Người vẫn còn hiện diện cách đặc biệt khi Hội Thánh cử hành Phụng vụ để tiếp tục ban ơn cứu độ cho chúng ta. Vì vậy, Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Chính nhờ Phụng vụ, nhất là trong Hy tế Tạ ơn, mà ‘công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện’” (SC 2). Từ dòng suối Phụng vụ, nhất là từ bí tích Thánh Thể, ân sủng chảy tràn vào chúng ta và thực hiện cách hữu hiệu việc thánh hóa con người[1], và qua đó, công cuộc cứu chuộc chúng ta cũng được thực hiện trong Đức Kitô.
Vậy trước tiên ta cần hiểu “Phụng vụ” là gì? Phụng là tôn thờ, vụ là việc. Như vậy, Phụng vụ là việc tôn thờ[2]. Thuật ngữ “Phụng vụ” (liturgia), theo truyền thống Kitô giáo, có nghĩa là dân Thiên Chúa dự phần vào “công việc của Thiên Chúa”[3]. Phụng vụ là công trình của Đức Kitô, cũng là hành động của Hội Thánh. Nói cách khác, Phụng vụ là việc Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô để tôn vinh Thiên Chúa và kêu cầu ơn cứu độ. Đây là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh được các thừa tác viên hợp pháp cử hành nhân danh toàn thể Hội Thánh.[4] Qua Phụng vụ, Hội Thánh được dự phần vào công việc của Thiên Chúa và tiếp tục công trình cứu chuộc của Đức Giêsu.
Xét về bản chất, cử hành phụng vụ là cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô mà đỉnh cao là Hy tế Tạ ơn, để tôn vinh Thiên Chúa và cầu xin ơn cứu độ. Quả thế, trong phụng vụ của Hội Thánh, Đức Kitô chủ yếu biểu lộ và hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua của Người, mầu nhiệm mà khi còn sống cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu đã nhiều lần loan báo cho các môn đệ.[5] Do đó, “Phụng vụ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Hội Thánh, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Hội Thánh” (SC 10).
Từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã dựng nên con người, cho họ sống trong ân nghĩa, và được hạnh phúc trong vườn địa đàng. Tuy nhiên, vì bất tuân, con người đã phạm tội, phản bội và cắt đứt mối tương giao thân mật với Thiên Chúa. Hệ quả lớn lao và đau lòng nhất mà con người phải chịu là sự chết, phải xa lìa Thiên Chúa, và làm tôi sự dữ. Nhưng Đấng giàu lòng Thương xót, là Đấng đã dựng nên con người, đã hứa sẽ cứu chuộc con người khỏi vòng tội lỗi, khỏi sự kìm kẹp của Sa tan. Lời hứa ấy nay đã được thực hiện ngang qua cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô. Chính Người là nguồn ơn cứu độ trần gian, và sự sống của nhân loại.[6]
“Công cuộc cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo được tiên báo trong dân Cựu Ước, qua những kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa, nay được Chúa Kitô hoàn tất, chính yếu là nhờ mầu nhiệm Vượt Qua trong cuộc Khổ nạn hồng phúc, sự Phục sinh từ cõi chết và Thăng thiên vinh hiển của Người” (SC 5). Quả thế, Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã mặc lấy xác phàm, nên Người mang trong mình cả hai bản tính. Tuy là con người, nhưng Người cũng là Thiên Chúa, nên mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô không thể chỉ tồn tại trong quá khứ, mà vượt trên mọi thời gian và luôn là hiện tại, bởi vì “chính Người đã dùng cái chết của Người mà hủy diệt sự chết, và bất cứ điều gì Đức Kitô là, bất cứ điều gì Người đã làm, và đã chịu vì tất cả mọi người, đều tham dự vào tính vĩnh cửu của Thiên Chúa”[7].
Cử hành ở đây được hiểu vừa là tưởng niệm, vừa là hiện tại hóa mầu nhiệm cứu độ. “Trong bữa Tiệc ly, vào đêm bị trao nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy tế Tạ ơn bằng chính Mình và Máu Người, để nhờ đó, hy tế Thập giá được tiếp diễn qua các thời đại cho tới khi Người đến, và đã ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Hội Thánh việc tưởng niệm sự chết và sự phục sinh của Người” (SC 47). Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Hội Thánh làm cho cuộc tử nạn và phục sinh đó không trôi vào dĩ vãng, nhưng đi vào đời sống con người hôm nay một cách mầu nhiệm. Quả thật, Đức Kitô không chỉ hiến mình một lần, nhưng Người vẫn đang tiếp tục hiến mình để cứu chuộc nhân loại mỗi khi Hội Thánh cử hành phụng vụ. Do đó, khi các thừa tác viên và tín hữu cử hành Phụng vụ, thì chính là Đức Kitô đang hiện diện và chính Người đang cử hành.[8] Quả thế, công cuộc cứu chuộc do Đức Kitô thực hiện đã hoàn tất, nhưng Hội Thánh vẫn đang tiếp tục sứ mạng của Người. Người hằng hiện diện mỗi khi Hội Thánh cử hành Phụng vụ; Người hiện diện cách đặc biệt nơi Bí tích Thánh Thể để ban sự sống đời đời cho nhân loại, qua thừa tác viên, khi họ cử hành nhân danh Người (SC 7).
Mặc dù đã trải qua hơn hai ngàn năm, nhưng “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Hr 13, 8). Người là Khởi nguyên và là Tận cùng. Qua việc cử hành Phụng vụ, mà đỉnh cao là Hy tế Tạ ơn, Hội Thánh nhắc nhớ chính các biến cố đã giải thoát chúng ta, làm cho các biến cố đó hiện diện và tác động trong hiện tại.[9] Vì thế, Phụng vụ, nhất là Hy tế Tạ ơn, như là “nguồn mạch từ đó ân sủng tuôn tràn trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách vô cũng hữu hiệu, đồng thời Thiên Chúa được tôn vinh” (SC 10).
BTT Thiên Phúc – Sài Gòn
[1] X. SC 10.
[2] HĐGMVN. Từ Điển Công Giáo 500 Mục Từ (Tp. Hồ Chí Minh: Tôn Giáo, 2011). 277.
[3] GLHTCG số 1069.
[4] http://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaoluat/tusachgiaolygp/GLDuTong/Bai12.htm
[5] X. Mc 8, 27-33.
[6] Sách lễ Roma. Kinh tiền tụng.
[7] GLHTCG số 1085.
[8] Ibid.
[9] X. GLHTCG số 1104.
Tin cùng chuyên mục:
Khai mạc khoá Linh thao thứ 2 – năm 2025
Ngày 29/6: Thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ
Chúa nhật lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô – Năm C
Tĩnh Tâm Tháng 6 – Đề tai: “Đời sống tông đồ – Cùng nhau loan báo Tin Mừng”