TUẦN CỬU NHẬT KÍNH CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Từ ngày 19/5 đến 28/5/2023
Chủ đề: CHÚA THÁNH THẦN, ĐẤNG BAN SỰ HIỆP NHẤT
Lời dẫn:
Kính thưa chị em! Hôm nay, chúng ta sốt sáng bước vào tuần cửu nhật chuẩn bị mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Lễ này kết thúc Mùa Phục Sinh kéo dài 50 ngày kể từ biến cố Chúa Giêsu sống lại đến lễ Ngũ Tuần. Mừng kính lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Hội dòng cử hành tuần cửu nhật như một biến cố trọng đại và đặc biệt, vì lễ này mang ý nghĩa hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người trong cùng một Thánh Thần và cũng là ngày lễ Giáo Hội được khai sinh.
Nhân dịp mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Hội dòng chúng ta cùng nhau chiêm ngắm hình ảnh một Giáo hội sơ khai đầy Thánh Thần hoạt động, để cùng nhìn lại những chặng đường đã qua, đồng thời giúp nhau thăng tiến đời tu và sống Linh đạo Hiệp nhất ngay trong lòng Giáo Hội và nhân loại hôm nay. Nguyện xin Chúa Giêsu Phục Sinh ban ơn cho mỗi chị em chúng ta được ơn khôn ngoan để cùng với mọi người gặp gỡ, lắng nghe và phân định cách sáng suốt, nhằm hiệp thông với một Giáo Hội hiệp hành, sinh nhiều hoa trái thánh thiện và sống hạnh phúc hơn trong ơn gọi.
Xin Chúa Thánh Thần ngự đến và nhóm lên trong tâm hồn chúng ta ngọn lửa tình yêu Chúa, đổi mới con người cũ trở nên chứng nhân của sự hiệp nhất và sứ giả loan báo Tin mừng, mang ơn bình an của Chúa đến cho muôn người.
- Lưu ý:
- Trước giờ chầu Thánh Thể đọc ý cầu nguyện và hát Kinh Chúa Thánh Thần, sau đó hát bài CTT và mở Nhà Tạm.
- Kết thúc giờ chầu trong Tuần Cửu Nhật đọc Kinh Đức Mẹ Hiệp Nhất
Ngày thứ nhất: Thứ Sáu, 19/05/2023
THIÊN CHÚA BA NGÔI MẦU NHIỆM HIỆP NHẤT
- Ý cầu nguyện:
Hôm nay chúng ta bước vào ngày đầu tiên cử hành tuần Cửu nhật chuẩn bị mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chúng ta cùng nhau chiêm ngắm mầu nhiệm hiệp nhất nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Đồng thời hiệp thông với Mẹ Giáo hội dâng lên Chúa lời Tạ ơn, chúc tụng và ngợi khen. Nguyện xin Thiên Chúa, Đấng mời gọi chúng ta nên một với Ngài trong cùng một Đặc sủng và Linh đạo hiệp nhất. xin Người ban cho chúng ta được ơn biến đổi, để chị em trong Hội dòng theo gương Mẹ Maria khiêm tốn, lắng nghe, cùng nhau phân định và thực thi ý Chúa trong thời đại hôm nay.
- Hát:Kinh Chúa Thánh Thần
- Mở Nhà Tạm
- Hát: CTT…
- Lời Chúa: Ga 14, 5-12
- Suy niệm:
Trưa Chúa Nhật 30/5/2021, Lễ Chúa Ba Ngôi, ĐTC đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc Kinh, Đức Thánh Cha có một bài huấn dụ ngắn. Ngài nói: sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu, theo khuôn mẫu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, không phải là một thái độ hay một lối nói, nhưng là thiết yếu đối với từng người Kitô hữu.
Mầu nhiệm hiệp nhất nơi Thiên Chúa Ba Ngôi được thấy trong cách diễn đạt của Thánh Gioan, vốn tóm toàn bộ mạc khải: “Thiên Chúa là tình yêu”. Chúa Cha là tình yêu, Chúa Con là tình yêu, Chúa Thánh Thần là tình yêu.
Và với tình yêu, Thiên Chúa, tuy là một, nhưng không cô độc mà là hiệp thông, giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Bởi vì tình yêu tự bản chất tự thân là một món quà, và trong thực tại nguyên thủy và vô hạn là Chúa Cha, đã tự trao ban sinh ra Chúa Con, Đấng! đến lượt mình, tự hiến cho Chúa Cha và tình yêu lẫn nhau giữa Cha và Con chính là Thánh Thần, mối dây hiệp nhất giữa Cha và Con. Do đó, tình yêu thông hiệp nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm tuyệt diệu của tình yêu và ánh sáng, nơi nguồn cội của chúng ta và định hướng cho cuộc hành trình trần thế trong ơn gọi Đức Mẹ Hiệp nhất mà Chúa mời gọi.
Thật vậy, nhờ Đức Ki-tô, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha. Được mời gọi sống hiệp nhất theo khuôn mẫu Thiên Chúa Ba Ngôi và thực thi khát vọng hiệp nhất của Chúa Ki-tô, chị em trở nên nhân tố hiệp nhất trong lòng Giáo hội bằng đời sống cầu nguyện, sự hiện diện yêu thương và tận tâm phục vụ như một nữ tỳ khiêm hạ của Thiên Chúa.[1]
Trong sự đơn sơ và khiêm nhường, Mẹ Maria cũng đã phản ánh vẻ đẹp của Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Mẹ đã hoàn toàn đón Chúa Giêsu vào cuộc đời mình. Mẹ nâng đỡ đức tin của chúng ta; làm cho chúng ta trở nên những người thờ phượng Thiên Chúa và là tôi tớ của mọi người.
Noi gương Mẹ Maria, Mẹ của sự hiệp nhất. chị em được mời gọi sống hiệp nhất với Thiên Chúa Ba Ngôi, chính là nguồn mạch và ân sủng hiệp nhất trong Giáo hội cũng như hiệp nhất theo tinh thần Đặc Sủng và Linh Đạo của Hội dòng.
Lạy Chúa Giêsu, giữa một thế giới đầy biến động, Mẹ Giáo hội mời gọi chúng con trước khi đem Chúa đến cho người khác, thì chúng con phải có Chúa nơi chính mình. Vì, “không ai có thể cho cái mà người ta không có”. Xin cho mỗi chị em trong Hội dòng chúng con, có một đời sống tương quan mật thiết với Thiên Chúa Ba Ngôi, như nguồn mạch và ân sủng tuôn trào trong đời sống và ơn gọi thánh hiến. Amen
Ngày thứ hai: Thứ Bảy, 20/05/2023
HIỆP NHẤT VỚI THIÊN CHÚA
ĐỂ SỐNG THEO SỰ HƯỚNG DẪN CỦA CHÚA THÁNH THẦN
- Ý cầu nguyện:
Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho mọi tín hữu khắp thế giới, cách riêng cho mỗi chị em trong Hội dòng ngày càng vững tin vào tình yêu của Chúa là Cha và sự hiện diện của Ngài nơi Bí tích Thánh Thể. Nguyện xin Chúa ban Chúa Thánh Thần soi sáng giúp chúng ta nhận ra ơn huệ Chúa ban và hằng khao khát cùng với chị em bước đi trong linh đạo Đức Mẹ Hiệp Nhất.
- Lời Chúa: Galat 5, 13-26
“Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy! Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa. Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa. Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước. Chúng ta đừng tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau.”
- Suy niệm:
Trong trích đoạn Thư gửi tín hữu Galát mà chúng ta vừa nghe, Thánh Phaolô khuyên nhủ các Kitô hữu hãy bước đi theo Chúa Thánh Thần, đó là một phong cách: bước đi theo Chúa Thánh Thần. Thật vậy, tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là bước đi theo Ngài, đi sau Ngài trên con đường của Ngài, giống như các môn đệ đầu tiên đã làm. Và đồng thời, nó có nghĩa là tránh đi theo cách ngược lại đó là chủ nghĩa ích kỷ, tìm kiếm lợi ích cho bản thân, mà Thánh Tông đồ gọi là “đam mê của xác thịt”. Thần Khí là người hướng dẫn cho hành trình đi theo con đường của Chúa Kitô, một hành trình kỳ diệu nhưng đầy khó khăn bắt đầu trong Bí tích Rửa tội và kéo dài suốt cuộc đời của chúng ta.
Việc “bước đi theo Chúa Thánh Thần” này không chỉ là một bổn phận cá nhân, mà liên quan đến cả cộng đoàn. Trên thực tế, việc xây dựng cộng đoàn theo cách Thánh Phaolô đã chỉ dẫn là một điều thú vị, nhưng cũng gian truân. Chúng ta có thể nói “những đam mê của xác thịt”, “những cám dỗ” mà tất cả chúng ta đều có; nghĩa là, sự ghen tị, thành kiến, đạo đức giả và những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta có thể dễ dàng trở thành một cám dỗ. Nhưng làm điều đó có nghĩa là đi lạc khỏi con đường tự do, và thay vì đưa ta đến gần Chúa và gần nhau hơn, thì nó lại đưa chúng ta xa Chúa xa nhau.
Trước hết, bước đi theo con đường của Thần Khí đòi hỏi phải dành không gian cho ân sủng và bác ái. Hãy dành chỗ cho ân sủng của Chúa. Đừng sợ! Sau khi làm cho tiếng nói của mình được tiếp nhận cách nghiêm túc, Thánh Phaolô mời gọi ta hãy mang lấy những khó khăn của nhau, và nếu ai đó sai lỗi, hãy dịu dàng và kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh.
Thực ra, khi chúng ta bị cám dỗ xét đoán không tốt về người khác, như chuyện thường xảy ra, chúng ta phải suy ngẫm về sự yếu đuối của chính mình. Chỉ trích người khác thì rất dễ! Có những người dường như ngày nào họ cũng chỉ trích người khác. Hãy nhìn lại chính mình! Sẽ rất tốt nếu chúng ta tự hỏi điều gì đã thúc đẩy chúng ta sửa lỗi chị em, nếu một cách nào đó chúng ta không thấy mình chịu chung trách nhiệm về sai lỗi của người chị em. Ngoài việc ban cho chúng ta ơn hiền hòa, Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta liên đới với nhau, để mang lấy gánh nặng của nhau. Hiến chương mời gọi chị em: “Hãy ý thức rằng mỗi chị em trong cộng đoàn là do Thiên Chúa gửi đến, chứ không do mình lựa chọn theo ý muốn riêng tư. Vì vậy, hãy chấp nhận và thông cảm với con người thực tế của chị em: Trong tâm tình biết ơn; trong ý thức trách nhiệm; đón nhận trong tinh thần đồng trách nhiệm.”[2]
Đời người có biết bao gánh nặng: bệnh tật, đau khổ, cô đơn, yếu kém, …! Và biết bao thử thách khác đòi hỏi sự gần gũi và sự yêu thương của nhau.
Chúng ta hãy bước đi với niềm vui và sự kiên nhẫn trên con đường hiệp nhất, yêu thương theo Thần khí, tức là cho phép mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con cầu xin ơn hiệp nhất ngay trong chính con người nội tâm của mình: đón nhận những yếu đuối, bệnh tật và giới hạn của nhau vv….Chỉ khi chúng con hiệp nhất với Chúa, với con người mình, chúng con mới có thể sống hiệp nhất với nhau, từ tư tưởng, lời nói đến hành động. Nếu không có sự hiệp nhất với Chúa, và trong chính mình, chúng con chỉ là những con người luôn gây chia rẽ dù ở bất cứ nơi đâu Chúa gửi đến. Như vậy, chúng con không thể là tác nhân và không có khả năng để kiến tạo sự hiệp nhất. Xin Thánh Thần biến đổi chúng con nên những con người sống theo Thần khí hướng dẫn để xây dựng sự hiệp nhất.
Kết thúc: Kinh Đức Mẹ hiệp nhất
Ngày thứ 3: Chúa Nhật, 21/05/2023
HIỆP NHẤT VỚI CHÚA THÁNH THẦN TRONG CHÂN LÝ VÀ SỰ THẬT
- Ý cầu nguyện:
Trong giờ Chầu này, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho thế giới được hòa bình. Xin Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng cho chiến tranh đang diễn ra ở Châu Âu mau chấm dứt; cho các tín hữu biết tín thác cậy trông vào tình yêu quan phòng của Chúa; cho những người nghèo có lương thực và được quan tâm; những người thất nghiệp sớm tìm được công ăn việc làm; những người di dân ở khắp mọi nơi được bình an và được đón tiếp như dân tộc mình. Nguyện xin Chúa Thánh Thần là Đấng hằng liên kiết mọi người trên thế giới, biết quảng đại giúp đỡ lẫn nhau vì tình yêu bác ái.
- Lời Chúa: Ga 16, 12-15
“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.
- Suy niệm:
Ngày nay, con người khao khát sự thật biết là chừng nào! Tuy nhiên, con người cũng rất sợ sự thật và ngại khi nghĩ hay nói về nó. Khao khát, bởi vì chỉ có sự thật chân tình, người ta mới có thể ngồi lại với nhau, mới có thể cùng nhau giải quyết vấn đề cho tốt. Người ta sợ sự thật, bởi vì sự thật sẽ làm cho những người ưa sống hình thức, hào nhoáng, giả tạo bị phanh phui, bóc trần. Người ta ngại sự thật, bởi vì khi đối diện với sự thật, họ phải thay đổ lối sống và cách nghĩ.
Tuy nhiên, cái khó là: nhiều khi không biết đâu là thật, đâu là giả, nên có những sự kiện tưởng chừng như là thật thì lại là giả; đôi khi cái tưởng là giả thì hóa ra lại là thật.
Hôm nay, Đức Giêsu giới thiệu cho các môn đệ biết Chúa Thánh Thần chính là Đấng sẽ giúp cho các ông biết đâu là sự thật trong mầu nhiệm cứu độ, để các ông cứ theo sự hướng dẫn của Người mà tiến bước thì sẽ được cứu độ.
Cuộc đời của Đức Giêsu đã hoàn toàn đứng về phía sự thật, và Ngài không ngần ngại tuyên bố: “Tôi đến trong thế gian để làm chứng cho sự thật. Chính vì điều này mà tôi đã đến”. Ngài cũng kêu gọi: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Chính vì thế, từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các môn đệ, các ông mới hiểu đúng sứ mạng của Đức Giêsu là: đến để cứu chuộc chứ không phải vì chính trị!
Trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, nhiều khi cũng chẳng khác gì các môn đệ khi xưa. Có những lúc chúng ta uốn nắn Lời Chúa, HC và NQ; chỉ thị của Bề trên, để phỏng chiếu dưới cái nhìn thiển cận và ích kỷ của mình, nhằm tránh những khó khăn do hoàn cảnh và nhu cầu sứ mạng. Lấy Lời Chúa làm bình phong để hỗ trợ cho sự gian dối hay những mục đích tinh thần xác thịt hơn là tinh thần của Chúa. Những lúc như thế, ấy là lúc chúng ta không đứng về phía sự thật và không sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Mong sao, mỗi chị em chúng ta ý thức sự thánh hiến thuộc về Thiên Chúa qua Bí tích Rửa tội và việc tuyên khấn mà Chúa Cha thánh hiến chúng ta thuộc về Ngài, thánh hiến chúng ta trong sự thật, chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần thật dồi dào, phong phú. Đây là một hồng ân, và cũng là trách nhiệm đòi chúng ta phải đứng về phía sự thật, làm chứng cho sự thật, dầu có phải chết.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con can đảm lựa chọn sự thật. Thế giới hôm nay biết bao đổ vỡ trong tương quan gia đình, bạn bè, vv…là do con người sống gian dối, lừa lọc, thiếu sự thật. xin cho chúng con dám lội ngược dòng và trung thành đi theo Chúa đến cùng trong LINH ĐẠO HIỆP NHẤT, để làm chứng cho sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng con. Amen.
Kết thúc: Kinh Đức Mẹ hiệp nhất
Ngày thứ tư: Thứ Hai, ngày 22/05/2023
HIỆP NHẤT VỚI CHÚA GIÊSU, ĐẤNG HỨA BAN CHÚA THÁNH THẦN
- Ý cầu nguyện:
Chúng ta cùng dâng lên Chúa giờ chầu này để cầu nguyện cho các quí ân nhân và thân nhân của Hội dòng, cũng được hiệp nhất với Chúa, với Hội dòng và hiệp thông với nhau trong cùng một Thánh Thần. Nguyện xin Chúa thưởng ban Nước trời cho các quí ân nhân, thân nhân,trong đó có quí Đấng Bậc, chị em trong Hội dòng và quí ông bà cố của chị em đã qua đời.
- Lời Chúa: Ga 14, 21-26
- Suy niệm:
Bài Tin Mừng cho thấy: Đức Giêsu trước khi trở về với Chúa Cha, Ngài đã giới thiệu Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, là Đấng Bảo Trợ sẽ đến với các môn đệ.
Khi giới thiệu Chúa Thánh Thần như thế, Đức Giêsu muốn nhắc cho các môn đệ rằng: khi Chúa Thánh Thần đến, Người sẽ làm chứng và giúp các ông hiểu được tất cả những gì Đức Giêsu đã làm và những lời Ngài đã dạy trước đó. Mặt khác, Chúa Thánh Thần sẽ ban ơn phù trợ, để các ông can đảm làm chứng và sẵn sàng đón nhận tất cả mọi khổ đau vì Đức Giêsu.
Thật vậy, nếu không có Chúa Thánh Thần, các môn đệ vẫn là những con người khờ dại, kém tin và sợ sệt thủa nào. Tuy nhiên, khi đón nhận Chúa Thánh Thần, các ông trở nên những người can đảm, uyên thâm, mạnh mẽ và dám chấp nhận tất cả, kể cả cái chết để làm chứng cho điều mình loan báo là có thật, đáng tin. Các ông đã thực hiện lời nói đi đôi với hành động.
Sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy ngoan ngùy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Sẵn sàng can đảm loan báo Lời Chúa, chấp nhận mọi thử thách đau thương để Lời Chúa được lan rộng khắp nơi. Tin và sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần còn là một lời mời gọi chúng ta từ bỏ con đường, cách sống và hành vi cũ, chấp nhận lột xác, trở nên con người mới để được biến đổi như các môn đệ khi xưa.
Trong Thông điệp Loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã để lại cho chúng ta một phương châm thực hành như sau: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (số 41). Cũng vậy, các quí Đấng bậc, vị tiền nhân và chị em trong Hội dòng đã qua đời là những chứng nhân sống động trong việc bảo vệ và gìn giữ tinh thần và gia sản Linh Đạo HIỆP NHẤT cho thế hệ chúng ta hôm nay được thừa hưởng, là một gia tài cao quí mà Thiên Chúa đã ban cho các ngài để lại. Đến lượt chúng ta, Chúa Thánh Thần mời gọi chị em trân quí, giữ gìn và sống tinh thần Hiệp Nhất như gia sản mà Chúa muốn chúng ta gìn giữ và phát triển.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần trên chúng con. Xin cho chúng con được ơn biến đổi. Can đảm làm chứng và loan báo Lời Chân Lý của Chúa đến với muôn dân. Xin cho mỗi người chị em trong Hội dòng chúng con biết gìn giữ gia sản tinh thần mà các bậc tiền nhân đã để lại bằng đời sống hiệp nhất và yêu thương. Đó là một chứng từ sống động nhất để dâng lên Thiên Chúa với lòng tri ân. Amen.
Ngày thứ năm: Thứ Ba, 23/05/2023
HIỆP NHẤT VỚI GIÁO HỘI
LÀ GIÁO HỘI ĐƯỢC CHÚA THÁNH THẦN SAI ĐI
Ý cầu nguyện:
Trong giờ chầu này, chúng ta cùng dâng lên Chúa mọi thành phần dân Chúa luôn hiệp nhất với nhau trong công cuộc loan báo Tin mừng của Giáo hội, cách riêng sứ vụ loan báo Tin mừng của Hội dòng trong mọi hoạt động cụ thể, mà chị em được trao phó từ Hội dòng. Xin Chúa Thánh Thần ban ơn cho các nhà truyền giáo, cũng như từng chị em có lòng nhiệt thành hăng say trong công cuộc loan báo Tin mừng mở rộng Nước Thiên Chúa.
- Lời Chúa: Mt 28, 16-20
- Suy niệm:
Nếu Giáo Hội không là đoàn thể những người tin vào Đức Kitô và được Ngài sai đi cho một sứ mạng chung là: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (c 19-20), thì chúng ta không có lý do để hợp tác, tham gia, đóng góp, như mục tiêu thứ hai được Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI đề ra, bởi nói đến tham gia là nói đến cùng một sứ mạng, cùng nhắm chung một mục đích, bởi không cùng mục đích, không cùng sứ mạng, thì tham gia, đóng góp sẽ không có giá trị và trở nên vô nghĩa.
Tất cả mọi Kitô hữu, nhờ bí tích rửa tội đều được sai đi để cùng thi hành một sứ mạng chung, đó là ý muốn của Thiên Chúa, là lệnh lên đường của Đức Giêsu khi sai chúng ta ra đi để làm nhân chứng sống động, làm ánh sáng muôn dân, làm muối men cho đời. Bí tích rửa tội tháp nhập những người đáp lời mời gọi đi theo Đức Giêsu vào Thân Thể Ngài là Hội Thánh và đặt trên vai tất cả những ai đi theo làm môn đệ Đức Giêsu sứ vụ xây dựng Giáo Hội. Chính vì tất cả chúng ta cùng được kêu gọi, cùng được chịu phép rửa, cùng được tháp nhập như các chi thể vào Thân Thể Đức Kitô nên có trách nhiệm cùng tham gia, cộng tác, đóng góp xây dựng Giáo Hội với tất cả tình yêu.
Vì thế, phải khởi đi từ sứ mạng chung, bắt nguồn từ ơn gọi chung “được sai đi loan báo Tin Mừng”, các thành phần Dân Chúa mới có thể chân thành và hăng hái cùng nhau tham gia, đóng góp xây dựng Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô là Hội Thánh.
Thật vậy, lời mời gọi ra đi thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Hội dòng cũng được sai đi và cộng tác vào sứ vụ LBTM của Giáo Hội trong mọi hoạt động mà ơn gọi thánh hiến đòi hỏi. Được thánh hiến cho Thiên Chúa trong Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất, chị em được mời gọi thực hiện lời cầu xin tha thiết của Chúa Giêsu: “Xin Cha cho hết thảy chúng được nên một, lạy Cha, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, xin cho chúng cũng trở nên một trong chúng ta, ngõ hầu thế gian tin là Cha đã sai Con”. Chị em tham dự vào sứ vụ của Chúa Giêsu, bằng cách xây dựng sự hiệp nhất qua cầu nguyện, lời nói, việc làm, phẩm chất của sự hiện diện, để ước nguyện “Xin cho chúng nên một” của Chúa Giêsu được thực hiện trong môi trường mà Thiên Chúa quan phòng ban cho chúng ta.[3]
Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng dạy bảo chúng con mọi điều và ban cho chúng con hiểu Lời Chân Lý của Chúa Con. Xin hiệp nhất chúng con trong tinh thần và sứ mạng Chúa trao phó qua Hội dòng và biến đổi chúng con thành những tông đồ nhiệt thành Loan báo Tin mừng cho con người hôm nay. Amen
- Kết thúc: Kinh Đức Mẹ hiệp nhất
Ngày thứ sáu: Thứ Tư, 24/05/2023
HIỆP NHẤT VỚI CHÚA GIÊSU TRONG LỜI NGUYỆN “XIN CHO MỌI NGƯỜI NÊN MỘT”
- Ý cầu nguyện:
Chúng ta cùng dâng lên Chúa giờ chầu này để cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, các gia đình thánh hiến, các quốc gia, các tôn giáo cùng tin vào Thiên Chúa. Xin cho chúng con hiệp nhất với nhau trong chân lý và sự thật, mọi tín hữu đều đồng tâm nhất trí, một lòng xây dựng Giáo hội và cùng nhau xây dựng đại gia đình Thiên Chúa. Xin Chúa cho từng chị em trong Hội dòng biết khiêm tốn, hiệp nhất cộng tác với người khác cùng làm việc, để xây dựng một Giáo hội hiệp nhất và làm vinh danh Chúa hơn.
- Lời Chúa: Ga 17, 11b – 19
- Suy niệm:
Lời cầu nguyện tha thiết của Chúa Giêsu xin cho các môn đệ và cả chúng ta ngày hôm nay nữa nên một như Chúa Cha ở trong Chúa Con và Chúa Con ở trong Chúa Cha, vang lên trong phụng vụ cuối cùng của mùa Phục Sinh, khi mà chúng ta đang chuẩn bị tâm hồn mừng Chúa Thánh Thần hiện xuống như lời Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ trong bữa tiệc ly trước khi về trời.
Khi đến giờ rời bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ nhiều điều. Kinh nguyện mở đầu bằng lời khẩn cầu danh Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con. Tiếp đến là xin “Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha”. Và sau cùng là lời cầu xin cho các môn đệ.
“Xin cho chúng nên một”. Chúa Giêsu thấu hiểu những yếu đuối mỏng giòn của các môn đệ, nên Người tha thiết cầu xin Cha cho họ được hiệp nhất trong tin yêu, để các ông có thể thi hành sứ mạng rao giảng tin Mừng Nước Thiên Chúa, một sứ mạng vô cùng khó khăn và đầy những thử thách, các ông phải tự mình đương đầu. Dù sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, hoạt động của các ông không qui về mình hay hướng về người khác, nhưng qui hướng về Chúa. Đó là lý do khiến Chúa Giêsu cầu nguyện: “Xin cho họ nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17, 21). Nhờ “sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần”, được ràng buộc “bởi sợi dây bình an”, tất cả họ sẽ “duy trì sự hiệp nhất của Thần khí. Chỉ có một Thân mình và một Thần khí ” giúp ta hợp nhất với nhau.
Vì muốn hiệp nhất muôn người trong Thiên Chúa, nên Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu đến thế gian để thánh hiến họ trong chân lý. Chúa Giêsu ban vinh quang cho các môn đệ: “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con”. Vinh quang ở đây là Chúa Thánh Thần, Đấng liên kết con người với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã ban cho họ vinh quang khi nói, “Hãy lãnh nhận lấy Chúa Thánh Thần”. Chúa Giêsu đã nhận được vinh quang khi mặc lấy bản tính loài người chúng ta, bản tính đã được tôn vinh trong Thánh Thần. “Xin Cha gìn giữ chúng”. Trong suốt thời gian ở giữa các môn đệ, Chúa Giêsu đã trung thành gìn giữ họ. Khi trở về cùng Cha, Người không vắng mặt, Người cầu xin Cha cho họ, để họ giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, là Cha và Con và Thánh Thần.
Chúa Giêsu đến thế gian để hoàn thành sứ mạng mà Chúa Cha đã trao, đến lượt các môn đệ, họ cũng được trao cho một sứ mạng. Chúa Giêsu không xin Cha đưa họ ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi những hiểm nguy của thế gian. Vì nếu đưa họ ra khỏi thế gian thì sứ mạng tông đồ của họ chấm dứt. Xin Cha gìn giữ họ khỏi bị thế gian lây nhiễm, và thánh hoá họ trong sự thật, xin cho họ được tràn đầy Thần Chân Lý.
Xin thánh hiến họ. Lời khẳng định trên cho thấy Chúa Giêsu và các môn đệ không thuộc về thế gian. Người ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta. Chúa Thánh Thần là sự hiệp nhất của Chúa Cha và Chúa Con, liên kết tâm hồn chúng ta với Chúa Cha, kết hợp trái tim tội lỗi của chúng ta với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế. “Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian”. Người cũng xin Chúa Cha thánh hiến họ “trong sự thật”.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cầu xin cho chúng con được hiệp nhất nên một và thánh hiến chúng con qua ba lời khuyên Phúc âm. Giáo hội đón nhận, chúc lành và kết hiệp chúng con vào Hy lễ tạ ơn. Xin liên kết chúng con nên một trong tình yêu Chúa với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và giúp chúng con sống đời tận hiến cho Thiên Chúa cách sống động, thánh thiện trong ơn gọi Đức Mẹ Hiệp Nhất. Amen.
Ngày thứ 7: Thứ Năm, 25/05/2023
CHÚA THÁNH THẦN HIỆP NHẤT HỘI THÁNH NÊN MỘT
- Ý cầu nguyện:
Hôm nay chúng ta bước vào ngày thứ bảy cử hành tuần Cửu Nhật. Chúa Giêsu cầu nguyện cho Hội thánh của Ngài được hiệp nhất nên một trong cùng một niềm tin vào Thiên Chúa. Ngài ước nguyện “xin cho mọi người được nên một” với Thiên Chúa và với nhau. Đây chính là trách nhiệm của mỗi thành viên trong Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất, chúng ta cần phải thấm nhuần và sống trong ơn gọi thánh hiến của mình. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần nâng đỡ từng chị em trong Hội dòng, để Người biến đổi chị em trở nên tác nhân xây dựng sự hiệp nhất ngay trong cộng đoàn và môi trường Chúa gửi chị em tới.
- Lời Chúa: Ga 17, 20-26
“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”
- Suy niệm:
Bài Tin mừng của thánh Gioan hôm nay đặt chúng ta, những người tin vào Lời Chúa và Chúa Giêsu cầu nguyện cách đặc biệt cho tất cả chúng ta được trở nên một, như các thành phần chi thể trong một thân mình duy nhất của Ngài, đó là Hội thánh. Cũng như Ngài và Chúa Cha đã kết hợp nên một. Sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là sự hiệp nhất trong tình yêu thương và sự vâng phục, và đó là sự hiệp nhất mật thiết nhất. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta trước nhất và Ngài kết hợp với chúng ta trong bí tích Thánh Tẩy, qua đó chúng ta được kêu gọi để sống trong sự hiệp nhất và tình yêu trong Giáo Hội.
“Xin cho chúng nên một”. Đây là lời nguyện khẩn thiết của Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha cho các môn đệ của mình. Đức Giêsu cũng nêu lên mẫu gương hiệp nhất giữa Chúa Cha và Ngài. Và như thế, Đức Giêsu cũng mời gọi các môn đệ cũng hiệp nhất với nhau như Chúa Cha và Chúa Con là một. Qua đó, mọi người sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Thầy, đó là chúng ta yêu thương nhau.
Ngày nay, người Kitô hữu chúng ta sống sự hiệp nhất ấy qua lời cầu nguyện, bằng hành vi đức tin và sự liên đới. Sự hiệp nhất chỉ có thể có khi chúng ta chấp nhận “hiệp nhất trong đa dạng”. Biết lắng nghe, thông cảm và tôn trọng mọi người.
Lời cầu nguyện và mong muốn của Đức Giêsu khi xưa cho các môn đệ được hiệp nhất, cũng chính là lời cầu nguyện và mời gọi của Ngài dành cho chúng ta hôm nay.
Với ân sủng này, chúng ta cùng Ngài đi vào sự hiệp nhất với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần: “Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con” (Ga 17, 22-23).
Có hiệp nhất với nhau, các kẻ tin mới tỏ ra mình không phải là những con người bị chia rẽ bởi những tranh chấp, nhưng là những con người trưởng thành trong đức tin, trưởng thành trong lòng mến và có khả năng gặp gỡ nhau nhờ việc cùng tìm kiếm chân lý cách chân thành và vô vị lợi.
Như thế, sự hiệp nhất chứng tỏ chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu, chứng tỏ chúng ta là những người trưởng thành trong đức tin cậy mến, và đó là lý do thu hút người ngoài, để họ dễ tin vào lời chứng của chúng ta.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng con, luôn biết khiêm tốn sống trung thành với Linh đạo mà Chúa đã ban. Trong tình chị em, xin cho chúng con biết đón nhận sự khác biệt của nhau, để tìm về một mối hiệp nhất trong tình yêu. Xin Chúa ban cho chúng con ơn khôn ngoan để mắt tâm hồn chúng con được sáng suốt nhìn ra Chúa hiện diện trong từng biến cố của cuộc đời, nhìn ra Chúa đang hiện diện trong mỗi anh chị em, và nhất là trong những dấu chỉ thời đại hôm nay. Để nhờ đó mỗi ngày chúng con sống hiệp nhất yêu thương nhau hơn. Amen
Kết thúc: Kinh Đức Mẹ hiệp nhất
Ngày thứ tám: Thứ Sáu, 26/05/2023
HIỆP NHẤT TRONG CÙNG MỘT ĐẶC SỦNG VÀ LINH ĐẠO
- Ý cầu nguyện:
Chúng ta cùng dâng lên Chúa giờ chầu này để cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo hội hoàn vũ, Giáo phận và Hội dòng. Nguyện xin Chúa Thánh Thần liên kết mọi thành phần dân Chúa được hiệp nhất với nhau trong cùng một Thánh Thần. Cách riêng cho từng chị em trong Hội dòng được hiệp nhất trong cùng một Đặc sủng và Linh Đạo mà Chúa Thánh Thần đã khơi dậy nơi Đấng Sáng Lập dòng. Cũng trong tháng kính Đức Mẹ, chúng ta hướng nhìn về Đức Maria người nữ tỳ Thánh Thể, nhờ lời cầu bầu của Mẹ, xin Chúa cho những người phụ nữ, trẻ em trên khắp mọi nơi đang bị tổn thương do nạn xâm hại tình dục, sớm lấy lại được tinh thần và sống với con tim quảng đại, tha thứ.
- Lời Chúa: Ep 2, 14-18
Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét;Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.
- Suy niệm:
Thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Êphêsô trình bày cho chúng ta về Đức Kitô chính là Đấng ban bình an cho các tín hữu. Chính cái chết và sự Phục sinh của Người liên kết dân Do thái và dân ngoại thành một dân duy nhất trong Người. Nhờ thập giá của Đức Giêsu mà làm cho con người tội lỗi chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa là Cha và được liên kết với nhau trong một Thần Khí.
Cũng trong dòng chảy của Ân Sủng ấy, Hội dòng mời gọi chị em toàn dòng cùng nhau suy tư và nhìn lại những chặng đường đã qua để trở về nguồn. Đây cũng là dịp Chúa muốn chúng ta cùng nhau nhìn lại, lượng giá và canh tân tinh thần sống Đặc sủng và Linh đạo, cũng như sứ mạng của Hội dòng trong những giai đoạn khởi đầu. Hội dòng mời gọi từng thành viên tiếp tục đào sâu hơn và thấm nhuần tinh thần sống Đặc sủng – Linh đạo của mình cách cụ thể trong năm Hội dòng kỷ niệm 60 năm hiện diện tại Việt Nam, cụ thể tại Giáo Phận Bắc Ninh thân yêu này.
Noi gương Đức Maria, Đấng luôn hiệp nhất với thánh ý của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể như một nữ tỳ hèn mọn. Chị em Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất cũng được mời gọi sống tinh thần hiệp nhất bằng đời sống cầu nguyện, bằng sự hiện diện yêu thương, hy sinh, tận tâm phục vụ như một nữ tỳ khiêm hạ của Thiên Chúa.[4] Chị em kiên trì cầu nguyện cho tất cả mọi người được nên một (Ga 17,21). Đặc biệt cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội và các thành phần trong Giáo Phận. Để xây dựng sự hòa hợp hiệp nhất trong môi trường sinh sống, chị em cố gắng kiến tạo sự hiệp nhất trong cộng đoàn (Pl 2,2-4), cũng như lên đường loan báo tình thương của Chúa (Lc 1,39), qua các công tác phục vụ (Ga 2,3.5)[5].
- Đâu là điều Chúa Thánh Thần, Đấng khơi dậy tôi sống tinh thần Đặc sủng và Linh đạo của Hội dòng?
- Đức Maria có vai trò gì trong đời sống và ơn gọi của tôi theo tinh thần Đặc sủng – Linh đạo mời gọi?
- Kết thúc: Kinh Đức Mẹ hiệp nhất
Ngày thứ chín: Thứ Bảy, 27/05/2023
MẦU NHIỆM HIỆP NHẤT ÂN HUỆ THÁNH THẦN
TRONG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
- Ý cầu nguyện:
Chúng ta dâng lên Chúa giờ chầu này để cầu nguyện cho Hội dòng ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nguyện xin Chúa Thánh Thần thổi bùng lên trong từng chị em ngọn lửa của lòng nhiệt huyết sống hiệp nhất yêu thương, can đảm, dấn thân hơn trong sứ mạng Chúa trao phó. Nhờ đó, Hội dòng có thêm nhiều ơn gọi trẻ và có thể đáp ứng được công việc mục vụ trong cánh đồng truyền giáo mênh mông của Giáo phận.
- Lời Chúa: Ga 7, 37-39
“Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng. Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.”
- Suy niệm:
Tông hiến Đời sống Thánh Hiến – Vita Consecrata của Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 25 tháng 03 năm 1996 có đoạn: “Đời sống thánh hiến, bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Chúa Kitô, là một ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo Hội của Người qua trung gian của Thánh Thần. Nhờ việc tuyên giữ các lời khuyên Tin mừng, các nét đặc trưng của Đức Giêsu -khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục – trở thành hữu hình giữa lòng thế giới như một gương mẫu thường hằng, và các tín hữu được mời gọi hướng nhìn về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã tác động trong lịch sử, nhưng còn đang chờ đạt tới viên mãn ở trên trời”[6]
Vấn đề căn bản của con người, suy cho cùng quy về hai chữ tình yêu. Đã đến lúc phải khám phá lại ‘nghệ thuật yêu đương’ (theo nghĩa) nghệ thuật sống: sống xứng đáng với thiên chức làm người, như một thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên vì tình yêu và được kêu mời đến tình yêu”.
Một nhà tu đức nói độc thân, không phải thứ độc thân vị kỷ, trốn tránh, kìm nén, cứng nhắc, co quắp, sợ hãi, nuối tiếc, nhưng là một sự độc thân “uyển chuyển nhẹ nhàng, với niềm vui và nụ cười”. Nói cách khác, đó là sự “độc thân duyên dáng”, theo nghĩa: tràn đầy ân sủng và vẻ đẹp. Đó là đời độc thân với “nét đẹp” nội tâm, “chiếu tỏa dung mạo và phong cách của một con người cao quý”, với “nét sáng của tình yêu vô vị lợi, của lòng vị tha, của từ tâm và nhân hậu nơi một con người biết quên mình sống cho tha nhân”. Đời sống thánh hiến, người tu sĩ với ba lời khuyên Tin mừng trở nên tự do và thanh thoát với mọi quyến luyến lệch lạc và những ràng buộc bởi một đối tượng nào, nhưng là lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa và điều này, họ chỉ sống được thực sự bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần ban cho.
Ước chi mỗi chị em trong Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất, được Chúa ban cho ân sủng khiết tịnh duyên dáng, khó nghèo trong đơn sơ và vẻ đẹp trong vâng phục, để lan tỏa nét trong sáng và vẻ đẹp của tình yêu, hầu cho mọi người thấy được rằng Thiên Chúa là tất cả đối với chị em, và rồi mọi người có thể nhận ra nơi chúng ta “nụ cười Thiên Chúa” dành cho họ.
Chúa Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta sống triển nở và sung mãn ơn gọi thánh hiến, khi chị em sống gắn bó mật thiết với Thiên Chúa và lấy Thiên Chúa là cùng đích và tối thượng của đời mình. Cũng như cuộc đời của Đức Maria: “Như Đức Maria, chị em sống hiệp nhất với thánh ý Thiên Chúa và kiến tạo sự hiệp nhất giữa lòng nhân loại”[7]. Và noi gương: ‘Mẹ Maria, chúng ta sống đời thánh hiến cách khiêm tốn, vui tươi, đơn sơ, phó thác.’[8]
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban Chúa Thánh Thần cho từng người chúng con, để chúng con ý thức sống nghiêm túc ba lời khuyên Tin mừng theo sự hướng dẫn của Ngài, hầu làm sáng danh Chúa Ba Ngôi trong ơn gọi HIỆP NHẤT. Amen.
- Kết thúc: kinh Đức Mẹ hiệp nhất
Ngày 28/05/2023, CHÚA NHẬT
MỪNG LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
&
TAM NHẬT MẸ THĂM VIẾNG (Ngày thứ nhất: Tam Nhật)
- Ý cầu nguyện:
Kính thưa cộng đoàn, cùng với Mẹ Giáo Hội trong bầu khí vui mừng của ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cũng là ngày đầu tiên của Tuần Tam Nhật Lễ Mẹ Thăm Viếng.
Vào năm 1983, Vị Sáng Lập đặt làm lễ Bổn Mạng của Hội dòng cho tới nay là 40 năm. Chúng ta cùng nhau dâng lên Thiên Chúa những lời khẩn cầu và xin Chúa Thánh Thần đổ tràn ân sủng và TÌNH YÊU trên Hội dòng và cách riêng trên từng chị em. Xin Ngài ban thêm sức mạnh để chị em có khả năng sống và trở nên tác nhân của sự hiệp nhất trong chính gia đình cộng đoàn và môi trường chị em phục vụ. Đồng thời, chúng ta cầu nguyện cho chiến tranh thế giới dưới mọi hình thức được chấm dứt, cho những nhà lập pháp của các Quốc gia biết quan tâm đến những con người nghèo khổ, cho những người phụ nữ không có tiếng nói trong xã hội được bình đẳng, cho những trẻ em mồ côi, thất học được giáo dục đúng cách và được đến trường…và cho tất cả mọi người cùng nhau đi chung một con thuyền Giáo hội được hợp nhất nên một trong Thiên Chúa.
- Lời Chúa: Ga 20, 19-23
- Suy niệm:
- Chúa Thánh Thần và các Tông đồ
Buổi chiều ngày Phục sinh, trong khi các môn đệ vẫn còn đang trốn trong nhà Tiệc ly, đóng kín cửa vì sợ người Do Thái, thì Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông ban bình an, cho các ông xem tay và cạnh sườn, và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Ngài thổi hơi vào các ông và bảo:
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (c. 22-23). Từ giờ phút ấy, sứ mạng của Chúa Giê-su và của Chúa Thánh Thần trở thành sứ mạng của Hội Thánh: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (c. 21).
Với tâm tình khao khát ấy, đến lễ Ngũ Tuần, họ được đầy Thánh Thần: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình luỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2,1-4)
Kết quả đầu tiên là các môn đệ của Chúa được hoàn toàn đổi mới. Trước đó, họ là những người chài lưới dốt nát và nhát đảm, nhưng khi đã nhận lấy Chúa Thánh Thần, họ can đảm ra đi rao giảng Tin Mừng với một sự khôn ngoan khiến mọi người kinh ngạc. Họ dám liều mình để làm chứng cho Chúa Giê-su, không sợ tù đầy, đe doạ và cả cái chết. Họ được biến đổi thành những con người mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần.
- Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự hiệp nhất
Như thế, Chúa Thánh Thần chính là mối dây liên kết muôn dân nên một, như lời khẳng định của thánh Phaolô: “Vì chưng trong cùng một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần”.
Ngày xưa, ở Babel, con cháu ông Nô-ê đang nói cùng một thứ tiếng, nghĩa là đang hiểu nhau và đoàn kết với nhau, bỗng dưng để cho tính kiêu ngạo xúi dục muốn xây một cái tháp cao hơn trời để tỏ ra mình cao hơn Thiên Chúa, nên đã bị phạt khiến họ nói nhiều thứ tiếng, người này không còn hiểu người kia nữa, và chia rẽ nhau. Chuyện tháp Babel ngụ ý rằng khi con người không qui tụ quanh Thiên Chúa thì sẽ chia rẽ nhau, không hiểu nhau và không thông cảm cho nhau.
Nhìn vào chúng ta, mỗi người có một thân thể nhưng có nhiều chi thể: tai, mắt, mũi, miệng, chân tay. Mỗi chi thể có nhiệm vụ khác nhau và không thể thay thế cho nhau, nhưng lại bổ túc cho nhau làm cho cuộc sống trở nên phong phú. Mỗi chúng ta có vai trò khác nhau trong cộng đoàn tu trì nhưng không phải vì thế mà gây xung đột chia rẽ. Nước Thiên Chúa đang chờ đón chúng ta nếu chúng ta cùng nhau cộng tác và xây dựng tình huynh đệ hiệp nhất đích thực.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin soi lòng mở trí giúp chúng con mở rộng con tim để đón nhận anh chị em dù khác biệt về tính tình, quan điểm, cái nhìn, sự giáo dục, môi trường gia đình. Xin cho chúng con hằng liên kết với nhau, dám hy sinh và từ bỏ ý riêng, để xây dựng sự hiệp nhất trong những khác biệt và biết quan tâm, sẻ chia đến người nghèo khổ. Amen
- Kết thúc: kinh Đức Mẹ hiệp nhất
Ngày thứ hai của TAM NHẬT: Thứ hai, Ngày 29/05/2023
ĐỨC MARIA, MẸ HỘI THÁNH
Kỷ niệm 140 năm thành lập Giáo Phận Bắc Ninh
- Ý cầu nguyện:
Kính thưa chị em! Bước vào ngày thứ hai của TAM NHẬT LỄ MẸ THĂM VIẾNG Bổn mạng của Hội dòng. Chúng ta cùng hòa chung với Giáo Hội trong ngày kính nhớ, “ĐỨC MARIA, MẸ HỘI THÁNH”, và cùng với Giáo Phận trong ngày lễ “kỷ niệm 140 năm thành lập Giáo Phận Bắc Ninh”. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ Hội thánh. Nguyện xin Thiên Chúa tuôn đổ ơn bình an và hiệp nhất trên Giáo Hội Hiền Thê của Chúa Kitô; cũng như trên Giáo Phận, mảnh đất Mẹ đã nâng đỡ cho Hội dòng được sinh ra và lớn lên trong suốt 60 năm qua.
- Lời Chúa: Ga 19, 25-34
- Suy niệm:
Hôm nay, toàn thể Hội Thánh cùng suy tôn Đức Trinh Nữ Maria trong danh hiệu: Đức Maria là Mẹ Giáo Hội. Năm xưa trên thập giá, Chúa Giê-su đã trao phó thánh Gioan cho Đức Mẹ. “Đây là con của Bà”. Đó cũng là di nguyện cuối cùng của Chúa.
Người đã ở với Đức Giêsu hơn ba mươi năm, đã sinh dưỡng, dạy dỗ, chở che, và làm cho Ngài lớn lên. Đức Maria là thành viên và là Mẹ của Hội Thánh, là người đứng dưới chân thập giá với nhóm phụ nữ ở Galilê, nhưng cũng là người có phúc hơn mọi phụ nữ, là người cầu nguyện với các môn đệ chờ Thánh Thần đến, nhưng cũng là người được Thánh Thần ngự từ lúc truyền tin. Chúng ta mong Chúa Giêsu cứ nói với Mẹ: “Đây là các con của Bà.” Và nói với chúng ta: “Đây là Mẹ của các con.” Và chúng ta cũng mong Mẹ nhắc nhở chúng ta nhiều lần: “Hãy làm những gì Người bảo!”. Tựa như những người mẹ trần thế: luôn chăm sóc, chở che cho đứa con của mình; Đức Trinh nữ Maria cũng chưa bao giờ ngưng nghỉ để nâng đỡ và cầu nguyện cho Giáo hội. Qua từng giai đoạn, qua những biến cố của Giáo hội, chúng ta đều thấy sự hiện diện của Mẹ, khi Giáo hội kêu cầu Ngài. Hơn thế nữa, Mẹ còn dõi theo bước từng người, từng cộng đoàn, nơi mà bất cứ ai trông chờ, kêu cầu Mẹ. Mẹ đều ở đó.
Đức Maria, cũng hiện diện và nâng đỡ chúng ta trong mọi khía cạnh của đời sống thánh hiến, đặc biệt là việc sống ba lời khuyên Tin mừng và là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho đời sống cầu nguyện.[9]
Thiên Chúa có muôn vàn cách thực hiện ơn cứu độ. Tuy thế, theo Thượng Trí, Chúa đã chọn thập giá làm phương tiện cứu độ con người. Mẹ Maria là người trước tiên được mời gọi cộng tác với Chúa để thực hiện ơn cứu độ.Với tình yêu mến nồng nàn, Mẹ đã ngoan ngùy để Chúa xử dụng đời Mẹ theo Thánh Ý Chúa, miễn sao Ý Chúa được nên trọn. Số phận cuộc đời Mẹ gắn liền cuộc đời Chúa, thăng trầm đời Mẹ dệt họa lại những thăng trầm đời Chúa. Mẹ được mệnh danh là Đấng Hiệp Công Cứu Chuộc, nhờ Mẹ tình nguyện đón nhận mọi thánh giá gắn liền với cuộc đời của người Mẹ sinh ra Đấng Cứu Chuộc. Nhờ thánh giá Chúa mà thánh giá đời Mẹ trở nên ý nghĩa. Nhờ công nghiệp Chúa mà đời Mẹ nên giá trị trổ sinh hoa trái thiêng liêng cứu giúp loài người.
Những đau khổ trái ý luôn có trong đời người. Nó sẽ trở nên vô ích nếu chúng ta cam chịu trong tiêu cực, than trách. Ngược lại, nó sẽ nên nguyên nhân để Chúa đổ ơn cứu chuộc nếu chúng ta biết vui lòng dâng Chúa.
Là một phần của Giáo Hội, mỗi người chúng ta cũng cần có trách nhiệm mến yêu và tôn kính Mẹ Thánh, với tấm lòng đơn sơ, khiêm hạ. Xin Mẹ dẫn lối đưa đường để ta được đến gần Chúa hơn.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể. Noi gương Mẹ Maria, xin Chúa đón nhận thánh giá đời con như của lễ góp dâng với hy tế thánh giá của Chúa. Con muốn hoàn tất ơn cứu chuộc nơi con bằng thánh giá đời con. Xin Chúa thương chấp nhận. Amen.
Ngày thứ ba: Thứ Ba, Ngày 30/05/2023
NGƯỜI NỮ TỲ ĐƯỢC THIÊN CHÚA CHÚC PHÚC
- Ý cầu nguyện
Hôm nay ngày cuối cùng của tam nhật lễ Bổn Mạng. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho công việc loan báo Tin Mừng của Giáo phận, nơi mà Hội dòng được sinh ra và lớn lên ngày càng phong phú và phát triển không ngừng. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, nguyện xin Chúa cho Giáo phận có nhiều những thợ gặt lành nghề. Và cách riêng, chúng ta cũng cầu nguyện cho việc mục vụ tông đồ của Hội dòng cũng luôn được phát triển không ngừng, xin cho chị em lòng khao khát và ơn can đảm dám xả thân cho Lời Chúa, giữa một mảnh đất đầy khó khăn và thách đố đối với Hội dòng cũng như từng chị em.
- Lời Chúa: Lc 11, 27-28
Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! ” Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”
- Suy niệm
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, đặc biệt trong tuần Tam Nhật, ngày hướng về Lễ Bổn Mạng của Hội dòng, chúng ta cùng chia sẻ với nhau về hai cái phúc của Đức Maria: Cái phúc về sự cưu mang Lời Thiên Chúa và cái phúc lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
- Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy.
Dân gian có câu: “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Khi thấy sự thành công của Chúa Giêsu đầy quyền năng trên quỷ thần, giảng dạy hay, chữa nhiều bệnh tật, dân dân lũ lượt theo Người… thì một người phụ nữ trong đám đông kêu lên: “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho thầy bú mớm”.
Xét theo phương diện này, thì Mẹ Maria là Đấng Đầy Ơn Phúc đã cưu mang Chúa Giêsu và cho Người bú mớm. Tuy nhiên, hiểu rộng hơn, đây cũng là cái phúc chung cho mỗi người chúng ta. Bởi vì Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa, và cũng được hiểu Lời Chúa là chính Chúa. Cho nên, khi chúng ta yêu mến Lời Chúa, năng đọc và suy gẫm Lời Chúa, chính là chúng ta đang làm mẹ cưu mang Chúa trong tâm hồn, và đang làm cho Chúa được lớn dần lên trong ta.
2. “Phúc thay kẻ lắng nghe và thực hành Lời Chúa”.
Thiết nghĩ, Chúa Giê-su, không phủ nhận công lao sinh thành và dưỡng dục của Thân Mẫu Người. Nhưng Người còn gián tiếp đề cao nhân đức lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa của Mẹ Maria. Nói cách khác, Người nhấn mạnh đến mối phúc của người biết lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa, mà Mẹ Người đã là một mẫu mực, vì có ai trong loài người biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa như Mẹ Maria. Mẹ đã “xin vâng” theo Lời Chúa, ghi nhớ mọi sự và “suy đi nghĩ lại trong lòng”.
“Đời sống thiêng liêng của chị em được nuôi dưỡng hằng ngày bằng việc đọc Lời Chúa…Lời Chúa là dụng cụ tuyệt hảo để đạt tới sự hiệp nhất. Nhờ thấm nhuần Lời Chúa, chị em được tăng trưởng đức tin, vững vàng cậy trông và nhiệt thành yêu mến sống ơn gọi hiệp nhất.”[10]
Thực vậy! Phần phúc của mỗi chị em trong Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất, chính là được nghe Lời Chúa mỗi ngày, nhưng mối phúc này chỉ trọn vẹn cho chúng ta khi chúng ta biết đem Lời Chúa ra thực hành trong ơn gọi thánh hiến.
Lạy Chúa Giê-su, chúng con là những người có phúc vì hằng ngày, hằng giờ chúng con được nghe Lời Chúa, chiêm ngắm Lời Chúa trong Phụng vụ và cầu nguyện. Xin cho mỗi người chúng con luôn ý thức để không chểnh mảng với Lời Chúa, nhưng hết lòng yêu mến và đem ra thực hành Lời Chúa trong ơn gọi thánh hiến với tên gọi “Đức Mẹ Hiệp Nhất”, để không những chúng con cưu mang Lời mà còn làm cho Lời được lớn lên trong cuộc đời chúng con. Amen
[1] x. HC & NQ, điều 2: Đặc sủng của Hội dòng, triệt 2,3.
[2] HC: Điều 55: Chia sẻ trong tinh thần liên đới, triệt 2.
[3]x. HC, chương V: Điều 60: “Ý thức được sai đi”
[4] x. HC điều 2: Đặc sủng của Hội dòng, §3.
[5] x. HC điều 3: Linh đạo của Hội dòng, §2 và §3.
[6] TH “Vita consecrate”, số 1.
[7] Tôn chỉ của Hội dòng ĐMHN: HC 2 & 3
[8] HC, Điều 8: Sự Thánh hiến của Đức Maria, triệt 2.
[9] HC, điều 42, triệt 3.
[10] Hiến chương, Điều 44: Kinh nguyện nội tâm, triệt 2.
Tin cùng chuyên mục:
Tìm hiểu về Năm Thánh
Đề tài Tĩnh tâm Quí IV
Cáo phó ông cố Augustinô, thân phụ dì Anna Trần Thị Hải
Thấy Ơn Cứu Độ Của Thiên Chúa (08.12.2024 – Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C)