các bài suy niệm Tin mừng – Tuần 29-TN -A

SUY NIỆM TUẦN 29 – THƯỜNG NIÊN- NĂM A

THỨ HAI TUẦN 29 TN- Lc 12, 13-21

Ở đời, người ta thường cầu chúc cho nhau giàu sang, phú quý. Vì người ta nghĩ rằng giàu sang sẽ đem lại hạnh phúc cho con người, nhưng kỳ thực không phải thế.

Của cải vật chất chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích, nhưng nó lại luôn tạo ra một sự an tâm giả tạo cho chủ nhân của nó. Cho nên, người ta thường nghĩ cứ giàu có là sẽ có hạnh phúc. Cuộc sống sung túc là sẽ được bảo đảm.

Nhưng bài Phúc âm hôm nay, Chúa nói: “chẳng phải vì của cải dư giả mà mạng sống được bảo đảm đâu…… ấy kẻ nào không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng sẽ như thế đó”.

Con người bước vào trần gian với hai bàn tay trắng. Dãi dầu mưa nắng để kiếm chác của cải vật chất đến độ quên mất cả đời sống linh hồn. Cứ tưởng mình được hạnh phúc bởi tích trữ của cải. Tới ngày nhắm mắt xuôi tay, lại ra đi với hai bàn tay trắng. Cực nhọc cả đời thu tích, của cải ấy sẽ về tay ai?

Vậy của cải đâu có mang lại hạnh phúc vĩnh cửu cho con người, nó chỉ có giá trị nhất thời mà thôi. Chỉ những ai không để cho của cải tiền bạc làm chủ cuộc đời mình, người ấy mới thực sự tự do. Chỉ có những ai tích cực làm giàu trước mặt Chúa qua việc thu tích những của cải thiêng liêng là các nhân đức, người đó mới thực sự đạt tới hạnh phúc Nước Trời.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hãy cố gắng thu tích của cải thiêng liêng là những việc lành phúc đức. Những việc tốt lành thánh thiện ấy sẽ làm cho chúng ta trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa và sẽ giúp ta đạt tới hạnh phúc Nước Trời mai sau. Amen.

 

THỨ BA TUẦN 29 TN  – LC 12, 35-38

Tin mừng chúng ta vừa nghe, thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ của Người phải luôn thức tỉnh sẵn sàng như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới về khi Chúa nói: “phúc cho đầy tớ nào khi chủ về mà thấy nó thức tỉnh như vậy”.

Cuộc sống hôm nay làm cho con người bị lôi vào vòng xoáy của tiền bạc vật chất, khiến cho con người khó có thể thoát ra được. Con người bị lôi cuốn vào việc tìm kiếm tiền bạc vật chất mà quên mất những giá trị tâm linh vĩnh cửu, khiến con người ngủ mê trong việc hưởng thụ hoặc những thú vui xác thịt mà không còn biết thức tỉnh để phân định.

Chính vì thế mà Chúa bảo chúng ta phải luôn thức tỉnh sẵn sàng và luôn nhớ rằng: tiền bạc vật chất, danh vọng, địa vị, vui chơi, giải trí hay những mải mê lạc thú…. tất cả những thứ đó nó sẽ dễ dàng ru ngủ con người, làm cho con người rơi vào tình trạng hưởng lạc mà quên mất định hướng cho cuộc sống đời đời của mình.

Do đó, mỗi người chúng ta hôm nay hãy nhớ lời Chúa dạy: Hãy luôn thức tỉnh sẵn sàng. Đó chính là thái độ khôn ngoan của người con cái Chúa biết lo liệu cho tương lai là sự sống đời đời của mình. Tránh tình trạng ngày Chúa đến mà ta vẫn ngủ mê trong tội lỗi thì thật bất hạnh đời đời cho ta. Amen.

 

THỨ TƯ TUẦN 29 TN – LC 12, 39-48

Tin mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu tiếp tục nhắc nhở các môn đệ về thái độ thức tỉnh sẵn sàng để chờ đợi ngày Chúa đến, khi Ngài nói: “anh em hãy thức tỉnh và hãy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”.

Tại sao Chúa lại đến vào lúc chúng ta không ngờ ? Tại sao Ngài không báo trước để cho ta chuẩn bị? Như thế, có phải là làm khó cho chúng ta không?

Thưa, bởi vì Chúa muốn chúng ta sống căn tính Kitô của mình, sống thật với lòng mình, không rơi vào tình trạng giả hình. Chúng ta thử hình dung, những đứa con khi cha mẹ vắng nhà, nó vẫn sống ngoan ngoãn, chu toàn công việc cha mẹ trao phó như khi cha mẹ nó có mặt thì thật là đáng quý, đáng khen. Nhưng đáng buồn và đáng tiếc là nếu nó nghĩ rằng: cứ tự do ăn chơi phóng túng…. lúc nào cha mẹ chuẩn bị về, lúc ấy nó mới tính. Đấy chẳng phải là thái độ giả hình sao?

Nếu Chúa báo cho biết trước ngày giờ Chúa đến, chắc chắn thế giới sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, ai cũng cố gắng ăn chơi hưởng lạc, thưởng thức những gì mình chưa biết, tận dụng hết khả năng để hưởng thụ, gần tới giờ Chúa đến, lúc đó vẫn kịp sám hối ăn năn. Như thế, thử hỏi căn tính của người con cái Chúa có còn không? Như thế, thế giới này có còn trật tự không?

Chúa không muốn chúng ta sống giả hình, nhưng luôn thể hiện căn tính Kitô của mình trong mọi nơi mọi lúc. Sống như thế thì dù Chúa có đến bất ngờ cũng chẳng ảnh hưởng gì đến phần rỗi đời đời của ta.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết luôn luôn sống trong thái độ thức tỉnh sẵn sàng, luôn sống xứng đáng là con cái Chúa, đừng bao giờ đánh mất căn tính Kitô của mình. Như thế, bất kể giờ nào Chúa đến, ta cũng sẽ được Chúa đón mời vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Amen.

 

THỨ NĂM TUẦN 29 TN- LC 12, 49-53

Tin mừng chúng ta vừa nghe, thánh Luca thuật lại lời Chúa nói với các môn đệ rằng: “Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ”.

Khi nghe qua câu nói này, chúng ta có cảm tưởng như câu nói đó, Chúa tự mâu thuẫn với chính mình. Bởi vì Người được mệnh danh là: “Người cha muôn thuở, ông Vua thái bình” và trong đêm Giáng sinh, các thiên thần ca hát: “vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

Nhưng khi suy nghĩ kỹ thì lời Chúa nói quả là chí lý và là một chân lý. Bởi vì, Chúa đến để phân rẽ giữa người lành với kẻ dữ, giữa cái thiện với cái ác, giữa cái tốt với cái xấu.

Chính Người đã kể câu truyện dụ ngôn Đức Vua phân biệt người lành với kẻ dữ như mục tử tách biệt chiên với dê, để cho thấy sự chia rẽ cuối cùng buộc phải diễn ra để tuyển lựa những người có đủ phẩm tính, thích hợp với Nước Trời.

Ngay tại nơi trần thế, sự xuất hiện của Chúa cũng đã gây ra sự chia rẽ giữa sốt sáng và lười biếng, giữa siêng năng và khô khan nguội lạnh…. Chẳng hạn; gia đình đang bình an, vợ nhắc tới việc đạo đức và khuyên người chồng (lười biếng) đi xưng tội. Chồng không đi và còn tuyên bố: “tao chẳng có tội gì”. Thế là xảy ra sự chia rẽ giữa vợ chồng vì  sự xuất hiện của Chúa.

Chính vì thế mà bài Tin mừng hôm nay, Chúa đã nói rõ điều đó cho các môn đệ được thấy, Người đến không phải để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ. Bởi vì, bình an thực sự chỉ đến sau khi có cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa chân lý và sự dối trá.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hãy cố gắng sống tốt, sống thiện, luôn biết lắng nghe và thực hiện lời Chúa, để sau sự phân rẽ, chúng ta sẽ được Chúa tuyển lựa vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Amen.

THỨ SÁU TUẦN 29 TN – LC 12, 54-59

Ngày xưa vì chưa có phương tiện khoa học để dự báo thời tiết, nên việc nhận biết các hiện tượng thời tiết, người ta hoàn toàn căn cứ vào các hiện tượng thiên nhiên. Những tiên đoán ấy tuy không văn minh nhưng cũng khá chính xác.

Bằng các kinh nghiệm ấy, người ta đặt ra những câu nói về thời tiết hay các hiện tượng thiên nhiên rất hay và khá đúng. Chẳng hạn như: “ếch kêu uôm uôm, áo chuôm đầy nước”. “Quạ tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa”. “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”. “Ráng vàng thì nắng. Ráng trắng thì gió. Ráng đỏ thì mưa”. “Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy. Cơn đằng Tây, mưa dây bão giật. Cơn đằng Nam, vừa làm vừa chơi. Cơn đằng Bắc, xúc thóc ra phơi”….

Người Dothái cũng nhìn cảnh sắc đất trời để nhận biết khá chính xác về các hiện tượng thiên nhiên. Thế nhưng, các dấu chỉ thời đại thì họ lại không nhận biết. Nên Chúa Giêsu đã khiển trách họ rằng: “hỡi những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc trời đất, thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét ?”.

Họ nhận xét và đoán được các hiện tượng thiên nhiên khá chính xác mà lại không nhận biết được thời kỳ cứu độ. Họ nghe lời  các ngôn sứ tiên báo về Đấng Cứu Thế sẽ đến. Nhưng khi Chúa đến, họ được chứng kiến tận mắt những phép lạ Chúa làm và nghe tận tai những lời Chúa giảng dạy. Vậy mà họ vẫn không nhận biết thời kỳ cứu độ đang được thực hiện giữa họ. Do đó, Chúa mới khiển trách họ như vậy.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hôm nay đừng chai đá như những người Dothái xưa kia. Nhưng hãy ý thức để nhận biết các dấu chỉ thời đại Chúa đang cảnh báo để nhắc nhở cho thế giới cũng như cho mỗi người chúng ta qua các hiện tượng thiên nhiên, qua chiến tranh, dịch bệnh… để chúng ta biết ăn năn sám hối mà cải đổi đời sống để đón chờ ngày Chúa đến với mỗi người chúng ta. Nhờ đó, ta sẽ không bị loại ra khỏi Nước Trời. Amen.

 

THỨ BẢY TUẦN 29 TN – LC 6, 12-19

Lời giảng dạy và dụ ngôn của Chúa trong bài Phúc âm chúng ta vừa nghe, là lời mời gọi mọi người hãy ăn năn sám hối về tội lỗi của mình. Đừng nghĩ rằng: mình trong sạch thánh thiện hơn những người khác. Trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là tội nhân, nên cần phải ăn năn sám hối mỗi ngày, phải thay đổi để được sự sống đời đời.

Chúa dùng hình ảnh mấy người bị tổng trấn Philatô giết chết mà họ đến trình bày với Chúa để khuyến cáo những người tưởng mình vô tội mà không sám hối rằng: “các ngươi tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận như thế vì họ tội lỗi hơn những người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ phải chết hết y như vậy”.

Ngay lúc ấy, Chúa kể dụ ngôn cây vả đã ba năm không sinh trái, ông chủ quyết định chặt, nhưng người làm vườn nài xin hoãn lại để chăm bón, may ra nó có quả, bằng không thì ông sẽ chặt nó đi.

Hình ảnh người làm vườn xin khoan giãn nói lên Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi con người sám hối ăn năn để thay đổi đời sống, để trổ sinh hoa trái là các việc lành phúc đức. Nhưng nếu không thay đổi, con người sẽ không còn cơ hội hoán cải nữa.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hãy luôn ý thức rằng: Trước mặt Chúa, chúng ta đều là những tội nhân, cần phải ăn năn sám hối để đón nhận ơn tha thứ và để được sống đời đời. Đừng bao giờ chai lỳ trong tội lỗi mà không sám hối. Như thế, ta sẽ chẳng còn cơ hội để đón nhận được sống đời đời. Amen.

 

LỄ THÁNH LUCA, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG

Hôm nay cùng với toàn thể Hội thánh, chúng ta long trọng mừng lễ kính thánh Luca, tác giả sách Tin mừng. Thánh nhân là môn đệ thân tín của thánh Phao-lô và cũng là thầy thuốc được nhiều người tín nhiệm. Chính ngài là người chăm sóc sức khỏe cho thánh Phaolô. Ngài đã chịu tử đạo năm 84 tuổi.

Bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại việc Chúa sai 72 môn đệ ra đi thực tập công việc truyền giáo. Ngài sai cứ từng hai người một đi trước, vào các làng, các thành là nơi mà chính Chúa sẽ đến. Ngài nói: “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Theo lẽ tự nhiên, lúa chín thì chủ ruộng phải tự lo liệu hoặc sai người đi gặt chứ, tại sao lại phải xin chủ sai thợ rồi mới đi gặt?

Ruộng lúa bình thường thì như vậy. Nhưng ở đây chủ ruộng là Thiên Chúa, lúa chín là các linh hồn không người dạy dỗ, hướng dẫn, chăn dắt, cần phải có những tay thợ lành nghề, những người được huấn luyện và sai đi rao giảng Tin mừng là các Linh mục, các nam nữ tu sĩ để thu hoạch lúa là các linh hồn về cho Chúa.

Chính vì thế, Chúa mới nói: “phải xin chủ ruộng” sai đi để làm theo ý chủ và làm công việc của chủ, chứ không tự ý ra đi. Nếu không được huấn luyện và được sai đi, ắt người gặt sẽ làm theo ý họ và sẽ thu về cho họ chứ không phải cho Chúa.

Thế giới hôm nay vẫn còn thiếu hụt linh mục một cách trầm trọng. Cũng có những nơi có khá đông linh mục nhưng để kiếm được một linh mục thực sự như lòng Chúa mong ước, dám xông pha, xả thân phục vụ Chúa, hy sinh cho đoàn chiên trong cánh đồng truyền giáo thì quả là còn quá hiếm hoi.

Chính vì vậy mà Chúa bảo chúng ta hãy “xin chủ mùa gặt” sai thợ lành nghề đến để tìm lợi ích cho chiên chứ không cho mình và phục vụ vì Chúa chứ không vì mình.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy đóng góp sức lực của mình vào việc truyền giáo bằng lời cầu nguyện, để có thêm nhiều linh mục phục vụ Chúa trong cánh đồng truyền giáo của Hội Thánh, như thánh Luca đã nêu gương cho chúng ta. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *