THỨ HAI TUẦN 33 TN
Tin mừng chúng ta vừa nghe, thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu chữa cho một người mù ở Giêricô. Cảnh mù loà là một nỗi khốn khổ và bất hạnh nhất cho những ai mắc phải căn bệnh này. Đối với họ ngày cũng như đêm, xấu cũng như đẹp, đen cũng như trắng, béo cũng như gầy,….. tất cả chỉ thấy toàn là bóng đen trước mắt. Vì nỗi khốn khổ ấy dằn vặt suốt cuộc đời anh ta mà chẳng vị lương y nào có thể chữa lành cho anh ta được.
Anh ngồi bên vệ đường, chợt nghe thấy người ta xầm xì với nhau là Chúa Giêsu sắp đi ngang qua đó và chỉ có Ngài mới có thể chữa được cho anh ta. Chính vì thế mà anh ta đã la lên rằng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi”. Thật không thể hiểu nổi là tại sao anh ta mù như vậy mà anh ta lại cất lời tuyên xưng Chúa Giêsu là Con vua Đa-vít, trong khi những người sáng mắt thì lại không nhận ra tước hiệu đó. Có lẽ Chúa bù cho anh ta. Anh ta tối con mắt thể xác nhưng lại sáng con mắt tâm hồn. Trái lại, đám đông thì sáng mắt thể xác nhưng lại mù tối về con mắt đức tin, nên đám đông không nhận ra Đấng Cứu Thế xuất thân từ dòng tộc vua Đa-vít và không biết cất lời tuyên xưng như anh mù.
Điều đó khiến chúng ta cũng phải suy nghĩ rằng; Tạ ơn Chúa, chúng ta không bị mù về phương diện thể xác, nhưng chưa chắc ta đã được sáng con mắt đức tin, sáng con mắt tâm hồn như anh ta. Nhiều người công giáo tỏ ra là hiểu biết về kiến thức xã hội, thành thạo công tác xã hội….. nhưng đáng tiếc lại mù tối hiểu biết về Chúa và về giáo lý của Chúa.
Do đó, đời sống của họ trở nên khô khan nguội lạnh, không thực hành đức tin của mình nên không có sức thuyết phục người khác đến với Chúa. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện, năng lãnh nhận các bí tích, đồng thời chịu khó học hỏi về Lời Chúa và về giáo lý của Chúa, để ta khỏi bị mù tối con mắt đức tin, để ta biết sống niềm tin Kitô của mình và như thế ta mới có thể giới thiệu Chúa cho người khác được. Amen.
THỨ BA TUẦN 33 TN
Tin mừng chúng ta vừa nghe, thánh Luca thuật lại, ông Gia-kêu, một người thu thuế đang ngồi trên cây Sung để xem Chúa, khi Ngài đi ngang qua đó. Sở dĩ ông treo lên cây Sung để xem Chúa là vì dân chúng thì đông mà ông ta lại lùn, ông không thể nhìn thấy Chúa được, nên ông mới trèo lên cây để xem. Thấy vậy, Chúa bảo ông ta rằng: “Này Gia-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải lưu lại nhà ông”.
Nghe vậy, ông mừng rỡ quá sức, rồi vội vàng tụt xuống để mời Chúa đến nhà. Về đến nhà, ông đã mở tiệc thết đãi Chúa. Thấy vậy, mọi người liền xầm xì với nhau rằng: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ”. Nghe những lời đó, Gia-kêu liền tuyên bố với Chúa rằng: “tôi xin lấy nửa gia tài của tôi mà cho người nghèo và nếu tôi có chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Ngay lúc ấy, Chúa nói về ông ta rằng: “hôm nay, ơn cứu độ đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Qua trình thuật trên, chúng ta nhận thấy một sự thay đổi tận gốc rễ về Gia-kêu nhờ cuộc thăm viếng của Chúa.
Ông ta không sợ khách quan dị nghị, ông cũng không bị mặc cảm vì tội lỗi của mình, nên ông sẵn sàng lắng nghe và sửa chữa. Nhờ đó, ơn cứu độ đã đến nhà ông và đến cho ông. Trong đời sống đức tin, biết bao lần chúng ta gặp gỡ Chúa qua việc đọc Lời Chúa và đón rước Thánh Thể, thế mà đời sống của ta dường như không hề thay đổi. Bởi vì ta chưa thực sự mở lòng ra để hoán cải, để thay đổi đời sống của ta.
Vì thế mà ta chưa thực sự biến đổi và chưa đón nhận được ơn cứu độ. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hôm nay, hãy noi gương bắt chước ông Gia-kêu, dám nhìn nhận con người yếu đuối tội lỗi, bất toàn của ta, để ta can đảm sữa chữa những điều sai lỗi và quảng đại thực thi đức bác ái đối với tha nhân. Như thế, chắc chắn đời sống ta sẽ được biến đổi và ơn cứu độ sẽ đến với chúng ta. Amen.
THỨ TƯ TUẦN 33 TN
Tin mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu kể dụ ngôn ông chủ trước khi đi xa, ông đã trao lại cho các đầy tớ của mình những nén bạc làm vốn liếng để sinh lời cho ông. Số bạc được trao cho các đầy tớ, tuỳ khả năng của mỗi người. Sau một thời gian, ông trở về và cho gọi các đầy tớ đến để giao nộp lại số bạc cả vốn lẫn lời cho ông.
Các đầy tớ chịu khó và trung thành thì đều làm sinh lợi cho ông nhiều nén bạc khác. Trái lại, trong số đó, có một đầy tớ biếng nhác đã bọc kỹ nén bạc trong khăn rồi đào lỗ chôn giấu. Kết cục, anh ta bị ông chủ khiển trách và bị loại ra ngoài, không được ở với ông chủ và ở đó anh ta sẽ phải khóc lóc, nghiến răng. Khi kể dụ ngôn này, Chúa muốn dạy chúng ta hiểu rằng: mỗi người chúng ta đều được Chúa trao cho những tài năng riêng biệt.
Người thì biết ca hát, người thì biết âm nhạc, người thì giỏi hội họa, người thì nghiên cứu khoa học, người thì làm bác sĩ, người thì thiên văn địa lý, người thì làm nông dân….. tất cả những điều đó đều là những nén bạc Chúa trao cho chúng ta. Chính vì vậy mà ta phải biết làm cho nó sinh lợi cho Chúa, cho bản thân và cho tha nhân. Đừng lười biếng mà làm cho tài năng, kiến thức Chúa trao cho bị thui chột, bị mai một đi.
Làm như thế, không những gây thiệt hại cho chính mình mà còn gây thiệt hại cho cả người khác nữa. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết tận dụng mọi khả năng Chúa ban cho ta, hãy coi đó như là những nén bạc để ta sinh lời cho Chúa và cho mọi người. Ước gì chúng ta đừng ươn lười mà làm cho những ơn đó ra vô hiệu. Như thế, tới ngày Chúa trở lại phán xét trần gian, nếu chúng ta lười biếng việc đạo đức bác ái, yêu thương, lười biếng việc thiêng liêng… ta sẽ bị Chúa loại khỏi hạnh phúc Nước Trời. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 33 TN
Tin mừng chúng ta vừa nghe, thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem để chuẩn bị khải hoàn tiến vào thiên quốc. Từ vườn cây Dầu, Chúa nhìn thành thánh, nơi chứa hòm bia giao ước với ngôi đền nguy nga tráng lệ. Thế nhưng, ngôi đền thờ này sẽ bị tàn phá bởi ngoại bang.
Chúa nhìn thấy trước viễn tượng đó, cho nên Ngài đã không cầm được nước mắt. Ngài đã khóc thương thành Giêrusalem và dân cư trong thành vì họ không đón nhận ngày giờ Chúa viếng thăm. 38 năm sau kể từ khi Chúa về trời, tức là vào năm 72, quân đội Rôma do tướng Ti-tô chỉ huy đã kéo quân sang tàn phá bình địa đền thờ Giêrusalem, đúng như lời Chúa Giêsu đã tiên báo trước.
Chúa khóc thương thành thánh Giêrusalem là khóc thương chính những con người đang cư ngụ trong thành đó vì họ không nhận ra những dấu chỉ thời đại để hối cải ăn năn mà đón nhận ơn cứu độ. Ngày hôm nay, Chúa cũng cho những dấu chỉ thời đại xảy ra đó đây trên thế giới: dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai….. như một lời cảnh tỉnh nhân loại.
Thế nhưng, con người vẫn mải mê trong việc tìm kiếm tiền bạc vật chất, vẫn đắm chìm trong tội lỗi, vẫn mải mê ăn chơi hưởng lạc mà không biết ăn năn hối cải để quay trở về với Chúa. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện để biết phân định ý Chúa qua các dấu chỉ thời đại, để ta biết nhận ra và chuẩn bị tương lai cho mình để đón chờ ngày giờ Chúa viếng thăm. Đừng mải mê trong tội lỗi mà đánh mất phần rỗi là ơn cứu độ đời đời. Amen.
THỨ SÁU TUẦN 33 TN
Tin mừng chúng ta vừa nghe, thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu đuổi các kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ, khi Ngài nói: “ nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp”.
Đọc Tin mừng, chúng ta nhận thấy chưa bao giờ Chúa tỏ ra bực bội và đánh đuổi bất kỳ ai như đã thuật lại trong bài Phúc âm hôm nay. Bởi vì, người ta đã biến nơi thánh thiêng này thành nơi nhơ uế. Biến nơi thờ phượng thành nơi chợ búa. Chính vì vậy mà Chúa đã phẫn nộ với họ. Bởi đền thờ Thiên Chúa bị xúc phạm. Qua cách hành xử ấy của Chúa, chúng ta nhận thấy rằng: Đền thờ là nơi hết sức quan trọng đối với mỗi người chúng ta, là nơi diễn ra mọi biến cố vui buồn của đời sống Kitô hữu. Những dấu mốc quan trọng trong đời sống Kitô hữu, từ khi lãnh nhận bí tích rửa tội cho tới khi nhắm mắt lìa đời đều diễn ra ở nơi thánh đường.
Chính vì vậy, ta phải ý thức coi trọng nơi thờ phượng. Cần giữ đúng chuẩn mực khi ra vào nhà thờ hay khi tham dự các lễ nghi phụng vụ, qua các cử chỉ đứng, ngồi, quỳ. Phải thể hiện đúng lễ nghi của con người với Thiên Chúa. Tránh xa thái độ ăn mặc bất xứng hay những lời nói, cử chỉ bất kính đối với nơi thờ phượng.
Thấy bất cứ thứ gì không không trật tự ngăn nắp, ta cần tự giác kê chỉnh lại cho ngay ngắn. Chúng ta cũng cần nhớ rằng; ngoài ngôi đền thờ vật chất, chúng ta còn có một ngôi đền thờ thiêng liêng là chính linh hồn và thân xác chúng ta nữa. Đó là một ngôi đền thờ thiêng liêng sống động đã được Thiên Chúa thánh hiến ngay từ khi ta lãnh bí tích rửa tội. Ước gì mỗi người chúng ta hãy ý thức gìn giữ ngôi đền thờ thiêng liêng ấy luôn được trong sạch, thánh thiện, bằng cách đoạn tuyệt với tội lỗi và những tính mê nết xấu, để ngôi đền thờ thiêng liêng của ta xứng đáng là đền thờ Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị. Amen.
THỨ BẢY TUẦN 33 TN
Tin mừng chúng ta vừa nghe, thánh Luca thuật lại những người thuộc phái Xa-đốc, họ không tin có sự sống đời sau nên họ đặt ra một câu truyện giả tưởng về một người phụ nữ có 7 đời chồng để chất vấn Chúa về sự sống đời sau. Qua câu trả lời của Chúa cho thấy; trong sự sống đời sau người ta không còn cưới vợ lấy chồng, không còn việc quan hệ xác thịt để bảo tồn nòi giống như khi còn sống ở trần gian và họ không còn phải chết nữa, họ giống như các thiên thần của Thiên Chúa.
Những ai được sống lại trong ơn nghĩa với Thiên Chúa, họ sẽ không bao giờ chết nữa, bởi họ được chia sẻ sự sống siêu nhiên của Chúa, vì Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, chính Ngài là Đấng Hằng Sống. Không phải chỉ phải Xa-đốc thời Chúa Giêsu mới không tin có sự sống đời sau, mà ngày hôm nay cũng còn rất nhiều người cho rằng chết là hết. Nếu kết luận như thế, con người đâu có khác gì con vật? Nhưng tất cả những mối dây liên hệ với người đã khuất như: cầu nguyện, cúng giỗ….thuộc bất cứ tôn giáo nào, đều là bằng chứng cho thấy có sự sống đời sau.
Nếu không có sự sống đời sau, tất cả mối dây liên hệ và những việc làm đó sẽ trở thành việc làm điên rồ, vô ích. Nếu chết là hết, người ta cũng chẳng cần phải sống tốt, sống thiện làm gì. Vì chết là hết, kẻ lành người dữ như nhau, đời sau không có thì sống tốt sống thiện để làm gì?
Cứ sống thoải mái đi, chết rồi làm gì còn cơ hội? Nếu tin như vậy, thế giới này tức khắc sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, người ta sẽ chà đạp lên nhau mà sống. Ngay cả những kẻ tuyên bố vô thần vẫn giữ mối liên hệ với người thân khi họ đã khuất qua việc thắp hương, tưởng nhớ hay cúng giỗ. Hành động đó chứng tỏ có sự sống đời sau. Đó chỉ là vô thần trên lý thuyết nhưng lại hữu thần trong thực hành. Đối với người Kitô hữu chúng ta, chúng ta xác tín rằng có sự sống đằng sau cái chết. Bởi Thiên Chúa chỉ cho ta biết rõ điều đó. Nên ta hãy cố gắng sống tốt, sống thiện, sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa, để mai sau ta đạt được hạnh phúc vĩnh cửu trong sự sống đời đời. Amen.
Tin cùng chuyên mục:
Chúa Nhật XVI Thường Niên – Năm C
Khai mạc khoá Linh thao thứ 2 – năm 2025
Ngày 29/6: Thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ
Chúa nhật lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô – Năm C