WHĐ (18.12.2023) – Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
BÀI 11: LỜI NGUYỆN NHẬP LỄ
- VĂN KIỆN
– Tiếp đến, linh mục mời cộng đoàn cầu nguyện; và mọi người cùng linh mục thinh lặng trong giây lát, để ý thức mình đang ở trước thánh nhan Thiên Chúa và có thể nói lên trong lòng những nguyện ước của mình. Rồi linh mục đọc lời nguyện, quen gọi là “lời nguyện nhập lễ”, lời nguyện này nói lên đặc tính của việc cử hành. Theo truyền thống ngàn xưa của Hội Thánh, lời nguyện nhập lễ thường hướng về Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, và kết bằng câu kết dài có tính Ba Ngôi…Cộng đoàn kết hợp với lời nguyện và thưa lời tung hô Amen để nhận lời nguyện làm của mình. Trong Thánh lễ, luôn chỉ đọc một lời nguyện nhập lễ duy nhất (Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [QCSL], số 54).
– Trong bất cứ Thánh lễ nào, phải đọc các lời nguyện riêng của Thánh lễ đó, trừ phi qui định cách khác. Trong các lễ nhớ các thánh thì đọc lời nguyện nhập lễ riêng của thánh kính nhớ, nếu không có, thì lấy trong phần Chung các thánh. Vào những ngày trong tuần mùa Thường niên, thì ngoài những lời nguyện của Chúa nhật đầu tuần, còn có thể lấy các lời nguyện của một Chúa nhật khác thuộc mùa Thường niên, hoặc một trong các lời nguyện của các lễ cho các nhu cầu khác nhau, có ghi trong sách lễ. Nhưng luôn chỉ được phép dùng một lời nguyện nhập lễ lấy từ các lễ đó mà thôi. Như thế, chúng ta có nhiều bản văn hơn ngõ hầu giúp nuôi dưỡng kinh nguyện của các Kitô hữu cách dồi dào hơn. Nhưng trong các mùa phụng vụ quan trọng hơn, việc thích ứng này đã được thực hiện nhờ những lời nguyện riêng cho mỗi ngày trong tuần sẵn có trong sách lễ. (QCSL 363).
- LỊCH SỬ
Lời nguyện nhập lễ có lịch sử lâu đời trước cả hai lời nguyện tiến lễ và lời nguyện hiệp lễ. Vị chủ tế trong những thế kỷ đầu thường bắt đầu cử hành lễ bẻ bánh bằng một lời nguyện vừa để tập họp cộng đoàn vừa để dẫn vào phần công bố Lời Chúa. Từ thế kỷ IV, nhiều Đức Giám mục chủ tế thường ứng khẩu lời nguyện này để diễn tả sự hợp nhất của cộng đoàn, đồng thời hướng dân Chúa đến đặc tính riêng của từng Thánh lễ. Thánh Augustinô chỉ đơn giản khai mở phụng vụ bằng việc tiến vào thánh đường và chào chúc mọi người.[1]
Cho đến giữa thế kỷ V, hầu như Thánh lễ được bắt đầu ngay bằng các Bài đọc Kinh Thánh. Lời nguyện mở đầu Thánh lễ được cho là xuất hiện khoảng giữa thế kỷ VI và là bản văn nằm trong cuốn Sacramentarium Leonianum vì những lời nguyện ứng khẩu thường không ngắn gọn.[2] Sau đó, việc sưu tập những lời nguyện trong Thánh lễ được đưa vào các cuốn Sacramentarium Gelasianum và Sacramentarium Gregorianum với những lời nguyện mở đầu dùng cho các ngày lễ khác nhau.[3]
Tại Gaul, tức trong phụng vụ Gallican của thế kỷ VII -IX, lời nguyện này được biết dưới cái tên là collecta (lời tổng nguyện) do động từ colligere (thu góp), nghĩa là vị tư tế “thu thập hay tổng góp” tất cả những ý nguyện của tín hữu thành một “bó” mà dâng lên Thiên Chúa vì tư tế chủ toạ buổi phụng vụ cầu nguyện thay cho toàn thể cộng đoàn Dân Chúa và hành động nhân danh Đức Kitô. Nói cách khác, sở dĩ gọi là lời tổng nguyện bởi vì lời nguyện này thu góp và hợp nhất những ý nguyện xin khác nhau của các tín hữu tham dự thành một lời nguyện duy nhất, rồi vị chủ tế nhân danh cộng đoàn đang quy tụ mà dâng lên Chúa. Còn trong các tài liệu phụng vụ sau Công đồng Vaticanô II, lời tổng nguyện thường gọi là lời nguyện nhập lễ và mỗi Thánh lễ chỉ có một lời nguyện này mà thôi. Sách lễ 1570 thường có hơn một lời tổng nguyện, số các lời nguyện được thêm vào có thể gia tăng lên tới bày.[4]
Lời tổng nguyện được một số tác giả cho là vết tích của những lời nguyện đọc tại nhà thờ tập họp trong các Thánh lễ Chặng viếng. Vào lúc Đức Giáo hoàng hay vị tư tế tới nhà thờ được chỉ định, ngài sẽ đọc một lời nguyện mở đầu hay lời nguyện “tổng góp”. Khi tập tục cầu 2 lời “tổng nguyện” và rước kiệu đến nhà thờ để dâng lễ mất đi, lời nguyện mở đầu được gọi là lời tổng nguyện.[5]
Trong cuộc cải cách phụng vụ sau Công đồng Vaticanô II, Hội Thánh đã nỗ lực phục hồi một vài yếu tố thuộc về chức năng độc nhất của lời tổng nguyện xa xưa [vốn là một trong 3 “lời nguyện thuộc chủ tế” trong Thánh lễ] tức là dành một thời gian cho mọi người thinh lặng hầu nêu ra ý nguyện của mình và giới hạn con số lời tổng nguyện, chấm dứt việc có thêm nữa những thỉnh nguyện hay tưởng nhớ các thánh theo sau. [6]
III. DIỄN TIẾN VÀ Ý NGHĨA CỦA TỪNG YẾU TỐ
Lời nguyện nhập lễ là yếu tố dẫn nhập cộng đoàn vào buổi lễ cũng như vào các Bài đọc Sách Thánh. Thật vậy, lời nguyện nhập lễ vừa kết thúc phần nghi thức đầu lễ, vừa khơi dậy tâm tình cầu nguyện của cộng đoàn hợp nhất với nhau trong Đức Kitô nhằm chuẩn bị tinh thần mọi người tham dự Thánh lễ cách xứng đáng. Vì thế, lời nguyện nhập lễ diễn tả đặc tính của buổi lễ (QCSL 54). Không những thế, lời nguyện nhập lễ còn như là mở đầu cho phần Phụng vụ Lời Chúa, vì thế nội dung lời nguyện này thường bao gồm ý chính của các Bài đọc Sách Thánh.
Mỗi lời nguyện nhập lễ gồm 3 yếu tố căn bản sau đây:[7]
1/ Lời mời gọi
Chủ tế mời gọi cộng đoàn hợp ý cầu nguyện bằng cách chắp tay và nói: “Chúng ta dâng lời cầu nguyện”. Câu “Chúng ta dâng lời cầu nguyện” hàm ý: [i] Thứ nhất, linh mục chủ tế, nhờ chức tư tế thừa tác của mình, không những đại diện cho Hội Thánh mời gọi các tín hữu cầu nguyện, mà còn đại diện cho toàn dân để dâng lên Thiên Chúa các lời cầu nguyện cùng những ý nguyện thầm kín của từng người. Lời nguyện ngài sắp tuyên đọc là của cộng đoàn cho dù chỉ được một người là vị chủ tế bày tỏ, và ngài cũng mời gọi mọi người chung lòng hợp ý để dâng lời nguyện xin;[8] [ii] Thứ hai, các tín hữu dùng lời cầu nguyện của mình để thi hành chức tư tế họ đã nhận được trong bí tích Thánh tẩy, tức là cùng với Đức Giêsu Kitô, dâng lên Chúa Cha, và nhờ Đức Giêsu Kitô mà cầu nguyện với Chúa Cha.[9]
2/ Giây phút thinh lặng
Sau câu “Chúng ta dâng lời cầu nguyện” mọi người cùng chủ tế thinh lặng cầu nguyện trong giây lát (Nghi Thức Thánh lễ [NTTL], số 9; QCSL 54). Sự thinh lặng vào lúc này là yếu tố hoàn toàn mới của Thánh lễ theo Vaticanô II. Đây không phải là việc tùy nghi nhưng là một đòi buộc, bởi vì: [i] Mặc dù lời tổng nguyện là lời nguyện thuộc chủ tế, nghĩa là chỉ do một mình chủ tế xướng (đọc), nhưng lại không phải là lời nguyện của riêng chủ tế mà là của cộng đoàn. Bởi thế, nếu bỏ không thinh lặng vào lúc này thì sẽ làm vuột mất sự cân bằng tinh tế giữa thừa tác vụ của tư tế và tác vụ của toàn thể dân chúng;[10] [ii] Sự thinh lặng nhằm mục đích để mỗi người hồi tâm, ý thức rằng mình đang hiện diện trước nhan Chúa, để hướng lòng về Chúa và âm thầm gợi lên trong tâm hồn mình các nguyện ước riêng dưới cái nhìn của Chúa trước khi vị chủ tế gom lại thành một bó duy nhất, thành một lời ‘tổng nguyện’, một lời cầu nguyện ‘tổng hợp’ mà dâng lên Thiên Chúa Cha nhờ Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần (x. QCSL 54).[11] Giây phút này, các tín hữu mang theo mình trọn vẹn cuộc sống cá nhân và gia đình của họ để trình lên Chúa những vui mừng sầu khổ, những hy vọng khát mong của toàn thể Hội Thánh và của cả nhân loại.[12] Nếu mỗi người không cầu nguyện thầm thĩ trong lòng, chủ tế cũng không còn lý do để lớn tiếng cầu nguyện nhân danh họ, thâu kết những ước nguyện của họ. Với sự thinh lặng này, cộng đoàn phụng vụ không phải là một đám đông hỗn loạn, nhưng là cộng đoàn đức tin được Thiên Chúa kêu mời và quy tụ, là Dân Chúa, là gia đình của Thiên Chúa hay Hội Thánh của Chúa đang nên như cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem: “một lòng một ý” với nhau.[13]
3/ Lời nguyện (gồm 3 phần):[14]
– Phần ngỏ lời: Lời nguyện thường được mở đầu bằng kêu cầu Chúa Cha hoặc trực tiếp kêu cầu Chúa Giêsu. Phần ngỏ lời đôi khi cũng thêm vào những lý do để giải thích, nhất là trong những lễ trọng hoặc lễ kính các thánh.
– Phần cầu xin: Lời cầu xin thường rất tổng quát để có thể là bối cảnh ước nguyện cho bất cứ ý muốn nào của các tín hữu, vì trong lúc thinh lặng, mọi người đã âm thầm nói lên những ý nguyện riêng tư, cụ thể rồi. Phần này đặc biệt hướng về ngày lễ, về mùa hoặc về mầu nhiệm mừng kính và xin những ơn ban … Tuy vậy cũng không thiếu những yếu tố tạ ơn, ngợi khen là đặc tính cốt cán của mọi kinh nguyện phụng vụ.
– Phần kết thúc (vinh chúc): Để kết lời nguyện, Giáo Hội thường dâng lời cầu xin lên Chúa Cha, qua trung gian Chúa Con, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần bởi vì chỉ có Chúa Kitô là trung gian duy nhất, là vị Tư Tế hằng sống trung gian chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa Cha. Và sở dĩ chúng ta dám chắc về hiệu lực của lời kinh phụng vụ là vì có Chúa Kitô đang cầu nguyện với chúng ta. Câu kết được kéo dài để tuyên xưng thần tính của Chúa Con, chống lại sai lầm của Ario cho rằng Chúa Giêsu chỉ là một trung gian tầm thường, kém Chúa Cha. Vì thế tư tế đọc: Nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.
Kết thúc hoàn toàn lời nguyện nhập lễ, cộng đoàn tung hô Amen (NTTL 9). “Amen” vừa có nghĩa là “ước mong được như vậy” (Gr 28,6), “xin hãy xảy ra như ý Chúa muốn”, vừa có nghĩa là mọi người đồng thanh chấp nhận những lời chủ tế – đại diện cộng đoàn – dâng lên Chúa, xác nhận lời nguyện của tư tế cũng chính là ý nguyện của mình (x. QCSL 54) như chữ ký của họ vào tài liệu cầu nguyện vậy và họ nguyện sẽ trung thành với tất cả lòng yêu mến.[15] Khi đáp lại Amen, những người tham dự thi hành chức năng đã được ủy nhiệm cho họ, đó là chức tư tế cộng đồng của tín hữu.[16]
- ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ
1/ Khi linh mục chủ tế mời gọi “chúng ta dâng lời cầu nguyện”, vì không có bất kỳ một chỉ dẫn nào về cử điệu của người tham dự nên mọi người có thể đứng trang nghiêm hướng về cung thánh hay chắp tay/khoanh tay cúi đầu như khi cầu nguyện riêng nhằm nối kết lời nguyện nhập lễ với thói quen đạo đức cá nhân.[17]
2/ Từ lúc chủ tế mời gọi “chúng ta dâng lời cầu nguyện”, ngoại trừ người giúp lễ giữ Sách lễ phía trước chủ tế có thể rút lui ngay khi linh mục chắp tay kết thúc lời tổng nguyện, còn những người khác: không nên nói gì, làm gì và cũng không nên di chuyển [như thể lời tổng nguyện chẳng liên quan gì đến mình] cho tới khi cộng đoàn tung hô Amen nhằm đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa và hướng tâm trí mình lên trời cao.[18] Bởi vậy, độc viên công bố Bài đọc I phải lưu ý những điểm này: [i] nên ở vị trí gần/sát cung thánh; [ii] nếu ở vị trí xa cung thánh thì phải di chuyển rồi tạm đứng ngay trước cung thánh đang khi cộng đoàn hát khúc cuối của kinh thương xót/kinh vinh danh; [iii] chỉ tiến đến giảng đài sau lời đáp Amen của cộng đoàn, tức là sau khi đã kết thúc phần nghi thức đầu lễ (x. NTTL 10; LNGM 137; QCSL 32).[19]
3/ Để cộng đoàn chú ý đến phần vụ của lời nguyện nhập lễ, chủ tế chỉ nên đọc lời nguyện này sau khi toàn thể cộng đoàn thinh lặng trong chốc lát. Sự thinh lặng này rất hữu ích nhằm nhấn mạnh Thánh lễ vừa mang tính cộng đoàn, vừa là hành vi trong đó chúng ta suy niệm và cầu nguyện riêng. Điều này đòi hỏi phải để cho mỗi người tham dự có đủ thời giờ nghĩ tới điều mình kêu xin.[20]
4/ Lời nguyện nhập lễ là “lời nguyện của vị chủ toạ”, nghĩa là chỉ có chủ tế mới được đọc. Vậy không được phép phân chia cho người khác đọc thay hay cùng đọc với vị chủ tế Lời nguyện nhập lễ (QCSL 30).
5/ Lời nguyện nhập lễ mang nét đặc thù và diễn tả đặc tính riêng của từng Thánh lễ, do đó thông thường lễ nào sẽ có lời nguyện nhập lễ riêng của Thánh lễ đó (x. QCSL 54). Tuy nhiên, đối với ngày thường trong mùa Thường niên: có thể chọn một trong 34 bài lễ của các Chúa nhật Thường niên và tùy theo nhu cầu mục vụ của giáo dân đòi hỏi; Còn đối với Thánh lễ dành cho thiếu nhi, chủ tế có thể chọn lựa một lời nguyện nhập lễ khác mà xét thấy liên hệ tốt hơn với chúng, nhưng phải cùng mùa phụng vụ.[21]
6/ Luật phụng vụ xác định rằng mỗi Thánh lễ chỉ đọc một lời nguyện nhập lễ riêng của Thánh lễ đó, nên không được phép phối hợp hay thay đổi lời nguyện đã được Giáo Hội quy định (x. QCSL 54): [i] Nếu có nhiều lễ trùng nhau và được mừng kính trong một ngày, vị chủ tế phải chọn Thánh lễ có vị trí ưu tiên hơn theo Bảng Ghi Ngày Phụng Vụ [xếp theo thứ tự ưu tiên];[22] [ii] Nếu các lễ bằng nhau thì chọn lễ nào liên quan đến cộng đoàn nhiều hơn, còn bỏ các lễ khác.
7/ Nếu lễ sinh/thầy giúp lễ phải giữ Sách lễ cho chủ tế đọc thì một là di chuyển vào vị trí trước khi ngài mời gọi “chúng ta dâng lời cầu nguyện” để đỡ gây chia trí cho người khác, hai là chú ý giữ Sách lễ ở độ cao và chênh góc phù hợp với tầm nhìn của linh mục.[23]
- SUY NIỆM
Lạy Chúa Giêsu, chúng con biết rằng lời nguyện nhập lễ là lời nguyện quy tụ tín hữu thành một cộng đoàn phụng tự. Vào những dịp khác nhau, lời nguyện này còn chất chứa chủ đề của buổi cử hành.
Lời nguyện nhập lễ có phần kết thúc thật quan trọng: Hội thánh thưa lên với Chúa Cha qua Chúa, Đấng Trung Gian của chúng con, và trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần.
Vâng, lạy Chúa, chính nhờ Chúa mà chúng con hướng lên Chúa Cha. Chúa là Đấng Trung Gian của chúng con. Khi cây thập giá được dựng trên đồi Canvê, âm phủ tăm tối ngăn cách giữa trời và đất đã bị xua tan để cuối cùng trời đất được bắc một nhịp cầu. Chúa đã từ trời xuống thế để nâng loài người sa ngã lên. Khi Chúa lên ngự bên hữu Chúa Cha, chắc chắn Chúa muốn ôm lấy toàn thể nhân loại chúng con theo Chúa. Chúa đã một mình giáng thế, nhưng khi về lại thiên đàng, Chúa muốn kéo theo Chúa một đoàn người đông đảo từ khắp muôn phương mà vì họ mà Chúa đã sinh xuống trần gian. Giờ đây, mỗi khi Hội Thánh dâng kinh nguyện lên Chúa Cha, Chúa đã ân cần trình bày những lời nguyện này lên ngai ân sủng như chính lời nguyện của Chúa.
Chúng con cầu xin nhờ Chúa là Thiên Chúa. Bị đóng đinh trên thánh giá và đang ngoi ngóp trong hơi thở sắp sinh thì, Chúa vẫn tuyên bố là Chúa của mọi loại thọ tạo. Và hành động đầu tiên của Chúa trong tư cách Thiên Chúa chính là trao ban Thần Khí cho Hội thánh. Khi Hội thánh cầu khẩn với Chúa như vị Thiên Chúa, Hội Thánh xin hồng ân từ Chúa Thánh Thần. Lời nguyện của chúng con sẽ thành vô ích nếu như không đặt để nơi Chúa Thánh Linh. Chúa đã chết và sống lại để cử đến và mang đến cho chúng con quyền năng và sự hiện diện an ủi của Chúa Thánh Thần. Vì thế, khi Hội thánh gợi lại sự chết và sống lại của Chúa, không phải là Hội thánh đang chờ mong ân huệ của Chúa Thánh thần như kết quả của lời nguyện ấy sao?
Lạy Chúa, khi hiệp cùng Hội thánh trong lời nguyện nhập lễ, xin giúp chúng con nhận ra tiếng nói còn ẩn khuất bên dưới ngôn ngữ khiếm khuyết của con người. Xin dạy chúng con luôn biết cầu nguyện nhân danh Chúa, vì không có Chúa chúng con chẳng dám đứng trước nhan Chúa Cha. Khi chúng con khẩn cầu Chúa, Thiên Chúa của chúng con, xin làm cho cuộc sống chúng con thêm sung mãn bằng ân huệ và sự hiện diện của Thần Khí Chúa. Amen.
[1] John Baldovin, “History of the Latin Text and Rite”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, ed. Foley Edward (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 122.
[2] X. Vogel, Medieval Liturgy, 38-45, trích lại trong John Baldovin, “History of the Latin Text and Rite”, 122.
[3] Baldovin, 122.
[4] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC: FDLC, NE, 2003), 20.
[5] X. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 150.
[6] Johnson, The Mystery of Faith, 20.
[7] Nguyễn Thế Thủ, Phụng Vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001), 52-53.
[8] X. Erasto Fernandez, SSS, the Eucharist: Step by Step (Mumbai: St. Paul, 2005), 27; Nguyễn Thế Thủ, Phụng Vụ Thánh Thể, 52-53.
[9] A. M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ (knxb, kn), 25.
[10] Dominic E. Serra, “Theology of the Latin Text and Rite”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, ed. Edward Foley (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 131.
[11] André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l’usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012), 90.
[12] Suy tư Thần học và Mục vụ Chuẩn bị cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 tại Dublin, Ireland (10 – 17/06/2012), số 64.
[13] Adolf Adam, The Eucharist Celebration: The Source and Summit of Faith, trans. Robert C. Schultz (Collegeville: The Liturgical Press, 1994), 30.
[14] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, 1997), 44-46.
[15] Jean – Yves Garneau, SSS, Discovering Eucharist: According to A Ritual Approach, trans. Conrad Goulet, SSS (Makati: St. Paul Publications, 1991), 51-52.
[16] Adam, The Eucharist Celebration: The Source and Summit of Faith, 32.
[17] Paul Turner, Let Us Pray: A Guide to the Rubrics of Sunday Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), no. 256.
[18] X. André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe, 91; Catholic Bishops’ Conference of England and Wales, Celebrating the Mass (London: Catholic Truth Society and Colloquium [CaTEW] Ltd., 2005), 150.
[19] Turner, Let Us Pray, nos. 259, 267; X. André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe, 91.
[20] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh Thể, 44.
[21] X. Hướng Dẫn Thánh Lễ Với Trẻ Em [Directorium de missis cum pueris] (1973), n. 50.
[22] Quy Luật Phổ Quát Về Năm Phụng Vụ Và Niên Lịch, số 59.
[23] André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe, 85.
Tin cùng chuyên mục:
Tìm hiểu về Năm Thánh
Đề tài Tĩnh tâm Quí IV
Cáo phó ông cố Augustinô, thân phụ dì Anna Trần Thị Hải
Thấy Ơn Cứu Độ Của Thiên Chúa (08.12.2024 – Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C)