Đề tài tĩnh tâm – tháng 12 /2023

Hiệp thông với Giáo hội địa phương trong sứ vụ

Việc tông đồ bác ái xã hội

HC điều 63-64; Lc 10,1-9

Khung cảnh: Đặt mình trong khung cảnh cùng hiệp thông với Giáo phận trong sứ vụ loan báo Tin Mừng

Ơn xin: Xin ơn nhiệt thành dấn thân trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.

 

  1. Hiệp thông với Giáo hội địa phương trong sứ vụ (Điều 63)

Chị em thi hành sứ mạng tông đồ nhân danh, thừa lệnh và hiệp thông Giáo hội,[1] cách riêng Giáo hội địa phương.

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” Chúa Giêsu đến trần gian để thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó. Để tiếp nối sứ mạng của Người ở trần gian, Chúa Giêsu chọn gọi các các tông đồ và sai các ông đi rao giảng. Vì Hội dòng ở trong lòng Mẹ Giáo hội nên Hội dòng thi hành sứ mạng tông đồ nhân danh, thừa lệnh và hiệp thông với Giáo hội cách riêng Giáo hội địa phương. Vì vậy chị em thi hành sứ mạng nhân danh Hội dòng và được Hội dòng sai đi. Chúng ta làm việc tông đồ không mang tính cá nhân nhưng là sứ mạng chung của Hội dòng và của Giáo hội. Chính vì thế chị em thi hành sứ mạng tốt thì Hội dòng và Giáo hội được hưởng hoa trái tốt. Ngược lại nếu chị em làm không tốt thì Hội dòng và Giáo hội cũng chịu ảnh hưởng không tốt. Bởi vậy chị em cần ý thức tôi làm việc này không phải nhân danh cá nhân tôi, nhưng là nhân danh Hội dòng và Giáo hội. Ý thức được sứ mạng tông đồ phát xuất từ chính Chúa Kitô, chị em cần có tinh thần ứng trực nhiệt thành dấn thân hết mình cho sứ mạng. Mỗi chị em khi được sai đi, cần vượt ra khỏi những rào cản của bản thân. Và khi được chuyển đổi sứ mạng ta cũng cần có một sự tự do nội tâm, sẵn sàng xin vâng theo ý Chúa qua Hội dòng, luôn đặt sứ mạng chung lên trên ích lợi cá nhân.

  • 1. Chị em bày tỏ lòng kính trọng chân thành đối với các Đức Giám Mục, phục tùng các ngài trong tất cả những gì liên quan tới mục vụ, phụng vụ và việc tông đồ.[2]

Để bày tỏ lòng kính trọng chân thành và phục tùng đối với các Đức Giám Mục, chúng ta cần mau mắn thực thi trong tất cả những gì liên quan tới mục vụ và công việc tông đồ trong Giáo phận. Hội dòng chúng ta thuộc quyền Giáo phận nên những gì Đức Giám Mục yêu cầu liên quan đến mục vụ, phụng vụ và tông đồ chúng ta phải là người đi tiên phong trong việc thực hiện những gì các ngài mời gọi qua các thư chung, qua những qui định chung của Giáo phận và nhiệt thành cộng tác vào việc chung của Giáo phận với tình con thảo. Chúng ta cũng thành thật nhìn nhận rằng có lúc chúng ta vẫn còn so đo tính toán, ngại ngùng trong những công việc chung, những lúc như vậy chúng ta cần trở về mục đích ban đầu Đấng Sáng Lập qui tụ chúng ta là vì nhu cầu của Giáo phận. Chúng ta cần quảng đại và tin rằng: chính sự hy sinh quảng đại Chúa sẽ ban thêm ơn gọi cho chúng ta trong cánh đồng truyền giáo mênh mông của Giáo phận thân yêu này, vì Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của ta. “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em.” (Lc 6, 38).

  • 2. Khi tổ chức công việc tông đồ của Hội dòng, cần theo sát đường hướng mục vụ chung của Giáo hội địa phương.

Hội dòng khi tổ chức công việc tông đồ phải theo sát đường hướng chung của Giáo phận, không tự làm theo ý riêng. Vì nếu không theo đường hướng chung của Giáo phận thì chẳng những không tốt mà còn gây chia rẽ. Chị em khi được cử tham gia những công việc chung trong Giáo phận cần có sự khiêm tốn, lắng nghe để hòa chung với những người mình được cộng tác.

  • 3. Chị em cộng tác tích cực với các vị chủ chăn và những người làm việc tông đồ tại giáo xứ và Giáo phận, trong tinh thần tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ của nhau.[3]Nội Qui xác định những khía cạnh cụ thể.

Chị em cộng tác tích cực với các vị chủ chăn và những người làm việc tông đồ tại các giáo xứ và Giáo phận. Chị em hiện diện trong các giáo xứ cộng tác với cha xứ và những người liên quan đến công việc tông đồ trong tinh thần tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ của nhau. Vì thế chị em cần ý thức trong cách ăn nết ở và trong cung cách làm việc nghiêm túc. Chính trong cách ăn nết ở và làm việc của mình mà được người khác tôn trọng, cũng có khi ngược lại qua cách sống của mình mà người khác thiếu tôn trọng. Ta cần xét mình nếu vì cách sống của ta mà người khác thiếu tôn trọng, ta cần hoán cải, canh tân đời sống của mình. Còn nếu ta đã làm tốt mà bị coi thường, thiếu tôn trọng, ta cần đối thoại chân thành để giúp người khác sống tốt hơn. Nếu giúp họ không được, ta cần cầu nguyện cho họ và đón nhận như một sự hy sinh Chúa ban để trở nên giống Chúa hơn.

  • 4. Đời sống cộng đoàn cần được tổ chức phù hợp với nhu cầu mục vụ địa phương và công việc tông đồ của chị em.[4]

Mỗi cộng đoàn cần tổ chức đời sống cộng đoàn của mình phù hợp với nhu cầu mục vụ địa phương và công việc tông đồ của chị em. Chị em ở các giáo xứ cố gắng tham gia các việc tông đồ trong giáo xứ với khả năng của mình sao cho chị em không quá tách biệt với giáo xứ, chúng ta cần thực hiện sống tinh thần hiệp hành. Tuy nhiên chị em cần phải giữ mức quân bình để không quá chú trọng việc tông đồ mà xao nhãng những sinh hoạt chung của đời sống cộng đoàn. Nhưng cũng không phải vì đời sống cộng đoàn mà không tham gia hiệp hành với đời sống của Giáo xứ.

  1. Việc tông đồ bác ái xã hội (Điều 64)

Tinh thần tông đồ không chỉ được thể hiện qua việc cộng tác mục vụ về đời sống đức tin nhưng còn được thể hiện qua việc làm tăng triển đời sống xã hội. Do đó người tu sĩ còn được mời gọi tham gia vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, bác ái xã hội cho những người có hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội, nhất là những khu vực vùng sâu vùng xa và miền núi nơi có nhiều người cần tới sự trợ giúp.

Chúng ta sống đời thánh hiến là để đi theo sát Chúa Giêsu trong nếp sống của Người, Đấng đã tự hạ mình phục vụ nhân loại, chúng ta được thúc đẩy phục vụ người khác trong sự hiến mình khiêm hạ không tính toán ích kỷ.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tu sĩ hãy ra khỏi chính mình và đi về những vùng ngoại ô của cuộc đời: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ – Anh chị em đừng khép lại trong chính mình, đừng để mình bị ngột ngạt với những chuyện lẩm cẩm trong nhà, đừng bị giam hãm trong những vấn đề nội bộ. Những vấn đề này sẽ được giải quyết nếu anh chị em đi ra ngoài để giúp những người khác giải quyết những vấn đề của họ và loan báo Tin Mừng. Anh chị em sẽ tìm thấy sự sống khi ban phát sự sống, tìm thấy hy vọng khi ban phát hy vọng, tìm thấy tình thương bằng cách yêu thương” (Thư Năm đời thánh hiến, 2014). 

Sự lựa người nghèo nằm trong chính sự phục vụ của Chúa Kitô. Nên người nghèo phải là lựa chọn ưu tiên phục vụ của chúng ta là những muốn theo sát Chúa Kitô hơn bằng cách bắt chước cách sống của Người.

Trong đoạn Tin Mừng “Mc 6:34-44”, hình ảnh Chúa Giêsu nuôi đám đông dân chúng qua phép lạ “bánh hóa nhiều” phần nào đó làm cho ta liên tưởng đến việc Chúa Giêsu đang làm tông đồ bác ái xã hội. Thấy đám đông dân chúng, Chúa Giêsu chạnh lòng thương, “dạy dỗ họ nhiều điều”, Chúa làm phép lạ bánh hóa nhiều để cho họ ăn.

Chúng ta hãy để ý các động từ: thấy, chạnh lòng thương, dạy dỗ, và cho ăn. Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông. “Thấy” phát xuất từ con mắt. “Chạnh lòng thương” đến từ con tim. “Dạy dỗ” khởi đi từ khối óc và môi miệng. “Cho ăn” cần đến đôi tay. Đám đông dân chúng là ai? Họ có thể là những người ít học, bần cùng trong xã hội, thất nghiệp, đi ăn xin, nghèo đói, bị bỏ rơi, bị loại trừ, sống bơ vơ lang thang đầu đường xó chợ không chỗ tựa nương, thiếu vắng niềm tin và lẽ sống, v.v.. Chính vì thế, Chúa Giêsu dạy dỗ họ, sinh hoạt với họ, sống gần gũi với họ. Phần tôi, tôi làm tông đồ bác ái xã hội khác với Chúa nhiều lắm. Có khi tôi thấy họ đói khổ, nhưng tôi không chạnh lòng thương họ như Chúa. Có khi tôi chẳng thấy người nghèo khổ đâu cả, tôi làm việc trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bác ái xã hội nhưng thiếu con tim rung động nên việc làm thiếu giá trị Tin Mừng.

 

Câu hỏi gợi ý suy nghĩ và cầu nguyện

– Tôi sẵn sàng khi được sai đi thi hành sứ mạng như thế nào? Khi thi hành sứ mạng tôi  ý thức làm nhân danh Hội dòng và hiệp thông với Giáo hội như thế nào?

– Tôi bày tỏ lòng kính trọng chân thành đối với các Đức Giám Mục, phục tùng các ngài trong tất cả những gì liên quan tới mục vụ, phụng vụ và việc tông đồ như thế nào? Tôi cần cố gắng hơn trong điều gì?

– Tôi đứng bên trong hay bên ngoài cuộc sống của những người có hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội, nhất là những khu vực vùng sâu vùng xa và miền núi nơi có nhiều người cần tới sự trợ giúp?

– Tôi thi hành sứ mạng tông đồ với người nghèo có đến từ đôi mắt và con tim tràn ngập lòng thương xót tôi dành cho họ không? Tôi nên làm gì để thay đổi cách làm việc tông đồ bác ái xã hội?

– Trong Mùa Vọng này tôi phải làm gì để có của lễ dâng cho Chúa Hài Đồng?

 

[1] x. GL 675 §3.

[2] x. GL 678 §1.

[3] x. GL 681

[4] x. DT 8,3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *