WHĐ (13.05.2024) – Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 31: TUNG HÔ: THÁNH! THÁNH! THÁNH!

I/ NGHI THỨC

Cuối kinh Tiền tụng, linh mục chắp tay, cùng với toàn thể cộng đoàn và hợp cùng các Dũng thần trên trời, hát bài ca Thánh, Thánh, Thánh (Sanctus) như là phần kết kinh Tiền tụng. Lời tung hô Sanctus này là thành phần của chính kinh nguyện Thánh Thể, nên cả cộng đoàn và linh mục cùng hợp tiếng (x. NTTL 31; QCSL 79b).

II/ LỊCH SỬ

Sanctus tiếp nối kinh Tiền tụng và kết hợp của 2 lời tung hô: (1) Lời tung hô (Sanctus) của các thiên thần Seraphim được ghi lại trong sách Isaia: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (Is 6,3); (2) Lời chúc tụng (Benedictus) reo hò của dân chúng khi Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem: “Hoan hô Con vua Đavit! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21,9; Mc 11,9; Lc 19,38).

Đoạn văn Is 6,3 có lẽ đã được thêm vào bản văn nghi lễ sau này vì không thấy có trong sách Truyền Thống Tông Đồ của thánh Hippôlytô. Cũng đúng, vì Kinh nguyện Tạ ơn Kitô giáo bắt nguồn từ phụng vụ bữa ăn của Do Thái mà phụng vụ này không có tung hô Sanctus. Tuy nhiên, Đức Giám mục Clêmentê của Rôma đã nói đến bản văn Is 6,3 trong phụng vụ qua bức thư của ngài gởi cho giáo đoàn Côrintô trước năm 100 (khoảng năm 96). Thật ra tung hô Is 6,3 có nguồn gốc từ đền thờ Giêrusalem và vẫn được hát trong giờ phụng vụ ban sáng (Kedusha) như một lời nguyện thuộc về phần chính yếu của phụng tự Do Thái ít là từ thế kỷ II. Khi Hội Thánh thêm tung hô Is 6,3 vào Kinh nguyện Thánh thể thì đã chuyển từ cách dùng của Do Thái sang cách dùng của Kitô giáo.[1]

Khoảng thế kỷ III, kinh Sanctus đã được sử dụng trong cử hành Thánh Thể bởi Origen (năm 254).[2] Đoạn Is 6,3 cũng được đưa vào trong cử hành Thánh Thể tại Alexandria trước năm 230 và lan truyền đến các giáo đoàn người Ai Cập dưới quyền cai quản của Đức Giám mục Dionysius (247-264). Chúng ta không hiểu tại sao bản văn Sanctus được mang vào Anaphora trong khi chẳng liên hệ gì đến phụng vụ bữa ăn của người Do Thái. Còn bản văn Mt 21,9 thì được bổ sung sau đó bởi Hội Thánh Syria vào khoảng giữa thế kỷ IV.[3]

Bằng chứng đầu tiên cho biết Sanctus là thành phần của Thánh lễ là ở phương Tây (từ vùng Bắc Italia) và không sớm hơn năm 400.[4] Đến cuối thế kỷ IV, do ảnh hưởng của người Kitô hữu gốc Do Thái, lời tung hô Is 6,3 (Sanctus) được đưa vào Kinh nguyện Thánh Thể trong hầu hết các nền phụng vụ Đông phương cùng với phần chúc tụng (Benedictus) Chúa tiến vào thành thánh (x. Mt 21,9; Mc 11,9; Lc 19,38) và được gọi là “bài ca chiến thắng” (ton epinikion hymnon).[5]

Về căn bản, công thức này mượn các câu 26, và 27 của Thánh vịnh 117/118. Hội Thánh Tây phương thêm lời tung hô Chúa Kitô: “Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21,9) là nhằm chống lại giáo lý sai lầm của Ariô (phủ nhận thần tính của Chúa Kitô). Qua đó, Hội Thánh khẳng định Chúa Giêsu Kitô cũng là Thiên Chúa, là Đấng được Thiên Chúa sai đến, Ngài cùng được chúc tụng như Chúa Cha.[6]

Giữa thế kỷ V, toàn bộ lời tung hô “Thánh! Thánh! Thánh” mới được đưa vào phụng vụ Tây phương như một phần của Lễ quy Roma vì các sách nghi thức phụng vụ như Sacramentarium Veronese và bản Supplementum Anianense của cuốn Sacramentarium Gregorianum đều có chứa kinh Tiền tụng nhưng không thấy có Sanctus. Lời tung hô Chúa Kitô được tháp nhập vào kinh Sanctus ở Pháp vào giữa thế kỷ VI do quyết định của Công đồng Vaison năm 529 và ở Rôma vào thế kỷ thứ VII.[7] Không lâu sau, Lễ quy Rôma đã được ấn định như một bản văn pháp lý với thẩm quyền quan trọng và không được phép thay đổi.[8]

Vào khoảng năm 530, theo sách Liber pontificalis (I, 128), tung hô Sanctus được linh mục và toàn dân đọc/hát chung cùng với sắc lệnh của Công đồng Vaison muốn Sanctus được hát trong mọi Thánh lễ chứ không chỉ trong các dịp lễ trọng. Cuốn Ordo do John (Archchanter) vẫn cho thấy lời tung hô này được hát/đọc bởi toàn thể dân chúng.[9] Tuy nhiên, vào thế kỷ VII, Sanctus lại được chỉ định riêng cho giáo sĩ hát. Khi phụng vụ Gallia/Gaul phát triển, linh mục và dân chúng cùng đọc Sanctus. Khoảng năm 775, bằng chứng từ vùng Gaul cho biết chủ tế đọc Lễ quy nhỏ đến độ chỉ những người đứng gần mới nghe thấy (Roman Ordo XV). Cuối thế kỷ IX, Lễ quy trở nên hoàn toàn thinh lặng (Roman Ordo V).[10] Đến thế kỷ XII, chủ tế và giáo hữu cùng hát Sanctus.[11] Nhưng rồi các nhạc sĩ chen vào làm cho âm điệu của bài Sanctus từ chỗ đơn sơ dễ hát trở thành phức tạp. Nhất là khi tiến tới các bài đa âm trong thời kỳ Gothic (từ thế kỷ XIII) thì kinh Sanctus chỉ do chủ tế và những người vây quanh bàn thờ đọc còn dân chúng chỉ lắng nghe cùng với việc xuất hiện tập tục đốt một cây nến to gọi là nến Sanctus trong mọi Thánh lễ khi đang hát Sanctus nhằm bày tỏ lòng tôn kính “Đấng ngự đến nhân danh Chúa”.[12] Việc phát triển những giai điệu phức tạp dẫn đến chỗ Benedictus (Chúc tụng) được hát sau bản văn Tường thuật lập bí tích Thánh Thể như được ghi lại trong Sách Lễ nghi Giám mục (1600).[13] Ngày nay, người ta nối kết lời Is 6,3 với Mt 21,9 (Sanctus et Benedictus) lại với nhau như tại lãnh thổ xứ Gallia, chúng làm thành lời tung hô trọn vẹn và được cộng đồng cùng vị tư tế hợp tiếng với các thiên thần trên trời để ca tụng Thiên Chúa và để kết thúc kinh Tiền tụng.[14]

III/ Ý NGHĨA

– Đoạn văn Is 6,3 là Sanctus thực sự, được thần hứng trong thị kiến khai mạc sứ vụ của ngôn sứ Isaia (740 trước công nguyên). Isaia thấy trời mở ra trước mặt và chứng kiến cảnh Đức Chúa ngự trên ngai cao, có các thiên thần Seraphim đứng chung quanh hầu cận, và đang khi bay lượn, các vị trao đổi nhau lời tung hô nói trên.[15] Trên trần gian, các thiên thần hát Gloria, nhưng trên trời, các ngài hát Sanctus. Điều quan trọng ở đây không phải là gợi lại chuyện các thiên thần hát bài ca này, nhưng là nhắc nhớ Hội Thánh trên trần gian hòa nhập vào bài ca trên trời trong hành động phụng tự duy nhất (Hiến chế về Phụng Vụ Thánh, số 8).[16]

– Tiếng “hosana” (thành ngữ ban đầu là “ho-si-a-nah”) có nghĩa đen và nguyên thủy là “xin hãy cứu vớt”/“xin ban ơn cứu độ”/ “xin hãy ra tay tế độ” và được lấy từ Tv 118,25: “Lạy CHÚA, xin ban ơn cứu độ”. Nhưng rồi “hosana [con vua Đavit]” mất đi ý nghĩa nguyên thủy để mang ý nghĩa “hoan hô”/“vạn tuế” nhiều hơn, bởi thế truyền thống đã đổi thành lời tung hô vui mừng và tạ ơn, là lời chúc tụng dành cho Đức Kitô.[17] Qua Benedictus “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa, hoan hô Chúa trên các tầng trời” Hội Thánh muốn chào mừng Chúa Giêsu sắp ngự xuống bàn thờ để hiện tại hóa hiến lễ của Tiệc ly cũng là hiến tế của đồi Canvê xưa. Như vậy,  kể cả ở Đông phương lẫn Tây phương, kinh Sanctus vừa mang chiều kích tung hô Thiên Chúa vừa mang chiều kích Kitô. Ngoài ra, đây còn là lời kinh chúc tụng mang chiều kích Ba Ngôi vì lời tung hô ba lần thánh gợi lên ý tưởng về tam vị.[18]

– Khi cất lên kinh Sanctus trong Thánh lễ, chúng ta như trở thành ngôn sứ Isaia và tông đồ Gioan (x. Is 6,3; Kh 1,10. 17; 4,8), vượt biên giới của Hội Thánh tại thế, vượt ra khỏi không gian trái đất mà hòa nhập vào phụng vụ của Hội Thánh trên thiên quốc, nơi các thiên thần và các thánh không ngừng cất tiếng tung hô Thiên Chúa (Is 6,3), hát khen chúc tụng Con Chiên bị sát tế (Kh 5:12).[19] Rõ ràng là, bản văn Isaia 6,3 chỉ nói đến “Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (được hiểu về đền thờ), nhưng kinh Sanctus mở rộng ra “Trời đất đầy vinh quang Chúa”: nghĩa là vinh quang Chúa tỏ hiện nơi tất cả công trình sáng tạo, cả trời và đất, cả nơi những con người được cứu, và trên hết là nơi Đức Giêsu từ trời cao ngự đến để thực thi công trình cứu độ. Như vậy, nơi thị kiến của Isaia chỉ có các thiên thần Seraphim ca hát, nhưng trong kinh Sanctus, có vô số các thiên thần, chư thánh, cùng toàn thể triều thần thiên quốc tham dự vào. Loài người, nói rõ hơn là tất cả những người được cứu độ, cũng tham dự vào, cùng chung tiếng hát vang để ca tụng Thiên Chúa. Vì công trình cứu độ của Thiên Chúa vẫn luôn tiếp diễn giữa nhân loại cho nên họ sẽ phải luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa và sẽ hát mãi bài ca này.[20]

– Lời tung hô Thiên Chúa “Thánh! Thánh! Thánh!”, tức lặp lại 3 lần chữ Thánh, muốn diễn tả rằng Thiên Chúa là Đấng thánh thiện tuyệt đối. Tung hô Thiên Chúa 3 lần Thánh làm rõ nét một điều: Thánh lễ không chỉ là lời cầu nguyện và chúc tụng của một số người hiện đang tụ họp trong một ngôi nhà thờ nhưng là của toàn thể Hội Thánh trên khắp hoàn cầu. Theo thánh Tôma Aquinô, với Sanctus, Hội Thánh tôn thờ thần tính của Chúa Kitô, trong khi với Benedictus, Hội Thánh ca ngợi nhân tính của Ngài.[21]

III/ MỤC VỤ

1) Nên hát kinh Sanctus trong mọi Thánh lễ vì: (1) Thứ nhất, tự bản chất, đây là bài ca tung hô và chúc tụng Chúa Kitô; (2) Thứ hai, trong việc tung hô chúc tụng này, cộng đoàn dưới thế hợp với lời ca tiếng hát của các thiên thần trên trời như vẫn được nhắc đến trong hầu hết các kinh Tiền tụng; (3) Thứ ba, Sanctus tóm lược các chủ đề của Kinh nguyện Thánh Thể; (4) Thứ tư, theo dòng lịch sử, Sanctus luôn luôn được hát. (x. MVTN 169).[22]

2) Sau những lời cuối cùng của kinh Tiền tụng, nhạc công chỉ nên bắt nốt nhạc bài Sanctus thật ngắn và thật nhỏ để làm cho lời tung hô này bùng lên lập tức và đúng lúc.[23]

3) Nếu có xông hương Thánh Thể sau truyền phép, thì đang khi hát Sanctus, thầy phó tế/người giúp lễ mang bình hương tiến ra đứng phía trước bàn thờ. Sau kinh Sanctus, thầy phó tế/người giúp lễ quỳ gối cùng với cộng đoàn và xông hương Thánh Thể mỗi khi chủ tế trưng Mình Thánh/Máu Thánh ra cho cộng đoàn chiêm ngắm (x. QCSL 43, 155, 179, 276).

4) Nếu dân chúng quỳ xuống sau Sanctus, chủ tế nên dừng lại trong giây lát trước khi bước vào phần cử hành tiếp theo nhằm làm cho tâm trí của mọi người dịu xuống, tạo bầu khi tĩnh lặng và tôn kính thích hợp với thời điểm trọng đại nhất của hành động thánh lúc này.[24]

IV/ SUY NIỆM

“Thánh, Thánh, Thánh”. Các đạo binh thiên thần xung quanh ngai tòa Thiên Chúa cùng nhau hát lên bài ca này để tôn vinh chúc tụng Chúa, ngợi khen vinh quang cao cả, sức mạnh toàn năng và vô biên của Thiên Chúa. Quả thật, Thiên Chúa chí thánh, ngàn trùng chí thánh. Thiên Chúa hoàn toàn tuyệt đối vượt xa và vượt trên hết thảy muôn loài.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng Chúa ngự trong ánh sáng vô hạn. Nhưng bây giờ Chúa lại làm cho chính mình trở nên hữu hạn hầu chúng con có thể đến gần và đụng chạm được Chúa, bởi vì Ngài, lạy Chúa, đã đến ở với nhân loại chúng con: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa”.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến như một con người để phá đổ bức tường ngăn cách giữa Thiên Chúa và loài người chúng con. Quả thực, Chúa đã xóa bỏ ranh giới giữa sự thánh thiêng và phàm tục. Chúa đã lật nhào những suy nghĩ lầm lạc của chúng con khi cho rằng Chúa chỉ cai trị trong vương quốc thánh thiêng và bỏ rơi cõi phàm cho quỷ ma điều khiển. Toàn thế giới là cung điện, là đền thờ của Chúa. Không có gì trong đó là phàm tục và cũng chẳng có gì ở bên ngoài ranh giới của cung điện này, đền thờ này, mà lại không tuyên xưng sự hiện diện của Chúa. Không có gì có thể thờ ơ lãnh đạm trước quyền uy của Chúa và dửng dưng đối với Ngài. Lạy Chúa, bởi vì Chúa đã đến, nên tất cả mọi thứ đều quy chiếu về Chúa; mọi thứ đều có liên quan đến Chúa; và mọi sự thuộc về Chúa.

Vì thế, tại Bữa tiệc ly, khi Chúa tuyên bố rằng bánh và rượu là Mình và Máu Chúa, Chúa chắc chắn rằng những yếu tố vật chất này không hề phàm tục. Trái lại, đó là kho tàng của sự hiện diện của Chúa. Bị đóng đinh vào thập giá trên Núi Sọ, Chúa đã biến sự ghê tởm của thập giá và đồi Canvê thành biểu tượng của lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa.

Lạy Chúa, làm sao chúng con có thể nhìn một cách đầy tôn kính những thiên thể thầm lặng băng qua bầu trời, mà lại không đọc ra sự thánh thiện của Thiên Chúa được viết trên khắp không gian mênh mông của thiên đàng? Cũng vậy, nếu chúng con tin rằng toàn thể thế giới này là cung điện, là đền thờ của Chúa, thì chúng con sẽ không dám xúc phạm đối với sự thánh thiêng của thế giới khi không biết sử dụng đúng giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên và làm xấu đi vẻ đẹp tự nhiên của trần thế.

Lạy Chúa, sau hết, chúng con xin cảm tạ Chúa vì đã mở rộng cánh cửa cung điện và vứt bỏ chiếc chìa khóa đi. Chúng con cảm tạ Chúa vì đã kêu mời cả người công chính lẫn người bất chính. Chúa đã ôm lấy tất cả chúng con không phải bởi vì ai nấy đều là thánh như chính Chúa là Đấng thánh, nhưng bởi vì trên thập giá, cánh tay rộng mở của Chúa đã ôm lấy các vị thánh và cả những tội nhân. Lạy Chúa, Chúa vẫn chào đón chúng con, mời gọi chúng con, là kẻ tội lỗi, đến với vòng tay của Chúa. Chúng con sẽ không phải đóng kín cánh cửa cõi lòng chúng con vì những mặc cảm tội lỗi trong chúng con nữa. “Thánh, chí Thánh, ngàn trùng chí Thánh… Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Amen.

[1] X. Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 26-27, 94; Enrico Mazza, The Celebration of the Eucharist, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press/A Pueblo Book, 1999), 238, 285-86.

[2] Edward Foley, From Age to Age (Collegeville: The Liturgical Press, 2008), 97.

[3] Cabié, 29-30.

[4] Edward Foley, From Age to Age, 97.

[5] X. Adrian Fortescue, “Sanctus”, The Catholic Encyclopedia, vol. 13 (New York: Robert Appleton Company, 1912), truy cập 20/10/2021,  http://www.newadvent.org/cathen/13432a.htm.

[6] X. Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001),123; Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012)190.

[7] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC:  FDLC, NE, 2003) 81; X. Cabié, “The Eucharist”, 94-95.

[8] X. Enrico Mazza, 285.

[9] Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 129.

[10] Foley, From Age to Age, 157.

[11] X. Jungmann, 130.

[12] Ibid., 103, 141.

[13] X. Lucien Deiss, The Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 1992), 72-73; Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 381.

[14] X. Johnson, The Mystery of Faith,  81; Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ, 381-82.

[15] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 129.

[16] X. Jungmann, SJ, 128.

[17] X. Lucien Deiss, The Mass, 72-73; Jerome Gassner, The Canon of the Mass (St. Louis: B. Herder Book Co., 1949), 168-69; Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ, 381.

[18] X. Joseph M. Champlin, The Mystery and Meaning of the Mass (Quezon: Claretian Publications, 2001), 94; Enrico Mazza, 285; Phan Tấn Thành, 190-91.

[19] Jean Yves Garneau, SSS, Discovering the Eucharist, trans. Conrad Goulet, SSS (Makati: St. Paul Publications, 1991), 121-122.

[20] Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ, 379-80.

[21]  X. Jerome Gassner, The Canon of the Mass (St. Louis: B. Herder Book Co., 1949), 164.

[22] X. Kevin W. Irwin, Responses to 101 Questions on the Mass (New York/Mahwah: Paulist Press, 1999), 93; Phạm Đình Ái, SSS, “Những phần nên hát trong mọi Thánh lễ,” trong Nhìn lại một số Vấn đề Phụng vụ tại Việt Nam (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2016), 255-273.

[23] X. David Haas, Music and the Mass (Chicago: Liturgy Training Publications, 1998), 78.

[24] André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l’usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012), 131-32; Peter Elliot, Ceremonies of the Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius Press, 2004), no. 283; Paul Turner, Let Us Pray: A Guide to the Rubrics of Sunday Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), no. 553.