Đề tài tĩnh tâm Quí II/2024

Để chuẩn bị năm thánh 2025 với chủ đề : “Những Người Hành Hương của Hy Vọng.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi mỗi Kitô hữu gia tăng việc cầu nguyện để chuẩn bị tâm hồn đón nhận hồng ân năm thánh. Hòa cùng Giáo Hội và với Nghị Quyết 1 của Tổng Tu Nghị, hằng quí chúng ta tĩnh tâm theo Hiến Chương và Nội Qui. Vì vậy quí 2 này chị em trong Hội dòng sẽ cầu nguyện theo đề tài:

“HÃY Ở LẠI TRONG TÌNH THƯƠNG CỦA THẦY”

Bản văn:  (Ga 15,1-17; Hc điều 42-44)

Khung cảnh: Đặt mình trước sự hiện diện của Chúa Giêsu, xin Chúa dạy chúng ta cầu nguyện.

Ơn xin: Xin ơn canh tân đời sống cầu nguyện, nhờ đó đời sống được biến đổi trở nên tốt lành hơn.

  1. Khuôn mẫu của đời sống cầu nguyện (Hc điều 42).
  • 1 Thiên Chúa đổ tràn tình yêu của Ngài vào trong lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần được ban cho chúng ta.

Chúng ta thân phận con người vốn mỏng manh, yếu đuối và dễ thay đổi. Thiên Chúa thấu suốt mọi tâm can từng gang tấc nơi con người hơn bất cứ ai. Ta đã từng khấn hứa giao ước tình yêu với Thiên Chúa, nhưng nhiều khi ta lại bất trung với lời mình đã khấn hứa. Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu trung tín, không thay đổi; chỉ có tình yêu nơi con người mới đổi thay. Dù ta thế nào đi nữa, Chúa vẫn không ngừng tuôn đổ tình yêu của Ngài trên chúng ta.

Tôi có dám mở lòng để đón nhận tình yêu của Chúa hay không?

Tôi có dám vét rỗng tâm hồn để có chỗ cho Chúa ngự trị không?Hay còn chứa chất nhiều những thói đời như: lười biếng, ích kỷ, giận ghét, ghen tương, kiêu ngạo…?

  • 2 Thánh Thần hòa nhập lời cầu nguyện của chúng ta với lời cầu nguyện của Đức Kitô, Đấng liên lỉ sống đời làm con trước mặt Chúa Cha.

Khi cầu nguyện Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần dạy chúng ta kêu lên “Abba, Cha ơi!”. Đó là điều Chúa Giêsu làm cả cuộc đời, ngay trong lúc thê thảm nhất Chúa Giêsu đã không bao giờ đánh mất sự tin tưởng nơi Thiên Chúa Cha, và đã luôn luôn khẩn nài Người với sự thân tình của Con yêu dấu. Trong vườn Giệtsêmani, khi cảm thấy nỗi âu lo của cái chết, lời cầu của Người là “Abba, Cha ơi!, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con! Nhưng xin đừng theo ý Con, mà theo ý Cha” (Mc 14,36). Chúa Giêsu cầu nguyện để làm theo ý Cha, không một lời nói và việc làm nào của Chúa Giêsu ra khỏi ý Cha. Vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi”(Ga 6,38). Chúa Giêsu từ trời xuống thế để làm theo ý của Đấng đã sai mình và chu toàn công cuộc của Đấng đó. Người không làm theo ý riêng mà theo ý của Đấng đã sai mình. Những lời Người nói cùng những việc Người thực hiện là của Cha mình. Việc hoàn toàn thuận theo ý Chúa Cha cho đến chỗ chết trên Thập giá. Nơi đó Chúa Giêsu thực sự chu toàn công cuộc Chúa Cha đã ủy thác cho mình. Đó là đặc tính của Chúa Giêsu sống đời làm con hiếu thảo của Chúa Cha.

Chiêm ngắm Chúa Giêsu sống đời làm con hiếu thảo của Chúa Cha mời gọi tôi điều gì?

Tôi cầu nguyện để làm theo ý Chúa và liên lỉ sống tình con thảo với Chúa hay tôi muốn Chúa làm theo ý tôi?

 

  • 3. Đức Maria là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho đời sống cầu nguyện

Mẹ hằng kết hiệp thân mật với Chúa, chuyên chăm lắng nghe, suy niệm và tuân giữ Lời Chúa. Mẹ dâng lời chuyển cầu lên Chúa cho tha nhân. Mẹ cùng cầu nguyện với Giáo hội tiên khởi để khẩn nài Thánh Linh. Tâm hồn Mẹ luôn hân hoan thán phục, ca tụng Thiên Chúa về muôn hồng ân và kỳ công của Ngài khắp mọi nơi mọi đời.

 Qua biến cố Truyền Tin, lời thưa “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Mẹ sẵn sàng mở lòng ra đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Lời thưa xin vâng là lời cầu nguyện mang đến cho Mẹ những thử thách vô cùng khó khăn. Suốt đời Mẹ theo sát Chúa Giêsu, nhất là vào những thời điểm quan trọng của cuộc đời Người, ngay cả khi đến chân Thập giá. Mẹ Maria là người phụ nữ của cầu nguyện và là mẫu mực cho đời sống cầu nguyện của chúng ta. Mẹ luôn khiêm nhường cầu nguyện, mở lòng đến bất cứ nơi đâu Chúa có thể dẫn dắt, Mẹ tin tưởng và mở ra với ý muốn của Thiên Chúa. Trong niềm vui Phục Sinh, Mẹ đã cầu nguyện đồng hành với Giáo Hội trong thời khai sinh. Nhờ sự mở ra với quyền năng của Chúa Thánh Thần, Mẹ Thiên Chúa đã trở thành Mẹ của Giáo Hội là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho đời sống cầu nguyện của chúng ta.

Noi gương Mẹ Maria, tôi kết hiệp mật thiết với Chúa, chuyên chăm lắng nghe, suy niệm và thực hành Lời Chúa để Chúa dẫn dắt đời tôi thế nào?

2.Kinh nguyện theo phụng vụ (HC Điều 43)

  • 1. Thánh Thể là trung tâm đời sống thánh hiến của mỗi người.

Chính trong Bí tích Thánh Thể mà mỗi thành viên được mời gọi tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Nhờ hy tế này mà mọi hy sinh, lòng nhiệt thành và tình yêu mến của chị em được tháp nhập vào đời sống và sứ mạng của Người.

Bàn tiệc Thánh Thể quy tụ chúng ta lại để cùng nhau cử hành việc Chúa Giêsu chịu chết và sống lại cho tới khi Chúa đến. Chính mầu nhiệm Vượt Qua thúc bách chúng ta canh tân đời sống của mình. Việc cử hành Thánh Thể là nền tảng cho sự hiệp nhất trong cộng đoàn và tăng thêm sức mạnh để chị em chu toàn sứ mạng.

  • 2. Các Giờ Kinh Phụng Vụ diễn tả ơn gọi chuyên lo ca ngợi và chuyển cầu thuộc riêng về những người được thánh hiến.[1]Thế nên hằng ngày chị em cử hành chung ít nhất hai giờ kinh Sáng và Chiều.

Việc cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ, giúp chúng ta tìm lại sức mạnh và tạo mối dây hiệp nhất sâu xa trong cộng đoàn, là thời khắc để cộng đoàn dâng lên trước nhan Chúa những ước nguyện của toàn thế giới. Đó là chúng ta diễn tả ơn gọi chuyên lo ca ngợi và chuyển cầu của những người được thánh hiến. Khi cùng nhau cử hành Giờ Kinh Phụng Vụ giúp ta dứt bỏ những cám dỗ lười biếng, đề cao những công việc riêng hoặc những sở thích riêng, đọc kinh cho qua lần chiếu lệ…

  • 3. Sự hiện diện của Đức Maria có tầm quan trọng cơ bản cho đời sống thiêng liêng của chị em. Chị em hãy tỏ lòng sùng kính đặc biệt đối với Mẹ Maria qua việc tham dự các ngày lễ về Mẹ trong Phụng Vụ, siêng năng lần hạt Mân côi và những hình thức tôn sùng khác bắt nguồn từ Phụng Vụ và Tín lý”.

Việc siêng năng lần hạt Mân côi và tham dự các ngày lễ về Mẹ trong Phụng vụ, giúp ta quy hướng về Chúa Kitô, Đấng giải thoát ta khỏi tình trạng tội lỗi, dạy ta biết cách kiềm chế những đòi hỏi ích kỷ của bản thân. Ngay cả những lúc tinh thần của ta đang xuống dốc, lần hạt Mân côi sẽ giúp ta giữ lòng trung thành với Chúa. Nếu ta biết chạy đến với Mẹ để kêu xin Mẹ cứu giúp và tin tưởng rằng Mẹ sẽ nhận lời thì trong lòng ta sẽ cháy bùng ngọn lửa của lòng yêu mến Chúa.

Việc tham dự Thánh lễ, cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ, lần hạt Mân côi giúp ích gì cho  đời tu của tôi?

Tôi có nghiêm túc với những giờ cử hành Phụng Vụ chung của cộng đoàn không? Nếu không tôi cần chỉnh đốn lại thế nào?

  1. Kinh nguyện nội tâm (Hc Điều 44)
  • 1. Nhờ việc cầu nguyện cá nhân, chúng ta được sống thân mật với Thiên Chúa Ba Ngôi, được kín múc nơi Người sức mạnh, tình yêu để thực thi chương trình của Người. Trung thành với việc cầu nguyện riêng mỗi ngày là một nhu cầu thiết yếu và đồng thời là một đòi hỏi của tình yêu dâng hiến.
  • 2. Đời sống thiêng liêng của chị em được nuôi dưỡng hằng ngày bằng việc đọc Lời Chúa và sách thiêng liêng. Lời Chúa là dụng cụ tuyệt hảo để đạt tới sự hiệp nhất.[2] Nhờ sự thấm nhuần Lời Chúa, chị em được tăng trưởng đức tin, vững vàng cậy trông và nhiệt thành yêu mến sống ơn gọi hiệp nhất.
  • 3. Bí tích Thánh Thể là Bí tích kỳ diệu diễn tả và thực hiện mầu nhiệm hiệp nhất trong Giáo hội.[3] Thánh Thể cũng là trung tâm điểm của đời sống thánh hiến. Nhờ phép Thánh Thể, các chị em được kết hợp mật thiết với Chúa và với nhau để Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người.[4] Vì thế, chị em hãy tôn sùng Bí Tích Thánh Thể cách đặc biệt. Nhờ đó chị em được kết hợp mật thiết với Người và có năng lực nội tâm để sống ơn gọi Đức Mẹ Hiệp Nhất. Mỗi ngày, chị em dành thời gian để thờ phượng Thánh Thể thay cho nhân loại.

Tông huấn về Đời sống Thánh Hiến số 103 đã nói: “Mỗi người thánh hiến phải hình thành con đường nội tâm, chăm chú lắng nghe và tuân hành Lời Chúa”. Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ : “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9). Ở lại trong tình yêu Chúa, được nuôi dưỡng bằng của ăn thiêng liêng qua Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể, đọc kinh Phụng Vụ, cầu nguyện riêng lắng nghe suy niệm Lời Chúa, lần hạt, hồi tâm xét mình. Nhưng muốn ở lại trong tình yêu Chúa ta phải tuân giữ lệnh truyền của Chúa. Nếu sau những giờ thiêng liêng, ta không biết sinh hoa trái, không chuyển hóa thành tình yêu để phục vụ tha nhân qua những hy sinh. Đặc biệt, qua việc đặt để tình yêu vào việc làm, ý thức kết hiệp với Chúa trong mỗi phút giây làm việc và quy hướng về Chúa, thì đời ta không có sự thống nhất, giữa thiêng liêng và cuộc sống không ăn khớp với nhau.

Cũng có tình trạng ta ở với Chúa nhưng một cách hời hợt, chỉ để chu toàn bổn phận. Lúc đó, ta là người như lời trong sách Khải huyền nói Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta”. (Kh 3, 15-16).

Việc cử hành Phụng Vụ chung trong cộng đoàn và cầu nguyện cá nhân là điều vô cùng cần thiết. Chính trong cử hành Phụng Vụ cộng đoàn, ta được thắp lên ngọn lửa yêu mến Chúa, kín múc được sức sống nơi cộng đoàn, gia tăng tình hiệp nhất. Vì vậy chị em cố gắng chiến đấu với bản thân để tham dự với lòng nhiệt thành và yêu mến. Trong Văn kiện Hồng Ân Trung Tín và Niềm Vui Kiên Trì số 16, nêu ra nguyên nhân dẫn đến nhiều người rời bỏ ơn gọi là do sự đề cao chủ nghĩa cá nhân và tục hóa. “Khi đề cao quá mức từng cá nhân, người ta bỏ qua bổn phận… do đó cần phải tăng trưởng sự gắn kết với tất cả trong sự trung tín tuân giữ luật của đời sống tu trì”. Văn kiện Đời Tu số 28 cũng đã nhắc: “Đời tu không thể đứng vững nếu không có một đời sống cầu nguyện sâu xa, có tính cách cá nhân, cộng đoàn và Phụng Vụ”. Có khi chúng ta chưa rời bỏ ơn gọi nhưng đời sống và tinh thần của ta đã chạy theo thói đời từ lâu bằng việc: đòi hỏi, ích kỷ đề cao chủ nghĩa cá nhân và tục hóa… nên không có niềm vui vì thiếu lửa nhiệt thành yêu mến Chúa, thiếu sự hăng hái dấn thân trong đời sống và sứ mạng của mình.

Xin cho mỗi chị em biết thực hành Lời Chúa mời gọi “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy”.  Hãy đến và ở lại với Chúa, cầu xin Chúa ban cho hồng ân trung tín, cầu xin Chúa giúp sức cho mình có sự nỗ lực để kiên trì và cảm thấy được niềm vui kiên trì ngay trong những điều rất nhỏ. Chúng ta yếu đuối mỏng giòn luôn cần đến ơn Chúa và sự cộng tác của từng người bằng: kiên trì cầu nguyện, nỗ lực tập luyện các nhân đức để trung tín với ơn gọi của mình và mỗi ngày sống thánh thiện hơn.

 Tâm sự với Chúa và kết thúc với kinh Lạy Cha

 

 

[1] x. ĐSTH 95.

[2] x. SLHN 21.

[3] x. SLHN 2.

[4] x. PV 48.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *