Đề tài tĩnh tâm quý III – năm 2024

Tĩnh tâm Quí III/2024

“Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em”

(Ep 4,23)

Bản văn: Ep 4,1-6. 14-32; HC điều 45-46

Khung cảnh: Chị em đặt mình trước mặt Chúa, suy xét về những ân huệ Chúa ban, mở lòng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và dạy chúng ta sống theo Hiến Chương của Hội dòng trong niềm vui và bình an.

Ơn xin: Xin ơn khiêm tốn, mở lòng để cho Thần Khí đổi mới tâm trí và sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban.

  1. Tĩnh tâm (HC điều 45)

Chị em giữ thinh lặng bên ngoài và bên trong để dễ dàng kết hợp với Chúa hơn:

  • 1. Mỗi tháng chị em dành một ngày để tĩnh tâm chung hoặc riêng.
  • 2. Mỗi năm chị em dành ít nhất sáu ngày để đi vào sự kết hợp thâm sâu hơn với Thiên Chúa.
  • 3. Trong những ngày nghỉ lễ, chị em luôn dành thời gian dài hơn cho việc cầu nguyện và nâng cao đời sống tâm linh.
  • 4. Ngoài ra, các bề trên tạo điều kiện cho những chị em có nhu cầu thiêng liêng chính đáng được sống thời gian sa mạc phụ trội, để đào sâu kinh nguyện nội tâm.[1]

 Chúa Giêsu nói: “Không có Thầy, các con chẳng làm gì được”. Một đời sống gắn bó mật thiết với Chúa vô cùng quan trọng cho đời sống ơn gọi của chúng ta. Theo thống kê của Bộ Đời Sống Thánh Hiến, hằng năm Giáo Hội có tới 5.000 tu sĩ rời bỏ đời tu. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu cầu nguyện, thiếu Chúa. Khi không còn chú tâm đến đời sống kết hợp với Chúa, chúng ta dễ bị chao đảo bởi những cám dỗ, con tim cảm thấy trống rỗng, cô lập bản thân và tìm giải pháp ngoài cộng đoàn, ngoài Chúa. Chính vì vậy đời sống cầu nguyện kết hợp với Chúa đối với chúng ta là vô cùng cần thiết. Hiến Chương Hội dòng qui định cho chúng ta có những dịp tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm để ta ở lại trong tình yêu của Chúa và làm mới lại tương quan mật thiết thâm sâu với Chúa hơn. “Nhờ những giây phút gặp gỡ hạnh phúc với Thiên Chúa, ta được nuôi dưỡng, được tăng thêm sức mạnh để bước theo Chúa Kitô, hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa đến cùng. Khi ta có Chúa thì những thử thách, cám dỗ… không làm chúng ta ngã lòng mà còn là một cơ hội cho chúng ta cảm nghiệm về một tình yêu trung tín của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta”. (Xem văn kiện Hồng Ân Trung Tín và Niềm Vui Kiên Trì số 28).

Duyệt lại đời sống của tôi trong tương quan với Chúa, tôi thấy mình có bị thiếu Chúa không?

– Những dịp tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm là thời gian giúp tôi duyệt xét lại đời sống của tôi với Chúa, tôi cần chỉnh đốn điều gì?

 

  1. Cải hóa tâm hồn (HC điều 46)
  • 1. Không có sự hiệp nhất đích thực nếu không có sự hoán cải nội tâm, vì chưng những ước muốn hiệp nhất bắt nguồn và chín muồi từ sự canh tân cải hóa tâm hồn.[2] Hơn nữa, hoán cải là một điều cơ bản của Phúc Âm, vì thế chị em sống tinh thần thống hối và hoán cải qua việc xét mình hằng ngày và lãnh nhận bí tích Hòa giải.[3] Thỉnh thoảng chị em cùng giúp nhau kiểm điểm đời sống để thực hiện việc hoán cải thường xuyên.
  • 2. Các chị em được hưởng sự tự do chính đáng trong việc linh hướng và lãnh bí tích Hòa giải, nhưng phải tôn trọng kỷ luật của Hội dòng.[4]

10 Các bề trên phải lo liệu cho có cha giải tội xứng hợp để chị em có thể năng xưng tội;[5]

20 Đối với những cộng đoàn đông chị em hoặc các cộng đoàn huấn luyện, cần có những cha giải tội thường lệ do Đấng Bản quyền sở tại phê chuẩn, sau khi tham khảo ý kiến cộng đoàn, nhưng chị em không buộc phải xưng tội với các ngài.[6]

  • 3. Chị em có quyền tự nguyện cởi mở tâm hồn với các bề trên, nhưng bề trên không được phép dùng bất cứ cách nào buộc chị em bộc lộ lương tâm cho mình.[7]

Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy thách đố với nền văn hóa tương đối và tạm bợ. Thế giới đang rơi vào một “thế giới ảo”, mong manh và bấp bênh khiến chúng ta dễ ngã lòng theo trào lưu văn hóa hưởng thụ, duy vật chất, quy hướng về mình, kiêu căng tự mãn; thờ ơ với bổn phận nên thánh trong bậc sống của mình, khiến đời sống trở nên tẻ nhạt, tầm thường, thiếu lửa nhiệt thành, kéo lê trong việc sống đời thánh hiến, đời sống cộng đoàn trở nên nặng nề.

Mỗi dịp tĩnh tâm đòi ta hoán cải trở về với Chúa, với tha nhân và với chính bản thân “Không có sự hiệp nhất đích thực nếu không có sự hoán cải nội tâm, vì chưng những ước muốn hiệp nhất bắt nguồn và chín muồi từ sự canh tân cải hóa tâm hồn. Hơn nữa, hoán cải là một điều cơ bản của Phúc Âm, vì thế chị em sống tinh thần thống hối và hoán cải qua việc xét mình hằng ngày và lãnh nhận bí tích Hòa giải. Thỉnh thoảng chị em cùng giúp nhau kiểm điểm đời sống để thực hiện việc hoán cải thường xuyên”.

Trong dịp vừa qua hầu như tất cả chị em trong Hội dòng đã được tĩnh tâm năm, hằng tháng chúng ta lại có một ngày để tĩnh tâm, ở lại trong Chúa, gắn liền với Chúa để sinh hoa trái trong đời sống hằng ngày “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,1-2). “Hãy ở lại trong tình yêu Thầy”. Ở lại là nói lên một quyết tâm đáp lại tình yêu giao ước muốn thuộc về Chúa. Chỉ khi ở lại trong tình yêu của Chúa, ta mới sinh ra hoa trái. Lời Chúa soi sáng cho ta nhìn thật sâu vào cõi lòng và đời sống thực tế của mình, ta nhận thấy rằng nhiều lúc ta chưa có sự thống nhất giữa cầu nguyện và cuộc sống. Có khi vừa tĩnh tâm xong đã có những suy nghĩ ghen tỵ, nhỏ nhen, kiêu ngạo, ích kỷ… tất cả đều qui về mình nên ta có những lời nói, thái độ và cung cách hành xử theo thói đời. Ta để cho con người tự nhiên và tinh thần thế gian điều khiển mà chưa để cho Tin Mừng của Chúa làm chủ và điều khiển mình.

Nhìn vào những thảm họa đang diễn ra bởi cơn bão Yagi (bão số 3) và những hậu quả của nó. Thiên Chúa thấu cảm nỗi đau của nhân loại, và không ngừng biểu lộ lòng thương xót của Ngài cho nhân loại qua từng biến cố và từng thời đại. Tuy nhiên, qua những hoàn cảnh xảy đến ta cũng phải nhận ra lời cảnh tỉnh của Thiên Chúa để sám hối và canh tân đổi mới cuộc đời. Những sự dữ vẫn sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai và trong cuộc đời ta. Vì thế đời sống của ta phải hoán cải, canh tân đổi mới từng ngày. Ta cần suy nghĩ về việc đi theo Chúa bao nhiêu năm nay, đời sống của ta đã được biến đổi như thế nào?

– Đâu là những hoa trái tốt lành được sinh ra trong đời sống của tôi?

– Suy nghĩ về câu nói của Chúa Giêsu: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi”? dạy tôi điều gì và tôi phải làm gì?

  1. Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Đời sống thánh hiến được Giáo Hội gọi tên là “ Đức ái trọn hảo”. Chính vì thế Thiên Chúa mời gọi ta phải đổi mới mỗi ngày, đổi mới liên lỉ. Chúa không muốn ta dừng lại ở việc đổi mới bên ngoài: cách ăn mặc, dáng dấp, công việc, nơi chốn…nhưng Chúa mời gọi ta đổi mới từ bên trong tâmtrí nghĩa là đổi mới toàn bộ đời sống của ta. Thánh Phaolô mời gọi: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, con người sống theo xác thịt với những hành vi đó là: “Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5,20-21). Các thói xấu này ngăn cản ta tiến lên với Chúa, chúng là các dây xích cầm buộc ta sống trong tội lỗi và gây ra biết bao hậu quả đau khổ cho mình và cho tha nhân. Nếu ta không dứt bỏ nó, ta không thể tiến lên trên đường nhân đức và như thế ta sẽ không được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Tuy nhiên tự sức ta không thể làm được, ta cần xin ơn Chúa Thánh Thần biến đổi con người yếu hèn của mình, biến đổi tâm trí của ta, nghĩa là biến đổi tư tưởng, suy nghĩ, quan điểm, lối nhìn của con người cũ để có cái nhìn và suy nghĩ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là con người mới và kiểu mẫu cho chúng ta. Cởi bỏ con người cũ là lột bỏ tính hư nết xấu để mặc lấy Chúa Kitô, mặc lấy những tâm tình của Chúa, đó là lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và tha thứ cho nhau (x. Cl 3,12-14). Chỉ khi sống như vậy ta mới được biến đổi theo khuôn mẫu của Chúa Kitô trong cách hành xử của ta. Sự thay đổi chính mình là quan trọng nhất. Nếu muốn thay đổi người khác và thế giới, ta phải bắt đầu từ sự thay đổi chính mình.

  • Điều gì làm cản trở tôi nhất trong việc nên thánh mỗi ngày? Tôi quyết tâm từ bỏ nó thế nào?
  • Tôi được mời gọi tập luyện nhân đức nào nhất để nên giống Chúa Kitô hơn.

Tâm sự: Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con, xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện. Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con. Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa. Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con. Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu có bộ mặt chán nản và thất vọng. Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen. (Rabbouni số 24)

[1] x. CTPÂ 35.

[2] x. Ep 4,23; SLHN 7.

[3] x. GL 664.

[4] x. GL 630 §1

[5] x. GL 630 §2.

[6] x. GL 630 §3.

[7] x. GL 630 §5.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *