CON NGƯỜI – CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG CỦA THIÊN CHÚA

       Giá trị của đời sống con người là ở chỗ: con người được mang hình ảnh của Thiên Chúa, được dựng nên trong vũ trụ này[1]. Thiên Chúa đã chuẩn bị cho con người có đầy đủ phương tiện để sinh sống. Như vậy, ngay từ thuở tạo dựng, con người đã được đặt làm trung tâm của vũ trụ này. Và ngày hôm nay cũng thế, trong Giáo Hội, con người luôn có vị trí ưu tiên. Điều này được thể hiện rõ nét trong Hiến chế thứ tư của Công Đồng Vaticanô II, trong thông điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và rất nhiều sách nói về con người, về sự sống của con người.

      Đã có rất nhiều người đặt câu hỏi về nguồn gốc con người. Nhưng họ sẽ không có câu trả lời thích đáng nếu họ không qui về Thiên Chúa. Ngày nay, khi mà khoa học càng phát triển, người ta lại khám phá ra sự hiện diện của Đấng Vô Hình trong sự vận hành của trái đất này. Trong vũ trụ bao la, có biết bao nhiêu những qui luật mà con người không thể lý giải nổi. Có chăng họ chỉ tìm được bề nổi của nó mà thôi. Và ngay trong cơ thể con người cũng có những cơ chế, nguyên tắc hoạt động thật là kỳ diệu.

Con người gồm có xác và hồn. Trong hiến chế Gaudium et Spes – Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Giáo Hội đã trình bày giáo lý của Giáo Hội về con người, về thế giới con người đang sống và về thái độ của Giáo Hội đối với con người. Như vậy, ta thấy được rằng Giáo Hội đã đặt con người làm mối quan tâm. Với thực trạng cuộc sống xã hội ngày nay, con người đang bị đặt vào những vòng xoáy. Người ta phải chạy đua với thời gian và với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Và dường như khi xã hội phát triển thì phẩm chất con người lại tỉ lệ nghịch với sự phát triển này. Vì thế mà, Giáo Hội đặc biệt quan tâm đến con người và phẩm giá con người.

Và như thế, ngay từ những ngày đầu của công cuộc tạo dựng cho đến bây giờ, con người vẫn luôn được xem là một thụ tạo có giá trị nhất. Vì cùng đích của công cuộc tạo dựng là cho con người được sống hạnh phúc viên mãn. Nhưng chỉ khi nào con người nhận thấy giá trị cuộc sống và chính phẩm giá của mình, thì khi ấy con người mới nhận ra ý nghĩa cuộc sống để sống tốt, sống tích cực cho thế giới. Là người trẻ sống trong xã hội hôm nay, tôi cũng cảm nghiệm được phần nào những nỗi thống khổ, những vấn nạn mà con người ngày hôm nay đang mắc phải. Là thành viên của Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất, linh đạo của chúng tôi là sống hiệp nhất và kiến tạo hiệp nhất giữa lòng Giáo hội bằng đời sống cầu nguyện, bằng sự hiện diện yêu thương và âm thầm phục vụ[2]. Tôi cũng phải có trách nhiệm với những anh chị em xung quanh mình. Nhưng tôi lại cảm thấy mình còn thiếu nhiều lắm những sự quan tâm, những sự cảm thông để giúp đỡ họ. Chúng tôi thường có những chương trình từ thiện đi đến với những người nghèo, những vùng dân tộc thiểu số. Ở nơi ấy, tôi gặp được Chúa qua hình ảnh những con người nghèo nàn, rách rưới. Họ gần như bị cách ly với thế giới bên ngoài. Họ không biết đến internet là gì. Thế nhưng, tôi lại gặp được những tâm hồn đơn sơ, trong sáng. Và có lần, tôi đã cảm thấy xấu hổ vì chính bản thân mình khi đối diện với những con người đó. Nếu nhìn theo khía cạnh của sự phát triển thì những con người đó, họ đi chậm hơn với thời đại. Nhưng họ lại giữ được phẩm giá đích thực của con người. Họ không bị vướng bận vào những xô bồ của cuộc sống. Lúc ấy, trong tôi có suy nghĩ rằng: làm sao để giúp họ tiếp cận được với sự phát triển của xã hội nhưng vẫn giữ được cái tâm trong sáng nơi họ.  Xã hội ngày hôm nay cần lắm những tâm hồn trong sáng như thế. Hạnh phúc của con người đâu cần phải kiếm tìm đâu xa, nó nằm ngay trong chính cuộc sống của chúng ta

Trong tác phẩm Ngôn Ngữ Của Chúa, tác giả Collins đã cho chúng ta biết thêm về con người dưới cái nhìn khoa học, chính sự hiểu biết đó lại càng giúp củng cố đức tin. Mỗi người là tác phẩm kỳ diệu của Thiên Chúa. Collins đã cho thấy không có sự mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học. Những gì mà khoa học cung cấp chỉ góp phần làm cho chúng ta xác tín vào quyền năng của Chúa mà thôi. Khi được nhìn ngắm thế giới vũ trụ này, tôi cảm thấy quyền năng Chúa đang tiếp tục hoạt động để công trình đó tiếp tục phát triển. Và tình yêu quan phòng của Chúa vẫn luôn tràn ngập khắp mặt đất này.

Như một sự thôi thúc lên đường, mời gọi con người đi tìm ý nghĩa cho sự hiện hữu của mình. Nhưng cùng đích và nguồn gốc của con người phải luôn đặt trong sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ngang qua việc tìm hiểu những bản văn trên, đã cho tôi có thêm niềm tin và lòng yêu mến Chúa. Tôi cũng được cộng tác với Chúa trong công trình của Người, khi tôi biết sống yêu thương, quan tâm đến những anh chị em xung quanh mình. Tôi có thể đền đáp ơn Chúa bằng chính những hy sinh bé nhỏ dành cho tha nhân. Như thánh Augustinô đã nói, cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm. Vì vậy, cuộc sống của tôi phải diễn tả lòng mến Chúa và yêu người.

Nt. Maria Nguyễn Thị Điệp

[1] Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Giáo Hội trong thế giới ngày nay.

[2] Hiến chương Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất, điều 3.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay.
  2. Francis S. Collins, Ngôn Ngữ Của Chúa.
  3. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Đấng Cứu Chuộc Con Người.
  4. Vital Luca Nguyễn Hữu Quang, Nhân Học Triết Học.
  5. Hiến chương Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *