(Cảm hứng suy tư 2Tm3,1-5.14)
Đại dịch covid đang làm lay động trên toàn thế giới. Nó đánh vào nhân loại trên tất cả mọi phương diện. Các nguyên thủ quốc gia không chỉ lo cho sự an nguy tính mạng mà còn phải đau đầu với việc sẽ làm gì tiếp theo về giáo dục, kinh tế, văn hóa…Trong bối cảnh covid vẫn đang bùng nổ, dường như con người đang lâm vào cái mà thánh Phaolo gọi là “gay go”: bệnh tật, sự vô cảm…
Điều mà xã hội trong lúc bình ổn vẫn lo lắng là cuộc sống hưởng thụ, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số là cuộc sống bận rộn, văn hóa dửng dưng và trào lưu “cúi đầu” “gạt gạt” thì đến thời điểm của Covid ra sao? Có vẻ như nó đang thống trị và hoành hành. Có rất nhiều điều để bàn về kẻ hủy diệt này, nhưng xét về mối tương quan trong xã hội thì ta lại không phải sợ hãi vì nó chưa phải là mạnh nhất. Nếu bạn đi đường, bạn thấy tất cả mọi người đều bịt kín. Kể cả người đi bộ, đi chơi hay chơi thể thao. Mọi người tránh ra những nơi công cộng và ngại tiếp xúc với nhau. Lời nói cũng giảm bớt huống chi là cái bắt tay vì ai ai cũng sợ lây nhiễm. Thế giới đang thay đổi những con số ca mắc bệnh còn tất cả mọi người dân Việt đều quan tâm đến từng người bị nhiễm. Con virut bé nhỏ này lại làm cho chúng ta phải cách xa nhau? Và lần trở lại biến thể lợi hại hơn?
Virut corona là một dấu chỉ thời đại mà có nhiều điều để nói nhưng nó chưa phải là chuyện. Người viết mời bạn quan tâm không phải điều đó. Trong chiều kích Đức tin, tôi và các bạn vẫn đang tìm kiếm ý Chúa mỗi ngày và phó thác trong sự quan phòng, chở che của Thiên Chúa. Nỗi sợ hãi mà Covid gây ra chỉ là nỗi sợ bên ngoài. Đó chỉ là cái sợ của tâm lí bản ngã con người. Có khi tôi không bắt tay, không nồng nhiệt như mọi khi hay có khi tôi cũng lên tiếng vì một người lây nhiễm mà ảnh hưởng biết bao người nhưng đó chỉ là cái để chúng ta phòng và chống bệnh cách chính đáng. Thế giới dường như đang chậm lại. Nếu như mọi ngày, con người bị quăng vào guồng máy của công việc và cuốn theo cơn lốc của thời đại thì chúng ta thấy mọi chuyện bây giờ thật khác. Phải thừa nhận, cuộc sống vẫn tiếp diễn nhưng cái guồng quay kia đang bị chậm lại. Covid cố muốn phá hủy nhưng có một sức mạnh đang can thiệp. Tôi xin mạo muội đó là sức mạnh của virut yêu thương. Sở dĩ gọi là virut vì người viết muốn diễn tả sức lây lan rộng lớn. Nhưng khác với chủng mới ban đầu bị cho là từ các loài động vật hoang dã hay một nhân tố chính trị. Nhưng virut yêu thương xuất phất từ cội nguồn vĩnh cửu là Thiên Chúa. Từ nơi cạnh sườn, nương long và trái tim của Đức Giêsu Kitô. Virut này vẫn hằng ở với chúng ta trong nhà tạm bé nhỏ, trong thánh lễ và sự sống của mỗi người. Như Satan đẩy Con Người đến cái chết thì Thiên Chúa cũng dùng chính cái chết để chiến đấu với nó. Thiên Chúa đang cho thấy sự chiến thắng vinh quang của ngài. Có thể con số bệnh nhân và các ca tử vong vẫn tăng lên nhưng tình trạng tâm hồn bình an là dấu chỉ thiên đàng ngay dưới thế. Càng khó, con người càng cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa- sức mạnh của tình Chúa và tình người. Mọi thánh lễ, các giờ cầu nguyện được kêu cầu khẩn nài sốt sáng. Và đặc biệt văn hóa vô cảm tưởng bên ngoài thắng thế nhưng bên trong lại khác. Con người lại liên kết và hiệp thông như một sức mạnh vô hình: Đội ngũ y bác sĩ vẫn nhiệt tình lăn xả trong tiền tuyến, các linh mục, các tu sĩ và các nhà thiện nguyện, bác ái vẫn đang cố gắng mỗi ngày. Một tình yêu thật đang được lớn lên. Nó tạo nên một sức mạnh vô đối. Chưa bao giờ tôi thấy cử chỉ chúc bình an cho nhau lại tình cảm đến thế. Không bắt tay nhưng ánh mắt mọi người đều nhìn nhau thật và trái tim lên tiếng cho lời cầu chúc cho anh chị không bị bệnh. Mọi người ra đường có thể đi xa nhau hơn nhưng để nói đến chung một vấn đề: Chúng ta cùng bảo vệ nhau. Mọi người có thời gian chăm sóc cho nhau hơn. Trong các cộng đoàn có thời gian ở lại chia sẻ sau những bữa cơm, chia sẻ những tâm tư của thế giới. Cha mẹ có thời gian lo cho gia đình. Nếu chưa mắc bệnh thì ba mẹ lại tìm tòi cách để bảo vệ, chăm sóc con cái. Nếu có ai bị nhiễm hay nghi nhiễm, người nhà và mọi người tận tình chăm sóc hỏi han. Chỉ một cái ho nhẹ nhưng tất cả mọi người đều quan tâm tới người đó. Đừng vội xét đó là sự khinh thị nhưng hãy nghĩ sau giây lát cảm xúc đó là lời nguyện cầu ước mong cho người đó không nhiễm bệnh. Chẳng ai mong cho mọi người mắc bệnh. Mọi ngày thấy nhiều khó chịu mà hôm nay lại bỏ qua hết để chỉ quan tâm đến chị có đỡ không? Mọi khi ta thấy giây phút chăm lo cho nhau thật hiếm hoi và hẹp hòi. Nhưng nay ta có thể quan tâm nhau hơn, dành thời gian cho nhau hơn. Đó chẳng phải là điều mà ta thấy corona chưa phải là mạnh nhất.
Virut yêu thương có sẵn trong con người mới là mạnh nhất. Tôi tin ai trong chúng ta cũng sẽ thể hiện những cử chỉ yêu thương dù nhỏ bé nhưng phi thường cho anh chị em xung quanh ta. Trong gian khó ta mới thấy yêu thương và quan tâm là gì. Như trong câu chuyện của Lm. Giuse Nguyễn văn Nam, chia sẻ: “Một người đã giết người cha của hai đứa con. Anh ta bị bắt và đưa ra tòa. Đang khi xử tử hình, anh ta xin về chăng chối và hứa sẽ trở lại. Cả tòa án im lặng. Có một người lên tiếng bảo hộ. Ba ngày sau anh trở lại và lĩnh án. Người bảo hộ nói: Tôi bảo hộ cho anh ấy để chứng minh trên trái đất này, lòng quảng đại vẫn tồn tại. Người tù nói tôi trở lại để nói rằng chữ tín trung vẫn hiện diện trên trái đất. Hai người con trai quyết định tha thứ để nói lòng tha thứ vẫn còn.” Ước mong virut yêu thương của nhâu loại được lan truyền bằng sự hiệp nhất, can đảm, bằng lời chúc lành và hành động yêu thương thiết thực với người xung quanh ta… để nói lên Corona chưa phải là mạnh nhất!
M.Matthia
Học viện Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất
Tin cùng chuyên mục:
Tìm hiểu về Năm Thánh
Đề tài Tĩnh tâm Quí IV
Cáo phó ông cố Augustinô, thân phụ dì Anna Trần Thị Hải
Thấy Ơn Cứu Độ Của Thiên Chúa (08.12.2024 – Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C)