Tĩnh tâm Quí IV
Thập Giá biểu lộ tình yêu lớn nhất của Đức Kitô
đối với Chúa Cha và nhân loại.
Bản văn: Ga 14,31; Ga 15,13; HC điều 48-50.
Khung cảnh: Chiêm ngắm con đường Chúa Giêsu từ biến cố Nhập thể, Giáng sinh cho đến Núi sọ.
Ơn xin: Xin ơn hiểu biết thâm sâu về Chúa Giêsu, yêu mến Chúa, bước theo Chúa và nên đồng hình đồng dạng với Chúa.
Thập Giá biểu lộ tình yêu lớn nhất của Đức Kitô đối với Chúa Cha[1]và nhân loại.[2] Là nữ tu, chúng ta sẵn lòng đón nhận Thập Giá mỗi ngày để làm bằng chứng tình yêu lớn nhất[3] dành cho Đức Kitô và anh chị em đồng loại.[4]
Chúng ta đang sống trong một thế giới đề cao lối sống tiêu thụ, hưởng thụ. Là người tu sĩ ta cố gắng tự đào luyện mình sống các nhân đức trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần ơn Chúa trong những hoàn cảnh đời sống hằng ngày để tiến tới trên con đường luyện tập nhân đức. Lối sống tiết độ rất cần thiết để vượt qua các khát vọng lệch lạc gây ra bởi chủ nghĩa tiêu thụ. Lối sống ấy chính là những qui luật thiêng liêng bao gồm việc thực hành khổ hạnh của người Kitô hữu, khổ hạnh của người nữ tu Đức Mẹ Hiệp Nhất với những phương thức cụ thể mà các Kitô hữu trải bao thế kỷ đã sống và được đổi mới đời sống trong Chúa Kitô. Tự nguyện sống khổ hạnh là một phương thế đầy năng lực, bởi vì đó là cách thể hiện tình yêu mà ta muốn đáp lại tình yêu Chúa ban qua cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Qua đó ta được kết hiệp với Chúa Kitô, nhờ tình yêu này, ta được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, ta có thể bước theo Chúa Kitô trong tình yêu “tự hủy”.
Điều kỳ diệu của việc thực hành khổ hạnh là ngay cả khi ta không thích, ta vẫn cố gắng thực hành dù chỉ với một chút thiện chí muốn đáp lại tình yêu Chúa, khổ hạnh sẽ đem lại những hoa quả không ngờ, ta được nên giống Chúa Kitô hủy mình ra không cho đến chết trên Thập Giá để đem lại ơn cứu độ cho trần gian. Khổ hạnh là một cớ vấp phạm và là sự điên rồ đối với thế gian. Nhưng đối với những ai tin, thì đó là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đem lại năng lực biến đổi thế giới này.
Trong bài giảng đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô khi lãnh nhận sứ vụ ngài nói: “Khi chúng ta bước đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá và khi chúng ta tuyên xưng một Đức Kitô không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta là những người trần tục, chúng ta là Tu sĩ, Linh mục, Giám mục, Hồng y, Giáo hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.
- Tôi cảm nghiệm được giá trị của khổ hạnh và tập luyện sống khổ hạnh thế nào để nên giống Chúa Kitô?
- Đời sống khổ hạnh giúp tôi tiến bước trên con đường theo Chúa như thế nào?
- Tinh khần Khổ hạnh (Hc điều 49)
Tinh thần khổ hạnh của người nữ tu Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất phải được biểu hiện bằng những thái độ sống căn bản sau đây:
- 1. Trên bình diện Kitô-hữu:
10Kiên trì và trung thành chu toàn bổn phận;
20Chấp nhận những khó khăn trong các công việc và tương quan xã hội;
30Nhẫn nại chịu đựng những thử thách của cuộc sống thường gây ra những bất ổn và lo âu;[5]
40Sẵn lòng chấp nhận bệnh tật, thiếu thốn và chịu bách hại vì công lý, với ý thức chia sẻ sự đau khổ của Đức Kitô Cứu Thế.[6]
Nhiều khi trong cuộc sống ta không kiên trì và không trung thành chu toàn bổn phận hằng ngày đối với Chúa và tha nhân. Chính sự thiếu kiên trì và thiếu trung thành này đã làm cho ta xa Chúa và trở nên vô tâm đối với nhau và với tha nhân. Sự kiên trì và trung thành chu toàn bổn phận hằng ngày sẽ giúp ta đón nhận sứ vụ và những khó khăn trong các công việc và tương quan xã hội với một lòng cậy trông và phó thác.
Đời sống khổ hạnh của ta diễn tả tình yêu ta dành cho Thiên Chúa bằng chính những hy sinh liên lỉ âm thầm từng ngày, sẵn sàng đón nhận những điều không mong muốn xảy đến, nhẫn nại chịu đựng những thử thách của cuộc sống, kiên nhẫn trong đức tin, bền chí trong ơn gọi, dấn thân trong sứ mạng, sẵn lòng chấp nhận sự đau đớn của bệnh tật…với ý thức mình được chia sẻ sự đau khổ của Chúa Kitô Cứu Thế.
- Tinh thần khổ hạnh trên bình diện Kitô hữu nhắc nhở tôi điều gì? Tôi đã sống khổ hạnh trên bình diện Kitô hữu thế nào? Có điều gì tôi cần cố gắng hơn?
- 2. Trên bình diện tu trì: Chị em chấp nhận thập giá của chính đời sống thánh hiến bằng cách cố gắng chu toàn các đòi hỏi của ba lời khấn: Khiết tịnh, Nghèo khó, Vâng phục và đời sống cầu nguyện, đời sống cộng đoàn, đời sống tông đồ.[7]
Đáp lại lời mời gọi của Chúa Kitô bằng việc khấn Khiết tịnh, Nghèo khó và Vâng phục là một khổ hạnh, vì đòi hỏi một sự từ bỏ mình liên lỉ, vác thập giá theo Chúa Kitô suốt đời. Sống khiết tịnh để yêu mến Chúa nhiều hơn và biết yêu như Chúa yêu. Sống thanh bần trong tinh thần và trong thực tế để lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa, vì Chúa chính là của cải duy nhất và chân thật của ta. Sống vâng phục để từ bỏ ý riêng và vâng phục ý Chúa qua bề trên. Đời tu cần phải có một mối tương quan thiết thân với Chúa, một đời sống nội tâm sâu xa, nếu không sẽ không thể có một đời sống cộng đoàn có giá trị, và cũng không thể hoàn thành sứ vụ cho có kết quả. Nếu không có sự khổ hạnh và từ bỏ, chúng ta không thể làm chứng công khai cho Chúa Kitô. “Hạt lúa mì gieo vào lòng đất phải chấp nhận mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24).
Đời sống chung cũng là một vấn đề khổ hạnh, khi con người sống chung với nhau thì sẽ có những vấn đề nảy sinh, những xung đột, những hiểu lầm, những ganh tỵ, ích kỷ, tự ái… Trước những vấn đề đó, ta phải mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu để vui vẻ chấp nhận những khác biệt của chị em. Qua việc chịu đựng lẫn nhau trong đời sống chung, qua những lần khiêm hạ, nhường nhịn nhau một lời nói, chấp nhận chịu thiệt thòi, chấp nhận hiểu lầm, ta có cơ hội để tập trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Chúng ta là những người có đức tin, là những người Hành Hương của Hy Vọng. Ta sống như thế nào Chúa biết rõ: “Gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho tùy theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương”. (2Cr 9, 6-7). Càng hy sinh, dấn thân, quảng đại và tha thứ, ta sẽ được tình yêu Chúa lấp đầy, cảm nghiệm được sự ngọt ngào và niềm vui của đời dâng hiến. Nếu ta sống bo bo ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân, ngại dấn thân, ganh tỵ, giận hờn, ghen ghét… lúc đó ta đang để cho Ma quỷ điều khiển, cho nên ta khó có được niềm vui trong tâm hồn. Dù có khấn trọn và tu nhiều năm ta càng thấy buồn chán, buông xuôi, vật vờ, thất vọng… không có được niềm vui thiêng liêng vì ta sống đời tu mà lại tiếp tay cho Ma quỷ.
- Tôi sống tinh thần khổ hạnh trên bình diện tu trì như thế nào?
- Để tập luyện sống tinh thần khổ hạnh trên bình diện tu trì, tôi phải chiến đấu với bản thân như thế nào?
- 3. Trên bình diện linh đạo Đức Mẹ Hiệp Nhất: khi đau ốm, bệnh tật, chị em sẵn lòng vâng theo thánh ý Thiên Chúa và luôn ca ngợi, tạ ơn Ngài để cầu nguyện cho sứ vụ truyền giáo của Hội dòng.
Chúng ta đang sống trong một thế giới bất ổn, chia rẽ hận thù chiến tranh tàn sát nhau, các gia đình đã tan vỡ và có nguy cơ tan vỡ ngày càng gia tăng chỉ vì không chấp nhận nhau, muốn thống trị nhau. Nhìn vào thực trạng thế giới ngày nay, ta có cảm tưởng như Sự Dữ đang thắng thế. Hơn bao giờ hết, mỗi chị em trong Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất đều mang trong mình đặc sủng Linh Đạo Hiệp Nhất để trở nên tác nhân xây dựng sự Hiệp Nhất. Chính vì thế trong mọi hoàn cảnh lúc thuận lợi cũng như lúc gặp gian nan thử thách, nhất là khi đau ốm bệnh tật, chị em sẵn lòng vâng theo thánh ý Thiên Chúa, luôn ca ngợi, tạ ơn Chúa, kết hợp với sự đau khổ của Chúa Kitô để cầu nguyện cho sự Hiệp Nhất và sứ vụ truyền giáo của Hội dòng.
- Để sống tinh thần khổ hạnh trên bình diện linh đạo Đức Mẹ Hiệp Nhất tôi cần phải làm gì?
Sự hoán cải và tinh thần khổ hạnh là những thái độ nội tâm chi phối toàn diện đời sống con người, được diễn tả và minh chứng bằng hành vi cụ thể trong những thời điểm nhất định:
- 1. Theo Giáo luật, thời gian đặc biệt thích hợp thực hành việc hãm mình đền tội là Mùa Chay và các ngày thứ sáu quanh năm.
- 2. Hằng ngày, chị em tự nguyện làm hoặc chấp nhận những việc hy sinh, dù nhỏ mọn, âm thầm, với ý hướng thể hiện tinh thần khổ hạnh của người sống đời tận hiến.
Hoán cải là tìm về lại với con người thật của mình, trong sự mỏng giòn, yếu đuối. Chỉ khi nào ta kinh nghiệm được sự bất toàn, giới hạn, tội lỗi và sự bất lực của mình, ta mới cần đến lòng thương xót của Chúa và hy vọng được Chúa chạm đến con tim của ta, và ta mới có một con tim biết chạnh lòng thương trước nỗi đau của người khác. Như vậy, nhờ sự hoán cải ta dễ dàng cảm thông, chia sẻ, sẵn sàng cùng nhau gánh lấy trách nhiệm và tìm cách chữa lành những vết thương cho nhau. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không thể lãng quên quá khứ, nó là một phần tất yếu của cuộc sống, nhưng thay vì nhìn về quá khứ để than vãn, trách móc và nuối tiếc, ta hãy nghĩ về tương lai trong sự quyết tâm cùng nhau thay đổi. Khi được đổi mới, ta mới sẵn sàng đi vào sự hiệp thông, tham gia và thi hành sứ vụ một cách tích cực và hứng khởi của những người Hành Hương của Hy Vọng. Vì cái tôi và con người cũ đã bị bỏ lại đằng sau, giờ đây tôi chỉ hướng về phía trước, chỉ nghĩ về cái chung – cái của chúng ta, với một tinh thần lạc quan và xây dựng, tràn đầy Niềm vui và Hy vọng. Hoán cải để có được cảm thức thuộc về Cộng đoàn, thuộc về Hội dòng. Trong đó, mỗi người là một thành phần không thể thay thế. Chính vì thế ta phải có tinh thần xây dựng Cộng đoàn bằng việc hy sinh làm các công việc thấp hèn, nhỏ bé âm thầm không ai biết đến, không tránh né công việc, không chọn việc để làm, không dung dưỡng thân xác, và không để cho mình trở thành nô lệ cho sự ích kỷ nhỏ nhen, ganh tỵ, tự ái, kiêu ngạo… điều khiển. Nhưng hy sinh làm việc với ý hướng sống tinh thần khổ hạnh của người sống đời tận hiến.
- Tôi sống tinh thần hoán cải thế nào?
- Hằng ngày tôi chọn cho mình nếp sống khổ hạnh cụ thể và thực hành như thế nào?
Tâm sự với Chúa Kitô và kết thúc với Kinh Lạy Cha
[1] x. Ga 14,31.
[2] x. Ga 15,13.
[3] x. CTPA 29.
[4] x. SH 1,12.
[5] x. SH III a.
[6] x. SH III b.
[7] x. YTCY 31.
Tin cùng chuyên mục:
Tìm hiểu về Năm Thánh
Đề tài Tĩnh tâm Quí IV
Cáo phó ông cố Augustinô, thân phụ dì Anna Trần Thị Hải
Thấy Ơn Cứu Độ Của Thiên Chúa (08.12.2024 – Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C)