Hoạt động tông đồ theo tinh thần Mẹ Maria– Đường hướng tông đồ
HC điều 61-62; Lc 1,39-56
- Khung cảnh: Đặt mình trong khung cảnh được Chúa sai đi thi hành sứ mạng.
- Ơn xin: Xin ơn sống quảng đại và mau mắn lên đường thi hành sứ mạng theo gương Mẹ Maria.
- Hoạt động tông đồ theo tinh thần Mẹ Maria (Điều 61)
“Trong sức mạnh và niềm vui của Chúa Thánh Thần, Đức Maria lên đường mang Chúa Cứu Thế đến cho gia đình bà Elisabeth và làm cho mọi tương quan được thắm đượm Tin Mừng ơn cứu độ. Noi gương Đức Trinh Nữ Maria, chị em Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất cũng mang Chúa Kitô đến cho mọi người, cách riêng qua những cuộc gặp gỡ, thăm viếng với tinh thần phục vụ đơn sơ và phó thác vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa”
Khi đón nhận thánh ý Thiên Chúa qua lời sứ thần truyền, Mẹ Maria đã thưa “Vâng, con đây là nữ tỳ Chúa, xin Chúa cứ làm cho con như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Thân phận của người nữ tỳ là “đợi lệnh và tuân lệnh chủ”. Nhận mình là nữ tỳ trước mặt Thiên Chúa, Mẹ Maria đón nhận mọi thánh ý Thiên Chúa qua việc thi hành các mệnh lệnh ấy cách khiêm cung, âm thầm và không đòi hỏi.
Khi nghe sứ thần báo tin bà Elisabeth mang thai, mẹ đã “vội vã lên đường” (Lc 1,39) chia sẻ niềm vui có Chúa cho người chị họ. Chính tình yêu đối với Thiên Chúa và ước muốn được chia sẻ niềm vui có Chúa trong lòng, Mẹ không quản ngại những khó khăn nguy hiểm, đem niềm vui Ơn Cứu Độ cho gia đình ông Zacaria và bà Elisabeth.
Hiến Chương của Hội dòng mời gọi chúng ta noi gương Đức Mẹ mau mắn ra đi chia sẻ niềm vui Ơn Cứu Độ cho mọi người, sẵn sàng phục vụ tha nhân với tinh thần đơn sơ, khiêm tốn, lắng nghe, chân thành và nhất là phó thác vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Lời mời gọi lên đường đòi hỏi chúng ta phải vượt qua được những mặc cảm về những giới hạn của bản thân, vượt qua những thiếu thốn về điều kiện vật chất, về những khó khăn gian khổ và đặc biệt là dám bước ra khỏi chỗ đứng an toàn của mình, đến với những nơi mà Chúa và Hội dòng sai đến. Nhờ đó, nhiều người được nhận biết và đón nhận niềm vui Ơn Cứu Độ của Chúa.
“Ý thức là nữ tu, chị em hãy sống đúng ơn gọi và chân tính của mình, làm cho đời sống tu trì thực sự thấm nhuần tinh thần tông đồ và mọi sinh hoạt tông đồ thấm nhuần tinh thần tu trì.[1]
Hiến Chương chỉ ra đường hướng tông đồ của Hội dòng đó là mỗi chị em hãy sống đúng với ơn gọi và căn tính của mình để làm cho đời sống tu trì thực sự thấm nhuần tinh thần tông đồ và mọi sinh hoạt tông đồ thấm nhuần tinh thần tu trì. Ví dụ: Khi được sai đến với môi trường giáo dục, chị em cần sống là một tu sĩ trước khi là giáo viên, cung cách hành xử của ta phải giống cung cách của Chúa và của Mẹ. Nếu ta không mang tâm tình của Chúa thì ta chỉ là một giáo viên ngoài đời thậm chí còn thua người đời, vì người đời họ giỏi hơn ta. Là một bác sĩ, một y tá ta phải mang trong mình trái tim của Chúa Giêsu tế nhị, vui vẻ, niềm nở đón tiếp, khiêm tốn, hết lòng tận tụy với bệnh nhân. Và trong tất cả mọi công việc khác v.v… chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu để hết lòng yêu thương và phục vụ mọi người, đặc biệt là những người chúng ta có bổn phận phục vụ hằng ngày.
Trong thực tế nhiều lúc chúng ta đánh mất căn tính của mình, chúng ta xử sự như người đời, ta cần sám hối và canh tân mỗi ngày để sống tốt lành hơn.
- 1. Hình thức tông đồ căn bản nhất của chị em là chứng tá của đời thánh hiến trong cộng đoàn.[2]
Chúa Giêsu công bố lệnh truyền “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy: là các con có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13, 34-35)
Một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất là dấu hiệu hùng hồn trong thế giới hôm nay. Những người xung quanh nhìn thấy nơi chị em sống vui tươi, tha thứ cho nhau, chăm sóc, chia sẻ, quan tâm, sẵn sàng phục vụ nhau…Một cộng đoàn yêu thương như thế sẽ thu hút người khác đến với chúng ta. Tình yêu này là lời chứng tá cho một thế giới mà nhiều người chẳng còn biết yêu thương.
Để yêu thương nhau thực sự, chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều để có thể trở thành cộng đoàn phản ánh tình yêu Chúa Giêsu giữa lòng nhân loại. Chúng ta cầu xin tha thiết với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Kitô đầy lòng lân tuất, xin hãy biến chúng con thành một cộng đoàn phản ánh tình yêu của Chúa, xin làm cho chúng con trở thành dấu hiệu cho sự hiện diện phục sinh của Chúa trong thế giới hôm nay.”
- 2. Chị em tìm hiểu đời sống văn hóa xã hội địa phương và ý nghĩa dấu chỉ thời đại, lượng định tất cả dưới ánh sáng Phúc Âm và giáo huấn của Giáo hội, để dấn thân cách sáng suốt và can đảm cho công cuộc loan báo Tin Mừng.[3]
Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi tất cả chúng ta tham gia vào cuộc “đi ra” truyền giáo. Mọi Kitô hữu và mọi cộng đoàn đều được mời đi ra ngoài khu vực quen thuộc của mình và can đảm đi đến tất cả những vùng ngoại vi. Chúa đã đi bước trước, Người đã đi trước vì yêu (x. 1 Ga 4, 10), đi ra gặp gỡ, tìm kiếm những người xa cách mình, và đến ngã ba đường để mời những người bị ruồng bỏ. Qua việc tham gia bằng việc làm, cử chỉ tự hạ mình chạm đến thân xác đau khổ của Chúa Kitô trong những người khác, nhà truyền giáo có “mùi của con chiên” và chiên nghe tiếng họ.”(x. NVTM số 20-24). Chúng ta thường ngại ngùng ra đi loan báo Tin Mừng vì thấy mình còn rất giới hạn. Thế nhưng Chúa và Giáo hội vẫn mời gọi chúng ta dấn thân. Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta ra khỏi khu vực quen thuộc của mình đi đến những vùng ngoại vi. Đó là ra khỏi những suy nghĩ, thói quen cũ kỹ của mình, ra khỏi những ngại ngùng lười biếng của mình. Khiêm nhường đi đến với những người xung quanh lắng nghe, chia sẻ những gì mình có để giúp họ. Chúa không đòi chúng ta làm những việc không thể làm được, nhưng Chúa muốn chúng ta hy sinh, dấn thân, gặp gỡ, lắng nghe những người đau khổ để nâng đỡ, cảm thông, cầu nguyện cho họ và nếu trong khả năng của mình có thể giúp được gì cho họ chị em hãy sẵn sàng.
- 3. Chị em tỏ lòng kính trọng chân thành đối với mọi người, kể cả những người có quan điểm tôn giáo khác với mình, trân trọng những đức tính cao quý của họ và cộng tác trên cơ sở những giá trị nhân bản chung để xây dựng hạnh phúc cho mọi người.[4]
Để loan báo Tin Mừng, chúng ta cần xác tín và sống niềm tin của mình cách tích cực. Đồng thời cũng cần tìm hiểu những điều cao quý của các tôn giáo khác, kính trọng những đức tính cao quý của họ, cộng tác trên cơ sở nhân bản về các vấn đề xã hội: các tệ nạn, ô nhiễm môi trường…Cộng tác trong lãnh vực xã hội từ thiện để phục vụ cho hạnh phúc của mọi người. Qua đó người khác có thể lắng nghe và học hỏi những điều tốt đẹp nơi Tin Mừng của Chúa Kitô. Để làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Kitô, ta cần phải hy sinh dấn thân, can đảm và chân thật.
- 4. Mọi hoạt động bên trong và bên ngoài cộng đoàn, kể cả sự đau yếu bệnh tật của chị em, đều hướng tới mục đích cuối cùng là sống và loan báo Tin Mừng”
Một tâm hồn bình an đón nhận những sự đau yếu bệnh tật cũng là một lời loan báo Tin Mừng. Bệnh tật nhắc ta rằng tất cả mọi sự thế gian này sẽ qua đi, kho báu đích thực ta phải tìm kiếm chính là Chúa Kitô. Tin vào Chúa Kitô sẽ giúp chúng ta có nghị lực để chống chọi với bệnh tật, lạc quan, thanh thản và sẵn sàng đón nhận những đau đớn do bệnh tật gây nên. Khi đặt niềm tin vào Chúa, thì dù cao niên hay đau yếu bệnh tật chúng ta vẫn được Thần Khí hướng dẫn, ban sức mạnh để hướng tới mục đích cuối cùng là sống và loan báo Tin Mừng. Khi đã đến tuổi cao niên hoặc đau yếu bệnh tật, ta phải ngưng những hoạt động bên ngoài để đi vào một kinh nghiệm được tôi luyện nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô chịu đóng đinh. Lúc đó ta chỉ có thể loan báo Tin Mừng bằng việc chuyên cần cầu nguyện, kiên nhẫn chịu đựng hoàn cảnh bệnh tật, dâng những hy sinh kết hợp với Chúa để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo.
Gợi ý suy nghĩ và cầu nguyện
1) Khi chiêm ngắm tinh thần tông đồ của Mẹ Maria nhắc nhở tôi điều gì? Tôi phải làm gì để hoạt động tông đồ theo tinh thần của Mẹ?
2) “Ý thức là nữ tu, chị em hãy sống đúng ơn gọi và chân tính của mình, làm cho đời sống tu trì thực sự thấm nhuần tinh thần tông đồ và mọi sinh hoạt tông đồ thấm nhuần tinh thần tu trì”. Vậy tôi đã sống đúng ơn gọi và chân tính của mình chưa? Tôi phải làm gì để cho đời sống tu trì thực sự thấm nhuần tinh thần tông đồ và mọi sinh hoạt tông đồ thấm nhuần tinh thần tu trì?
[1] x. DT 3,1; GL 675 §1.
[2] x. GL 673; 607 §3
[3] x. TC 1998,13.
[4] x. NK 2,3.
Tin cùng chuyên mục:
Tìm hiểu về Năm Thánh
Đề tài Tĩnh tâm Quí IV
Cáo phó ông cố Augustinô, thân phụ dì Anna Trần Thị Hải
Thấy Ơn Cứu Độ Của Thiên Chúa (08.12.2024 – Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C)