Tĩnh tâm tháng 3/2023
Vâng phục thánh hiến theo Linh Đạo Hiệp nhất
HC Điều 31-35; Pl 2,2-11
Khung cảnh: Đặt mình trong khung cảnh Chúa Giêsu cả đời vâng phục Cha nhất là trong Vườn Dầu và trên Thập Giá. Nhìn lại đời sống vâng phục của tôi.
Ơn xin: Xin ơn can đảm và khiêm tốn để bước theo Chúa Giêsu vâng phục.
“Để cứu độ nhân loại,“Đức Kitô đã hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự”(Pl 2, 8).Vâng phục của Chúa Kitô là thực hiện ý muốn của Chúa Cha trong đời sống và sứ mạng của Người. Sự vâng phục mà chị em được mời gọi sống trong Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất là tham dự vào sự vâng phục của Chúa Kitô; chị em không ngừng tìm kiếm thánh ý Chúa Cha và thi hành trong yêu mến.
Đức vâng phục thánh hiến không làm giảm sút phẩm giá con người, trái lại làm gia tăng sự tự do trong Thánh Linh. Chị em không vâng phục một cách nô lệ, nhưng một cách tự do vì được tác thành trong ân sủng. Sự vâng phục hiếu thảo dành cho Chúa Cha, mời gọi chúng ta chấp nhận những hy sinh mà đức vâng phục có thể đòi hỏi nơi chúng ta và chúng ta có thể kín múc niềm vui trong sự hy vọng của mầu nhiệm Phục Sinh. Như thế, đức vâng phục dẫn chúng ta đến sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa.
Như Đức Kitô, chị em lấy ý Thiên Chúa làm lương thực hằng ngày và làm quy luật cho cuộc sống để chu toàn sứ mạng Thiên Chúa trao cho mỗi người và Hội dòng” (Đ.31).
“Vâng lời là hiến dâng ý riêng như một của lễ hy sinh; bề trên khi thi hành quyền bính hay tu sĩ khi vâng phục đều thông phần vào hiến lễ duy nhất của Đức Kitô và như thế cùng nhau nhìn lên Đấng Chịu-Đóng-Đinh trên Thập Giá, để cùng với Người sống thánh ý Chúa Cha với niềm tin kính mến yêu.
Sống đức vâng phục thánh hiến là thao thức tìm kiếm ý Chúa qua những yếu tố trung gian, đem hết sức lực trí tuệ và ý chí, năng khiếu tự nhiên và ân huệ siêu nhiêu thi hành thánh ý Người. Tuy nhiên, sự vâng phục không loại trừ đối thoại, nó khơi lên sự cởi mở chân thành trong tinh thần bác ái và sự tôn trọng lẫn nhau” (Đ.33).
Bản chất của lời khấn vâng phục trong đời tu đặt nền tảng trên sự tự nguyện và ý thức dâng hiến của cá nhân. Tôi tự nguyện đặt cuộc đời mình vào tay Chúa để Chúa sử dụng tôi theo ý Chúa, chọn lối sống khác với người đời đó là: hiến dâng ý riêng như một của lễ hy sinh để sống theo ý Chúa, vì một lý tưởng là muốn noi gương Chúa Giêsu, trọn vẹn tuân theo ý Chúa Cha. Và vì một mục tiêu cao cả là được tham dự vào kế hoạch cứu độ của Chúa Kitô.
Cả đời Chúa Kitô là một chuỗi những tiếng xin vâng ý Cha từ lúc nhập thể cho đến chết trên thập giá “Đức Kitô đã hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự” (Pl 2,8).
“Dầu là con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai phục tùng Người” (Dt 5, 8-9).
Lời khấn vâng phục là một quà tặng của Thiên Chúa, nó làm cho tôi sống thân tình hơn với Chúa Giêsu chịu đóng đinh và cho tôi được chia sẻ sứ mạng của Người trong việc cứu độ nhân loại.
– Đời sống vâng phục của Chúa Giêsu đánh động tôi điều gì? Tôi đã cảm nghiệm được giá trị của lời khấn vâng phục và tôi sống lời khấn vâng phục như thế nào? Tôi cần chỉnh đốn cách sống vâng phục của tôi như thế nào để giống Chúa Giêsu?
“Đức Maria là người Trinh Nữ dâng hiến, phó mình hoàn toàn vào quyền năng yêu thương của Thiên Chúa, luôn khiêm tốn thưa lời “xin vâng” của người nữ tỳ, đặt hết tin tưởng vào kế hoạch khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa.
Thái độ “xin vâng” của Đức Maria khơi dậy trong chúng ta một đức tin đối thần sâu xa, dâng trọn cho Chúa ý muốn và sự tự do của mình, để ngày càng trở nên ngoan ngoãn, sẵn sàng hơn đối với Chúa và với những đại diện của Người ở trần gian” (Đ.32).
Khi nhận ra Chúa mời gọi mình thi hành một sứ vụ đặc biệt, Mẹ Maria tuyên xưng là “nữ tỳ” của Thiên Chúa (Lc 1,38). Chúa Giêsu tán dương sự lớn lao của Mẹ không phải vì vai trò làm mẹ của Đức Maria, nhưng vì sự vâng lời của Mẹ đối với Thiên Chúa: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Và khi Mẹ không hiểu những sự kiện liên quan đến mình, Mẹ thinh lặng, lắng nghe, dò dẫm, tìm hiểu, suy niệm nói lên một thái độ luôn tỉnh thức, phân định và sẵn sàng với sứ mệnh được trao phó. Mẹ đã bỏ đi kế hoạch của mình để thực hiện kế hoạch khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa. Mẹ trở nên một dụng cụ ngoan ngùy của Chúa Thánh Thần. Mỗi lần chiêm ngắm sự vâng phục của Mẹ là một lần tôi được mời gọi nhìn lại sự vâng phục của mình để chỉnh sửa những gì là khiếm khuyết, nỗ lực góp phần cộng tác với ơn Chúa, để thánh ý Chúa được kiện toàn nơi đời sống một nữ tu của Hội dòng mang tên Đức Mẹ Hiệp Nhất.
– Đôi lúc Chúa muốn tôi nói lời xin vâng trọn vẹn hơn, qua những khó khăn, thử thách tôi gặp, những vất vả trong bổn phận hằng ngày, những bệnh tật, những trái ý trong cuộc sống. Tôi có tin tưởng phó thác và sẵn sàng xin vâng như Mẹ không?
“Bề trên và tất cả chị em hãy dùng mọi phương thế để phân định ý Chúa, đặc biệt ba phương thế sau đây:
Sẵn sàng đón nhận ánh sáng qua những trung gian là:
- Lời Chúa;
- Giáo huấn của Giáo hội;
- Hiến Chương và Nội Qui của Hội dòng cũng như tiếng nói của các Tổng tu nghị và các Hội đồng Dòng;
- Các biến cố xảy ra trong đời sống cá nhân và cộng đoàn, đặc biệt trong đời sống Giáo hội và xã hội mà chúng ta phải biết nhận định cách khôn ngoan trong tinh thần đức tin.
Thực hành đối thoại trong tình chị em đầy sự tin tưởng nhau:
- Đối thoại giữa bề trên và từng chị em về những vấn đề cá nhân.
- Đối thoại chung giữa tất cả chị em về những vấn đề liên quan tới cộng đoàn.
- Để đối thoại đúng cách, hãy tập lắng nghe, có thái độ cởi mở đối với ý kiến của người khác và biết tự phê bình ý kiến của mình.
Trong mọi giai đoạn của cuộc tìm kiếm ý Chúa, hãy tha thiết cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng” (đ.34).
Điều kiện cần thiết để phân định ý Chúa, ta cần phải có đức tin và lòng khiêm nhường thẳm sâu. Đức tin và sự khiêm nhường sẽ giúp ta lắng nghe được tiếng Chúa và sẵn sàng đón nhận ý Chúa qua những trung gian: Lời Chúa; Giáo huấn của Giáo hội; Hiến Chương và Nội Qui của Hội dòng cũng như tiếng nói của các Tổng tu nghị và các Hội đồng Dòng; Các biến cố xảy ra trong đời sống cá nhân và cộng đoàn.
Thực hành đối thoại trong tình chị em đầy sự tin tưởng nhau: là khiêm tốn trình bày những suy nghĩ của mình về một quyết định của bề trên. Sau đó, nếu bề trên vẫn muốn mình thi hành điều ấy, thì đó là ý Chúa. Hãy đón nhận quyết định của bề trên như đón nhận ý Chúa. Và khi đã nhận ra ý Chúa, thì hành động với tất cả khả năng, sự hiểu biết, tin tưởng, và phó thác vì lòng yêu mến Chúa.
Tha thiết cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng: Nói lên một đời sống không ngừng cầu nguyện, Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta nhậy bén nhận ra ý muốn của Thiên Chúa từ những điều nhỏ nhất, thầm kín nhất, những biến cố, khó khăn, giằng co, trái ý. Chúa Thánh Thần sẽ rèn giũa và thanh luyện tâm hồn ta y như một người thợ rèn, để ta buông bỏ ý riêng và làm theo ý Chúa.
– Tôi có thật sự khao khát làm theo Thánh Ý Chúa không? Hằng ngày và mỗi lúc tôi xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, ban ơn để tôi sống theo Thánh Ý Chúa như thế nào?
– Tôi thực hành việc đối thoại đã đúng cách chưa? Nếu chưa, tôi cần điều chỉnh thế nào?
- Khía cạnh pháp lý của lời khấn vâng phục
“Bằng lời khấn vâng phục, người nữ tu cam kết phục tùng các bề trên hợp pháp thay mặt Chúa, khi bề trên truyền dạy theo Hiến Chương của Hội dòng.
Cũng do lời khấn vâng phục, chị em vâng lời Đức Thánh Cha như vị bề trên cao nhất của mình trên trần gian” (đ.35).
Khía cạnh pháp lý của lời khấn vâng phục cốt yếu ở việc hy sinh ý riêng của mình vì Thiên Chúa, tức là từ bỏ quyền tự quyết về mình. Chấp nhận và thực hiện thánh ý Chúa qua các vị trung gian của Thiên Chúa. Vì thế, vâng phục trong đời tu chói lọi như một hiến lễ toàn thiêu dâng tiến Thiên Chúa với tinh thần hiếu thảo và hy sinh.
– Tôi đã sẵn sàng hiến dâng ý riêng, chấp nhận Thánh Ý Chúa bằng việc phục tùng các bề trên hợp pháp như thế nào?
“Các bề trên hãy thực thi quyền bính với tinh thần phục vụ chị em, làm thế nào để diễn tả được tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người. Tinh thần phục vụ đó được biểu hiện:
Trong thái độ kính trọng nhân vị của chị em là con cái Thiên Chúa;
Khích lệ chị em phục tùng cách tự nguyện;
Tạo điều kiện cho chị em cộng tác bằng thái độ vâng lời tích cực, đầy tinh thần trách nhiệm trong những bổn phận phải chu toàn và những sáng kiến cần có.
Sẵn sàng lắng nghe chị em và khuyến khích mỗi người nỗ lực xây dựng lợi ích của Hội dòng và Giáo hội.
Trong cuộc tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, các bề trên có nhiệm vụ đặc biệt khơi dậy nơi chị em những xác tín đức tin về ýnghĩa sâu sắc của đời tu trì, để tránh tình trạng tâm trí bị dao động thái quá, hoặc bị lôi cuốn bởi ý kiến hời hợt của những luồng dư luận nhất thời.
Các bề trên cũng hãy nhìn thấy nơi chị em, những trung gian Thiên Chúa có thể dùng để diễn tả thánh ý Người, đồng thời ý thức rằng mình được Người ủy thác cho quyền bính ấn định và truyền dạy những điều phải làm theo Hiến Chương và Nội Qui.
Tóm lại, các bề trên cần kết hợp đối thoại với việc đảm nhận trách nhiệm đặc biệt của mình trong đời sống cộng đoàn” (đ. 36).
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết rằng “Trong đời thánh hiến, vai trò của các bề trên, trung ương cũng như địa phương, luôn luôn có một tầm quan trọng lớn đối với đời sống thiêng liêng cũng như đối với sứ vụ”. Thiên Chúa trao quyền cho các bề trên để phục vụ chị em trong cộng đoàn thánh hiến. Bề trên hãy noi gương tinh thần và mẫu gương của Thầy Giêsu, Người đến để phục chứ không phải được phục vụ. Với vai trò là người đứng đầu cộng đoàn: “các bề trên phải sẵn sàng lắng nghe chị em và phải cổ vũ chị em cộng tác vì lợi ích của Hội dòng và của Giáo Hội, nhưng phải nhận định ý Chúa và giữ quyền quyết định của mình cũng như quyền truyền dạy điều gì phải làm theo ý Chúa” (x. đ.618). Và chính các bề trên cũng phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về những điều mình quyết định (x. Dt 13, 17).
– Tôi là người được Chúa trao trách nhiệm đứng đầu Hội dòng, Cộng đoàn, tôi đã thực thi quyền bính với tinh thần phục vụ chị em theo mẫu gương của Thầy Giêsu như thế nào? Tôi cần phải điều chỉnh điều gì?
– Tôi lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe chị em, phân định tìm ý Chúa, và lấy trách nhiệm để quyết định những công việc cho chị em và Cộng đoàn như thế nào?
“Trong tinh thần tin yêu đối với thánh ý Thiên Chúa, chị em hãy tỏ lòng khiêm tốn kính trọng bề trên; và khi vâng lời, hãy xác tín mình đang cộng tác vào việc xây dựng Nhiệm Thể Đức Kitô theo chương trình của Thiên Chúa.
Chị em cần ý thức bề trên là một trung gian chính thức được Thiên Chúa dùng, để diễn tả thánh ý Người cách cụ thể trong những vấn đề liên quan tới đời sống tu trì theo Hiến Chương và Nội Qui.
Chị em nên làm nhẹ bớt gánh nặng trách nhiệm của bề trên bằng thái độ cảm thông, sẵn sàng hợp tác và tránh những lời phê bình tiêu cực, nhất là khi có mặt người ngoài cộng đoàn.
Thánh ý Thiên Chúa như được truyền đạt cách cụ thể cho chị em qua trung gian Tổng tu nghị, Hội đồng và bề trên các cấp đôi khi có thể đi ngược lại với sự suy nghĩ và ước muốn của mình; lúc đó, chị em hãy vì lòng yêu mến Chúa, sẵn sàng hy sinh ý riêng để chu toàn các quyết định của thẩm quyền với thái độ nhẫn nại, cầu nguyện, chờ đợi Thiên Chúa tỏ cho chị em và các bề trên thấy rõ hơn thánh ý của Người.
Chị em phải rất dè dặt và thận trọng khi nại tới lương tâm để từ chối vâng lời bề trên, vì sự từ chối này thường phương hại tới ích chung.
Trong trường hợp được xác minh cách khách quan rằng điều bề trên truyền dạy hiển nhiên đi ngược lại lề luật Thiên Chúa, luật Giáo hội, Hiến Chương và Nội Qui, hoặc gây ra một sự dữ trầm trọng và chắc chắn, thì không buộc vâng lời. Nhưng nếu về phần chủ quan, chị em xét thấy điều bề trên truyền dạy phương hại đến đời sống tu trì của mình hoặc cộng đoàn, thì chị em nên khiêm tốn đối thoại trực tiếp với bề trên, và chỉ trình bày với bề trên cao hơn hoặc Đức Giám Mục Giáo phận khi cuộc đối thoại gặp bế tắc”.
Ơn cứu độ đến từ sự vâng phục của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu: “Lạy Cha nếu có thể xin cất chén này xa con” Chén đắng quá kinh khủng đến nỗi chỉ đối diện với nó mà Chúa Giêsu đã toát mồ hôi hòa máu. Dù run rẩy, dù kinh hãi Chúa Giêsu cũng đã thưa với Chúa Cha, “nhưng đừng theo ý con” (x.Lc 22,42). Nhiều lúc sống lời khấn vâng phục đòi hỏi ta phải uống chắn đắng, uống chén đắng thì phải vật lộn, giằng co, đau khổ, không dễ chút nào. Nhưng nếu ta cậy dựa vào Chúa Giêsu, xin Chúa ban ơn và chấp nhận uống chén đắng thì phép lạ xảy ra là ta đã dẹp bỏ và chế ngự được “cái tôi” của mình vì lòng yêu mến Đấng đã vâng lời cho đến chết và chết trên Thập giá. Lúc đó ta cảm thấy mình được bình an và tự do thực sự.
Tâm sự với Chúa Giêsu, xin Chúa ban ơn để biết sống vâng phục theo gương Chúa và kết thúc với đoạn lời Chúa Pl 2,2-11.
Tin cùng chuyên mục:
Tìm hiểu về Năm Thánh
Đề tài Tĩnh tâm Quí IV
Cáo phó ông cố Augustinô, thân phụ dì Anna Trần Thị Hải
Thấy Ơn Cứu Độ Của Thiên Chúa (08.12.2024 – Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C)