Đề tài tĩnh tâm tháng 5: Đời sống cầu nguyện theo Linh Đạo Hiệp Nhất

Tĩnh tâm tháng 5

Đời sống cầu nguyện theo Linh Đạo Hiệp Nhất

Ga 15, 1-8; HC điều 42-47

Khung cảnh: Đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, suy nghĩ về đời sống cầu nguyện của tôi.

Ơn xin: Xin ơn nhận ra đời sống cầu nguyện của mình đang ở trong tình trạng nào và xin ơn canh tân lại để qua đời sống cầu nguyện sinh được nhiều hoa trái.

  1. Khuôn mẫu của đời sống cầu nguyện

“Thiên Chúa đổ tràn đầy tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần được ban cho chúng ta. Thánh Thần tình yêu hiện diện trong chúng ta là nguồn mạch đời sống cầu nguyện, nhờ đó chúng ta không ngừng kêu lên: Abba, Cha ơi!(x. Rm 8,15b).

Thánh Thần hòa nhập lời cầu nguyện của chúng ta với lời cầu nguyện của Đức Kitô, Đấng liên lỉ sống đời làm con trước mặt Chúa Cha. Ngài là vị Thầy nội tâm dạy chúng ta cầu nguyện sao cho xứng hợp. Ngài đem lại niềm vui thanh thoát cho những ai sống đời cầu nguyện hiệp thông với Chúa và trong Chúa, hiệp thông với tha nhân”.

  • Đức Maria là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho đời sống cầu nguyện:
  • Mẹ hằng kết hiệp thân mật với Chúa trong lòng và trong cuộc sống.
  • Mẹ chuyên chăm lắng nghe, suy niệm và tuân giữ Lời Chúa.
  • Mẹ dâng lời chuyển cầu lên Chúa cho tha nhân.
  • Mẹ cùng cầu nguyện với Giáo hội tiên khởi để khẩn nài Thánh Linh.

Tâm hồn Mẹ luôn hân hoan thán phục, ca tụng Thiên Chúa về muôn hồng ân và kỳ công của Ngài khắp mọi nơi mọi đời” (Hc Điều 42).

– Chúa Thánh Thần là Đấng cầu thay nguyện giúp chúng ta trong đời sống cầu nguyện. Chúng ta là những con người hèn yếu, không biết cầu nguyện thế nào cho phải; “nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta… Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh đúng ý Thiên Chúa(x.Rm 8, 26-27).

Chúng ta không thể làm gì nếu không có Chúa Thánh Thần. Vì thế, chúng ta phải dành chỗ cho Người, lắng nghe và bước theo sự soi dẫn của Người. “Đời sống của ta nếu không dành chỗ cho Chúa Thánh Thần, không để Chúa Thánh Thần dẫn lối thì đó là cuộc sống của một kẻ dân ngoại” (Trích bài giảng của ĐTC Phanxicô ngày 1/5). Chúng ta phải tự hỏi mình: đâu là vị trí của Ngài trong đời sống chúng ta? “Những hoa trái của Chúa Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22).

– Cả đời Chúa Giêsu liên lỉ cầu nguyện và sống trọn vẹn ý Chúa Cha: Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt Chúa ra nơi thanh vắng cầu nguyện (Mc 1,35). Chúa Giêsu cầu nguyện vào những giây phút quan trọng nhất trong cuộc đời của Người. Khi chịu Phép Rửa và nhận lãnh sứ mạng Chúa Cha giao phó (Lc 3,21); trước khi chọn các môn đệ (Lc 6,12); trước khi biến hình (Lc 9,28); trước khi làm phép lạ chữa bệnh, hóa bánh ra nhiều (Ga Lc 5,16; Ga 6,11); khi dạy các môn đệ cầu nguyện (Lc 11,1-2); Trong vườn Cây Dầu (Lc 22,42); trên Thánh giá (Lc 23,34.46)… Lời cầu nguyện đã nuôi sống tất cả sứ mạng của Người. Đỉnh cao của cầu nguyện chính là “xin đừng theo ý con mà theo ý Cha”.

– Mẹ Maria cầu nguyện: “Đức Maria giữ tất cả những điều ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19). Mẹ hằng kết hiệp thân mật với Chúa trong lòng và trong cuộc sống. Mọi điều xảy ra quanh Mẹ, những ngày vui mừng cũng như những lúc đen tối. Tất cả đều được sàng qua kinh nguyện và được biến đổi nhờ kinh nguyện. Từ lúc Chúa Giêsu Nhập Thể, sinh ra, cho đến thứ Sáu Tuần Thánh khủng khiếp: tất cả đều được Mẹ Maria giữ và mang vào trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa và Mẹ luôn vâng trọn thánh ý Thiên Chúa.

  •  Hiện trạng đời sống cầu nguyện của tôi như thế nào? Tôi để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và mau mắn làm theo hay tôi dập tắt những soi sáng, hướng dẫn của Ngài?
  • Tôi đã noi gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong đời sống cầu nguyện như thế nào?

 Kinh nguyện theo phụng vụ

“Thánh Thể là trung tâm đời sống thánh hiến của mỗi người. Chính trong Bí tích Thánh Thể mà mỗi thành viên được mời gọi tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Nhờ hy tế này mà mọi hy sinh, lòng nhiệt thành và tình yêu mến của chị em được tháp nhập vào đời sống và sứ mạng của Người. Do đó chị em nên tham dự Thánh lễ và tôn thờ Thánh Thể hằng ngày; nếu không thể được thì thay thế bằng việc cử hành Lời Chúa.

Trong tương quan với Bí tích Thánh Thể, các Giờ Kinh Phụng Vụ được cử hành cá nhân hoặc cùng nhau, hoặc cùng với những người khác trong sự hiệp thông với lời kinh của Giáo hội. Các Giờ Kinh Phụng Vụ diễn tả ơn gọi chuyên lo ca ngợi và chuyển cầu thuộc riêng về những người được thánh hiến. Thế nên hằng ngày chị em cử hành chung ít nhất hai giờ kinh Sáng và Chiều.

Sự hiện diện của Đức Maria có tầm quan trọng cơ bản cho đời sống thiêng liêng của chị em. Vì thế, chị em hãy tỏ lòng sùng kính đặc biệt đối với Mẹ Maria qua việc tham dự các ngày lễ về Mẹ trong Phụng Vụ, siêng năng lần hạt Mân Côi và những hình thức tôn sùng khác bắt nguồn từ Phụng Vụ và Tín lý” (Điều 43).

Thánh Thể là một kho tàng vô giá, nhờ cầu nguyện trước Thánh Thể chúng ta có thể tiếp cận được với chính nguồn ân sủng. Thánh Thể chính là Chúa Kitô ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt Máu Người. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô hợp nhất với Người trong cuộc hiến dâng mạng sống lên cho Cha nhờ Thánh Thần. Nhờ việc yêu mến và siêng năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta sẽ được biến đổi nên người Chúa muốn, Chúa sẽ hút chúng ta vào với Người và nhẹ nhàng cải biến chúng ta. Chúa Giêsu vẫn đang chờ đợi chúng ta nơi Bí tích Thánh Thể. Chúa chờ mong chúng ta tin tưởng, cậy trông và yêu mến Người.

Việc thường xuyên cử hành các Giờ Kinh, con người thiêng liêng của chúng ta được hít thở bầu khí trong lành để lớn lên trong tinh thần của cộng đoàn. Phụng Vụ Giờ Kinh là việc cầu nguyện công khai của Giáo hội (PV 98), trong đó chúng ta thực hiện chức vụ tư tế của người được thánh hiến, hiệp thông vào lời cầu nguyện của Giáo hội cùng với Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha.

Là nữ tu Đức Mẹ Hiệp Nhất chúng ta tỏ lòng sùng kính đặc biệt đối với Mẹ tham dự các ngày lễ về Mẹ trong Phụng Vụ, siêng năng lần hạt Mân Côi, noi gương các nhân đức của Mẹ: khiêm nhường, tin tưởng phó thác vào Chúa, hy sinh nhịn nhục, hết lòng yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân.

Tôi là người nghiêm túc trong cử hành chầu Thánh Thể, Kinh Phụng Vụ, siêng năng lần hạt mân côi với tất cả lòng yêu mến hay tôi làm cách máy móc, thiếu lòng nhiệt thành, thiếu tình yêu?   

  1. Kinh nguyện nội tâm

“Nhờ việc cầu nguyện cá nhân, các tu sĩ được sống thân mật với Thiên Chúa Ba Ngôi, được chiêm ngắm kỳ công của Người, được kín múc nơi Người sức mạnh, tình yêu để thực thi chương trình của Người đối với chúng ta và đối với thế giới. Chị em xác tín rằng trung thành với việc cầu nguyện riêng mỗi ngày là một nhu cầu thiết yếu và đồng thời là một đòi hỏi của tình yêu dâng hiến.

Đời sống thiêng liêng của chị em được nuôi dưỡng hằng ngày bằng việc đọc Lời Chúa và sách thiêng liêng. Lời Chúa là dụng cụ tuyệt hảo để đạt tới sự hiệp nhất. Nhờ sự thấm nhuần Lời Chúa, chị em được tăng trưởng đức tin, vững vàng cậy trông và nhiệt thành yêu mến sống ơn gọi hiệp nhất.

Bí tích Thánh Thể là Bí tích kỳ diệu diễn tả và thực hiện mầu nhiệm hiệp nhất trong Giáo hội. Thánh Thể cũng là trung tâm điểm của đời sống thánh hiến. Nhờ phép Thánh Thể, các chị em được kết hợp mật thiết với Chúa và với nhau để Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người. Vì thế, chị em hãy tôn sùng Bí Tích Thánh Thể cách đặc biệt. Nhờ đó chị em được kết hợp mật thiết với Người và có năng lực nội tâm để sống ơn gọi Đức Mẹ Hiệp Nhất. Mỗi ngày, chị em dành thời gian để thờ phượng Thánh Thể thay cho nhân loại” (Điều 44).

Tông huấn về đời sống Thánh hiến số 103 ghi rõ: “Mỗi người thánh hiến phải hình thành con đường nội tâm, một đời sống cầu nguyện và gặp gỡ Chúa thâm sâu”. Đời thánh hiến mà không cầu nguyện, không có đời sống nội tâm gặp gỡ thâm sâu với Chúa thì chẳng có ý nghĩa gì. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Không cầu nguyện, đời tu không có ý nghĩa và không thể đạt được mục đích của mình”. Hội dòng đã có những qui định về việc cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn. Nhưng nhiều khi ta cầu nguyện chỉ là để giữ đủ giờ mà không có chất lượng nên đời sống ta không biến đổi. Cầu nguyện suy niệm Lời Chúa là để cho Lời Chúa hướng dẫn biến đổi cung cách hành xử của ta mỗi ngày trở nên giống Chúa. Cũng giống như các cuộc giao tiếp khác, chúng ta có thể biết cách để làm hợp ý người đối thoại. Nếu cầu nguyện nhiều mà ta vẫn đầy tính ghen tuông, giận hờn, đố kị, thiếu hy sinh, thiếu bắc ái với những người xung quanh, ta có nguy cơ trở thành con người chai lì. Còn nếu chúng ta gắn kết mật thiết với Chúa Kitô thì như cành nho sẽ sinh nhiều hoa trái. Đường Hy vọng của Đức Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh: “ Cầu nguyện phải là ưu tiên hàng đầu: thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động. Cầu nguyện rồi đến hy sinh, nhưng muốn sống đời hy sinh được, buộc phải cầu nguyện”.

Tôi phải làm gì để có đời sống tương quan mật thiết thâm sâu với Chúa hơn. Tôi có thấy mình đời sống mình được biến đổi nhờ cầu nguyện không? Nếu không tôi cần điều chỉnh thế nào?  

  1. Tĩnh tâm

“Chị em giữ thinh lặng bên ngoài và bên trong để dễ dàng kết hợp với Chúa hơn:

Mỗi tháng chị em dành một ngày để tĩnh tâm chung hoặc riêng.

Mỗi năm chị em dành ít nhất sáu ngày để đi vào sự kết hợp thâm sâu hơn với Thiên Chúa.

Trong những ngày nghỉ lễ, chị em luôn dành thời gian dài hơn cho việc cầu nguyện và nâng cao đời sống tâm linh.

Ngoài ra, các bề trên tạo điều kiện cho những chị em có nhu cầu thiêng liêng chính đáng được sống thời gian sa mạc phụ trội, để đào sâu kinh nguyện nội tâm” (Điều 45).

Tĩnh tâm hằng năm là thời gian nghỉ ngơi thiêng liêng. Ta được ở gần bên Chúa, tâm hồn ta được Chúa thanh luyện, biến đổi và thánh hóa, khiến ta trở nên khí cụ sắc bén hơn cho Nước Chúa.

Cũng như một chiếc xe cần được bảo trì và tu bổ thường xuyên, đời sống thiêng liêng cần được canh tân định kỳ. Mỗi tháng chị em dành thời gian tĩnh tâm lắng đọng để nhìn lại tháng qua và để nhận ra điều  Chúa mời gọi và canh tân cuộc sống.

Tôi nghiêm túc trong việc tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm như thế nào? Mỗi đợt tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm tôi cần canh tân như thế nào?

 

  1. Cải hóa tâm hồn

“Không có sự hiệp nhất đích thực nếu không có sự hoán cải nội tâm, vì chưng những ước muốn hiệp nhất bắt nguồn và chín muồi từ sự canh tân cải hóa tâm hồn. Hơn nữa, hoán cải là một điều cơ bản của Phúc Âm, vì thế chị em sống tinh thần thống hối và hoán cải qua việc xét mình hằng ngày và lãnh nhận bí tích Hòa giải. Thỉnh thoảng chị em cùng giúp nhau kiểm điểm đời sống để thực hiện việc hoán cải thường xuyên.

Các chị em được hưởng sự tự do chính đáng trong việc linh hướng và lãnh bí tích Hòa giải, nhưng phải tôn trọng kỷ luật của Hội dòng.

Các bề trên phải lo liệu cho có cha giải tội xứng hợp để chị em có thể năng xưng tội;

Đối với những cộng đoàn đông chị em hoặc các cộng đoàn huấn luyện, cần có những cha giải tội thường lệ do Đấng Bản quyền sở tại phê chuẩn, sau khi tham khảo ý kiến cộng đoàn, nhưng chị em không buộc phải xưng tội với các ngài.

Chị em có quyền tự nguyện cởi mở tâm hồn với các bề trên, nhưng bề trên không được phép dùng bất cứ cách nào buộc chị em bộc lộ lương tâm cho mình” (Điều 46).

Việc hồi tâm mỗi ngày và siêng năng xưng tội là việc quan trọng và cần thiết. Bí tích này giải thoát ta khỏi tất cả những gì làm ta xa lìa Thiên Chúa và hướng dẫn cuộc sống của ta về lại với Người, sự trở lại liên tục làm tăng trưởng đời sống thiêng liêng. Việc nghiêm túc xét mình hằng ngày và siêng năng lãnh nhận Bí tích Hòa giải sẽ giúp ta biết mình hơn, khiêm nhường hơn, lương tâm được thanh luyện, ý chí được củng cố, ơn thánh được gia tăng, thói thờ ơ nguội lạnh bị đẩy lui, các thói xấu được sửa chữa. Chính vì vậy, ta cần nghiêm túc xét mình hằng ngày và siêng năng xưng tội.

Tôi đã thực hành việc xét mình hằng ngày và siêng năng lãnh nhận Bí tích Giao hòa như thế nào? Có điều gì cần điều chỉnh không?

Những ngày lễ đặc biệt của Hội dòng

Các lễ kính Chúa:

  • Lễ Truyền Tin
  • Lễ Hiện Xuống
  • Lễ Chúa Ba Ngôi

Các lễ kính Đức Mẹ:

  • Lễ Mẹ Thiên Chúa
  • Lễ Mẹ Thăm Viếng

LễThánh Giuse (Điều 47).

Những ngày lễ đặc biệt của Hội dòng nhắc nhở mỗi chị em tham dự Thánh lễ sốt sắng, suy ngắm các Mầu Nhiệm của Chúa và của Đức Mẹ để áp dụng vào đời sống. Vì vậy chúng ta không tham dự thánh lễ cách máy móc, làm Tuần Cửu Nhật, Tam Nhật cho qua lần chiếu lệ, hời hợt mà không giúp tăng trưởng đời sống thiêng liêng của chị em.

  1. Thực hành bó hoa thiêng

1/ Hiệp nhất với thánh ý Chúa

– Thiết lập một tương quan mật thiết với Chúa Giêsu qua đời sống cầu nguyện cá nhân và cử hành Phụng Vụ chung của cộng đoàn sao cho thật nghiêm túc, nhiệt thành và sốt mến.

– Noi gương Mẹ Maria luôn suy đi nghĩ lại và thực thi thánh ý Chúa.

– Nghiêm túc trong việc hồi tâm và biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh.
– Không sử dụng thời gian vào những chuyện không cần thiết, tận dụng thì giờ để lần hạt cầu nguyện nhiều hơn.

2/ Kiến tạo sự hiệp nhất giữa lòng nhân loại:

– Chị em kiến tạo sự hiệp nhất trong cộng đoàn và môi trường sứ vụ: đón nhận giới hạn và khác biệt nơi chị em. Sống đơn sơ, cởi mở, chân thành (không nói điều tiêu cực về người thứ 3)

– Quảng đại dấn thân trong khi làm việc, không kêu ca càm ràm, không tranh cãi thắng thua.

– Loại bỏ sự ghen tỵ, bè phái, nói hành nói xấu nhau.

– Cá nhân luôn biết đặt lợi ích của chị em và cộng đoàn lên trên lợi ích của mình (mỗi ngày ít nhất là làm một việc tốt cho chị em không mấy thiện cảm).

3/ Lên đường loan báo tình thương của Chúa

Mỗi chị em có sáng kiến chọn cho mình cách thức lên đường loan báo tình thương của Chúa:

– Có thể dâng những đau đớn bệnh tật vui vẻ kết hợp với sự đau khổ của Chúa Giêsu để cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng;

– Nhạy bén, hy sinh giúp đỡ phục vụ chị em ngay trong cộng đoàn.

– Hết mình với sứ vụ được Hội dòng, Cộng đoàn trao phó;

4/ Cổ võ ơn gọi:

“Mọi người ra đi lên thuyền nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả…Cứ thả lưới bên phải mạn thuyền đi thì sẽ bắt được cá” (Ga 21, 3b.6a).

Mỗi chị em hãy tha thiết cầu xin Chúa ban thêm ơn gọi cho Hội dòng và có những sáng kiến làm gì để thu hút ơn gọi.

Tâm sự với Chúa Giêsu với Đức Mẹ và kết thúc với kinh Kính Mừng . 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *