Đề tài Tĩnh tâm tháng 6/2023

Nếp sống khổ hạnh theo Linh đạo Hiệp Nhất

HC điều 48-50; Lc 9, 22-25

—————————-//——————————-

“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì đường rộng thênh thang thì đưa đến diệt vong mà nhiều người lại qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7, 13-14).

Khung cảnh: Đặt mình giữa chọn lựa sống dễ dãi và nếp sống khổ hạnh đời tu.

Ơn xin: Xin hiểu được giá trị và tầm quan trọng của nếp sống khổ hạnh để can đảm bước đi theo Chúa Giêsu trên con đường Chúa đi.

  1. Giá trị của khổ hạnh

“Thập Giá biểu lộ tình yêu lớn nhất của Đức Kitô đối với Chúa Cha và nhân loại. Là nữ tu, chúng ta sẵn lòng đón nhận Thập Giá mỗi ngày để làm bằng chứng tình yêu lớn nhất dành cho Đức Kitô và anh chị em đồng loại.” (HC điều 48).

Chúa nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” ( Lc 9,23). Từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa bằng những hy sinh hãm mình, rèn luyện nhân đức, kỷ luật bản thân, đừng chiều theo đam mê sở thích của mình. Bước theo Chúa là cùng đi con đường của Chúa, con đường ấy không có chỗ cho ích kỷ cá nhân nhưng là con đường hẹp đòi ta phải hãm mình ép xác mới có thể đi qua. Chúa Kitô đã chọn con đường thập giá để biểu lộ tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha và nhân loại, đó là quà tặng vô giá của tình yêu, vì “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu” (Ga 15,13).

Trong cuộc sống, mỗi người đều có thập giá của riêng mình. Đó là những đau khổ, những thử thách, gian truân, sứ mạng, trách nhiệm, bệnh tật… Nếu ta kết hợp với Thập Giá Chúa Giêsu, xin Người đồng hành thì thập giá đời ta biến đổi thành những cây Thánh giá, có tình yêu của Chúa, có ơn cứu độ của Chúa, có sức mạnh của Chúa, có sức sống Phục sinh của Chúa, đó là chúng ta biểu lộ tình yêu lớn nhất dành cho Chúa và anh chị em đồng loại.

  1. Tinh khần Khổ hạnh

“Tinh thần khổ hạnh của người nữ tu Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất phải được biểu hiện bằng những thái độ sống căn bản sau đây:

  • 1. Trên bình diện Kitô-hữu:

10Kiên trì và trung thành chu toàn bổn phận;

20Chấp nhận những khó khăn trong các công việc và tương quan xã hội;

30Nhẫn nại chịu đựng những thử thách của cuộc sống thường gây ra những bất ổn và lo âu;

40Sẵn lòng chấp nhận bệnh tật, thiếu thốn và chịu bách hại vì công lý, với ý thức chia sẻ sự đau khổ của Đức Kitô Cứu Thế.

  • 2. Trên bình diện tu trì: Chị em chấp nhận thập giá của chính đời sống thánh hiến bằng cách cố gắng chu toàn các đòi hỏi của ba lời khấn: Khiết tịnh, Nghèo khó, Vâng phục và đời sống cầu nguyện, đời sống cộng đoàn, đời sống tông đồ.
  • 3. Trên bình diện linh đạo Đức Mẹ Hiệp Nhất:khi đau ốm, bệnh tật, chị em sẵn lòng vâng theo thánh ý Thiên Chúa và luôn ca ngợi, tạ ơn Ngài để cầu nguyện cho sứ vụ truyền giáo của Hội dòng” (HC Điều 49).

Sau Công đồng Vaticano II, những việc hãm mình ép xác dường như đã không còn. Nhưng thay vào đó, khổ hạnh là từ bỏ chính mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa Kitô. Trong Tông Huấn đời sống thánh hiến số 38: “Thực hành khổ chế là phương tiện nâng đỡ vững vàng để tiến tới sự thánh thiện trong đời sống thánh hiến. Khổ chế giúp chế ngự và sửa chữa những khuynh hướng của bản tính nhân loại đã bị tổn thương vì tội lỗi, khổ chế rất cần thiết để người tận hiến trung thành với ơn gọi của mình và bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá”.

Chúng ta đang sống trong một thời đại bị “tục hóa”, đời tu cũng bị cuốn vào vòng xoáy của thời đại, của những nhu cầu, những đòi hỏi sao cho giống mọi người, không nhớ mình là người tận hiến, không nhớ mình đã tình nguyện lội ngược dòng đời để chọn lựa một giá trị vĩnh cửu. Là người nữ tu Đức Mẹ Hiệp Nhất tinh thần khổ hạnh được biểu hiện bằng những thái độ sống sau:

“Kiên trì và trung thành chu toàn bổn phận”. Mỗi chị em đều có những bổn phận phải chu toàn, nhưng có lúc ta lại tránh né đẩy sang người khác hoặc làm một cách cho qua lần chiếu lệ, kêu ca, phàn nàn, ganh tỵ… Sự quảng đại để chu toàn bổn phận được trao phó một cách tốt nhất trong âm thầm là ta đang sống tinh thần khổ hạnh.

“Chấp nhận những khó khăn trong các công việc và tương quan xã hội”. Trong các công việc và tương quan xã hội không thể tránh khỏi những khó khăn. Sống khổ hạnh là ta biết chấp nhận những khó khó khăn đó, xin ơn Chúa soi sáng để giải quyết những khó khăn đó mà không thoái lui.

“Nhẫn nại chịu đựng những thử thách của cuộc sống thường gây ra những bất ổn và lo âu”. Trong kinh tận hiến của Đấng Sáng Lập đã viết: “đời sống tận hiến của con giữa thế gian không phải lúc nào cũng êm xuôi như nước chảy một chiều nhưng đa dạng và đầy khó khăn phức tạp”. Thử thách trong cuộc sống là lẽ thường tình, ta hãy nhẫn nại chịu đựng, cậy dựa vào ơn Chúa, Ngài sẽ ban ơn cho ta vượt qua.

Sẵn lòng chấp nhận bệnh tật, thiếu thốn và chịu bách hại vì công lý, với ý thức chia sẻ sự đau khổ của Đức Kitô Cứu Thế”.

Trong cơn hấp hối tại Vườn Dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Chúa Giêsu tuân phục ý Chúa Cha, chấp nhận đau khổ đó là lúc đau khổ trở thành niềm vui vì làm đẹp lòng Chúa Cha.

Khi ta chấp nhận bệnh tật, thiếu thốn và chịu bách hại vì công lý, thì đó là cơ hội Chúa cho chúng ta đến gần Ngài hơn, để được chia sẻ đau khổ với Ngài. Đau khổ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn để ta có thể chịu đựng cách dễ dàng hơn. Còn nếu ta chán nản, buồn phiền kêu ca, không biết kết hợp với sự đau khổ của Chúa Kitô thì lúc đó ta lại càng rơi vào thất vọng.

Trên bình diện tu trì: Chị em chấp nhận thập giá của chính đời sống thánh hiến bằng cách cố gắng chu toàn các đòi hỏi của ba lời khấn: Khiết tịnh, Nghèo khó, Vâng phục và đời sống cầu nguyện, đời sống cộng đoàn, đời sống tông đồ”.

  • Khổ hạnh trong việc trong việc trung thành tuân giữ các lời khấn:

– Khi tự nguyện sống khiết tịnh thánh hiến, ta chấp nhận sự từ bỏ luyến ái, sự cô đơn của con tim và coi đó như một tham dự vào hy tế của Chúa Giêsu trên Thập giá, hiến dâng bản thân cho Chúa với nghị lực yêu thương để trở thành người của Thiên Chúa và người của Giáo hội, không thuộc về cá nhân của một người nào. Sống khiết tịnh là ta đang lội ngược dòng, đang đi vào con đường hẹp nhưng sẽ đem lại cho ta sự sống thật.

– Tự nguyện sống nghèo khó theo Tin Mừng đòi hỏi ta luôn giữ một nếp sống đơn sơ, thanh đạm, tránh mọi tìm kiếm xa xỉ và dư thừa, siêu thoát với những tiện nghi của cuộc sống. Trong mọi hoàn cảnh luôn thể hiện một tinh thần thanh thoát vui tươi, không đòi hỏi tiện nghi, biết phân biệt điều cần thiết và điều ước muốn.

– Vâng lời trong đời sống thánh hiến là tự nguyện đặt cuộc đời mình vào tay Thiên Chúa để Chúa sử dụng tùy ý Ngài, ta hiến dâng ý riêng như một của lễ hy sinh. Khi vâng phục ta được thông phần vào hiến lễ duy nhất của Chúa Kitô, để cùng với Người sống thánh ý Chúa Cha với niềm tin kính mến yêu.

– Khổ hạnh trong việc trung tín với đời sống cầu nguyện chung và riêng: Có lúc ta bị cám dỗ vì “sự khô khan, chía trí, chán nản muốn bỏ cầu nguyện. Ta phải chiến đấu chống lại cơn cám dỗ ấy bằng việc trung thành ở lại trong cầu nguyện riêng và chung với cộng đoàn.

– Sự khổ hạnh trong đời sống cộng đoàn và trong việc giữ luật chung không phải tự nhiên mà có, nhưng phải nhờ những tập luyện hằng ngày mà ta có thể đạt được những thói quen tốt. Nhờ sự tập luyện hy sinh bỏ mình ta mới có thể đón nhận những khác biệt và cảm thông với giới hạn của chị em.

– Khổ hạnh trong khi thi hành sứ mạng: Đứng trước một sứ mạng ta không thích, ta có thể đưa ra mọi lý lẽ để làm sao khỏi phải thi hành, nhưng vì yêu mến Chúa và Hội dòng ta đón nhận, xin Chúa ban ơn phó thác mọi sự cho Chúa và sẵn sàng thi hành sứ mạng.

Trên bình diện linh đạo Đức Mẹ Hiệp Nhất: khi đau ốm, bệnh tật, chị em sẵn lòng vâng theo thánh ý Thiên Chúa và luôn ca ngợi, tạ ơn Ngài để cầu nguyện cho sứ vụ truyền giáo của Hội dòng”.

– Đau ốm, bệnh tật là điều không thể tránh khỏi, ta hãy kết hợp với Chúa, tin tưởng vào Chúa, kết hợp với Chúa trong mọi hoàn cảnh luôn biết ca ngợi, tạ ơn Chúa, dâng những đau khổ bệnh tật để cầu nguyện cho sứ vụ truyền giáo của Hội dòng.

  1. Những hình thức khổ hạnh

“Sự hoán cải và tinh thần khổ hạnh là những thái độ nội tâm chi phối toàn diện đời sống con người, được diễn tả và minh chứng bằng hành vi cụ thể trong những thời điểm nhất định:

  • 1. Theo Giáo luật, thời gian đặc biệt thích hợp thực hành việc hãm mình đền tội là Mùa Chay và các ngày thứ sáu quanh năm.
  • 2. Hằng ngày, chị em tự nguyện làm hoặc chấp nhận những việc hy sinh, dù nhỏ mọn, âm thầm, với ý hướng thể hiện tinh thần khổ hạnh của người sống đời tận hiến” (Điều 50).

Hằng ngày chúng ta có rất nhiều cơ hội để hy sinh dù nhỏ mọn: hy sinh trời nóng bức mất điện, hy sinh trong việc ăn uống, nhường phần tốt hơn cho chị em, quảng đại hy sinh làm việc không tên cách âm thầm, chấp nhận những thiếu thốn tiện nghi, gọn gàng ngăn nắp nơi phòng riêng cũng như các nơi sử dụng chung…

Nội quy của Hội dòng quy định cụ thể: Trong mùa Chay và các ngày thứ sáu quanh năm, cộng đoàn bớt chi tiêu ăn uống để chia sẻ cho người nghèo.

Trong Mùa Chay, chị em tiết giảm việc giải trí, không xem phim, nghe nhạc…

Trong tuần tĩnh tâm năm, chị em không tiếp khách, gọi điện thoại.

Là nữ tu Đức Mẹ Hiệp Nhất mỗi chị em chúng ta hãy đi vào con đường hẹp theo Hiến Chương và Nội quy của Hội dòng, vì chính Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì đường rộng thênh thang thì đưa đến diệt vong mà nhiều người lại qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7, 13-14).

Không có sự khổ hạnh, ta khó lòng thực hành được những đòi hỏi của đời sống thánh hiến. Hơn nữa, trong một xã hội có nhiều thách đố về lối sống tiện nghi và sùng bái chủ nghĩa cá nhân, thì sự khổ hạnh trở nên cần thiết hơn bao giờ hết để giúp ta lướt thắng những yếu đuối nơi thân xác, tôi luyện ý chí, làm chủ bản thân và trưởng thành nhân cách… Tất cả đều nhằm giúp ta đạt tới một tu sĩ toàn vẹn hơn trong sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa.

Tâm sự: Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống hôm nay chúng con gặp biết bao cám dỗ. Cám dỗ chiếm đoạt và sở hữu, cám dỗ sống buông thả theo bản năng tự nhiên. Cám dỗ nào cũng hứa cho chúng con hoan lạc, nhưng thật ra lại làm chúng con nghèo nàn vì tự giam mình trong cái tôi ích kỷ. Xin cho chúng con thắng được các cơn cám dỗ nhờ tỉnh thức và cầu nguyện, nhờ chay tịnh và làm chủ bản thân. Xin cho chúng con dám lội ngược dòng với thế gian, để đi vào con đường hẹp của Chúa, con đường nghèo khó khiêm nhu, con đường hy sinh phục vụ. Ước gì chúng con được lớn lên trong tình yêu Chúa, sau những lần chiến đấu vất vả cam go.Và ngay cả khi yếu đuối sa ngã, xin cho chúng con can đảm đứng lên, vững tin vào lòng Chúa tín trung tha thứ. Amen. (Trích RABBOUNI, 94).

 

One thought on “Đề tài Tĩnh tâm tháng 6/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *