Tuổi thơ, tôi đã cảm được hạnh phúc khi may mắn đươc biết Chúa. Tối tối, được đi nhà thờ, được học kinh, và vui vẻ với chúng bạn. Khi chuẩn bị xưng tội rước lễ lần đầu, tôi được học biết có thiên đàng để thưởng người lành, có hỏa ngục để phạt kẻ dữ. Tôi càng cảm thấy mình may mắn hơn, tôi biết ơn Chúa, và từ đó tôi cảm được Thiên Chúa có một sức hút đối với mình. Tôi không muốn bỏ buổi nhà thờ nào bao giờ, kể cả trời mưa gió!
Nhưng tôi là một đứa trẻ nhút nhát. Vì nhà thờ ở xa, nên phải theo chị để được đến nhà thờ. Nhiều khi, tôi phải khóc hết nước mắt vì chị không cho theo, chỉ vì vướng tôi chị không được tự do nô đùa với chúng bạn. Mỗi khi trời mưa thì tôi nhờ anh đưa đi, vì anh đã lớn tuổi, bình thường tôi không dám nhờ anh bao giờ. Nhưng may mắn là anh rất thương tôi, cứ trời mưa là tôi được anh cho đi. Nhiều hôm, anh cõng tôi trên lưng cho khỏi lấm chân. Nhà Chúa có một sức hút lạ kỳ, nên khi không có ai để theo đến nhà thờ, tôi buồn lắm.
Lòng say mê Chúa thôi thúc tôi và dẫn tôi đến quyết tâm khi lớn lên tôi sẽ không xây dựng gia đình như bao người khác để tự do đi nhà thờ, để được tự do gần Chúa. Khi ấy không biết tôi nghe được ở đâu câu. “một ngày sống trong hành lang Nhà Chúa, đáng quý hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác” Lúc ấy tôi không biết là Tv thế là tôi mơ ước được sống gần nhà Chúa cũng mừng lắm rồi. Ngay từ lúc 12,13 tuổi nguyện vọng này đã nung nấu tôi, khiến lòng tôi ngày càng thao thức ước mơ này. Nhưng từ trước tới nay ở quê hương rừng núi của tôi có ai biết nghĩ đến việc đi tu đâu, thế mà trong tôi cứ lóe lên niềm khát vọng đó, mặc dù chỉ hiểu tu là được ở nhà thờ nhà Chúa được tự do chuyện vãn với Chúa có thế thôi.
Thế rồi tôi tự xoay sở, lúc đầu, tôi đi cộng tác với các bà quản dạy kinh cho các em nhỏ sau đó tôi tìm cách khơi dậy phong trào làm tông đồ, từ từ tôi quy tụ các em trẻ, để giúp, và tìm người cộng tác. Nhóm tông đồ này có cả nam lẫn nữ, tôi tổ chức cho các em cũng như đội ngũ tông đồ ngày càng quy củ có lúc lên tới 500 em và 38 anh chị tông đồ.
Thấy lòng nhiệt thành hăng say của tôi như vậy. Ngày 27/04/1979 Ông trùm ngỏ ý dẫn tôi về Giáo Phận giới thiệu Đức Cha. Tôi mừng vô cùng vì hy vọng tôi có cơ hội tỏ bầy ước nguyện của mình với Giáo Hội. Mà sự thật đã đến, chỉ sau 1 ngày, đến ngày 28/04 chúng tôi lên đường và chiều ngày 29/04/1979 tôi được đến Tòa Giám Mục lần đầu tiên. Vì cha mất sớm, mẹ bệnh tật, nay được ông trùm họ đưa tôi đi, tôi sung sướng vô cùng. Đến nơi tôi chưa kịp tỏ bày ước nguyện của mình với Đức Cha Giáo Phận (nay là Đức Hồng Y Giuse Maria Phạm Đình Tụng) Chính ngài đã đi bước trước, gợi ý mời tôi hy sinh cuộc sống để dấn thân vào cánh đồng truyền giáo hoang tàn nơi quê hương xứ sở của tôi. Tôi cảm động vô cùng, và tỏ bày ước nguyện của mình, người nhận tôi ngay, không ngần ngại và ân cần chỉ bảo cho tôi, dẫn tôi ra nhà thờ xưng tội và đưa tôi đến trước Thánh Thể dâng tôi cho Chúa. Ấn tượng này đánh động tôi mãnh liệt làm tôi không bao giờ quên. Một cô bé thổ dân quê mùa, lôi thôi lếch thếch lại được Chúa, được Mẹ Giáo Hội giang tay đón lấy tôi như người mẹ tìm được đứa con yêu thất lạc từ nhỏ trở về. Tôi chỉ biết để nước mắt chảy ròng tạ ơn Chúa. Tôi lưu lại nhiều giờ để tạ ơn Chúa.
Những ngày sống ở đây, không những Đức Cha, Cha xứ, các Thầy, các cô, ai cũng vui vẻ hỏi thăm, nói chuyện với tôi. Đối với tôi đây là một sự kiện lạ, vì quê tôi không có Cha, không có Thầy, sơ gì cả. Mỗi năm có Cha Giáo Phận Hưng Hóa đến dâng lễ một tuần Đại Phúc. Mọi người chen chúc nhau đi xưng tội, đi lễ. Chỉ ông trùm hoặc ai có việc quan trọng lắm mới được gặp Cha, còn giáo dân bình thương đâu được gặp, nhất là những người như tôi chỉ được nhìn gần là tốt lắm rồi. Tôi sung sướng nhất là về đây ngày nào cũng được dự lễ, còn Viếng Thánh Thể thì lúc nào cũng được, chẳng bù cho quê tôi. Thánh Thể chỉ có tuần đại phúc mới Có Thánh Thể ở Nhà Tạm. Những ngày này, Giáo dân như ngày hội, đua nhau đi viếng Chúa, ngoài những giờ viếng riêng, ngày ba thì cả họ đi viếng Thánh Thể đông chật nhà thờ. Nhưng tiếc thay tôi chỉ được ở đây hai ngày rồi phải về quê ngay. Về đến nhà tôi nhớ Giáo Phận da diết.
Từ đó. Mỗi năm tôi được về Giáo Phận hai lần, mỗi lần một tháng để học Giáo lý; để chép bài giảng của Đức Cha đem về đọc các ngày Chúa nhật trong Nhà Thờ cho giáo dân; để học hát, học dâng hoa, dâng hạt về dạy cho các em ở Giáo xứ, các giáo họ; để được sống trong Nhà Chúa. Khi hết hạn trở về quê tôi mong từng ngày, từng giờ lại được về Giáo Phận; để hun đúc tinh thần tông đồ; để có nghị lực vượt qua những khó khăn của thời đại lúc bấy giờ.
Từ năm 1980 trở đi tôi bắt đầu đi vào cuộc phiêu lưu, đi tìm đến những họ đạo để dạy kinh dạy hát cho họ, mỗi lần về Giáo Phận tôi lấy những chương trình của giáo dân rồi đi truyền đạt cho giáo dân trong Giáo Xứ. Lúc đầu chỉ dạy kinh, dạy hát, dạy dâng hoa, những năm sau giúp họ Suy Tôn Thánh Tâm, Suy Tôn Đức Mẹ ngày thứ bẩy, sau giúp họ suy tôn Lời Chúa các ngày Chúa Nhật. Nhưng năm đầu này phương tiện đi lại rất khó khăn, chúng tôi phải đi bộ rất nhiều, sau có xe đạp để đi, còn ô tô vừa không có kinh phí vừa không đến được những nơi hẻo lánh. Chúng tôi đón nhận tất cả các khó khăn phức tạp trong việc tông đồ này một cách dể dàng trong niềm vui: có khi chúng tôi suýt bị nước cuốn trôi khi vượt qua suối mùa mua lũ, sẵn sàng chịu đói, chiụ rét, ăn, uống, tắm giặt bằng nước suối; Vất vả hơn là luôn được anh em cán bộ quan tâm tìm kiếm, nên chúng tôi cũng làm việc cách du kích, sáng ở nơi này trưa ở nơi khác tối trở lại, sáng mai lại đi sớm; cứ như vậy, chúng tôi đi các họ giáo gần trước, rồi từ từ đi xa dần. Sau 10 năm nhóm anh em Truyền Giáo chúng tôi với ơn Chúa, và lòng nhiệt thành hăng say khao khát của giáo dân, họ đã tận tụy giúp đỡ, bảo vệ chúng tôi, vì thế đã phục hồi được 18 họ đạo trên khắp Giáo Xứ từ những vùng xa xôi nhất của Giáo Phận.
Tôi cũng cảm được hạnh phúc, được nâng đỡ từ gia đình tôi rất nhiều. Lúc đầu gia đình tôi cũng đồng số phận với hoàn cảnh chung của mọi người vùng ấy, rất nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhưng rất vui vẻ tạo điều kiện để tôi đi Truyền Giáo cũng như về Giáo Phận. Hầu hết các chuyến đi này, gia đình phải vay tiền cho đi rồi tìm tiền trả sau. Nhưng cả nhà đều cảm nghiệm Thiên Chúa quảng đại vô cùng, không những mất người lao động, mất tiền tầu xe đi theo, nhưng gia đình làm ăn ngày một khá lên chứ không lụi đi. Tôi nhớ nhiều năm đầu mỗi lần đi Bắc Ninh, cả nhà tôi có 5 chị em gái mỗi người cho tôi mượn một cái quần hay cái áo mới nhất, cả nhà dồn vào mới đủ cho mình tôi đi. Nhưng ai cũng vui vẻ vì được góp ít nhiều vào việc Nhà Chúa.
Nhưng những sự ngọt ngào của nhưng năm đầu đời theo Chúa của tôi thật ngắn ngủi. Cuối năm 1983 thuyền đời tôi bắt đầu bị sóng đánh dồn dập, Tôi bị vu cáo, rồi Bề trên (ĐSL) hiểu lầm, chỉ vì có những người ghen ăn tức ở thấy tôi làm việc có uy tín, họ muốn tôi làm việc phục vụ cho họ mà lương tâm tôi không thể thực hiện như vậy được. Tôi đã bị Bề Trên hiểu lầm kéo dài 5 năm liền. Lúc đầu Ngài còn mắng, sau Ngài không nói đến nữa, và không bao giờ cho tôi thanh minh. Thật cũng dễ hiểu thôi. Vì Ngài quá thương tôi, nay nghe về tôi thật lắm chuyện quá đáng, nên Ngài thất vọng là điều hợp lý thôi. Nhưng tôi vẫn kiên trì và trung thành với tất cả mọi việc không làm giảm lòng nhiệt thành phụng sự Chúa chút nào. Tôi tin, người thế gian có thể hiểu lầm tôi, nhưng Chúa thấu suất mọi sự.
Tôi không có hy vọng được giải oan ở thế gian này, nhưng vẫn còn có đời sau, chắc chắn tôi sẽ không bị lên án như ở đời này. Dù vậy, tâm hồn tôi rất đau đớn, nhiều lúc tôi quá đau khổ, chỉ biết khóc trong âm thầm, mà gieo mình vào lòng Chúa, phó thác đời tôi trong tay Chúa, tôi tưởng như sóng gió nay vô tận. Tôi than với Chúa: trời mưa còn có lúc tạnh, còn cơn mưa đời con có ngày nào tạnh không. Tôi Tin Chúa yêu tôi, Ngài thanh luyện tôi để tình yêu của tôi đối với Ngài được ngày một tinh ròng hơn.
Thế rồi sự gì cũng có ngày qua. Sau năm năm đi trong sóng gió. Tháng 12 năm 1998 Đức Cha, Ngài lên kinh lý xứ tôi. Ngài thấy rõ những việc người ta tố cáo tôi hoàn toàn ngược lại. Thấy tôi vẫn trung thành phục vụ và làm tông đồ cách đắc lực, đem lại những kết quả mà Ngài không ngờ được. Ngài thay đổi thái độ đối với tôi ngay tức khắc, ân cần tỏ lòng quý mến tôi, quan tâm, xử dụng tôi phụ gúp ngài trong việc mục vụ của Ngài ngay trước mặt người vu cáo tôi, Ngài ân cần quan tâm đến tôi hơn lúc ban đầu. Ngài luôn cho gọi tôi đến và tỏ lòng tín nhiệm tôi hơn bao giờ hết.
Trong suốt thập niên 80 đến 90 ngoài biến cố trên, tôi gặp không biết bao nhiêu khó khăn khác, người thương cũng nhiều, người ghét tuy ít hơn nhiều nhưng đủ làm tôi chao đảo. Người thì kích bác tôi đi tu, người thì cố gắng cản tôi vì thương cảm cũng có, vì ganh tỵ cũng có. Tôi còn nhớ một bà trạc tuổi mẹ tôi đến vỗ vai nói: thôi đi con ơi! Đừng đi tu làm gì đất mình không đi tu được đâu, bá lo sau này con tu không được, lỡ thì rồi khổ cả đời đấy con ạ. Tôi cám ơn bà và tự hỏi trong lòng, chẳng lẽ Chúa lại chọn đất ư, thế cái đất vùng sâu, vùng xa này Chúa không thương sao? Tôi không tin như thế và vẫn quyết tâm, nhất là sau này ra sao cũng được, miễn là vẫn quyết tâm theo Chúa, chắc chắn Chúa không bỏ. Ngoài ít ỏi nhưng lời chân thành như trên, cũng không thiếu những lời mỉa mai, nguyền rủa đau độc. Ngoài ra, lại được cám bộ quá quan tâm, nên mỗi khi đi Bắc Ninh toàn phải đi đêm. Sau khi mọi ngươi đi ngủ hết mới dám ra khỏi nhà đi bộ hơn chục cây số để đến bến xe mua vé, có khi chờ xếp hàng 3 ngày mới mua được một vé xe, nhiều khi xếp hàng vào đến nơi lại bị người ta chen bật ra, cuối cùng phải mua chỗ đứng, vé đắt gấp rưỡi cũng phải mua vì khi mua chỗ đứng như vậy, bọn đầu gấu bến xe bảo vệ cho mới mua được vé . Lại có thời gian đi tầu, thường đi hai đêm và một ngày rưỡi mới về đến Bắc Ninh, hay từ Bắc Ninh về nhà.
Bây giờ đi tầu đến Sài Gòn còn hết ít thời gian hơn. Chưa kể đến, chen chúc họ dồn nén nêm lại như nén dưa, có nhiều khi ngộp thở vì thiếu không khí, lại trộm cắp, cướp giật, rồi những con người bệnh hoạn, ban ngày lành như chiên nhưng mỗi khi trời tối đến là bắt đầu tấn công dùng đủ thủ đoạn. Tạ Ơn Chúa vô cùng Ngài vẫn gìn giữ tôi nguyên vẹn đến ngày hôm nay. Lúc ấy mỗi lần đi như vậy, tôi không sợ khổ, sợ vất vả mà sợ trời tối trên đường, nhiều khi tôi sợ vã mồ hôi mỗi lúc đêm về trên tầu xe như vậy. Trên đường đã vậy, về đến Bắc Ninh ngủ đêm ở đấy chẳng bao giờ được ngủ yên, đêm nào cũng lo nơm mớp, vì được hỏi thăm hoài, chẳng mấy đêm không phải chạy, trốn cả vào nhà vệ sinh cũng không yên, rồi treo cây, rúc bụi mây, gai cào rách nát cả mặt mũi chân tay. Nhưng làm sao tôi không bao giờ nản chí, vẫn thích về Bắc Ninh lúc nào Nhà Chúa cũng có một sức hút lạ lùng đối với tôi, kể cả những năm giông tố, phải hy sinh lắm mới về được Nhà Chúa, lại bị bề trên hiểu lầm, nhiều lúc tôi thấy tủi vô cùng. Ở nhà khó khăn về đời tu không có ai đi trước để hỏi, về đến đây lại có cảm giác như bị bỏ rơi. Nhiều hôm tôi ra nhà thờ ngồi trước Thánh Thể khóc cả buổi chiều. Mỗi lần như thế tôi thấy mình nhẹ nhõm và lấy lại được nghị lực. Cũng không ít những lần tôi sống trong cảm giác bơ vơ, Hỏi Chúa thì Chúa im lặng không trả lời, hỏi những người xung quanh thì không biết hỏi ai được. Tôi thường đến trước tượng Chuộc Tội của Chúa, để chiêm ngắm, để lấy nghị lực và phó thác cho Chúa .
Trong những biến cố này một lần nữa tôi cảm nghiệm một cách xác tín rằng Chúa không muốn tôi bám vào một tạo vật nào quá, dù người đó là ai. Ngài muốn độc quyền trên tôi, muốn chính Ngài dẫn dắt tôi.
Tôi tạ ơn Chúa và cũng tự hỏi ngay biến cố nào sẽ lại đến, vì tôi có cảm giác Thiên Chúa không để tôi yên. Như một em bé trong tay người Cha, lúc thì ông ôm tôi vào lòng, lúc ông tung tôi lên nhưng rồi đón lấy, lúc ông cầm hai tay tôi xoay chong chóng quanh người ông. Chúa cũng chơi với tôi như vậy. Nhưng tôi tin và yêu Ngài, Tin Ngài yêu tôi, Ngài làm gì cho tôi cũng là cách Ngài diễn tả tình yêu với tôi, như người Cha trần thế của tôi đơn giản như vậy. Tôi tin điều gì Ngài làm cũng tốt hơn cho tôi mà thôi.
Hạt lúa mỳ
Tin cùng chuyên mục:
Tìm hiểu về Năm Thánh
Đề tài Tĩnh tâm Quí IV
Cáo phó ông cố Augustinô, thân phụ dì Anna Trần Thị Hải
Thấy Ơn Cứu Độ Của Thiên Chúa (08.12.2024 – Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C)