HỘI THÁNH TRONG ĐẠI DỊCH _SỐNG LẠI KINH NGHIỆM CỦA ÔNG GIÓP

HỘI THÁNH TRONG ĐẠI DỊCH  

 SỐNG LẠI KINH NGHIỆM CỦA ÔNG GIÓP

“Chúng ta biết đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (G 2,10)

Bài 94: Những Tấm Lòng Tan Vỡ (tt) - Hội Thánh Tin Lành Việt Nam

Lời nói này của ông Gióp đã giúp tôi có cái nhìn tích cực hơn khi nhìn ra thế giới và nhìn vào Hội Thánh trong thời gian đại dịch Covid-19 xảy ra. Tôi nhận thấy Hội Thánh đang sống lại cuộc đời và những kinh nghiệm của ông Gióp.

Thật vậy, đối chiếu ta sẽ thấy hai hoàn cảnh, hai thời đại hoàn toàn khác nhau mà lại như một. Ông Gióp có gia đình, của cải, tài sản. Nhưng Satan được phép của ĐỨC CHÚA nên đã làm cho của cải và tài sản của ông bị phá hoại. Con trai, con gái ông bị chết. Chính ông bị ung nhọt. Người vợ ông yêu quý cũng buông lời nguyền rủa: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!” ( G 2,9). Liệu còn có cái đau nào cho bằng việc bị người thân yêu nhất của mình nguyền rủa và xa lánh? Khi nhìn vào Hội Thánh Chúa ta thấy: Các linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân đã bị Virus Corona cướp đi tính mạng đang khi các ngài phục vụ và làm việc bác ái. Ở Nam Phi tại Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà Cape Town các bình đựng Mình Thánh bị đánh cắp, Mình Thánh Chúa bị xúc phạm. Các Nhà Thờ phải đóng cửa…Nhiều tín hữu bị lung lạc đức tin đã than vãn, trách cứ và đặt câu hỏi: “ Thiên Chúa đâu?”. Như ông Gióp, Hội Thánh có than thở nỗi lòng, kể lể sự tình, kêu cầu Thiên Chúa. Nhưng: “ Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không để cho môi miệng thốt ra lời tội lỗi” ( G 2, 10). Hội Thánh cũng vậy, Hội Thánh cùng Thiên Chúa vẫn luôn ở đó, bên cạnh con người nhất là những nạn nhân của Virus Corona, đôi khi Ngài thinh lặng. Ngài thinh lặng, nhẹ nhàng và âm thầm kề vai gánh lấy những đau đớn, cô đơn, thiếu thốn, sợ hãi của con người trước dịch bệnh. Bằng chứng là những vết thương tâm hồn, thể xác, bị sỉ nhục, chịu sự cô đơn và cái chết trên thập giá của Ngài. Ngài khiêm tốn đến độ khiến nhiều người không thể nhận ra nếu không nhìn bằng đức tin và trong thinh lặng của cõi lòng.

Đại nạn qua đi, đức tin kiên vững của ông Gióp đã được Thiên Chúa ghi nhận. Ngài ban lại cho ông tất cả, khôi phục tài sản và còn tăng gấp đôi những gì ông có trước kia…Kể từ ngày lễ Phục Sinh đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã có chiều hướng đi ngang và thuyên giảm. Số người tử vong ít hơn. Số ca nhiễm mới ít đi, số người được khỏi và trở về gia đình được tăng lên. Tin Mừng Phục Sinh được lan tỏa khi các lệnh cách ly dần được giãn ra, một số Nhà Thờ được mở cửa và giáo dân được tham dự Thánh Lễ, nhiều bệnh nhân được trở về đoàn tụ với gia đình.“ Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng trên những đường cong”. Điều đó được nhìn nhận trong thực tế xảy ra đại dịch. Những tâm hồn, những tấm lòng, những trái tim được gắn kết bền chặt với nhau hơn trong đức tin và tình bác ái. Đức tin được cụ thể hóa bằng những hành động: Các Thánh Lễ được cử hành để cầu nguyện cho những nạn nhân, Mình Thánh Chúa được cung nghinh trên các đường phố. Các dòng tu gia tăng việc đạo đức. Chuỗi Mân Côi và Lòng Thương Xót Chúa được các tín hữu sùng kính và năng cử hành hơn. Nhiều tổ chức, cá nhân và chính Đức Thánh Cha đã nhiều lần chia sẻ tiền, vật tư y tế, thuốc, trợ cấp lương thực thực phẩm. Các khoản nợ được xóa bỏ và giãn ra, tiền thuê nhà được miễn phí, các tổ chức được gây dựng để có thể trợ giúp và giải quyết những vấn đề có liên quan đến dịch bệnh Covid-19…

Nhưng như ba thanh niên bị điệu ra trước mặt vua Na-bu-co-do-no-xo đã nói: “Còn nếu Người không cứu, thì xin đức vua biết cho rằng, chúng tôi cũng không phụng sự các thần của ngài, và cũng không thờ lạy pho tượng vàng ngài đã dựng đâu!” (Đn 3,18).  Tôi cũng luôn xác tín một điều: “Điều dữ và đau khổ không đến từ Thiên Chúa, nhưng chuyện gì Thiên Chúa cho phép xảy ra thì cũng đều sinh ích cho những ai yêu mến Người”.  Giữ vững niềm tin và lòng  trông cậy nơi Thiên Chúa giữa những thử thách là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa hơn các lễ toàn thiêu khác. Tôi tin điều đó. Chính tôi cũng đã nghiệm được điều ấy trong cuộc sống sau khi chiêm ngắm Chúa trong mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Người. Người muốn và kêu gọi chúng ta bước vào, đón nhận, thánh hóa đau khổ trong niềm tin và hy vọng Phục Sinh. Ông Gióp và Hội Thánh đã làm được, tôi cũng đã cảm nghiệm được một phần nhỏ. Còn bạn thì sao?

                                                                

Tập Sinh

Têrêsa Nguyễn Thị Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *