Lm. GB. Trịnh Đình Tuấn, SVD trích và dịch từ tập sách “MẮT CHĂM CHÚ NHÌN VÀO ĐỨC GIÊSU” của Linh mục Esteban Gumucio Vives, người Chile, thuộc Dòng Thánh Tâm.
Người bạn và cũng là người anh em quý mến,
Chúng ta chừng độ tuổi nhau. Thầy ít hơn tôi một chút nhưng già hơn tôi. Tôi đã được biết đến nỗi buồn và sự than thân trách phận của thầy. Tôi không muốn giữ im lặng nữa vì tôi cảm thấy buồn khi biết thầy đang phiền não rất nhiều. Thầy là bạn và người anh em của tôi. Tôi muốn gửi tới thầy chút tâm tình như là lời góp ý chân thành từ tận đáy lòng mình.
Nếu chúng ta chấp nhận sống sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao phó với một tình yêu trung tín thì tuổi già đến không phải là một rủi ro, nhưng là một ân sủng của Thiên Chúa chúng ta; nhưng tôi nghe nói rằng thầy than thở vì không còn khả năng làm được những thứ mà trước kia thầy đã làm. Người ta nói với tôi rằng thầy buồn sầu vì trở nên gánh nặng cho các anh em khác và vì không có sức làm được gì nhiều nên thầy quyết định không làm gì nữa…
Chúng ta hãy cùng cố gắng lên, người anh em nhé! Điều quan trọng không phải là chúng ta có thể làm được nhiều hay ít, nhưng đúng hơn là chúng ta cố gắng vì Chúa và vì tha nhân, một con người biết ơn cuộc sống, rạng rỡ với niềm vui khi biết rằng mình được yêu thương một cách vô vị lợi. Tôi tin rằng đây là lời Tin mừng căn cốt của chúng ta: điều đó bắt nguồn từ việc chúng ta vui vẻ đón nhận Thánh ý Chúa Cha, Đấng đang ngự trên trời.
Hơn thế nữa, đó là một sứ vụ lớn lao mà Thiên Chúa đã tin tưởng trao phó vào tâm hồn và đôi tay của chúng ta, “mặc dù” hoặc đúng hơn, “bởi vì” mái tóc bạc phơ của chúng ta. Đến tuổi xế chiều, năng lực sinh học dần nghỉ ngơi nhưng không phải là một trở ngại để chúng ta đón nhận được ân sủng rất quan trọng là ơn soi sáng, đó là nhận ra rằng, chúng ta có thể là những sứ giả của Tin Mừng, không phải theo cách của chúng ta, cũng không phải theo ý mình, nhưng theo cách của Thiên Chúa, theo những cách mà Ngài yêu thích, được tạo nên từ sự im lặng, theo những gì mà dường như không hiệu quả trong mắt người đời. Thầy còn nhớ những gì chúng ta đã hàn thuyên với nhau mùa hè năm ngoái không? Chính thầy đã nói với tôi rằng điều đó đã khiến thầy ngưỡng mộ như thế nào; đó là kế hoạch của Thiên Chúa xuyên suốt toàn bộ lịch sử cứu độ, theo đó Thiên Chúa đã bất chấp chọn những người phụ nữ son sẻ để làm những người mẹ trong gia phả của Đấng Cứu Thế…
Bổn phận rao giảng Tin mừng trước tiên của chúng ta là sống ơn gọi dâng hiến của mình. Chúng ta không phải là những tu sĩ ở độ tuổi 20 nhiệt thành hơn ở độ tuổi 78. Đây là một “công việc” không ngừng phải làm: sống quá trình hoán cải liên tục, giữa một nền văn hóa đang thay đổi thường không có nhiều lòng trắc ẩn đối với tốc độ chậm chạp của chúng ta; cần cố gắng với quyết tâm và ý chí tốt để tiếp tục đồng hành với cộng đoàn chúng ta.
Một tu sĩ cao niên là một thành viên hữu ích trong cộng đoàn. Họ có vai trò của mình. Sự hiện diện, tinh thần vui vẻ lạc quan, sự phục vụ dù nhỏ bé của ngài mỗi ngày làm cho các thành viên gần gũi nhau hơn. Ngay cả sự chăm sóc mà các anh em quảng đại dành cho mình cũng đòi hỏi ở người tu sĩ cao niên hai thái độ quý giá này: sự giản dị để bản thân được yêu thương và niềm vui khi biết rằng mình đang giúp những anh em trẻ phát triển lòng bác ái và sự kiên nhẫn…
Ông bạn ạ, Thiên Chúa đang yêu cầu thầy sự khiêm hạ đó. Những người khác sẽ phải nghe những câu chuyện cũ rích của thầy; sẽ phải chịu đựng sự hay quên và chậm chạp của thầy. Nhưng, có thể, nếu thầy là người chấp nhận và sống niềm vui nội tâm, thầy có thể mang đến cho họ một sự phục vụ tuyệt vời là lắng nghe họ và trở thành người bạn tâm giao của họ. Giáo hội và thế giới ngày nay cần một “người bạn tâm giao” biết chừng nào! Thiếu những người cao niên khả kính, nhờ kinh nghiệm sống và nhờ lời cầu nguyện, Chúa Thánh Thần có thể ban tặng cho chúng ta đặc sủng của việc trao ban bình an, đón nhận, khuyến khích đối thoại trong những lúc khó khăn hoặc khi bầu khí trong cộng đoàn đang căng thẳng. Thiên Chúa mời gọi thầy, tôi và tất cả những người ở tuổi xế chiều tăng cường cầu nguyện. Với tuổi già đầy phước hạnh, ơn gọi “cầu nguyện” của chúng ta trở nên phù hợp hơn. Tôi không nói đến lượng thời gian mà nói đến cường độ của tiến trình thanh tẩy trong lời cầu nguyện. Điều này xuất phát từ thực tế là tình trạng “nghèo khó” của chúng ta. Một người già là một người nghèo. Họ không còn nhiều sự minh mẫn cũng như trí tưởng tượng để có những lời cầu nguyện hay. Đã đến lúc người đó trở về với một mớ những ảo giác. Người đó phải tiếp cận với sự bất lực và trần truồng trước Đấng nhìn thấy họ từ nơi bí ẩn. Tuổi già khiến việc “vào phòng, đóng cửa và cầu nguyện với Chúa Cha” dễ dàng hơn. Một trong những cách mà ân sủng thanh lọc này đến với chúng ta là nhận thức về thời gian như một thứ gì đó chóng vánh và phù du. Thầy vừa đã mới bắt đầu cuộc đua và giờ thầy đã già, đứng trong hàng ngũ những người nộp đơn chờ cái chết tiếp theo…! Và rồi, mọi thứ trong lịch sử của thầy dường như dày đặc và nặng nề, bắt đầu nhẹ nhàng và mỏng manh như một chiếc lá khô, một thứ hư vô… Dường như không níu kéo, thầy trở nên nhỏ bé và cho phép mình trần truồng nội tâm trước Đấng Đầy Lòng Xót Thương.
Thật tuyệt vời khi trong độ tuổi của chúng ta có thể thốt lên trong sự thinh lặng nhiệm mầu: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”!
Chấp nhận lời cầu nguyện trần trụi này, đi vào trong sự thinh lặng, cũng dẫn chúng ta đến một loại tập luyện cho sự thinh lặng đầy ân sủng của Thiên Chúa, đó sẽ là thiên đàng của chúng ta.
Nhưng lời cầu nguyện của người cao niên cũng có một giá trị về nhiệm vụ cộng đoàn. Cộng đoàn có quyền trông cậy vào sự hỗ trợ bằng lời cầu nguyện của các vị cao niên đối với công việc tông đồ chung. Cầu nguyện cho Giáo hội, cho thế giới, cho các anh em và cho những sáng kiến tông đồ của họ, đó là đi vào trong cộng đoàn, từ sau cánh gà đến sứ vụ truyền giáo. Hình ảnh của Đức Giêsu Nazareth cống hiến cuộc sống ẩn dật trong suốt ba mươi năm đầu và hình ảnh Môsê với những cánh tay giang rộng trong sự cầu nguyện, trong khi dân Thiên Chúa đang chiến đấu nên được khắc ghi vào trong tâm trí chúng ta.
Để lời cầu nguyện cộng đoàn này trở nên xác thực, điều cần thiết là chúng ta phải quan tâm với sự cảm thông đến công việc của anh em trong cộng đoàn, chúng ta hỏi thăm, hỗ trợ họ bằng cách chia sẻ những mối bận tâm, những dự án, những thông tin hoặc khó khăn,… và ngoài ra, sự cởi mở này đối với lợi ích của Nước Trời sẽ giúp chúng ta thoát ra khỏi chính mình và xua đuổi nỗi sầu muộn và hoài niệm về quá khứ… Những người cao niên chúng ta đây là một phạm trù của hiện tại! Thánh Thần sáng tạo và khuyến khích việc Phúc âm hóa cũng đang làm việc trong chúng ta. Chúng ta không phải là những khán giả đã nghỉ hưu trong cuộc lữ hành của Giáo hội, chúng ta là những người đang lữ hành trong và cùng với Giáo hội.
Và cuối cùng, mỗi người chúng ta cần phải tìm kiếm và khám phá ra những công việc phục vụ cụ thể, lớn hay bé tùy thuộc vào khả năng và sức khỏe cho phép. Mấy ngày trước tôi đã bắt gặp được một chứng từ của một nữ tu lớn tuổi. Sơ làm tôi bị đánh động mạnh bởi sự chân thành của mình: “Thiên Chúa, Đấng đang gìn giữ tôi cho đến hơn 80 tuổi, Ngài yêu cầu tôi nói điều gì đó về cuộc sống hiện tại của mình, cách tôi sử dụng giờ giấc, những gì tôi đang làm,… Mặc dù tôi đã khá già, nhưng tôi cảm thấy khỏe mạnh và mặc dù tôi đã nghĩ đến việc một ngày nào đó mình phải nghỉ hưu, nhưng khi nó đến, tôi đã rất xúc động bởi tin này. Điều đó, tôi nghĩ nó xảy ra với tất cả mọi người. Đột nhiên, bạn thấy mình đang ở giữa mênh mông… vô định… nếu bạn chưa chuẩn bị cho mình… Như trong câu chuyện ngụ ngôn về người quản lý, tôi đã tự hỏi mình: và mình sẽ phải làm gì đây: nấu nướng, thêu vá, may quần áo? Không biết nữa. Thêu thùa cả ngày ư? Không thể. Công việc nặng nhọc ư? Mình không còn đủ sức nữa. Và rồi tôi biết việc mình sẽ làm: Tôi sẽ hiến thân cho công việc bác ái, để làm việc trong một lĩnh vực đang cần. Và kể từ khi nhà tạm trú Thánh Gioan Thiên Chúa được khánh thành vào thời điểm đó, đang thiếu người chăm sóc cho những người vô gia cư… tôi đã tình nguyện giúp đỡ. Tôi đã phát quần áo cho họ. Chúng tôi đã nấu nướng, giặt ủi quần áo, sắp xếp nhà cửa và phục vụ ăn uống cho họ,… Tôi phải tạ ơn Chúa rất nhiều vì đã cho tôi động lực và sức khỏe, dù tuổi đã cao, để có thể làm được chút gì đó ở cuối đời. Khi tôi phải rời bỏ công việc mục vụ giới trẻ, tôi đã cảm thấy hụt hẫng rất nhiều trong lòng. Tôi đã không ngờ rằng, tại nơi đây nhiều người đang chờ đợi tôi như đợi chờ những viên ngọc quý: những người bệnh tật, già cả, cô đơn và vô gia cư…”.
Người anh em thân mến, xin lỗi vì lá thư quá dài. Có thể thầy sẽ mệt vì đọc nó. Nhưng dù sao tôi cũng muốn nói với thầy một điều nữa. Tôi tin rằng điều quan trọng là mỗi người cần bảo vệ chính mình với tất cả những gì mình có thể. Ví dụ, việc quét dọn là một môn thể thao tuyệt vời. Chỉ đến bây giờ, khi tuổi đã già tôi mới nhận ra rằng, nơi mà cánh đàn ông chúng ta đang sống không có người nội trợ, những ngóc ngách của căn nhà này đang trông đợi cây chổi của tôi biết dường nào! Tại sao chúng ta không học cách nấu ăn hoặc dành một chút thời gian thư giãn cho những công việc nội trợ mà thầy cảm thấy thích thú xen lẫn giữa những việc soạn bài giảng, ngồi toà giải tội hay viết những bài báo? Khi đang ở thời kỳ đỉnh cao, tôi không dám đánh cắp thời gian cho các hoạt động nghiêm túc; bây giờ bầu không khí mùa thu này cho tôi tận hưởng sự tự do nội tâm. Tôi đã nảy ra ý định vẽ hoặc tô màu. Những bức tranh của tôi cho phép mình tự cười nhạo bản thân, tin rằng mình là một Van Gogh ngoài lề… Tôi hình dung thầy đang có một đôi tai thính, thầy có thể trở lại rung động với cây đàn ghi-ta của mình và biến mình thành một ca sĩ vừa đàn vừa hát trong phòng. Khi nào thầy tổ chức buổi hòa nhạc của Tuổi xế chiều, tôi sẽ khánh thành một phòng trưng bày nghệ thuật biếm họa của tôi. Thầy dám chấp nhận thử thách này không?
Hy vọng lá thư của tôi sẽ giúp thầy ngẩng cao đầu, ông bạn ạ. Đừng ngủ mê hoặc chết trước thời gian của mình. Hãy để lại những điều kiện ra đi của mình cho Chúa. Thầy không cần phải dành thời gian của mình để chuẩn bị vali. Cuộc sống vĩnh cửu là cực kỳ rẻ: đi vào trần trụi. Khi nào thầy phải trải qua thời gian tồi tệ hãy nhìn qua cửa sổ. Sự trẻ trung của tâm hồn mời gọi chúng ta hát ca tán tụng kỳ công của Thiên Chúa. Không quan trọng cung điệu… Làm sao chúng ta có thể không hát, nếu trong những bình sành mỏng manh này, không gì khác hơn Đấng là nguồn sự sống mới…?
Người anh em và người bạn của thầy đang cầu nguyện cho thầy,
Esteban.
Tin cùng chuyên mục:
Tìm hiểu về Năm Thánh
Đề tài Tĩnh tâm Quí IV
Cáo phó ông cố Augustinô, thân phụ dì Anna Trần Thị Hải
Thấy Ơn Cứu Độ Của Thiên Chúa (08.12.2024 – Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C)