Người trẻ và những thách đố

(suy tư trong năm Mục vụ Giới Trẻ 2020)

Thế giới chúng ta đang sống có rất nhiều người trẻ (có thể có bạn và tôi) “đã chết” ở độ tuổi hơn kém hai lăm nhưng chưa được chôn cất mãi cho đến mấy chục năm sau. Đó là những “cái chết” của sức sống dồi dào và sự thanh khiết, là “cái chết” của lý tưởng và tình yêu cao đẹp; đặc biệt hơn nữa là cái chết của đức tin nơi người trẻ Công giáo. Những điều này phác hoạ thực trạng chung đời sống của nhiều người trẻ hiện nay.

Con người ngày nay đang sống trong một thế giới đầy biến động và bất an. Một thế giới bị đe doạ bởi thiên tai, dịch bệnh hoành hành, bởi sự rình rập của chiến tranh giữa các hệ tư tưởng, bởi chủ nghĩa khủng bố man rợ, bởi sự bất công, vô nhân đạo và bởi THÔNG TIN… Thế giới đang gia tăng con số những người tị nạn do chiến tranh, thảm hoạ thiên nhiên, và con số những Kitô hữu bị bách hại do nạn kì thị tôn giáo. Con người, nhất là phụ nữ và trẻ em, đang bị bạo hành, đói khát.
Đối với những người có đức tin như chúng ta còn đang cảm thấy kinh hồn, khiếp đảm khi đứng trước các “dấu chỉ thời đại” như thế huống chi là những người trẻ hiện nay. Liệu rằng họ có giữ được sức sống dồi dào, lý tưởng và tình yêu cao đẹp và ngay cả việc giữ được niềm tin vào Thiên Chúa đầy quyền năng, vừa công bình và giàu lòng xót thương trong khi họ còn bị bủa vây bởi lời mời gọi thế tục như chủ nghĩa vật chất duy thế tục, chủ nghĩa hưởng thụ và khoái lạc, chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân cực đoan, hay như chủ nghĩa vô thần (một lời mời gọi thế tục triệt để, tận căn)… của thời hậu hiện đại này?

Ngoài những tác động trong việc tìm ra ý nghĩa của đời mình, còn có những thách đố và khó khăn của nhân tình thế thái không ngừng va chạm với đức tin và cuộc sống của người trẻ như: thế giới thì ngày càng “phẳng” hơn, chật chội và nóng bức hơn (Thomas Friedman, Nóng – Phẳng – Chật).

Thứ nhất, thế giới thì “PHẲNG” nhờ cách mạng công nghệ (công nghệ năng lượng phát triển và sự bùng nổ công nghệ thông tin), thay đổi về thị trường, về sự độc quyền trong chuỗi cung ứng toàn cầu và về địa chính trị cùng diễn ra đồng thời và nhanh chóng, đã san phẳng sân chơi kinh tế toàn cầu. Điều này châm ngòi cho cuộc tranh giành vĩ mô về kinh tế, thương mại và hệ tư tưởng; đi kèm với nó là sự tranh giành năng lượng, khoáng sản, nước và lâm sản… khiến thế giới lăn lộn như viên bi trong một mặt phẳng nghiêng hướng chiều về vật chất. Giới trẻ từ đây sẽ bị cuốn vào áp lực của sự cạnh tranh kết nối, hợp tác để “kiếm tiền và tiêu thụ” dẫn đến việc họ rơi vào chủ nghĩa duy vật chất và tinh thần hưởng thụ và khoái lạc do hậu quả của một số ảnh hưởng của thông tin và truyền thông.

Thứ hai, thế giới “NÓNG” bức hơn do các quốc gia chạy theo xu hướng phát triển kinh tế bất chấp những định hướng “xanh hoá” gây ra những nguy hại cho thiên nhiên và con người như: từ đó, phát sinh vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, hiện tượng trái đất nóng lên, tình trạng dịch bệnh hoành hành (đơn cử như cơn dịch bệnh Covid 19), bệnh mới xuất hiện [Sốt xuất huyết Crimean Congo, bệnh Ebola, sốt xuất huyết Marburg, sốt Lassa, hội chứng suy hô hấp cấp do vi rút corona (MERS-CoV và SARS), bệnh do vi rút Nipah, sốt Rift Valley; và 03 bệnh khác được xếp ở mức độ nguy hiểm “serious” là: Bệnh Chikungunya, hội chứng sốt giảm tiểu cầu (Severe fever with thrombocytopenia syndrome) do vi rút SFTS, và bệnh sốt Zika, theo WHO]. Thực trạng đó như đẩy giới trẻ phải bước vào viễn cảnh một thế giới trôi nổi, bấp bênh, hỗn loạn không ngừng.

Thứ ba, thế giới “CHẬT” chội hơn do bùng nổ dân số quá nhanh, quá lớn đến nỗi các quốc gia đang phát triển có rất đông các thanh thiếu niên, do sự yếu kém năng lực quản lý và phản ứng của nhà cầm quyền, đã không được đáp ứng được các quyền tự do cơ bản và nhu cầu thiết yếu như: lương thực, nhà ở, giáo dục và việc làm. Điều này có thể trở thành nguyên nhân khách quan khiến người trẻ dễ bị lôi kéo vào bạo lực, bạo động và chủ nghĩa cực đoan.

Trước thực trạng và viễn cảnh của thế giới như vậy, liệu rằng đời sống của người trẻ sẽ như “đèn không hắt bóng” hay bị “cuốn theo chiều gió”?

Trước hết và trên hết, những người trẻ phải nhận thức được những độc tố gây nguy hại cho đời sống tinh thần của mình và nắm vững các phương cách chủ động (thủ thế) trước những cơn gió cuốn lý tưởng, tình yêu cao đẹp của chúng ta đi xa, hoặc những cơn bão của trào lưu thế tục vùi dập đời sống tinh thần của những người trẻ.
Chúng ta nhận diện và nhận thức như thế nào? Giới trẻ thời nay sống trong môi trường văn hoá, thế giới đầy thay đổi và biến động. Cũng vậy, giới trẻ Công giáo cũng không thực sự biết chính xác là Kitô hữu thì phải tin gì, phải mong ước gì, phải thực hiện điều gì (đây là 3 điều cần thiết để cứu rỗi con người theo Thánh Tôma Aquinô).
Giới trẻ hoặc không biết Hội Thánh dạy gì hoặc phân vân hoài nghi cho rằng liệu điều Hội Thánh dạy có còn phù hợp với hoàn cảnh văn hoá thế giới thay đổi hiện nay, liệu có lỗi thời hay không nếu đem đức tin của mình ra đối thoại và tuyên xưng? Hoài nghi tự bản chất cũng là một điều tốt, nhưng giới trẻ cần có ai đó, điều gì đó hay một sự phản tỉnh tự thân khơi dậy niềm tin và sự say mê khám phá đức tin Công giáo nơi họ. Nhưng có lẽ điều quan trọng trước nhất là nên hay cần phải có một DẤU CHỈ nào đó để chỉ cho họ thấy giữa trăm ngàn thử thách như vậy nếu như họ không xác tin vào một điều gì thì hoặc là đức tin của họ sẽ bị bốc hơi như giọt sương dưới “sức nóng” của mặt trời, hoặc là họ sẽ tin vào một điều gì khác ngoài Chúa (ngẫu tượng), không tin là có Chúa (vô thần) hay xa hơn nữa là đối nghịch với Chúa (tôn thờ Satan). Tình yêu và các mối quan hệ của họ sẽ trở nên thực dụng hoá bởi sự “san phẳng” các giá trị sống vụ lợi ích, vụ cá nhân, vụ tương đối. Lý tưởng sống của họ sẽ bị gió bão thời đại thổi bay đi cảm thức trách nhiệm sức sống dồi dào và sự thanh khiết của tâm hồn do bởi sự “chật chội” các giá trị trần gian cùng song hành với ước muốn hưởng thụ, khoái lạc. Điều này có thể đẩy giới trẻ tới viễn cảnh đời sống tình cảm và đời sống tinh thần hoá ra nghèo nàn, khô cằn, cứng cỏi rồi nhanh chóng trở thành lãnh cảm, thờ ơ và ác nghiệt. Họ không còn biết rung động trước Chân Thiện Mỹ. Họ đâm ra ghen ghét những gì là trong trắng, là vô tư, là ý vị. Họ trở nên chai đá trước những tấm lòng cao cả và thú vui thanh nhã. Họ trở thành những con người “nổi loạn”. Họ sẽ chết dần, chết mòn trong đời sống tinh thần và trải qua cơn hấp hối của niềm tin. Họ sẽ trở thành đề tài cho hàng loạt tiểu thuyết hậu hiện đại về chủ đề: Người trẻ Công giáo bỏ đạo; hay ca mãi khúc ca: “tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc…” và những câu rap “bỏ đi, bỏ đi… cuộc đời có mấy khi” chẳng hạn. Quả vậy, như kinh nghiệm của Louis Bertrand: “Cái làm cho người trẻ bỏ đạo không phải do lý trí mà là vật chất.”

Vì vậy, nhận diện những thách đố và nhận thức về một đức tin sâu sắc có thể giúp họ tin mà không mâu thuẫn với lý trí hay tin mà không lỗi thời, giúp họ vâng phục đức tin để xác tín về Chúa hay đững vững trước những vấn đề hóc búa, lắt léo về tình yêu, xã hội, sự sống, tính dục…
Thứ hai, trước thực trạng thế giới như vậy, người trẻ phải tự ứng phó một mình bởi vì các bậc đi trước cũng không theo kịp những biến động xã hội ngày càng dồn dập như vậy. Dù họ có kiến thức khoa học và các “kỹ năng cứng” tốt hơn so với lớp cha anh đi trước, nhưng lại thiếu “kỹ năng mềm” và khả năng ứng dụng vào thực tiễn dưới chiều kích tương quan liên vị lành mạnh. Hoặc có chăng, những “kỹ năng mềm” đó lại được xem là kỹ thuật để nâng cao mối liên hệ liên vị vụ lợi, vụ hình thức, vụ giá trị…, một tương quan không có đụng chạm đến tâm thức hướng đến Chân – Thiện – Mỹ.
Họ sống trong một thế giới được coi là tiến bộ, văn minh nhưng lại thiếu kỹ năng sống (là những năng lực tâm lý xã hội giúp cá nhân giải quyết hiệu quả những nhu cầu và thách thức của cuộc sống). Hoặc có chăng, kỹ năng sống cũng biến thành phương tiện để họ sống một cuộc đời mà “hãy để tôi là một hòn đảo, vì tôi muốn có một hòn đảo cho riêng mình”.
Thái độ đó có thể được gọi tên là sự thiếu “nhạy cảm nhân bản”, bởi xã hội tính vốn được coi là bản chất đời sống con người.
Giới trẻ sống trong thế giới ngày này có vô vàn giá trị để chọn lựa nhưng thiếu quyết đoán và thiếu khả năng sống theo các giá trị đó; đặc biệt là giá trị Tin Mừng. Đó là cái nguy hiểm nhất của độ tuổi này vì không có lập trường nhất định, không tin vào điều gì, hoài nghi mọi sự, mỉa mai mọi sự. Họ mang một tinh thần của kiểu tri thức nửa mùa và tri thức “tưởng”. Họ tưởng mình độc lập trong tư tưởng nhưng thực sự lại bị chi phối bởi thông tin và truyền thông.
Minh chứng cho điều này, Joseph E. Stiglitz, tác giả quyển sách “Toàn cầu hóa và những mặt trái” đưa ra một lý thuyết THÔNG TIN PHI ĐỐI XỨNG (asymmetric information) “là trạng thái bất cân bằng trong cơ cấu thông tin – giữa các chủ thể giao dịch có mức độ nắm giữ thông tin không ngang nhau. Một người sẽ có thông tin nhiều hơn so với người khác về đối tượng được giao dịch. Điều này dẫn tới nhiều vấn đề trong kinh tế học, hợp đồng và tài chính. Phi đối xứng thông tin, ngoài nguyên nhân về thực tại còn có nguyên nhân nhân tạo. Chủ thể kinh tế tham gia giao dịch có thể cố tính CHE GIẤU THÔNG TIN để đạt được lợi thế trong đàm phán giao dịch. Nghe có vẻ “vòng vo Tam quốc”, nhưng hiểu đơn giản là: Chừng nào chúng ta còn mù tịt về những gì đang vận hành thế giới này, các “chủ thể” là các siêu tập đoàn chính trị-kinh doanh-tài chính vẫn tiếp tục ung dung bóp nặn thế giới này theo ý đồ của họ, vẫn CHE GIẤU THÔNG TIN và dẫn ta đi “vòng vo Tam quốc” từ hồi thứ 1 cho đến hồi thứ 120 với kết thúc mỗi hồi là những SỰ KIỆN KINH TẾ – TÀI CHÍNH với câu nói “kinh điển”: HẠ HỒI PHÂN GIẢI (hồi sau sẽ rõ).

Người trẻ hiện nay cũng rất dễ sa vào “trò chơi ngôn ngữ” (như cách nói của triết gia Ludwig Wittgenstein) với các ý tưởng về đức tin, luân lý, đạo đức… Thường thì ở độ tuổi này của cuộc đời, họ trải qua giai đoạn duy lý, tôn thờ khoa học và lý trí mà bài bác đức tin. Vì thế, thực dụng lắm thay!
Tâm hồn chỉ biết những gì cân đo đong đếm được mà không còn cảm thức mầu nhiệm hay thiêng liêng cao quý nào. Khi suy tư về tình trạng này, là một người trẻ, tôi tự hỏi mình sẽ thoát khỏi những điều này như thế nào? Liệu rằng có một điểm tựa nào đó có thể vực dậy niềm tin, sức sống, lý tưởng, đời sống tinh thần nơi những người trẻ khác?

Thật vậy, ngay khi còn là một người trẻ, chúng ta thấy mình phải nhận diện được những điều đó dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Kế đến, chúng ta chẳng thể cứ ngồi đó mà nhìn thế sự xoay vần. Chúng ta phải móc nối cỗ xe cuộc đời mình vào nguồn sáng dẫn đường là lý tưởng sống dẫn đến Chân Thiện Mỹ, là chính Đức Kitô đang sống (Christus ViVit), và Người muốn chúng ta cũng được sống!.

Khi hướng nhìn đến thực tại cuộc sống, một người trẻ vừa phải có khả năng tự tái tạo đời sống tâm linh và sống đức tin cách sung mãn và sâu xa để được “giàu có về đời sống nội tâm” trong việc đối phó với thách thức của thời đại.
Thêm vào đó là khả năng “làm chất xúc tác” cho công cuộc tái tạo đời sống tâm linh và những giá trị thiêng liêng cho những người may mắn cùng được hiện hữu với mình và đi đến một cảm thức lành mạnh rằng bản thân mình thật diễm phúc vì được hiện hữu cùng họ.
Muốn làm được như thế, chúng ta hãy luôn đi theo ánh sáng của Tin Mừng như một cách thế: “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Chỉ những giá trị Tin mừng là bất biến mới soi đường chỉ lối cho ta không bị đánh văng khỏi cỗ xe cuộc đời mình.

Cuối cùng, chúng ta có thể nói rằng khí chất tuổi trẻ chúng ta “tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn” (Tv 92, 15b), rạo rực niềm vui, dồi dào khả năng, tràn đầy niềm tin và nhiều hứa hẹn, hăng say phấn khởi, năng động, khám phá, sáng tạo… Nói cách khác, chúng ta bao gồm nhiều ý nghĩa của tính từ “trẻ” của một “tuổi xuân, tuổi đẹp khôn xiết” (Pirre Termier) và “tuổi trẻ quen sống trong một trạng thái hăng say không ngừng” (Platon) nhưng luôn phải đối diện với những thách thức, khó khăn và sự bất định của cuộc sống.

Vậy, giới trẻ chúng ta vật lộn để “sống cùng, sống với, sống cho, sống vì” cuộc sống này thế nào hay chỉ đang “tồn tại” để chờ được chôn cất?

Tông huấn Christus Vivit viết: “Nếu con đánh mất sức sống nội tâm, những giấc mơ, lòng nhiệt thành, niềm hy vọng và lòng quảng đại, Chúa Giêsu sẽ đứng trước mặt con như ngày xưa Người đã làm thế với đứa con trai đã chết của một bà goá, và với tất cả quyền năng của Đấng Phục Sinh, Người sẽ thúc giục con: “Này con, Ta bảo con: hãy trỗi dậy!” (Lc 7,14) (CV số 20)

Như một lời xác tín mạnh mẽ gợi hứng từ số 64, Tông huấn Christus Vivit, người trẻ chúng ta phải mạnh dạn nói lên rằng: “Chúng ta không thể chỉ nói rằng chúng ta là TƯƠNG LAI của thế giới. Chúng ta là HIỆN TẠI của thế giới; chúng ta góp phần làm cho thế giới được phong phú”.
Vâng, chúng ta cũng đang sống, vì Đức Kitô đang sống giữa chúng ta!

– Hoàn Nguyên –

ban mục vụ ơn gọi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *