NHỮNG CÁNH TAY NỐI DÀI CỦA THÁNH VICENTE

Trong tinh thần phục vụ bác ái, sau nhiều ngày chuẩn bị tư trang, tôi hồi hộp chờ đến ngày đi khám bệnh từ thiện. Ngày 18-6-2017, tiếp nối chương trình tháng trước, Phòng Khám S.A.R.A hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất cộng tác với Ban Bác ái xã hội – Caritas giáo phận Bắc Ninh thực hiện chương trình đi đến tận nơi những người nghèo khổ để chia sẻ với người dân kém may mắn, ít có cơ hội đi khám bệnh.

 

Đúng 6h30, chuyến xe chở đoàn từ thiện bắt đầu lăn bánh. Mặc dù thời tiết ngoài trời mưa to nhưng trong lòng mỗi người chúng tôi đều cảm thấy không bị e ngại. Những tiếng cười rộn ràng, những câu chuyện ý nghĩa của mỗi thành viên chia sẻ giúp chúng tôi xích lại gần nhau và cảm nhận được sự hiệp nhất trong chị em.

 

Sau nhiều giờ vượt qua những đoạn đường gập ghềnh, ngõ ghách khó đi chúng tôi đã có mặt tại Đền Thánh Vicente thuộc thôn Xuân Bình- xã Đại Xuân- TP Bắc Ninh. Không kịp nghỉ ngơi, đoàn chúng tôi dẫn đầu là Sr Maria Nguyễn Thị Tuyến cùng với cả đoàn vào Nhà thờ đọc kinh viếng Chúa và viếng đền Thánh Vicente.

 

Khi bước vào Ngôi Đền Thánh để cùng tham dự đọc kinh chung, tôi cảm thấy như được hòa mình vào một không gian linh thánh mà ấm áp đến lạ thường, những khung ảnh tượng về Chúa và các Thánh, những đường hoa văn cổ điển mang đậm nét văn hóa của ngôi Thánh Đường giúp tôi có một cảm nhận nội tâm thực sự. Theo được biết lịch sử Đền Thánh Vicente được xây dựng năm 1903, Thánh Vinh Sơn Pherie sinh năm 1350 nước Tây Ban Nha, chỉ 18 tuổi Ngài được tuyên khấn trong dòng thánh ĐaMinh có bằng tiến sĩ thần học, Thánh từ chối nhận chức tước ngoài hàng giáo sĩ , và đi rao giảng các tỉnh thành phố Tây Ban Nha, Đức, Itali, Pháp, Hòa Lan, Scotlen….Ngài được Chúa ban cho làm được nhiều phép lạ nên biết bao người được phúc hoán cải trở về, rất nhiều người không cùng tôn giáo xin ơn chữa lành, bình an,… đều nhận được ơn lành. Ngài đã đem được rất nhiều linh hồn về cho Chúa và được gọi là một trong những nhà truyền giáo lừng danh nhất ở Thế Kỉ XIV nét trổi vượt của Thánh Nhân là nhân đức khiêm nhường và đời sống cầu nguyện, qua đó Ngài đã làm được nhiều việc phi thường, châm ngôn sống : “ Việc bạn làm đừng bao giờ nghĩ về mình, nhưng luôn nghĩ đến Chúa với tinh thần này’’.

 

Sau khi viếng đền Thánh, chúng tôi được sự đón tiếp nhiệt tình của Sơ Tho thuộc hội Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất đang trực tiếp trông coi Đền Thánh, cùng với Cha xứ Đa Minh Nguyễn Văn Bích và Cha phó Batixita Nguyễn Xuân Toàn, chúng tôi bắt tay vào việc: đo huyết áp, khám chuyên khoa, cận lâm sàng xét nghiệm và điện tim, cấp phát thuốc miễn phí được diễn ra nhịp nhàng; đặc biệt là sự hỏi thăm tận tình, tỉ mỉ của các Sơ Bác sĩ. Theo dự kiến, chỉ khoảng 150 người đến khám bệnh nhưng con số tăng lên 200 người trong đó có nhiều người không cùng tôn giáo.

 

Phái đoàn khám bệnh với lòng nhiệt thành, sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi, khoảng 14g00 đoàn tiếp tục khám chữa bệnh, mặc dù có những cơn mưa lớn nhưng những người dân vẫn đến với khám bệnh. Điều mà tôi ấn tượng nhất là nhìn thấy hình ảnh người dân đội nón rách, mảnh ni lông che mưa để đến khám. Họ cứ lần lượt vào ngôi Đền Thánh đọc kinh xin ơn sau đó ra gặp các bác sĩ xin khám bệnh. Họ tin rằng Ông Thánh sẽ ban cho họ khỏi bệnh ngang qua thuốc của các Sơ. Nhìn các Bà cụ già lom khom chống gậy đến khám, những giọt nước mắt tâm sự lăn nhẹ trên gò má. Những người phụ nữ chân lấm tay bùn đến khám bệnh mang theo bao nhiêu nỗi trăn trở, lo âu về gia đình. Trong tôi cảm nghiệm, dường như họ không chỉ mong muốn được khám bệnh thể lý song những căn bệnh tâm hồn đang rất cần những liều thuốc đến từ các Sơ.

 

Một ngày đã qua đi, nhưng dường như hình ảnh những mảnh đời nghèo khổ, bất hạnh vẫn in đậm trong tâm trí của tôi. Tôi tự hỏi mình, tôi đã làm gì cho tha nhân ngang qua những người mà tôi gặp gỡ?

 

Trong đợt khám bệnh này, tôi nhận thấy có một sự khá đặc biệt. Dường như có một bàn tay vàng nào đó đã khéo léo khám và chữa bệnh cho những con người nơi đây. Quả thực, có sự che chở của Thánh Vicente mà biết bao người nghèo, đau khổ được khám bệnh trong tình yêu thương.

 

                                                                                 Maria Tuyết Trần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *