Sống Cảm Thức Thuộc Về Để Hiệp Thông

 

“Thánh Phaolô ví cộng đoàn các Kitô hữu như một thân thể sống động và mầu nhiệm. Vì là một thân thể nên tất cả thuộc về nhau. Cảm thức thuộc về này không do máu huyết, nhưng xuất phát từ lời mời gọi của Thiên Chúa”. ( x. Tân Phúc Âm hóa đời sống cộng đoàn).  Do đó mỗi người tu sĩ cũng được mời gọi cách đặc biệt để đến sống trong một Hội Dòng và thuộc về Hội Dòng đó. Chính lời mời gọi này là nền tảng để người tu sĩ quyết định dấn thân sống với nhau, cho nhau, và vì nhau.

Mỗi tu sĩ được sinh ra và lớn lên từ những gia đình khác nhau, họ mang trong mình những văn hóa, tính cách, suy nghĩ khác nhau … Nhưng rồi Thiên Chúa đã mời gọi họ bước theo Ngài, bằng việc rời bỏ mái nhà gia đình ruột thịt, môi trường thân quen và rời bỏ những người thân… để đến sồng trong một cộng đoàn dòng tu, tập hợp những cá nhân khác biệt và xa lạ. Nhưng có cùng một cùng đích chung là: “ Nên hoàn thiện như Cha ở trên trời là Đấng là hoàn thiện” (Mt 5,48). Giờ đây người tu sĩ đã có mái nhà thứ hai đó là mái nhà Hội dòng của mình, và có những anh chị em không cùng huyết thống.

Người tu sĩ phải làm sao để luôn sống cảm thức thuộc về mái nhà Hội dòng? Và sống đúng là thành viên như đã từng sống trong mái nhà gia đình? Có lẽ mỗi tu sĩ trong cộng đoàn cần ý thức và xác định được rằng: Tôi là một thành viên trong gia đình, tôi cần có sự hy sinh liên tục để sống có bổn phận trách nhiệm bảo tồn và xây dựng cộng đoàn như chính gia đình huyết thống của tôi. Điều đặc biệt nữa đó là: tôi cần có những hoạt động đồng nhất với mọi người để cùng ăn, cùng uống, cùng sống và cùng chia sẻ những giá trị Tin Mừng với mọi người. Không chỉ như vậy, người tu sĩ cũng cần có thái độ đón nhận, bao dung, tha thứ những khác biệt và những bất toàn như: tính cách, lịch sử, mặt mạnh – mặt yếu của mỗi người như cách mình đã đón nhận những người thân có cùng huyết thống. Do đó mỗi cá vị cần tạo những mối tương quan lành mạnh để kết nối, chia sẻ cho nhau không chỉ trí thức mà cả những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm mục vụ tông đồ…. Còn không họ sẽ dễ coi nhà dòng là nhà trọ, là phương tiện để thực hiện và thỏa mãn những nhu cầu ích kỷ của bản thân.

Sống cảm thức thuộc về chính là sống có trách nhiệm, sống với những công việc bổn phận phải làm. Dẫu biết rằng, trách nhiệm – bổn phận dễ làm cho con người mệt mỏi, lo lắng. Nhưng chính trách nhiệm – bổn phận lại tạo nên giá trị cho người đó khi sống hết mình cho bổn phận và trách nhiệm. Ước mong sao mỗi tu sĩ luôn mang trong mình cảm thức thuộc về nơi Hội dòng để qua đó tìm thấy niềm vui sự bình an, và biến Hội dòng là nơi đi xa để trở về.

 

Chiếc Chổi Cùn

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *