Tài liệu: Tuần Cầu Cho Sự Hiệp Nhất Các Kitô Hữu

 

  • Lưu ý: Các cộng đoàn làm giờ Chầu Thánh Thể diễn tiến như bình thường. Tuy nhiên, sau mỗi giờ Chầu kết thúc bằng đọc “KINH ĐỨC MẸ HIỆP NHẤT” do Hội dòng đã soạn.

 

 Ngày thứ nhất (Thứ 5 – Ngày 18/1/2024)

  • Lời Dẫn

Kính thưa cộng đoàn! Thế giới Ki-tô giáo ngày nay đã bị phân tán nhiều. Ngoài Giáo hội Công giáo, còn có Giáo hội Chính thống, các Giáo hội Đông phương và hàng trăm các giáo phái Tin lành khác nhau. Việc phân tán giữa thế giới Ki-tô giáo là một cớ vấp phạm cho những người không tin Chúa, hoặc chưa tin theo Chúa. Vì thế, sứ vụ của người Ki-tô giáo là cầu nguyện cho việc hiệp nhất giữa những người tin theo Chúa.

Trong bầu khí linh thiêng bắt đầu tuần lễ cầu cho các Ki-tô hữu hiệp nhất, cùng với Mẹ Hội Thánh – Hội dòng mời gọi mỗi cá nhân, mỗi cộng đoàn cùng ý thức đi vào bầu khí này để chị em nỗ lực cầu nguyện cho sự hiệp nhất các ki-tô hữu. Hiệp nhất như Chúa Giê-su mời gọi: “Xin cho mọi người nên một”. Đây là một đòi hỏi thách đố mỗi người chị em chúng ta, đòi hỏi chị em hy sinh, từ bỏ và sống khổ chế từ tư tưởng, lời nói đến hành động nhiều hơn, để làm ngắn lại những khoảng cách giữa các Ki-tô hữu với Chúa và với nhau. Từ đó việc cầu nguyện, hy sinh, khổ chế của chị em được dâng lên Thiên Chúa như một của lễ sống động đặc biệt trong tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của sự hiệp nhất. Chúng ta nài xin Thiên Chúa đổ tràn đầy Thần Khí của sự hiệp nhất, của sự hòa hợp trên các tôn giáo, hiệp nhất trên các dân tộc, nhất là các dân tộc đang có chiến tranh, loạn lạc, đói kém, bệnh dịch,… Cách riêng, cho các Kitô hữu có cùng một Chúa, một đức tin và một Phép Rửa.

Trong tâm tình đó, kính mời chị em bước vào TUẦN LỄ CẦU CHO CÁC KI-TÔ HỮU HIỆP NHẤT cách sốt sáng.

  • Lời Chúa: Mc 3, 7-12
  • SUY NIỆM:

Mở đầu đoạn Tin Mừng, thánh Mác-cô ghi lại việc dân tứ xứ đi theo Chúa Giê-su để được nghe giảng và được chữa lành. Dân chúng ở đây thuộc đủ mọi miền Đông Tây Nam Bắc đất nước Palestin. Thật ra, thánh Mac-cô, cho chúng ta một cái nhìn về sức mạnh của Lời Chúa, đã hiệp nhất muôn người từ Đông Tây Nam Bắc, không phân biệt sang hèn miền quê hay thành thị. Tất cả đều được quy tụ chung quanh một Đức Giê-su, để được nghe Lời sự sống, được chữa lành và được cứu độ.

Một hình ảnh rất đông người chen lấn để được động đến Chúa Giê-su. Đến nỗi, Chúa Giê-su cần một chiếc thuyền để ngồi lên đó mà giảng dạy, thì Lời Thiên Chúa hôm nay được rao giảng rất cần cho một Giáo hội, cần cho các dân tộc có cùng một cái nhìn, để không vì ý riêng, cái tôi quyền lực của ai làm sai lạc chân lý. Chúa Giê-su cũng cần một chiếc thuyền để ngồi lên đó mà đón nhận những ai đến để chữa lành cho họ, thì ngày hôm nay, các Bí tích chữa lành được trao ban qua Giáo hội và được trao ban cách cá nhân kèm theo sự sám hối và tuyên xưng niềm tin của từng người.

Như vậy, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy được sự quan trọng của Lời Chúa là có sức quy tụ và hiệp nhất mọi người nên một với nhau. Đồng thời, Lời Chúa được rao giảng qua năng quyền của Hội thánh để không bị sai lạc theo tư tưởng cá nhân. Đặc biệt, Ơn Cứu Độ của Chúa vẫn luôn tuôn trào qua Hội thánh, chữa lành mọi thương tích cho tâm hồn con người.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con và các Ki-tô hữu hôm nay biết yêu mến Lời Chúa và để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời, hướng dẫn tìm ra giải pháp cho nền hòa bình và hiệp nhất, để dù sống trong hoàn cảnh nào, chúng con vẫn bước đi trong ánh sáng Lời Chúa dẫn đường và không bao giờ bị vấp ngã. Amen 

 

  1. Ngày thứ hai (Thứ 6 – Ngày 19/1/2024)
  • Ý cầu nguyện

Là các kitô hữu đến từ các Giáo hội và truyền thống khác nhau, chúng ta đã tích lũy qua nhiều thế kỷ một sự chồng chất nặng nề của sự hiểu lầm lẫn nhau. Ước mong sự chồng chất trong quá khứ của chúng ta không ngăn cản chúng ta xích gần nhau hơn. Lạy Chúa là Đấng giàu lòng tha thứ, chúng con dâng lên Chúa TẤT CẢ TINH THẦN GÂY CHIA RẼ trong tuần lễ cầu cho các ki-tô hữu hiệp nhất – xin giải thoát chúng con khỏi những ký ức đau thương của quá khứ, thứ làm tổn hại đời sống kitô hữu sẻ chia của chúng con và xin dẫn đưa chúng con đến với sự hòa giải – hiệp nhất đích thực.

  • Lời Chúa: Mc 3, 13-19
  • SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay nói về việc Chúa Giê-su lựa chọn các Tông Đồ, ban năng quyền cho các ngài và sai đi loan báo Tin Mừng: 

Chúa gọi và chọn chứ họ không tự cho mình được chọn hoặc tự ứng cử, nghĩa là Chúa ở một vị thế cao hơn, Chúa là trung tâm chứ không phải họ được quyền lấy mình làm chuẩn; như thế, điều kiện đầu tiên để trở thành Tông Đồ là do được Chúa chọn. Các môn đệ ở lại với Người, nghĩa là họ phải được tách ra khỏi đám đông và đến; như thế, điều kiện thứ hai là khi được gọi họ phải được tách riêng ra, nghĩa là phải có sự thay đổi đời sống nên tốt hơn…

Trong Hội thánh, việc được chọn làm công việc này, chức vụ nọ, là do Chúa chọn qua sự tuyển lựa của Hội thánh, chứ không phải cha truyền con nối hay mình tự ứng cử, vì thế luôn phải đặt ý Chúa lên trên hết và dù hợp với chúng ta hay không thì cũng phải biết thuận theo ý Chúa. Riêng với những ai được chọn, dù là Giáo Hoàng hay linh mục, tu sĩ, hay ơn gọi chung là Ki-tô hữu thì cũng đều phải cố gắng sống tốt hơn – người hơn so với địa vị của mình.

Chúa Giê-su lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.”. Có thể hiểu đến năng quyền được ban cho các mục tử qua các Bí tích để sức mạnh của ma quỷ không thể cản trở được công việc loan báo Tin Mừng. Đặc biệt, qua Bí tích Hòa Giải, các mục tử chữa lành bệnh tật và thương tích tâm linh cho các tâm hồn.

Rao giảng và chữa lành là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Hay nói cách khác, Tin Mừng và cuộc sống liên kết với nhau, đời sống tôn giáo và phát triển xã hội cùng song hành.

Đời sống ki-tô hữu và sự phát triển xã hội là nét mới được khám phá nơi Lời Chúa hôm nay: Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta mang trên mình sứ vụ làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Đồng thời, khi rao giảng Lời Chúa thì cũng không thể lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em. 

Lạy Chúa Giê-su, không phải tìm kiếm đâu xa, mà ở ngay bên cạnh cộng đoàn chúng con, gần bên giáo xứ chúng con, rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa mà đem Tin Mừng cho họ bằng việc cảm hóa họ qua đời sống yêu thương – hiệp nhất – thánh thiện của chúng con. Amen

 

  1. Ngày thứ ba (thứ bẩy – ngày 20/1/2024)
  • Ý cầu nguyện:

Chúa Kitô là ánh sáng của chúng ta. Chúng ta hãy xích lại gần nhau để phản chiếu ánh sáng này rõ hơn, để từ đó trở thành chứng nhân đích thực của Chúa Kitô, là Ánh Sáng của thế gian. Lạy Chúa, hôm nay là ngày chị em trong Hội dòng chúng con cùng nhau nhịp bước bên Chúa, để xích lại gần nhau hơn trong TUẦN CẦU CHO SỰ HIỆP NHẤT CÁC KI-TÔ HỮU, cùng nhìn lại trong một năm đã qua và hướng về một năm mới. Xin Chúa cho chị em chúng con biết lấy LỜI CHÚA là ngọn đèn soi cho chúng con bước, không có Ngài, chúng con lạc lối sai đường. Xin cho Lời của Ngài soi rọi chúng con. Ước mong những điều chia rẽ, bất hòa không ngăn cản chúng con cũng như nhiều người nhìn thấy ánh sáng Chúa chiếu tỏa. Amen

  • Lời Chúa: Mc 3, 20-21
  • SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện thân nhân của Chúa Giê-su phải đi bắt Người về, vì nghĩ là Người bị “mất trí”. Chúa Giê-su như “điên” vì yêu nhân loại, hi sinh cho dân, đặc biệt là cho các bệnh nhân, đến nỗi không còn thời giờ để ăn uống ngủ nghỉ.

Thánh Mác-cô kể rằng, khi nghe biết Chúa Giê-su và các môn đệ về nhà, dân chúng đã kéo đến đông đảo, làm cho Chúa Giê-su không dùng bữa được. Phải, Chúa luôn sẵn sàng đón nhận mọi người đến bất kỳ lúc nào để chữa lành cho họ.

Cái “điên” của Chúa là tất cả cho con người đến nỗi hy sinh cả mạng sống vì con người. Thánh Phaolô cũng đã nói về sự “điên rồ của thập giá”. Cũng như đôi tình nhân yêu nhau, họ cần đến sự gặp gỡ và hy sinh cho nhau, thì nếu Chúa Giê-su ở trên trời nói vọng xuống rằng “Ta yêu nhân loại” thì liệu có ai tin không? Người đã đến với con người, ở với con người và cuối cùng chết đi vì con người.

Để rồi từ đó, rất nhiều những tâm hồn bước theo Chúa Giê-su và “điên vì Chúa”… Xưa cũng như nay, vẫn hàng hàng lớp lớp những chàng trai cô gái trẻ trung bước theo tiếng gọi dâng mình cho Chúa, tuyên giữ sống độc thân và bỏ lại tất cả những gì mà thế gian tìm kiếm. Phải, họ đã điên vì Nước Trời.

Và cũng vì “điên bởi tình yêu dành cho Chúa” mà các thánh tử đạo sẵn sàng đón nhận cái chết để minh chứng cho niềm tin và lòng yêu mến các linh hồn. 

Tóm lại, có thể nói, bài Tin Mừng được đọc hôm nay có lẽ là ngắn nhất trong các bài đọc Phụng Vụ Thánh Lễ, vì chỉ có hai câu. Tuy nhiên, với hai câu ngắn gọn này, đã làm toát lên được một cách đầy đủ về Lòng Thương Xót của Chúa Giê-su dành cho con người, đó là yêu đến mức điên cuồng, yêu đến mức như mất trí, lo lắng giảng dạy và chữa lành cho con người đến mức không còn thời gian ăn uống và ngủ nghỉ. Tắt một lời, Chúa yêu con người hơn cả chính mình.

Lạy Chúa Giê-su, giữa một thế giới lũng loạn về các giá trị nhân bản và đời sống đức tin. Thì Chúa lại mời gọi các Ki-tô hữu và đặc biệt chúng con là những người dâng mình cho Chúa là chứng nhân của Ngài. Xin cho mỗi Ki-tô hữu, cũng như chúng con biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu, là biết hy sinh nhiều, không đắn đo tính toán, không tìm tư lợi cho bản thân, nhưng sống theo ánh sáng, sự thật và công bình. Amen

 

  1. Ngày thứ tư (Chúa Nhật – ngày 21/1/2024)
  • Ý cầu nguyện

Người kitô hữu cũng như người sống thánh hiến cho Thiên Chúa, thường cảm thấy nản lòng vì thiếu sự tiến bộ hướng tới sự hiệp nhất hữu hình. Chúng ta hãy cầu nguyện để xin ơn hiệp nhất với một đức tin vững mạnh, lòng kiên trì nhẫn nại và niềm hy vọng không ngừng. Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót! Trong sự lạc lối và nản lòng, chúng con hướng về Chúa. Xin đặt vào lòng chúng con niềm hy vọng. Xin cho Giáo hội luôn giữ vững niềm hy vọng và làm việc cho sự hiệp nhất, điều mà Con của Chúa đã cầu xin đêm trước cuộc khổ nạn. Amen.

  • Lời Chúa: Mc 1, 14-20
  • SUY NIỆM

Sau khi chịu phép rửa của Gioan ở sông Giođan, Chúa Giêsu biết đã đến lúc mình phải rời bỏ gia đình ở Nadarét, lên đường dấn thân cho sứ mạng do Cha ủy thác. Vùng Galilê là vùng Ngài bắt đầu rao giảng Tin Mừng về Nước Trời (c.14). Ngài mời người ta sám hối và tin vào Tin Mừng mà Ngài rao giảng. (c.15). “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Người cũng mời gọi bốn môn đệ đầu tiên là hai đôi anh em: Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan. Các ông đã mau mắn đáp lại bằng sự dứt khoát từ bỏ nghề cũ, từ giã cha già mà theo làm môn đệ của Người.

Để kêu gọi những tay đánh cá chuyên nghiệp đó đi theo Người thực hiện một sứ mạng mới, Chúa Giêsu cũng đã dùng chính ngôn ngữ của họ, với hình ảnh chiếc lưới quen thuộc của họ: “Các anh hãy đi theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1, 17). Ngay sau đó, các ông đã “bỏ chài lưới mà theo Người” (Mc 1, 18).

Nghe lời và rồi họ đã bỏ chài lưới, bỏ nghề dánh cá, bỏ những thú vui của sông nước. Hơn nữa họ còn bỏ gia đình, bỏ vợ, bỏ cha, để gắn bó với Thầy Giêsu. Họ bỏ một giá trị để sống cho một Giá Trị lớn hơn, bỏ một tình yêu để sống cho một Tình Yêu lớn hơn. Theo một Đấng sống không chỗ tựa đầu, và bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh. Theo Ngài sẽ dẫn đến một thay đổi lớn nơi họ: từ lưới cá đến lưới con người. Bây giờ con người là mối bận tâm của họ, không phải là cá như xưa nữa. Chúa sai các môn đệ của Người dùng tấm lưới ấy để đánh bắt các linh hồn, dùng tình yêu để đem những tâm hồn thiện chí về với Chúa. 

Điều quan trọng và cần thiết đó là chúng ta phải nhận ra tiếng Chúa gọi, nhất là phải mau mắn và quảng đại đáp trả tiếng gọi ấy. Chúng ta có thể đáp trả bằng một đời sống đạo đức và thánh thiện, chúng ta có thể đáp trả bằng những hành động bác ái và yêu thương. Thực vậy, Chúa cũng kêu mời chúng ta phục vụ Ngài nơi những người anh chị em, thế nhưng chúng ta đã mau mắn và quảng đại đáp trả hay chưa?

Ngày nay Chúa cũng mời gọi chúng ta mang vào thế giới sứ điệp sự thật và tình thương của Chúa. Hãy sẵn sàng tham gia vào sứ mạng này và nhất là cầu xin Chúa đừng để những chia rẽ và tranh chấp giữa các tín hữu Kitô làm lu mờ khả năng chiếu tỏa của Tin Mừng. Các cuộc gặp gỡ đại kết trong thời gian gần đây gia tăng trên thế giới là một dấu chỉ chứng tỏ điều đó.

Lạy Chúa Giê-su, là môn đệ của Chúa, chúng con thấy mình thật yếu đuối và tội lỗi. Chúng con đâu xứng đáng để lãnh nhận hồng ân cao quí này. Nhưng Chúa lại kêu gọi những con người nhỏ bé, hèn kém, khiêm tốn biết cậy dựa vào sức mạnh của Lời Chúa hơn là khả năng mong manh nơi con người chúng con. Chúng con mang trong mình sứ mạng ĐS và LĐ HIỆP NHẤT, đó là một sự thách đố lớn cho từng người và Hội dòng chúng con. Xin cho chúng con tin tưởng rằng, Chúa sẽ biến đổi và sử dụng chúng con, để chúng con trở nên dụng cụ hữu ích trong kế hoạch YÊU THƯƠNG và HIỆP NHẤT của Chúa. Amen 

 

  1. Ngày thứ năm (thứ hai – ngày 22/1/2024)
  • Ý cầu nguyện:

Trong một thế giới bị xâu xé bởi những lo âu do quyền lực, địa vị xã hội, chiến tranh, dịch bệnh, loạn lạc, giết người và bao nhiêu thứ tệ nạn xã hội đang ngày đêm đe dọa đến sự an toàn mạng sống của người lớn cũng như trẻ nhỏ, chúng ta được mời gọi làm nhân chứng của niềm hy vọng. Lạy Thiên Chúa Toàn năng Hằng hữu, chúng con kêu lên Chúa tiếng kêu và nỗi đau của con người hôm nay. Họ run rẩy, sợ hãi khi đối diện với bệnh tật, sự bồn chồn, lo lắng và cái chết của chính mình cũng như người thân yêu. Xin dạy chúng con biết đặt niềm tin tưởng nơi Chúa. Xin ban cho Giáo Hội những dấu chỉ của sự hiệp thông và ân cần săn sóc. Amen.

  • Lời Chúa: Mc 3, 22-30
  • SUY NIỆM

Trong thời đại hôm nay nhiều giá trị, nhiều nguyên tắc đạo đức và luân lý đang bị đảo lộn trong khắp các tầng lớp xã hội. Nếu đưa mắt nhìn quanh, người ta sẽ thấy trong các tầng lớp xã hội, gia đình và tôn giáo đều có sự chia rẽ. Bao nhiêu giáo phái Ki-tô giáo khác nhau trên thế giới được tìm thấy xuất hiện, phái nào cũng mạo nhân là theo gót chân Chúa một cách trung thực. Chính điều này đã làm cho nhiệm thể Chúa Ki-tô bị phân rẽ và tổn thương. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã cảnh báo điều đó khi trả lời cho người Do-thái kết án Người là lấy quyền quỷ tướng để dẹp quỷ lính.

Chúng ta cùng dừng lại trong thinh lặng của con tim với con tim, suy niệm lời căn dặn của Chúa Giê-su về sự hiệp nhất

  • Chia rẽ thì tiêu tan, kết đoàn sẽ bền vững.

Nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Ai Cập hay nơi các tộc ít người, người ta biết cách bùa chú để yểm hại người khác, để trừ được bùa yểm cần phải có một thầy pháp cao tay hơn kẻ yểm bùa. Có lẽ cũng vì ảnh hưởng quan niệm này và vì sự ghen ghét mà một số người Do-thái đã độc miệng nói Chúa Giê-su dùng quyền của quỷ tướng để bắt nạt quỷ con. 

Thế nhưng Chúa Giê-su lại nhân cơ hội này để dạy chúng ta bài học về sự đoàn kết, hay nói chính xác hơn là hiệp nhất. Hình mẫu cho sự đoàn kết là tính hiệp nhất bởi Ba Ngôi Chí Thánh. Hội thánh Chúa từ khắp nơi trên thế giới đều hiệp thông và vâng phục một Đức Thánh Cha, cùng một cử hành phụng vụ, cùng một niềm tin, một phép rửa… Và có lẽ không tôn giáo nào có thể sánh được sự hiệp nhất đến mức duy nhất này. Và chính nhờ sự duy nhất này của Hội thánh mà sức mạnh hoả ngục đã không thắng được, dù Sa-tan đã dùng sự thù địch chia rẽ để chống lại. 

Tội nguyên tổ đã cắt đứt con đường giữa ta đến với Chúa, Chúa Giê-su đã nối lại con đường bằng cây cầu thập giá, nhưng nếu ta không chịu bước trên cây cầu thập giá ấy thì vẫn xa lìa Chúa. 

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con có tâm tình cầu nguyện như Ngài với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một, như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha. Xin Cha cho mọi người nên một trong Chúng Ta, để cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Amen

 

  1. NGÀY THỨ SÁU (thứ ba – ngày 23/1/2024)
  • Ý cầu nguyện:

Sự chăm sóc chu đáo và lòng hiếu khách của những tình nguyện viên, những tu sĩ dâng mình cho Chúa qua đại dịch Co-vid 19 trong những năm vừa qua, đã gây ảnh hưởng rất lớn tới những anh chị em lương dân, anh chị em vô thần về lòng nhân ái của người tin vào Chúa Ki-tô. Cụ thể, tiếp đón người lạ, chăm sóc người bệnh như chăm sóc người thân của mình, chính là chứng nhân của Tin Mừng. Lạy Thiên Chúa là Chúa của những kẻ mồ côi, góa phụ và khách ngoại kiều, xin truyền vào lòng chúng con một sự cảm nhận sâu sắc về lòng hiếu khách, về sự tận tình quan tâm chăm sóc những người mà chúng con gặp gỡ, kém may mắn. Xin giúp Giáo hội và mỗi người tín hữu góp phần vào việc phá vỡ những rào cản, ngăn trở đón tiếp hết thảy mọi người. Amen

  • Lời Chúa: Mc 3:31-35
  • SUY NIỆM

Có người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ nghĩ rằng, Chúa Giê-su xem nhẹ sự hiện diện của Mẹ Người chăng? Không phải thế, Người còn đề cao Mẹ Maria nữa là khác, vì trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì có ai bằng Mẹ được, bởi: “Đức Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.

  1. Mẹ cưu mang Chúa và Lời Chúa trong cung lòng Mẹ

Chúa Giê-su coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em Người, như thế thật phúc cho ai sống và thực hành Lời Chúa.

Muốn cưu mang Chúa trong tâm mình thì phải cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa sống động thực sự bằng tâm của mình, chứ không phải bằng lý thuyết suông. Năng suy niệm Lời Chúa cho đến khi cảm nhận như Chúa động đậy trong tâm mình, thì khi đó thực sự Chúa đã ở trong ta và đang lớn lên. Khi có Chúa trong mình, thì chúng ta sẽ sống và hành động như Chúa Giê-su và luôn làm đẹp ý Cha trên trời.

  1. Đem Chúa đến cho tha nhân.

Chức năng làm mẹ nơi Mẹ Maria là, khi vừa được cưu mang Chúa, Mẹ đã lên đường đem Chúa đến cho Bà Elizabeth và Gio-an Tiền Hô đã nhảy lên vui mừng trong lòng bà Êlizabeth vì được gặp Chúa nơi Mẹ.

Chúng ta cũng vậy, không ai có thể cho cái mình không có, vì như thế là ăn cắp và mạo danh. Nhưng, sau khi nhận ra Chúa – cảm nghiệm Chúa – cưu mang Chúa trong lòng, chúng ta mới có thể mang Chúa đến cho anh chị em khác bằng những chia sẻ đơn sơ, phát xuất từ cảm nghiệm trong tâm hồn. Nhờ đó, họ cũng có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình. 

Lạy Chúa Giê-su, Sự hiệp nhất đích thực chỉ có khi chúng con biết cưu mang Lời Chúa và đem Lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống. Chính Chúa coi những ai lắng nghe và thực hành lời Chúa như là bạn hữu, là anh em và là mẹ của Chúa, xin cho chúng con luôn biết mở rộng tâm hồn để đón nhận Lời Chúa, làm cho Lời Chúa được lớn lên và lan tỏa đến mọi người. Amen

 

  1. Ngày thứ bảy (thứ tư – ngày 24/1/2024)
  • Ý cầu nguyện:

Trong quá trình tìm kiếm sự hiệp nhất và hòa giải, đôi khi chúng ta được mời gọi xem xét lại cách chúng ta nhìn nhận các truyền thống và văn hóa khác nhau. Sự phân rẽ các tôn giáo, dân tộc thường xảy đến từ những cuộc tranh chấp và hiểu lầm về cách nhìn nhận, văn hóa và truyền thống. Lạy Thiên Chúa Toàn năng Hằng hữu, trong công cuộc tìm kiếm sự thật một cách chân thành của các tín hữu, xin hãy thanh tẩy họ và cả chúng con khỏi những ý nghĩ bất công đối với người khác và làm cho Giáo hội được lớn lên trong sự hiệp thông. Amen   

  • Lời Chúa: Mc 4, 1-20
  • SUY NIỆM

Hôm nay Chúa Giê-su kể và chú giải dụ ngôn về “người gieo giống”, nhằm nói lên tầm quan trọng của thái độ đón nhận và thực hành Lời Thiên Chúa. Chúa Giê-su dùng mọi tình huống để thức tỉnh chúng ta lắng nghe và sống lời Người. Dụ ngôn về người gieo giống hôm nay cần được chúng ta dành nhiều thời gian trong ngày sống để suy niệm nhiều hơn, để lĩnh hội các ý nghĩa mà chính Chúa đã giải nghĩa có các môn đệ.

 

  1. Hạt giống và người gieo giống.

Hạt giống là Lời Chúa và là chính Chúa Giê-su Ki-tô. Người đi gieo chính là Thiên Chúa hiện thân trong Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã gieo trong yêu thương. Yêu thương đến độ chính Người lại trở nên một hạt giống, chịu vùi chôn, chịu mục nát để biến cải những mảnh ruộng gai góc, sỏi đá thành màu mỡ phì nhiêu, mong một mùa gặt đầy những bông lúa chín vàng trĩu nặng.

Thiên Chúa đã luôn luôn gieo vãi lời Người khắp nơi, với mọi hạng người, với mọi hoàn cảnh. Người không ngần ngại gieo hạt giống “Lời Chúa” và “Ân Sủng” vào tâm hồn mỗi người. Người gieo không loại trừ, những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ nhận được hạt giống đã đành, cả đến những mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc, cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. 

  1. Những thửa đất khác nhau – thái độ đón nhận.

Việc giải thích dụ ngôn nhấn mạnh đến tính chất khác biệt của các thửa đất và phẩm chất đón nhận hạt giống. Kết quả cụ thể của việc gieo hạt tuỳ thuộc vào thái độ đón nhận.

Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy. Đó là thái độ thờ ơ trước Lời Chúa, và vì không quan tâm đến Lời Chúa thì quỷ thần sẽ chiếm giữ linh hồn họ.

Kẻ được gieo trên nơi sỏi đá là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay… Là hạng người nhiệt tình theo Đức Ki-tô khi mọi sự dễ dàng xuôi chảy, và bỏ Người khi khó khăn, thử thách, đau khổ, ngược đãi ập đến. 

Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt khiến Lời không sinh hoa kết quả gì… Đây là “người tín hữu không đạt đến sự chín muồi của đức tin”… Bởi vì người ấy bị tinh thần của thế gian giữ lại, bị bối cảnh vô tín xung quanh bao vây. Đức tin là một công việc phát triển lâu dài, và phải chiến đấu chống lại mọi thứ trở ngại, chống lại những ảnh hưởng của thế gian chiếm quá nhiều chỗ trong đời sống.

Cuối cùng kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục… Sinh hoa kết quả là điều mong ước mà Chúa Giê-su muốn chúng ta thực hiện một đời sống tràn đầy, phong phú. Đối với Chúa Giê-su, điều kiện chủ yếu để đời sống chúng ta sinh hoa kết quả là Lời Thiên Chúa được lắng nghe và hiểu lâu dài. 

       Thiên Chúa mời gọi ta hãy lắng nghe Chúa Giê-su chỉ dạy qua lời Thánh Kinh hằng ngày. Hãy tin tưởng và đón nhận Chúa như mảnh đất tốt đón nhận hạt giống tốt. Chúa Giê-su cũng mời gọi ta tự vấn chính mình: Có bao nhiêu hạt giống “Lời Chúa” đã được gieo vào lòng tôi? Số phận của những hạt giống ấy giờ này ra sao? Hạt giống ấy đang nằm ở đâu trong cuộc đời của tôi? Tôi đã đón nhận những hạt giống ấy như thế nào? Tôi đã làm gì để hạt giống ấy được phát triển và lớn lên. 

Lạy Chúa Giê-su, xin làm cho tâm hồn mọi người ki-tô hữu chúng con nên thửa đất tốt, biết mở rộng lòng mình để đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời Chúa được lớn lên trong chúng con, đồng thời xin cho mỗi người tín hữu khắp nơi trên Thế giới biết lấy lời Chúa làm lẽ sống và làm cho Lời Chúa được lan tỏa đến mọi người nhờ đời sống đạo và những gì có thể làm được vì vinh quang Chúa. Amen.

 

  1. Ngày thứ tám (thứ năm – ngày 25/1/2024)
  • Ý cầu nguyện

Kính thưa cộng đoàn! Hôm nay kết thúc TUẦN LỄ CẦU CHO CÁC KI-TÔ HỮU HIỆP NHẤT, cũng là lễ kính thánh Phao-lô tông đồ trở lại. Chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa về hồng ân HIỆP NHẤT Chúa ban cho Mẹ Giáo Hội, có trách nhiệm đón nhận, cầu nguyện và nỗ lực không ngừng làm chứng nhân cho thế giới hôm nay. Cách riêng, Hội dòng chúng ta cũng cùng đi trong dòng lịch sử đặc sủng HIỆP NHẤT mà Chúa Thánh Thần đã khơi dậy nơi Đấng Sáng Lập dòng là ĐHY Phao-lô Giuse và kế vị ngài là Đức Cố Giuse Maria đã về với Chúa. Chúng ta xin Chúa cho Giáo Hội luôn là dấu chỉ hữu hình sống động về sự hiệp nhất và nền hòa bình cho con người và thế giới. ĐGH Phan-xi-cô, vị cha chung của Giáo Hội, luôn khao khát và hằng cầu nguyện cho con cái mình sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và hằng lấy LỜI CHÚA như kim chỉ nam trong đời sống. Trong tình hiệp thông với Mẹ Giáo Hội, chị em Hội dòng chúng ta, được mời gọi cách triệt để hơn về tình HIỆP NHẤT mà Chúa Giê-su hằng mong mỏi và cầu nguyện cho tất cả mọi người được nên một.

 Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con sự sống và đặc sủng HIỆP NHẤT, chúng con cảm tạ Chúa vì món quà tình yêu mà Chúa làm dịu và củng cố chúng con. Trong ngày kết thúc của TUẦN LỄ CẦU CHO CÁC KI-TÔ HỮU HIỆP NHẤT, chúng con dâng lên Chúa tất cả thế giới và những ki-tô hữu tin vào Chúa, nhất là những quốc gia, những tín hữu đang đi vào con đường của sự hủy hoại sự sống, của chiến tranh bằng vũ khí hiện đại, của những sai lạc về đức tin. Xin cho họ biết quay trở về với Thiên Chúa là SỰ SỐNG VĨNH CỬU. Amen

  • Lời Chúa: Mc 16, 15-18
  • SUY NIỆM

Để có một người cộng tác vào một công việc đặc biệt trong chương trình cứu độ nhân loại, Thiên Chúa có nhiều cách chọn gọi và nhiều đối tượng được gọi khác nhau: Có những cách gọi bằng cách tác động từ nơi trái tim do lòng mộ mến, hoặc tác động lên ý thức tìm đến ơn gọi bằng sự nghiên cứu truy tầm về Thiên Chúa; cũng có cách gọi bằng cách làm cho nhiều lý do ngoại cảnh khác nhau tạo nên sự thích thú của đối tượng tìm đến ơn gọi. Chúa có cách của Chúa, dù đến với ơn gọi thế nào hay đối tượng nào, thì khi đã gọi, Chúa có cách của Chúa và điều quan trọng là đối tượng được gọi dám cộng tác với ơn Chúa thì Chúa sẽ biến đổi họ nên khí cụ của Người.

Trường hợp của thánh Phao-lô trở lại hôm nay, là một trong những cách chọn gọi của Chúa, nhưng thật đặc biệt và lạ lùng. Đang hăng say thành công với con đường chọn lựa của mình, đùng một cái bị quật ngã và quay ngoắt 180trở lại quy phục Đấng mà bấy lâu nay Phao-lô tìm cách triệt tiêu.  

Phao-lô bị Chúa quật ngã khi đang bon bon trên đà danh vọng với những dự án toan tính của mình. Qua biến cố ngã ngựa, Phao-lô đã “mở mắt ra” khi cái vảy rơi khỏi mắt, và ngài đã thấy được cái sai quá khứ, mà bước theo ý Chúa muốn mình phải làm gì trong tương lai. Chúng ta cũng thế, khi đang tưởng chừng như thành công với những toan tính danh vọng, rất cần một biến cố để Chúa biến đổi và hoán cải chúng ta, trở nên dụng cụ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng.

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. (c.15) Đây là một lệnh truyền, cũng như một lời mời gọi tất cả mọi người đã chịu Phép Rửa lên đường loan báo Tin Mừng bằng mọi cách, bằng mọi phương tiện và nhất là bằng đời sống đức tin thật sống động nơi cuộc đời mình. Chúng ta cũng phải tự hỏi mình mỗi ngày như thánh I-nha-xi-ô thành Loyola: Tôi đã làm gì cho Chúa? Tôi đang làm gì cho Chúa? Và tôi sẽ làm gì cho Chúa?

Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con khi đã được Chúa mời gọi vào Giáo hội Chúa, thì cũng như thánh Phao-lô là hăng say làm chứng cho Chúa, để danh Chúa ngày càng được nhiều người nhận biết và tin theo. Đồng thời, nỗ lực không ngừng trên hành trình thực thi ý Chúa nhằm kiến tạo sự hiệp nhất trong Giáo hội. Amen 

BAN PV HD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *