TAM NHẬT LỄ TRUYỀN TIN HỘI DÒNG ĐỨC MẸ HIỆP NHẤT
(từ 22/3 đến 25/2023)
Chủ đề:
MẦU NHIỆM XIN VÂNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ
LỜI DẪN
Kính thưa cộng đoàn,
Hôm nay, chúng ta bước vào Tam Nhật Truyền Tintrong bầu khí của tuần IV Mùa chay, để chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Truyền Tin, kỷ niệm mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người hiệp hành với con người và để cứu độ nhân loại. Hội dòng nhận lễ này là lễ đặc biệt, biến cố truyền tin có liên hệ trực tiếp tới Linh Đạo và Đặc sủng của Hội dòng: diễn tả sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người trong chương trình cứu độ.
Thực vậy, truyền tin là biến cố quan trọng, là giây phút linh thiêng trong cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với con người, là sự ưng thuận tự do và sự hợp tác của Đức Maria đối với chương trình cứu độ.
Cùng với Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, chúng ta luôn hiệp nhất với Thánh Ý Thiên Chúa, từ mầu nhiệm Nhập Thể cho tới mầu nhiệm Vượt Qua. Một hành trình làm người của Con Thiên Chúa được thực hiện cách trọn vẹn bằng cái chết trên Thập giá, để cứu độ nhân loại.
Trước tình yêu nhiệm mầu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm và sống mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể hiệp hành trong đời sống con người.Và Đức Maria, người nữ thánh hiến đầu tiên đáp lại dự định tình yêu của Thiên Chúa với thái độ tuân phục bằng hai tiếng “Xin Vâng” trọn hảo. Qua hình ảnh này, chị em được mời gọi sống triệt để Đặc Sủng vungrinh Đạo: “Như Đức Maria, chị em hiệp nhất với thánh ý Thiên Chúa và kiến tạo sự hiệp nhất giữa lòng nhân loại.”[1]
Trong tâm tình đó kính mời chị em bước vào Tam Nhật Truyền Tin.
*******
NGÀY THỨ NHẤT
Thứ tư, ngày 22/3/2023
LỜI NGÔN SỨ BÁO TRƯỚC ĐẤNG CỨU ĐỘ SẼ XUẤT HIỆN
- Lời Chúa: Is 7,10-14
Lời Chúa Trích sách ngôn sứ Isaia.
Một lần nữa Ðức Chúa phán với vua A-khát rằng: “Ngươi cứ xin Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.” Vua A-khát trả lời: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Ðức Chúa.” Ông I-sai-a bèn nói: “Nghe đây, hỡi nhà Ða-vít! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở với chúng ta”.
- Suy niệm:
Nếu truy về lịch sử Israel khi ấy vương quốc Giuđa đang bị đế quốc As-sy-ri đe dọa. Vua A-khát trong bài đọc hôm nay không phải vì khiêm nhượng mà không dám xin Chúa một dấu lạ, ngôn sứ Isaia khuyên vua A-khát đừng sợ, hãy trông cậy vào sự trợ giúp của Thiên Chúa. Nhưng vì ông đã hồ nghi Ya-vê Thiên Chúa của ông không đủ quyền năng để bảo toàn đất nước khi nghe quân ngoại bang vây đánh. Vì thế, thay vì cầu khấn cùng Ya-vê Thiên Chúa, ông đã đi năn nỉ vua As-sy-ri giúp đỡ. Để khuyến khích nhà vua thêm tin tưởng, Isaia cho nhà vua một dấu chỉ: “Này đây một phụ nữ sẽ thụ thai, sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở với chúng ta”. Lời tiên tri này trước tiên ứng vào hoàn cảnh của vua A-khát: Quả thực sau đó hoàng hậu vợ vua A-khát đã thụ thai và sinh cho nhà vua một thái tử. Việc sinh ra thái tử là dấu chỉ chứng minh rằng Thiên Chúa sẵn sàng phù hộ cho vua nếu ông thực lòng trông cậy nơi Ngài.
Về sau người ta đã hiểu rộng hơn và đây là lời tiên tri về Đấng Messia sẽ đến, tức là Đức Giêsu Kitô. Người ta còn tin rằng Đấng Messia ấy sẽ do một trinh nữ sinh ra. Sấm ngôn về người trinh nữ sẽ sinh hạ một đứa con trai là một trong các sấm ngôn quan trọng nhất của Kinh Thánh, khởi đi từ Cựu Ước cho tới Tân ước. Dẫu vậy, sự nghiêm trọng của lời tuyên sấm và tên con trẻ tương lai “Emmanuel” cho chúng ta thấy lời của tiên-tri Isaia chỉ thẳng tới vị vua lý tưởng của dòng tộc Đavid, mà qua vị vua này, Thiên Chúa mới thực sự ở và đồng hành với con người. Sau này, Giáo Hội đã nhìn sự sinh ra của Đấng Cứu Thế bởi Trinh Nữ Maria là sự hoàn tất của lời tiên tri này.
- Đáp ca của Thánh vịnh 39 diễn tả về Đấng Mêsia được tuyên sấm trước như sau:
“Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài. Trong sách có lời chép về con rằng: con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con”. Đức công chính của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội; lạy Chúa, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh. Đức công chính của Ngài, con chẳng giữ riêng lòng mình biết; nhưng con đã nói lên đức trung tín và ơn cứu độ của Ngài, chẳng giấu giếm chi cùng đại hội rằng Ngài thành tín và yêu thương. Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa”.
- Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Đấng Emmanuen, Ngôi lời Nhập Thể được ngôn sứ Isaia tiên báo trước đã hiệp hành với phận người chúng con cụ thể trong cuộc sống đầy khó khăn và cạm bẫy. Chúng con không thể đứng vững được nếu Chúa không ban sức mạnh, tình yêu và ân sủng. Xin cho chúng con luôn biết gắn bó cuộc đời chúng con với Chúa trong từng biến cố lớn nhỏ. Ðể từ đó, chúng con chỉ còn sống cho Chúa và làm vui lòng Chúa mà thôi.
Kết thúc giờ chầu với kinh truyền tin.
******
NGÀY THỨ HAI
Thứ năm, ngày 23/3/2023
ƠN CỨU CHUỘC NGANG QUA SỰ VÂNG PHỤC
- Ý cầu nguyện: Chúng ta dâng lên Chúa giờ chầu này để cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu và hiệp nhất với các tôn giáo cùng tin vào Thiên Chúa. Xin cho mọi thành phần được hiệp nhất nên một trong cùng một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Xin cho các nhà lãnh đạo mọi quốc gia được hiệp nhất với nhau, để tìm ra những hướng giải pháp thiện ích vì con người hôm nay được lành thánh hơn trong mọi khía cạnh của đời sống.
- Lời Chúa: Dt 10, 4-10
Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con”. Trước hết, Đức Kitô nói:“Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.
- Suy niệm:
Đoạn Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Do thái nói đến sự vâng phục của Chúa Giêsu. Một sự vâng phục trong tự do và ân sủng, sự vâng phục của Người, chúng ta liên tưởng đến đoạn Kinh Thánh mà thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Philípphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7).
Sự vâng phục này là khởi đầu của nguồn ơn cứu độ. Con đường tự hủy mà Đức Giêsu đã chọn là con đường tuyệt vời nhất, bởi vì chỉ có con đường này Thiên Chúa mới có thể hiệp hành với những gì là mong manh của phận người, nó diễn tả trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Điều này đã được thánh Gioan nhắc đến, ngài nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
Sự vâng phục của Đức Giêsu hoàn toàn được diễn ra trong tự do và tự nguyện, vì thế, Ngài đã nói: “Lạy Chúa, này con xin đến để thi hành thánh ý Chúa”. Chính nhờ sự vâng phục tuyệt đối trong tự do này, mà Đức Giêsu đã trở thành nguồn ơn cứu độ cho nhân loại.
Chúng ta được Chúa mời gọi sống đời thánh hiến qua Ba lời khuyên Tin mừng khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, cụ thể là vâng phục thánh ý Thiên Chúa cách tự do và tự nguyện. Chỉ có vâng phục trong sự tự do mới nối dài sứ mạng nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu để đem ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho nhân loại hôm nay. Như vậy, việc đòi hỏi chúng ta phải theo sát Chúa Kitô trong việc thực thi các lời khuyên Tin Mừng trở nên điều kiện bắt buộc để người tu sĩ có thể họa lại đời sống của Chúa Kitô cách xác thực nhất và có sức mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Đồng thời, nhìn lên Đức Maria, mẫu gương sống vâng phục thánh ý Thiên Chúa, để chương trình cứu độ được thực hiện. Chị em được mời gọi không ngừng tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và mau mắn thưa tiếng “xin vâng” để ý định của Thiên Chúa được thực hiện trong ơn gọi thánh hiến của chị em trong Hội dòng ĐMHN.
- Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con cảm tạ Chúa đã vâng phục thánh ý Chúa Cha đi vào con đường Tự hủy: Nhập Thể và Nhập Thế để hiệp hành cứu độ chúng con. Xin cho từng chị em chúng con muốn hiệp nhất được với Chúa và với nhau, cũng phải can đảm đi vào con đường tự hủy mỗi ngày, để đáp lại tình yêu Chúa đã dành cho chúng con.
Kết thúc buổi cử hành với kinh truyền tin.
*******
NGÀY THỨ 3
Thứ sáu, ngày 24/3/2023
MẦU NHIỆM TRUYỀN TIN CHO THÁNH GIUSE
Ý cầu nguyện: Chúng ta cùng dâng lên Chúa giờ chầu này, để cầu nguyện cho những người tội lỗi và đau khổ cách này hay cách khác. Những con người được Thiên Chúa lưu tâm cách đặc biệt cụ thể trong các trang tin mừng. Xin Chúa cho họ trong mùa chay thánh được nhiều ân phúc, bình an và được ơn trở lại đường ngay nẻo chính để trở về với Thiên Chúa và hưởng ơn cứu độ, qua bí tích hòa giải và Ân sủng do các bí tích của Hội thánh.
- Lời Chúa: Mt 1, 18-23
Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.
- Suy niệm:
Bài Tin mừng hôm nay giới thiệu một người đóng vai trò tích cực cho việc Chúa Giêsu sinh ra ngoài Đức Maria còn có thánh Giuse: Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở với con người.
Phần đóng góp của Thánh Giuse vào công trình nhập thể của Chúa Giêsu là: Cho Chúa Giêsu một tư cách pháp lý là con cháu Đavít, nhờ thế thực hiện đúng lời Thiên Chúa đã hứa xưa từ thời Cựu Ước: “Này ông Giuse, là con cháu Đavít”. Bao bọc Đức Maria và Chúa Giêsu: “Đừng ngại đón Maria về; “Khi tỉnh giấc, Giuse làm như lời sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”; “Và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”. Trong khi đó thánh Giuse cũng từng có ý định bỏ đi cách âm thầm kín đáo, sau đó khi biết ý Thiên Chúa thì ngài thi hành. Giuse đã thay đổi kế hoạch của mình để theo ý Chúa. Trong cuộc sống những nhận định và tính toán của ta, dù đầy thiện chí, nhiều khi lại không hợp với chương trình và ý định của Thiên Chúa. Người công chính là người biết bỏ ý riêng, biết thi hành ý Chúa, biết sống lời xin vâng như Mẹ Maria, biết sống câu “Xin đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha” như Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu là Đấng Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Tuy là Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương loài người, Ngài đã nhập thể sống chung với loài người, bất chấp mọi nghèo nàn, túng thiếu, hèn hạ, khổ sở… Chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Đức Giêsu Kitô. Muốn cứu người, không phải chỉ đứng xa chỉ tay năm ngón, hoặc vẽ kế hoạch rồi cho người khác thực hiện. Nhưng là chia sẻ thân phận, đồng hành, cuối cùng chịu treo trên cây Thập Giá. Thập Giá là bước cuối cùng của nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu Kitô.
Thánh Giuse đã làm như thiên thần dạy là đón nhận Đức Maria. Ngài chấp nhận cuộc sống âm thầm để cộng tác vào chương trình cứu độ nhân loại là phục vụ Mẹ Maria và Chúa Giêsu, và từ đây mầu nhiệm HIỆP NHẤT giữa Thiên Chúa với con người được thực hiện. Còn tôi thì sao? Tôi phải làm gì để có thể sống và xây dựng sự hiệp nhất như Chúa muốn trong ơn gọi linh đạo hiệp nhất?
- Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con biết cộng tác với kế hoạch Em-ma-nu-en của Chúa, để con nỗ lực xóa tan đi những đố kỵ ngăn cách giữa người với người. Xin Đấng Em-ma-nu-en ở giữa cộng đoàn, Hội dòng con, để xua đuổi đi những hiểu lầm, tranh chấp, những ích kỷ nhỏ nhen, và ban ơn bình an hiệp nhất cho muôn người. Xin biến đổi trái tim chai lì khô cứng của con thành một trái tim yêu thương, hiệp nhất, biết nhạy cảm trước những nỗi đau khổ của tha nhân. Và cho con biết chấp nhận thánh giá, những nghịch cảnh trong cuộc đời, để Ý Chúa được nên trọn trong con. Xin Thánh Giuse dạy con biết khiêm tốn đón nhận và thực thi ý Chúa cách trọn vẹn như Ngài. Amen.
Kết thúc buổi cử hành với kinh truyền tin.
*****
LỄ TRUYỀN TIN
Thứ bẩy, ngày 25/3/2023
MẦU NHIỆM TRUYỀN TIN CHO ĐỨC TRINH NỮ MARIA
- Ý dẫn: Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng trọng thể lễ Truyền Tin Thiên Chúa nhập thể trong bầu khí của Mùa Chay thánh. Nói cách khác, hôm nay, chúng ta long trọng mừng biến cố Thiên Chúa chính thức thực hiện lời hứa cứu độ với nhân loại khi trao ban Con Một của Người xuống thế và nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Qua biến cố vĩ đại này, Giáo hội mời gọi con cái mình hướng lòng về Thiên Chúa. Sống với Ngài trong tâm tình biết ơn và chiêm ngắm mầu nhiệm tự hủy, vì lòng thương xót Thiên Chúa đã đến đồng hành với con người trong thân phận làm người, mong manh và yếu đuối. Đồng thời, mời gọi mỗi người chúng ta noi gương sống sự vâng phục của Đức Giêsu và Mẹ Maria trong tự do và ân sủng.
- Lời Chúa: Lc 1, 26-38
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.
………………………………………………….
Ðó là lời Chúa.
- Suy niệm:
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hướng về Đức Giêsu và Mẹ Maria như là mẫu gương tuyệt hảo cho sự vâng phục trong đời sống đức tin và ơn gọi thánh hiến hằng ngày của mỗi chị em.
Xưa kia, Đức Giêsu Kitô đã tự nguyện trút bỏ vinh quang để vâng phục Thiên Chúa Cha qua việc đến trần gian trong thân phận là một con người nhằm cứu chuộc nhân loại; thì nay Đức Maria cũng thưa với sứ thần: “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”. Mẹ đã nối kết ý riêng của mình vào thánh ý của Thiên Chúa. Bằng một đức tin tuyệt đối vào lời Thiên Chúa “không có gì là Thiên Chúa không thể làm được”, không điều kiện, không so đo tính toán, Mẹ đã chấp nhận cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ trần gian. Kể từ giây phút đó, tình yêu của Thiên Chúa bắt đầu thực hiện những việc kỳ diệu.
Thực vậy, lời xin vâng của Mẹ đã làm cho Con Thiên Chúa trở nên con của Mẹ, “Ngôi lời đã làm người và ở giữa chúng ta”. Lời xin vâng của Mẹ, bởi Chúa Thánh Thần, Mẹ đã cưu mang và sinh hạ Con Thiên Chúa. Nơi Mẹ, Chúa Thánh Thần thực hiện một công trình HIỆP NHẤT vĩ đại là giao hòa trời đất, nối kết con người với Ba ngôi Thiên Chúa. Lời xin vâng của Mẹ đã chấm dứt vai trò của Cựu ước và mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn của Tân ước. Lời xin vâng của Mẹ là tiếng nói đầy hiếu thảo của một người con.
Mẹ Maria đã vâng lời Thiên Chúa và sẵn sàng để cho thánh ý của Người được thực hiện. Đến lượt chúng ta, những người môn đệ của Chúa Giêsu trong lòng Giáo Hội hôm nay, chúng ta cũng phải đi vào con đường tự hủy và vâng phục trong lòng mến. Chỉ có con đường tự hủy, khiêm hạ của Đức Giêsu và Mẹ Maria chúng ta mới có thể trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu trong ơn gọi thánh hiến.
Tuy nhiên, với những trào lưu của nhân loại ngày nay và sự yếu đuối của con người đề cao chủ nghĩa cá nhân, chúng ta rất khó có thể vâng phục, nhất là sự vâng phục trong đức tin. Nhiều khi chúng ta biện hộ cho việc bất tuân của mình bằng những chuyện như: vâng phục là mất tự do; vâng phục làm cho con người bị lệ thuộc. Hiểu theo nghĩa tâm lý hay triết học thì thật đúng như vậy. Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa đức tin dưới ánh sáng Lời Chúa thì không phải vậy, bởi vì: “Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc của chúng ta. Chỉ có tự do đích thực khi con người phục vụ cho điều thiện và công bằng. Khi bất tuân ý Chúa và chọn điều ác, con người lạm dụng tự do và trở nên “nô lệ tội lỗi” (SGLHTCG, 1733).
Tất cả các hoạt động của Chúa Thánh Thần trên cuộc đời Mẹ luôn nhẹ nhàng, âm thầm, êm ái. Nhưng đem lại một kết quả hết sức vĩ đại. Trong thực tế cho thấy, những ai trung thành với Chúa, người đó đạt tới đích trong sự viên mãn, và hoa trái của sự hiệp nhất được phát sinh bởi những tương giao nhẹ nhàng, âm thầm, tế nhị, tôn trọng. Những ai biết gắn bó cuộc đời của mình với Thiên Chúa trong sự vâng phục, cuộc sống của người ấy vui tươi bình an và hạnh phúc.
- Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con tạ ơn Cha đã ban cho chúng con chính người Con Một duy nhất của Cha đến trần gian qua cung lòng Mẹ Maria, để chúng con được hưởng dồi dào ơn cứu chuộc của Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Xin Cha ban cho chúng con biết noi gương Con Một Cha và Đức Trinh Nữ Maria để sẵn sàng hiến dâng cuộc đời của mình trong sự vâng phục nhằm cộng tác vào công trình cứu chuộc mà Thiên Chúa đang thực hiện trong thế giới hôm nay. Amen.
Kết thúc buổi cử hành với kinh truyền tin.
[1] x. HC 2-3
Thank you for providing information