Thành lập Hiệp hội công nhắm đến thành lập Tu hội ĐSTH hoặc Tu đoàn ĐSTĐ
28/06/2022
THÀNH LẬP HIỆP HỘI CÔNG NHẮM ĐẾN THÀNH LẬP TU HỘI ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN HOẶC TU ĐOÀN ĐỜI SỐNG TÔNG ĐỒ
Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng
WHĐ (28.6.2022) – Gần đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chính thức công bố Tông thư Authenticum Charismatis (Đặc Sủng Đích Thực), dưới dạng tự sắc, sửa đổi lại điều 579 của bộ Giáo luật 1983 về sự thành lập các Tu hội đời sống thánh hiến, ban hành ngày 4-11-2020, và có hiệu lực từ ngày 10 tháng 11 năm 2020.
Điều 579 (mới)
Các Giám mục giáo phận, trong địa phận riêng của mình, có thể thành lập cách hữu hiệu các Tu hội đời sống thánh hiến bằng sắc lệnh chính thức, với sự cho phép trước bằng văn bản của Tông Tòa.
Tông thư đã sửa đổi cụm từ “tham khảo ý kiến” bằng chữ “cho phép” và thêm chữ “cách hữu hiệu” trong điều 579, nghĩa là, nếu không có phép trước của Tông Tòa việc thành lập một Tu hội ĐSTH sẽ “không thành sự” hay “vô hiệu”.
Cụm từ “hữu hiệu” (valid) trong một điều khoản luật là rất quan trọng, vì nó quy định hành vi pháp lý liên hệ là có được thành sự hoặc hữu hiệu hay không. Một hành vi có thể là bất hợp luật (illicit) nhưng vẫn có thể hữu hiệu (valid). Ngược lại, một hành vi vừa có thể bất hợp luật đồng thời cũng bị vô hiệu.
Theo nguyên tắc của điều 579 cũ, Giám mục giáo phận ra sắc lệnh thành lập một Tu hội nhưng không tham khảo ý kiến Tông Tòa, thì Sắc lệnh là bất hợp luật nhưng vẫn hữu hiệu. Tuy nhiên, theo nguyên tắc của điều 579 mới, có quy định với cụm từ “cách hữu hiệu”, nếu Giám mục giáo phận không đáp ứng đúng, nghĩa là không có phép của Tông Tòa, thì việc ra Sắc lệnh bị bất hợp luật và bị vô hiệu.
Trong bài này, xin lưu ý đến những khái niệm pháp lý: vô hiệu, bất thành, không thành sự của những hành vi (thiết lập, sắc lệnh, phúc chiếu…) mang tính pháp lý của Giáo luật.
Khi thành lập các Tu hội hay Tu đoàn cần có những điều kiện gì để có thể được Tông Tòa chấp nhận “cho phép”, thiết lập cách hữu hiệu?
Hai tài liệu hướng dẫn của Tông Tòa được khảo sát, là bản “Tiến trình phải theo để thành lập một Tu đoàn tông đồ luật giáo phận” do Bộ Tu Hội Đời Sống Thánh Hiến và Tu đoàn Đời Sống Tông Đồ ban hành năm 2007 và thư của Bộ Phúc Âm hoá các Dân tộc gởi các Giám mục, ngày 1-6-2016 (Prot. N. 2301/16).
1. HƯỚNG DẪN CỦA TÒA THÁNH (2007)
Hướng dẫn của Bộ Tu Hội Đời Sống Thánh Hiến và Tu Đoàn Đời Sống Tông Đồ ban hành năm 2007 được kể dưới đây.
(Bản văn có đối tượng là thành lập một Tu đoàn ĐSTĐ, nhưng cũng áp dụng tương tự cho một Tu hội dòng hay Tu hội đời.)
TIẾN TRÌNH PHẢI THEO ĐỂ THÀNH LẬP MỘT TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ LUẬT GIÁO PHẬN
- Theo thực hành của Bộ, trước khi tiến hành thành lập một Tu đoàn đời sống tông đồ theo thể thức Giáo luật, các Đấng Bản quyền liên quan được kêu mời bắt đầu bằng việc thiết lập một Hiệp hội công các tín hữu (d’une Association publique de fidèles), theo Giáo Luật điều 312§1,3°.
- Trong Sắc lệnh thành lập Hiệp hội, quan trọng là phải thêm vào câu sau: «với ý nhắm trở thành Tu Đoàn tông đồ luật giáo phận» (en vue de devenir Société de vie apostolique de droit diocésain).
- Theo như mục đích đã được nêu lên, những thành viên phải sống như là những thành viên của một Tu đoàn đời sống tông đồ.
- Cơ cấu pháp lý của Hiệp hội, ngay từ đầu, phải nhắm đến Tu đoàn đời sống tông đồ, theo những nguyên tắc của Bộ Giáo luật liên quan đến Tu đoàn đời sống tông đồ (đ. 731-746), luôn lưu ý đến con số các thành viên hiện tại và sự phát triển tương lai của Hiệp hội.
- Điều quan trọng nhất là xác định rõ đặc sủng, linh đạo và những công việc tông đồ riêng biệt của Hiệp hội.
- Nếu hội đủ các dự kiến trên, các thành viên có thể tuyên khấn những lời khấn tư (nghĩa là, không là công, và cũng không là dòng), được tuyên đọc theo như công thức tuyên khấn được ghi trong Hiến pháp. Họ có thể mang tu phục tương thích, có một tập viện và một ban lãnh đạo riêng, được chấp nhận trong những Giáo phận khác.
- Cách sống này giúp dọn đường để từ một đời sống tông đồ trải nghiệm trong một Hiệp Hội công được tiến đến một Tu Đoàn đời sống tông đồ.
- Giám Mục, vị thành lập Hiệp hội, có quyền phê chuẩn Hiến pháp. Để soạn thảo Hiến Pháp, nên nhờ đến một chuyên viên giáo luật thành thạo trong vấn đề này.
- Khi nào Hiệp hội đã chứng tỏ được một cách cụ thể khả năng phát triển thánh thiện và bền vững, sau một giai đoạn lâu dài trải nghiệm, Giám Mục giáo phận nơi có trụ sở chính có thể tiến hành thành lập Tu Đoàn đời sống tông đồ, sau khi đã tham khảo ý kiến Tông Tòa (đ. 579). Để thực hiện điều này, đòi hỏi rằng Hiệp Hội phải đạt được ít nhất 40 thành viên, mà phần lớn họ đã gia nhập vĩnh viễn (và, trong trường hợp một Hội dòng giáo sĩ, phải có đủ số linh mục).
Vatican, 2007.
2- GIẢI THÍCH
2.1. Phải thành lập Hiệp hội công các tín hữu để chuẩn bị trước
- Theo thực hành của Bộ, trước khi tiến hành thành lập một Tu đoàn đời sống tông đồ theo thể thức Giáo luật, các Đấng Bản quyền liên quan được kêu mời bắt đầu bằng việc thiết lập một Hiệp hội công các tín hữu (d’une Association publique de fidèles), theo Giáo Luật điều 312§1,3°.
- Trong Sắc lệnh thành lập Hiệp hội, quan trọng là phải thêm vào câu sau: «với ý nhắm trở thành Tu Đoàn tông đồ luật giáo phận» (en vue de devenir Société de vie apostolique de droit diocésain).
Trước đây, các vị sáng lập (fondateur) dòng ở Việt Nam thường xin Giám mục giáo phận cho phép được thành lập dòng tu với một giai đoạn thử nghiệm, 10, 15, 20 năm…Tuy nhiên cách này không phù hợp. Năm 2007, Bộ Tu hội ĐSTH và Tu đoàn ĐSTĐ ra hướng dẫn thành lập một Hiệp hội công các tín hữu có mục đích nhắm tới thành lập một Tu hội hay Tu đoàn trong tương lai.
Được xem là có tư cách là một Hiệp hội “công” (public), vì do nhà chức trách có thẩm quyền thành lập, và ở đây là Giám Mục Giáo phận (đ. 312§1,30) thiết lập và ban bố bằng một sắc lệnh. Những Hiệp hội được lập do các thẩm quyền cấp dưới khác như linh mục, tu sĩ… chỉ có thể là Hiệp hội “tư” (private).
Lập Hiệp hội tư trước
Trước tiên, Giám Mục có thể công nhận một nhóm thành viên, do một vị sáng lập nam hay nữ (fondateur ou de la fondatrice) nào đó, như một Hiêp hội đạo đức tư hay một Hiệp hội tư.
Thư Bộ Phúc-Âm-hoá các Dân tộc gởi các Giám Mục giáo phận, ngày 1-6-2016, Prot. N. 2301/16, về việc thiết lập các Tu hội theo luật giáo phận có chỉ dẫn:
Một Tu hội thánh hiến thường bắt đầu cuộc sống của mình như một nhóm nhỏ, được qui tụ bởi Đấng sáng lập (hoặc Nữ sáng lập) và bởi những thành viên tiên khởi cùng chia sẻ một đặc sủng và một quan điểm chung. Với sự phân định khôn ngoan và thích hợp, và qua những sắc lệnh chính thức thiết lập, Giám mục có thể công nhận nhóm ấy như một Hiệp hội đạo đức trong Giáo Hội địa phương, và sau đó, như một Hiệp hội công các tín hữu.
2.2. Đời sống và cơ cấu của Hiệp hội công
- Theo như mục đích đã được nêu lên, những thành viên phải sống như là những thành viên của một Tu đoàn đời sống tông đồ.
- Cơ cấu pháp lý của Hiệp hội, ngay từ đầu, phải nhắm đến Tu đoàn đời sống tông đồ, theo những nguyên tắc của Bộ Giáo luật liên quan đến Tu Đoàn đời sống tông đồ (đ. 731-746), luôn lưu ý đến con số các thành viên hiện tại và sự phát triển tương lai của Hiệp hội.
Những thành viên của Hiệp hội phải sống như một thành viên của Tu hội hay Tu đoàn mà mình nhắm tới, nghĩa là sống theo linh đạo, đặc sủng riêng và có thể có tu phục và lời khấn.
Cơ cấu pháp lý của Hiệp hội công, ngay từ đầu, phải nhắm đến trở thành Tu hội hay Tu đoàn, theo những nguyên tắc của Bộ Giáo luật có liên quan đến dòng tu. Nếu là Tu đoàn ĐSTĐ, thì cần theo những điều 731-746.
Quy định trên có nghĩa là, các thành viên, tuy đang giai đoạn Hiệp hội, phải có nếp sống như một thành viên của Tu hội được nhắm đến: sống cộng đoàn, mang tu phục, được huấn luyện, tuyên khấn… Các quy định về Bề trên, ban lãnh đạo, công nghị, giai đoạn thỉnh sinh, nhà tập, khấn hứa tạm thời vĩnh viễn… đều phải dần dần có theo Giáo luật.
Cơ cấu pháp lý của mỗi loại dòng tu thì khác nhau và cần có sự hiểu biết đúng đắn về luật và các thuật ngữ pháp lý. Vì vậy khi soạn thảo Hiến pháp cần phải nhờ đến các chuyên viên Giáo luật giúp đỡ.
2.3. Quan trọng nhất là có đặc sủng, linh đạo riêng biệt
- Điều quan trọng nhất là xác định rõ đặc sủng, linh đạo và những công việc tông đồ riêng biệt của Hiệp hội.
Thư của Bộ Phúc-Âm-hoá các Dân tộc ngày 1-6-2016 nhấn mạnh hơn về “đặc sủng mới”:
Việc thiết lập Tu hội thánh hiến theo luật giáo phận chỉ được thực hiện khi Hiệp hội ấy có một đặc sủng (carisma) mới và được xác định rõ ràng để mưu ích cho toàn thể Giáo Hội, và đã đạt đến một sự phát triển và trưởng thành đầy đủ. Điều quan trọng là không thể có một Tu hội thánh hiến nào được thiết lập nếu không có một đặc sủng mới, rõ ràng và hiển nhiên, cũng như không có một sự bảo đảm chắc chắn về sự phát triển trong tương lai.
Thư cũng đòi Giám Mục phải cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ phê chuẩn thành lập Tu Hội khi có thấy rõ và chắc chắn là có một đặc sủng mới:
Đặc sủng dòng tu là một hồng ân thực sự của Thiên Chúa dành cho Giáo Hội, và các Giám mục được mời gọi công nhận đặc sủng đó sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng. Vì thế, không một Tu hội nào sẽ được phê chuẩn nếu không có sự chắc chắn hợp lý về yếu tố thánh thiện này.
2.4. Được tuyên khấn và có tu phục
- Nếu hội đủ các dự kiến trên, các thành viên có thể tuyên khấn những lời khấn tư (càd non publics, et donc non « religieux »: nghĩa là, không là công, và cũng không là “dòng”), được tuyên đọc theo như công thức tuyên khấn được ghi trong Hiến pháp. Họ có thể mang tu phục tương thích, có một tập viện và một ban lãnh đạo riêng, được chấp nhận trong những Giáo phận khác.
- Cách sống này giúp dọn đường để từ một đời sống tông đồ trải nghiệm trong một Hiệp hội công được tiến đến một Tu Đoàn đời sống tông đồ.
Nếu hội đủ các dự kiến về đặc sủng, linh đạo và cơ cấu pháp lý thì các thành viên có thể tuyên khấn. Vậy nếu chưa có một đặc sủng linh đạo hay chưa có một cơ cấu pháp lý nào đó thì chưa được tuyên khấn. Lời tuyên khấn cũng phải được soạn thảo và ghi trong Hiến pháp đã được Giám mục giáo phận phê chuẩn.
Tuy nhiên, đây chỉ là lời khấn tư (private), không là lời khấn công (public), cũng không là lời khấn dòng (religious). Hệ quả pháp lý của các lời khấn đó có khác nhau. Ví dụ, ngăn trở tiêu hôn chỉ áp dụng cho người đang mắc lời khấn dòng và công vĩnh viễn giữ đức khiết tịnh trong một hội dòng (đ. 1078).
Vì Hiệp hội công là một giai đoạn đang tiến triển để có thể đủ trưởng thành vững chắc và để được cho phép thành lập một Tu hội hay Tu đoàn, việc có một nhà Tập thì không buộc có ngay từ khởi đầu Hiệp hội công. Có thể có những hình thức và thời gian huấn luyện nào đó tùy nghi trước khi khấn lần đầu.
Tuy nhiên, giai đoạn đầu này cần phải tiến triển để đạt đến tầm mức có một nhà Tập, để có thể có một nếp sống và sinh hoạt như một Tu hội đầy đủ và trưởng thành. Trong hồ sơ xin thành lập Tu đoàn hay Tu hội cần kê khai: “Sự thiết lập, ngày và nơi của nhà Tập đầu tiên (la première maison de noviciat); tên của Giám mục đã thiết lập nhà Tập…”.
2.5. Phê chuẩn Hiến Pháp
- Giám Mục, vị thành lập Hiệp hội, có quyền phê chuẩn Hiến pháp. Để soạn thảo Hiến pháp, nên nhờ đến một chuyên viên giáo luật thành thạo trong vấn đề này.
Giám mục giáo phận, chứ không phải bất cứ Giám mục nào đều có quyền thành lập và phê chuẩn Hiến pháp. Văn bản Hiến pháp cần phải theo sát Giáo luật về dòng tu. Vì vậy, nên nhờ đến một chuyên viên Giáo luật soạn thảo, dựa theo những linh đạo và đặc sủng của vị sáng lập (foundateur).
2.6. Điều kiện để có thể được Tòa Thánh cho phép thành lập
- Khi nào Hiệp hội đã chứng tỏ được một cách cụ thể khả năng phát triển thánh thiện và bền vững, sau một giai đoạn lâu dài trải nghiệm, Giám mục giáo phận nơi có trụ sở chính có thể tiến hành thành lập Tu đoàn đời sống tông đồ, sau khi đã tham khảo Tông Tòa (đ. 579). Để thực hiện điều này, đòi hỏi rằng Hiệp hội phải đạt được ít nhất 40 thành viên, mà phần lớn họ đã gia nhập vĩnh viễn (và, trong trường hợp một Hội dòng giáo sĩ, phải có đủ số linh mục).
Có hai điều kiện chính yếu được nêu ra:
1)- Hiệp Hội đã chứng tỏ được một cách cụ thể khả năng phát triển thánh thiện và bền vững, sau một giai đoạn lâu dài trải nghiệm.
2)- Hiệp Hội phải đạt được ít nhất 40 thành viên, mà phần lớn họ đã gia nhập vĩnh viễn.
Với Tông thư Authenticum Charismatis (Đặc Sủng Đích Thực), thay đổi quy định của điều 579 có hiệu lực từ ngày 10 tháng 11 năm 2020, khi thành lập Tu hội hay Tu đoàn, để được “thành sự” phải có sự “cho phép” của Tông Tòa, thay vì “tham khảo ý kiến” Tông Tòa như trước đây.
3- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý
3.1. Chuyển từ Tu hội vào Hiệp hội
Việc chuyển từ một Tu hội hay một Tu đoàn sang một Hiệp hội, hay ngược lại, cũng phải theo nguyên tắc về sự chuyển Tu hội, được quy định trong Giáo luật.
Điều 684
- 1. Một thành viên đã khấn trọn đời không thể chuyển từ hội dòng mình sang một hội dòng khác, trừ khi có phép của vị Điều hành tổng quyền của mỗi Tu hội, và được sự chấp thuận của ban cố vấn của mỗi vị.
- 2. Sau khi đã mãn thời gian thử luyện ít là ba năm, thành viên có thể được nhận cho khấn trọn đời trong Tu hội mới. Tuy nhiên, nếu đương sự từ chối việc tuyên khấn này, hoặc không được các Bề trên có thẩm quyền chấp nhận cho khấn, thì đương sự phải trở về Tu hội đầu tiên, trừ khi đã được đặc ân hồi tục.
- 3. Để một tu sĩ có thể chuyển từ một đan viện tự trị này sang một đan viện tự trị khác của cùng Tu hội, hoặc của cùng liên minh hoặc của cùng liên hiệp, điều kiện cần và đủ là sự chấp thuận của Bề trên cấp cao của mỗi đan viện, cũng như sự chấp thuận của công nghị đan viện tiếp nhận, miễn là vẫn giữ nguyên những điều kiện khác do luật riêng quy định; không đòi buộc phải khấn lại.
- 4. Luật riêng phải xác định thời gian và cách thức thử luyện trước khi một thành viên được tuyên khấn trong Tu hội mới.
- 5. Để chuyển sang một Tu hội đời hay một Tu đoàn đời sống tông đồ, cũng như để chuyển từ một Tu hội đời hay từ một Tu đoàn đời sống tông đồ sang một hội dòng, thì phải có phép của Toà Thánh và phải tuân theo các chỉ thị của Toà Thánh.
Theo nguyên tắc của triệt 1 về sự chuyển cùng thể loại Tu hội, việc chuyển từ một Hiệp hội này sang một Hiệp hội khác, thì cần có phép của vị Điều hành tổng quyền, và được sự chấp thuận của ban cố vấn của mỗi Hiệp hội. Tuy nhiên, thành viên được chuyển cũng thử luyện ít là ba năm mới được khấn trọn đời, theo quy tắc của triệt 2.
Việc chuyển từ Tu hội hay Tu đoàn sang một Hiệp hội thì phải áp dụng về sự chuyển khác thể loại Tu hội, theo quy tắc của triệt 5, nghĩa là, phải có phép của Toà Thánh và phải tuân theo các chỉ thị của Toà Thánh.
3.2. Miễn chuẩn năm tập và khấn tạm?
Trong trường hợp, khi còn là Hiệp hội tư, thành viên đã có lời khấn tạm hay trọn thì khi Giám mục giáo phận chấp nhận nâng họ lên thành Hiệp hội công, các thành viên đó được tiếp tục khấn tạm hay khấn vĩnh viễn trong Hiệp hội công.
Tuy nhiên, khi đã được thành lập một Hiệp hội công, các thành viên tiến tới một giai đoạn mới, có tính pháp lý, phải sống như những thành viên của Tu hội và phải có cơ cấu pháp lý như một Tu hội hay Tu đoàn mà Hiệp hội nhắm tới. Vì vậy, Giám mục Giáo phận không có thẩm quyền miễn chuẩn để khỏi phải giữ thời gian của một năm tập sinh và 3 hay 6 năm khấn tạm, theo như Giáo luật hay Hiến pháp quy định.
Theo nguyên tắc Giáo luật, thẩm quyền miễn chuẩn có giới hạn, tùy theo chức vụ và tùy theo những quy định của luật. Giáo Luật chỉ cho phép miễn chuẩn những luật có tính kỷ luật (đ. 87), không cho phép miễn chuẩn những luật ấn định những yếu tố thiết yếu làm nên các định chế hay các hành vi pháp lý (đ. 86). Lại có những miễn chuẩn được dành riêng cho Tòa Thánh hay một nhà chức trách nào đó (đ. 87).
Thời gian một năm nhà tập được Giáo luật quy định chặt chẽ để được hữu hiệu: “Để được hữu hiệu, việc tập tu phải kéo dài mười hai tháng trong chính cộng đoàn tập viện, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 647§3” (đ. 648§1).
Thời gian khấn tạm 3 năm là điều kiện cần thiết để lời khấn trọn được hữu hiệu: “để lời khấn trọn đời được hữu hiệu, khấn sinh buộc: […] 20 Phải khấn tạm trước thời gian đó ít là ba năm, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 657 §3” (đ. 658). Đa số Hiến Pháp dòng tu Việt Nam quy định thời gian khấn tạm dài hơn, ít là 6 năm, để lời khấn trọn được hữu hiệu.
Những luật quy định về nhà Tập, thời gian khấn tạm nói trên thuộc về những yếu tố thiết yếu làm nên định chế của dòng tu. Nếu không có những luật này, dòng tu đánh mất căn tính của mình. Những luật này quy định một tiến trình cần thiết để một người có thể được huấn luyện và được chuẩn bị đầy đủ, để có thể trung thành với giao ước tình yêu, thánh hiến đời sống mình cho Thiên Chúa, Giám mục không có thẩm quyền để miễn chuẩn những luật này. Nếu ngài đã có miễn chuẩn thì sự miễn chuẩn cũng bị vô hiệu, do không có thẩm quyền.
3.3. Từ Tu hội, Tu đoàn gia nhập Hiệp hội?
Theo Giáo luật một tu sĩ đang còn liên kết với một Tu hội thánh hiến bằng mối ràng buộc thánh hay đã nhập tịch vào một Tu đoàn đời sống tông đồ (đ. 643,30) thì không thể gia nhập Hiệp hội cách hữu hiệu, nghĩa là, người đang còn vướng mắc lời khấn ở một Tu hội hay Tu đoàn nào đó thì không thể gia nhập Hiệp hội cách hữu hiệu.
Vì vậy, ngoài trường hợp được phép Tòa Thánh cho chuyển, một tu sĩ đang giữ lời khấn không thể chuyển hay nhập vào một Hiệp hội mà vẫn giữ được lời khấn trọn cũ của mình (đ. 648§5).
Vì những trở ngại trên, một số các nữ tu đã tháo cởi lời khấn, nghĩa là đã hoàn tục để được gia nhập Hiệp hội. Sau đó họ nhờ Giám mục miễn chuẩn thời gian nhà tập và khấn tạm để mình có ngay lời khấn vĩnh viễn trong một Hiệp hội. Đây là một việc sai lầm và không thành sự, vì Giám Mục không có thẩm quyền miễn chuẩn một luật về cơ cấu pháp lý của việc đào tạo chuẩn bị cho việc khấn trọn như đã nói trên. Sự miễn chuẩn này là vô hiệu, dù có sự không biết hay lầm lẫn của Giám mục ban miễn chuẩn, theo quy tắc của điều 15§1.
Điều 15
- 1. Sự không biết hay sự lầm lẫn về những luật bãi hiệu hay bãi năng không làm cho những luật này mất hiệu lực, trừ khi luật đã minh nhiên ấn định cách khác.
3.4. Sự tách dòng bằng con đường Hiệp hội!
Có thể xảy ra sự kiện:
– Một nhóm tu sĩ muốn tách ra khỏi Tu hội hay Tu đoàn của mình để lập một dòng mới. Họ xin Giám mục giáo phận có thẩm quyền miễn chuẩn lời khấn để họ được xuất ra khỏi Tu hội hay Tu đoàn (còn gọi là xin hồi tục). Sau đó họ lại xin một Giám mục giáo phận khác lập cho họ một Hiệp hội công với ý hướng trở thành một Tu hội hay tu đoàn mới.
– Một Giám mục muốn lập một dòng mới, kêu gọi một nhóm tu sĩ hồi tục rồi lập cho họ một Hiệp hội công với ý hướng trở thành một Tu hội hay tu đoàn mới.
Trong cả hai trường hợp trên, để mau có được một Hiệp hội công và đủ điều kiện để Tòa Thánh cho phép trở thành một Tu hội hay Tu đoàn mới, Giám mục ban miễn chuẩn nhà Tập và thời gian khấn tạm để có ngay lời khấn vĩnh viễn ở Hiệp hội.
Như đã nói trên, việc miễn chuẩn này bất hợp pháp và bị vô hiệu. Xét về mặt luân lý, việc chuẩn này có thể không có tội vì không biết hay lầm lẫn nhưng về pháp lý thì bị vô hiệu.
Khi đã biết là trái luật, thì các Giám mục sẽ không ban miễn chuẩn nữa và cũng không thiết lập Hiệp hội công cho các tu sĩ muốn tách dòng kiểu này.
Ngoài việc trái luật, đây là việc được xét là rất xấu, với những lý do sau.
a- Trái ý Tòa Thánh
Một số tu sĩ muốn tách ra thành Tu hội mới, nhưng vì Tòa Thánh không cho phép tách ra, nên họ mới tìm cách lập Tu hội mới bằng con đường lập Hiệp hội công, nhờ qua sắc lệnh thành lập của Giám mục giáo phận. Giám mục hoàn toàn không nên trợ giúp một hành vi trái ý Tòa Thánh của nhóm tu sĩ này.
Hơn nữa, việc miễn chuẩn để có ngay lời khấn vĩnh viễn trong Hiệp hội công có ý nghĩa như việc lách về “luật chuyển” Tu hội ĐSTH, nghĩa là, tránh đi chuyện phải xin phép Tòa Thánh khi chuyển từ Tu hội sang Hiệp hội:
Điều 648:
- 5. Để chuyển sang một Tu hội đời hay một Tu đoàn tông đồ, cũng như để chuyển từ một Tu hội đời hay từ một Tu đoàn tông đồ sang một Hội dòng, thì phải có phép của Toà Thánh và phải tuân theo các chỉ thị của Toà Thánh.
Điều được thấy rõ, đây là một lách luật nhưng lại lách một cách sai lầm, vì tưởng lầm rằng: Một tu sĩ đang có lời khấn trọn trong một Tu hội ĐSTH, chỉ cần vài thủ tục miễn chuẩn của Giám mục thì được chuyển qua là thành viên của Hiệp hội với lời khấn vĩnh viễn, không phải xin phép Tòa Thánh như luật định!
Ta hãy giả sử: một tu sĩ muốn chuyển từ một Tu hội sang một Tu đoàn, thì việc chuyển này phải có phép của Tòa Thánh và phải tuân theo các chỉ thị của Toà Thánh. Chúng ta thấy rõ ràng rằng, Giám mục giáo phận hoàn toàn không thể ban miễn chuẩn về lời khấn để tu sĩ ấy khi chuyển khỏi phải xin phép Tòa Thánh.
b- Lách Tòa Thánh
Một Hiệp hội công muốn tiến tới thành lập Tu hội thì cần có sự cho phép của Tòa Thánh. Một trong những yêu cầu của Tòa Thánh là về số lượng thành viên: “Hiệp Hội phải đạt được ít nhất 40 thành viên, mà phần lớn họ đã gia nhập vĩnh viễn” (Số 9). Để được có một số thành viên này, Hiệp hội phải trải qua một thời gian lâu dài và phải có đặc sủng và linh đạo hấp dẫn được người gia nhập, xây dựng được một dòng tu đích thực và vững bền.
Tuy nhiên, với phương cách miễn chuẩn về thời gian nhà tập và khấn tạm, Hiệp hội có được ngay một số lượng thành viên đông đủ, đã có lời khấn vĩnh viễn, trong một thời gian ngắn, trong khi đó, đòi hỏi của Thánh là: “sau một giai đoạn lâu dài trải nghiệm” (Số 9).
Nên biết, trước khi cho phép, Tòa Thánh thực hiện việc điều tra xem xét, dễ dàng biết được sự lách luật này, chắc chắn Tòa Thánh sẽ không cho phép.
Tòa Thánh luôn đòi hỏi nhiều tài liệu chứng tỏ Hiệp hội đã có một sự phát triển bình thường, thánh thiện, trưởng thành, vững chắc, có linh đạo đặc sủng riêng. Một số đòi hỏi có thể kể:
- Tường trình lịch sử – pháp lý của Hiệp hội (l’Association) từ khởi đầu
Bản tường trình phải bao gồm những yếu tố đặc biệt sau đây:
- a) Họ tên của vị sáng lập (fondateur ou de la fondatrice); mục đích sáng lập; ngày và nơi khởi đầu; tên của Giám Mục giáo phận cho phép sáng lập;
- b) Con số và tên của những thành viên đầu tiên;
- c) Sự thiết lập, ngày và nơi của nhà tập đầu tiên (la première maison de noviciat); tên của Giám mục đã thiết lập nhà tập; số và tên những tập sinh và ngày được nhận vào nhà tập; con số khấn sinh và ngày tuyên khấn lần đầu (première profession); tên của vị Trưởng Giáo tập, ghi rõ chức danh, tên những người có trách nhiệm góp phần đào tạo ban đầu cho các thành viên đầu tiên.
[…]
Một sự lách luật để có được số đông thành viên, để có được phép lập dòng như thế là quá sai lạc. Nó đi ngược với Tông huấn Authenticum Charismatis, có nghĩa là đi ngược với Đặc Sủng Đích Thực. Tông Tòa sẽ không cho phép lập dòng mới từ một Hiệp hội như vậy. Theo kinh nghiệm cho thấy, những đơn xin sai lạc, Tông Tòa sẽ không trả lời những đơn xin đó.
Một trường hợp đã được biết: đơn xin tham khảo ý kiến Tông Tòa để được thành lập một dòng mới, đã trải qua 10 năm vẫn chưa nhận được Tông Tòa phúc đáp. Điều này có nghĩa là Tông Tòa đã từ chối.
c- Thiếu đặc sủng, điều kiện thiết yếu
Thư của Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc ngày 1-6-2016, Prot. N. 2301/16 có xác định “đặc sủng” là điều kiện cần thiết để một Hiệp hội được cho phép tiến lên thành lập dòng.
Đặc sủng dòng tu là một hồng ân thực sự của Thiên Chúa dành cho Giáo Hội, và các Giám mục được mời gọi công nhận đặc sủng đó sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng. Vì thế, không một Tu hội nào sẽ được phê chuẩn nếu không có sự chắc chắn hợp lý về yếu tố thánh thiêng này.
Một nhóm tu sĩ đang có lời khấn trọn, do một sự muốn phân rẽ, không sống chung với nhau được, lại tách ra, tháo cởi lời khấn (xuất tu), lập Hiệp hội để lập một dòng mới, quả là đi ngược lại với sự sống chung huynh đệ của dòng tu, trái với đức ái trọn hảo mình đang theo đuổi. Vì vậy, cho dù đã trải qua một giai đoạn Hiệp hội lâu dài, một cách khách quan vẫn thấy Hiệp hội vẫn thiếu điều kiện về đặc sủng, thiếu yếu tố thánh thiêng của dòng tu.
d- Gây thiệt hại
Khi không được cho phép lập thành Tu hội hay Tu đoàn, Hiệp hội công vẫn giữ mãi tư cách là Hiệp hội công. Đây lại là một giai đoạn chuẩn bị cho một mục đích mà chẳng bao giờ đạt tới mục đích đó. Số nữ tu sẽ bị thiệt hại vì mãi mãi cũng sẽ chỉ là thành viên của một Hiệp hội công với lời khấn tư.
Nhưng điều xấu nhất, đó là khiến nhiều nữ tu trẻ có nguyện vọng hiến dâng mình cho Chúa trong một Tu hội chính thức hợp pháp, lại vô tình gia nhập một Hiệp hội với hậu quả là chẳng bao giờ đạt được nguyện vọng. Khi họ nhận ra vấn đề thì họ đã có tuổi, khó có thể gia nhập vào một Tu hội hay một Tu đoàn nào khác.
Do đó, thiết nghĩ các tu sĩ muốn tách ra để lập Tu hội mới, nên dừng lại việc xin Giám mục thiết lập cho mình thành Hiệp hội công. Về phần Giám mục giáo phận, nếu đã lỡ ban Sắc lệnh thành lập, và nay lại thấy nó có ý nghĩa như việc cộng tác vào việc trái Giáo luật và gây thiệt hại cho các linh hồn, thì nên sớm ra Sắc lệnh giải thể các Hiệp hội loại này, buộc các tu sĩ muốn tách dòng quay trở về hiệp nhất với Tu hội cũ của mình.
Những tu sĩ này, do đã tháo cởi lời khấn cũ khi nhập vào Hiệp hội, không thể chuyển vào Tu hội nào khác. Họ chỉ có thể nhập vào Tu hội khác, bắt đầu bằng giai đoạn tập sinh. Vì vậy, khuyên Tu hội cũ hãy đón nhận theo quy tắc của Giáo luật (đ. 688) khi họ muốn quay trở về.
Cũng nên lưu ý: Thẩm quyền giải thể một Hiệp hội công do Giám mục giáo phận thiết lập, chỉ dành cho chính vị Giám mục đã thành lập Hiệp hội. Các vị kế nhiệm khác không có thẩm quyền này, ngoại trừ có phép của Tòa Thánh.
Điều 320
- 1. Chỉ có Toà Thánh mới có thể giải thể các hiệp hội do mình thành lập.
- 2. Vì những lý do nghiêm trọng, Hội đồng Giám mục có thể giải thể các hiệp hội do chính mình thành lập; Giám mục giáo phận có thể giải thể các Hiệp hội do chính ngài thành lập, và cả những Hiệp hội do những thành viên của các Hội dòng thành lập nhờ một đặc ân Tông Toà với sự ưng thuận của Giám mục giáo phận.
3.5. Sự vô hiệu hóa Phúc chiếu cho phép lập Tu hội, Tu đoàn của Tòa Thánh
Đơn xin phép thành lập một Tu hội mới do gian ý, có thể hàm chứa những man khai hay ẩn khai. Xin lưu ý như dưới đây.
Văn thư phúc đáp của nhà có thẩm quyền hành pháp đối với những hành vi xin ban một đặc ân, một miễn chuẩn hay theo sự khẩn cầu của một người gọi là “Phúc chiếu” (Rescriptum, đ. 59). Có những trường hợp Phúc chiếu có thể bị vô hiệu hóa, trong đó có trường hợp ẩn khai, mạo khai hay khai điều giả dối trong đơn xin.
Điều 63
- 1. Sự ẩn khai hoặc che giấu sự thật sẽ vô hiệu hoá phúc chiếu nếu trong đơn xin đã không trình bày điều cần phải trình bày để thành sự, chiếu theo luật, theo cách thức hành văn và theo thủ tục Giáo luật, trừ khi đó là một phúc chiếu ban ân huệ được ban dưới hình thức Tự sắc.
- 2. Sự mạo khai hay khai điều giả dối cũng vô hiệu hoá phúc chiếu, nếu trong số những lý do được viện dẫn không có một lý do nào là đúng sự thực.
Trong vấn đề đang bàn, những ẩn khai hay che dấu sự thật liên quan đến sự tách dòng, tháo bỏ lời khấn, gia nhập Hiệp hội, miễn chuẩn bất hợp pháp… có thể làm vô hiệu hóa Phúc chiếu cho phép lập dòng của Tông Tòa.
Như vậy, cho dù Tông Tòa đã ban văn thư cho phép lập dòng, nếu sau đó khám phá ra có sự ẩn khai, che dấu sự thật cần thiết để thành sự hoặc sự mạo khai thì có thể làm vô hiệu hóa Phúc chiếu. Khi Phúc chiếu bị vô hiệu hóa theo nguyên tắc của điều 63, thì Sắc lệnh của Giám mục giáo phận với sự cho phép của Phúc chiếu này, cũng bị vô hiệu. Một Tu hội hay Tu đoàn cho dù đã được thành lập bởi Sắc lệnh của Giám mục tất nhiên cũng bị vô hiệu.
Từ các phân tích Giáo luật nói trên, sự phân tách của một nhóm tu sĩ ra khỏi dòng của Tu hội hay Tu đoàn của mình, rồi xin Giám mục giáo phận lập thành Hiệp hội công để tiến đến thành lập một Tu hội hay Tu đoàn mới, là việc bất hợp pháp và sẽ không được Tòa Thánh chấp nhận. Và nếu có ẩn khai những điều quan trọng, thì khi Tòa Thánh có cho phép chăng nữa thì sự cho phép đó cũng bị vô hiệu hóa.
3.6. Nên giúp thành lập Hiệp hội công
Hiện nay có những nhóm hay cộng đoàn tu sĩ trước đây lâu năm đã được thành lập với tư cách là được thử nghiệm. Họ đã được vị sáng lập quy tụ và đã được Giám mục giáo phận cho phép được thử nghiệm (theo kiểu trước đây) trong vòng 10 năm hay 15, 20 năm. Đến nay họ có thể đang còn trong thời hạn hay hết thời hạn thử nghiệm.
Cũng có những cộng đoàn tu sĩ do Giám mục, linh mục hay tu sĩ sáng lập và đã sinh hoạt như dòng tu, nhưng chưa được thiết lập cách chính thức theo Giáo luật. Đấng sáng lập của những cộng đoàn tu sĩ này có thể đang còn sống hay đã qua đời.
Đối với những cộng đoàn tu sĩ nói trên, nếu họ đã có một số đông, có một đặc sủng, linh đạo riêng, có triển vọng phát triển, thì các Giám Mục giáo phận nên giúp họ bằng cách ra Sắc lệnh, công nhận chính thức là Hiệp hội công với mục đích tiến tới thành lập một Tu hội hay một Tu đoàn đời sống Tông đồ, thuộc luật giáo phận.
Một trường hợp điển hình
Ngày 01/11/2021, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, được Tòa Thánh cho phép, đã ký sắc lệnh chính thức thiết lập Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất, sau gần 60 năm hình thành và phát triển.
Ngược lại dòng lịch sử:
– Năm 1963, vị sáng lập, Đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, đã quy tụ những thiếu nữ nói trên thành “Hội chị em Sống lý tưởng”, huấn luyện chị em về đời sống đức tin, lòng nhiệt thành truyền giáo và cho chị em tham gia vào công việc rao giảng đức tin trong Giáo phận.
– Năm 2017 Đức Cha Cosma đã thiết lập Hiệp hội công Đức Mẹ Hiệp Nhất hướng tới việc thiết lập một Hội dòng thuộc quyền Giáo phận.
Hội dòng, năm 2021 có 176 thành viên chính thức, trong đó có 130 chị em khấn trọn, 46 chị em khấn tạm. Gồm 23 cộng đoàn đang phục vụ và học tập tại: Bắc Ninh, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
– Ngày 26 tháng 7 năm 2021, Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc qua văn thư số: 318/21 đã cho phép Đức Cha Cosma thiết lập Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất thuộc quyền Giáo Phận, sau gần 60 năm hình thành và phát triển từ một nhóm nữ tu nhỏ tại Giáo phận Bắc Ninh.
4. PHÚC CHIẾU NGÀY 15/6/2022 ĐÒI XIN PHÉP TRƯỚC KHI LẬP HIỆP HỘI
Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày 15/6/2022 lại ra thêm Phúc chiếu quy định rằng “Giám mục giáo phận trước khi thành lập – bằng sắc lệnh – một Hiệp hội công với mục đích sẽ trở thành Tu hội ĐSTH hay Tu đoàn ĐSTĐ thuộc luật giáo phận, phải có văn bản cho phép của Bộ Các Tu hội ĐSTH và Tu đoàn ĐSTĐ”.
Như vậy, Phúc chiếu 15/6/2022 quy định chặc chẻ hơn điều 579 mới có hiệu lực từ ngày 10 tháng 11 năm 2020, là phải xin phép Bộ Các Tu hội ĐSTH và Tu đoàn ĐSTĐ ngay từ giai đoạn thành lập Hiệp hội công.
Lý do mà Bộ lại thêm quy định nói trên có thể xuất phát từ tình trạng thành lập một Hiệp hội công một cách bất hợp luật, như là tập họp các nữ tu muốn tách dòng để lập Hiệp hội, ban miễn chuẩn thời gian nhà tập, thời gian khấn tạm, tìm cách gia tăng thành viên… không theo đúng chỉ dẫn của Tòa Thánh.
5. KẾT LUẬN
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho sửa đổi lại luật lập dòng, với Tông thư Authenticum Charismatis. Điều này có lẽ là để chấn chỉnh lại sự lập dòng trong Giáo hội, mà đang có chiều hướng vô trật tự, đánh mất sự thánh thiêng của các Tu hội ĐSTH. Trong thực tế, ở Giáo Hội Việt Nam, chúng ta vẫn tự hào là có nhiều ơn gọi đi tu, nhưng cũng không thiếu những khủng hoảng, chia rẽ nẩy sinh trong chính các Tu hội và ngay cả trong các đan viện. Đã có những đơn từ khiếu nại lẫn nhau trong nội bộ cũng như giữa các dòng tu với nhau. Cũng như đã có những đe dọa giải tán Tu hội hay Tu đoàn bởi Bản quyền đối với những Tu hội gây nhiều scandal. Sự chạy theo số lượng, danh tiếng, đánh rơi kỷ luật sẽ dẫn đến sự vô trật tự, khủng hoảng và thậm chí đánh mất căn tính đời tu.
Giáo Luật và Hiến pháp, từ những kinh nghiệm suốt dòng lịch sử của dòng tu trong Giáo hội, đã ra những quy tắc để giúp các dòng tu được ổn định, phát triển và sinh nhiều hoa quả. Vì vậy, sự nghiêm chỉnh học hỏi và áp dụng Giáo luật vào dòng tu sẽ giúp rất nhiều. Về phần này, Giáo Hội đòi hỏi các Giám mục giáo phận, bởi chính mình hoặc qua vị thụ ủy, lưu tâm giúp đỡ, giám sát, kinh lý các nhà dòng trong Giáo phận, giúp họ vượt qua những xung đột nội bộ, có thể tạo ra những phân rẽ đáng tiếc.
Mặt khác, các vị sáng lập, cần đáp ứng đúng đắn những yêu cầu của Giáo luật và Tòa Thánh trong tiến trình thành lập những Tu hội hay Tu đoàn mới: “Điều quan trọng là không thể có một Tu hội thánh hiến nào được thiết lập nếu không có một đặc sủng mới, rõ ràng và hiển nhiên, cũng như không có một sự bảo đảm chắc chắn về sự phát triển trong tương lai” (Thư của Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc ngày 1-6-2016, Prot. N. 2301/16).
PHỤ LỤC
NHỮNG TÀI LIỆU CẦN THIẾT CHO VIỆC THAM KHẢO
ĐỂ THÀNH LẬP MỘT HỘI DÒNG LUẬT GIÁO PHẬN (đ. 579)
- Tường trình lịch sử – pháp lý của Hiệp Hội (l’Association) từ khởi đầu
Bản tường trình phải bao gồm những yếu tố đặc biệt sau đây:
- a) Họ tên của vị sáng lập (fondateur ou de la fondatrice); mục đích sáng lập; ngày và nơi khởi đầu; tên của Giám mục giáo phận cho phép sáng lập;
- b) Con số và tên của những thành viên đầu tiên;
- c) Sự thiết lập, ngày và nơi của nhà tập đầu tiên (la première maison de noviciat); tên của Giám mục đã thiết lập nhà tập; số và tên những tập sinh và ngày được nhận vào nhà tập; con số khấn sinh và ngày tuyên khấn lần đầu (première profession); tên của vị Trưởng Giáo tập, ghi rõ chức danh, tên những người có trách nhiệm góp phần đào tạo ban đầu cho các thành viên đầu tiên.
- d) Kê khai thời điểm các Tổng tu nghị đã nhóm họp (des Chapitres généraux célébrés);
- e) Tên của vị đã phê chuẩn Hiến pháp đầu tiên; ngày phê chuẩn; hoạt động tông đồ của Hiệp Hội từ khi khởi đầu và hiện nay;
- f) Sự phát triển của Hiệp Hội trong những Giáo Phận khác;
- g) Linh đạo riêng biệt (spiritualité propre) của Hiệp Hội.
Nêu rõ nơi đào tạo những người chuẩn bị để lãnh nhận chức thánh.
- Lý lịch của vị sáng lập (fondateur) Hiệp Hội:Họ Tên; ngày và nơi sinh và nơi Rửa tội; họ tên cha mẹ; nơi học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp (lieux des études primaires et secondaires); những sự kiện quan trọng trong đời sống.
- Lý lịch của vị Bề Trên tổng quyền (Supérieur général) đầu tiên của Hiệp Hội: ngoài những điểm trên, cho biết thêm: ngày gia nhập Hiệp Hội, ngày khấn tạm và khấn vĩnh viễn; ngày được bổ nhiệm hoặc được bầu là Bề Trên tổng quyền; nêu rõ đấng bổ nhiệm hay tuyển chọn vị này, cho thời gian bao lâu; tình trạng hiện nay của vị này.
- Thống kê các thành viên và các nhà: họ tên các thành viên khấn tạm và khấn trọn, các linh mục, các tập sinh (novices) và những thỉnh sinh; tuổi của các thành viên đã tuyên khấn và các linh mục; con số các khấn sinh và ngày tuyên khấn vĩnh viễn cũng như tạm thời sắp tới; con số các nhà nơi các thành viên đang sinh sống, và tên của những Giáo phận nơi Hiệp Hội hiện diện. Để thiết lập một Hội dòng luật giáo phận Hiệp hội phải gồm ít nhất là 40 thành viên, mà phần lớn phải đã tuyên khấn vĩnh viễn (vœux perpétuels).
- Tường trình về hiện trạng gia sản (l’état patrimonial): ngoài những món nợ, cho biết: số tiền (usd hoặc euro, nếu có thể được) gởi nhà băng; số nhà mà Hiệp hội là chủ sở hữu.
- Khai báo những điểm sau:
- a) Nếu có những sự kiện ngoại thường (des faits extraordinaires), những dự tính …
- b) Nếu hiện hữu, trong Giáo Phận có trụ sở chính, có một Hội dòng khác có cùng tên và đặc sủng.
- Mô tả tu phục.
- Ba bản sao của Hiến phápcập nhật hiện hành, và của Bản Hướng Dẫn (Directoire),nếu có.
- Các chứng thư (lettres testimoniales) của các Giám mục giáo phận liên quan, bao gồm cả của Giám Mục nơi đặt trụ sở chính của Hiệp Hội, phải được gởi trực tiếp tới Bộ, trong đó cho biết ý kiến về những điểm sau:
- a) Sự hữu ích và vững bền của Hiệp Hội;
- b) Nề nếp kỷ luật (discipline régulière) của các thành viên;
- c) Đời sống phụng vụ và bí tích;
- d) Tinh thần Giáo Hội và sự cộng tác với hàng giáo phẩm giáo hội;
- e) Đào tạo ban đầu và thường xuyên;
- f) Việc điều hành quản lý tài sản;
- g) Khả năng đảm nhận trách nhiệm của ban lãnh đạo Hiệp Hội hiện diện trong nhiều giáo phận.
Trong mức độ có thể được, ứng trước cho Văn phòng của Bộ Tu Hội Đời Sống Thánh Hiến và Tu Đoàn Tông Đồ khoản tiền tương đương 500 euro, về những chi phí lo liệu giấy tờ, sẽ quyết toán chi phí khi hoàn tất thủ tục hồ sơ xin thiết lập.
Vatican, 2007
=====
BỘ PHÚC-ÂM-HOÁ CÁC DÂN TỘC
Prot. N. 2301/16
THƯ CỦA BỘ PHÚC-ÂM-HOÁ CÁC DÂN TỘC GỞI CHO CÁC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN VỀ VIỆC THIẾT LẬP CÁC TU HỘI ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN THEO LUẬT GIÁO PHẬN
Kính thưa Đức Cha khả kính,
Đời sống thánh hiến là một thực tại của Giáo Hội và là một hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa dành cho Giáo Hội của Ngài. Các Giám mục Giáo phận, trong khi thi hành sứ mạng của mình tại các Giáo Hội địa phương được trao phó, sẽ phải luôn cộng tác với các Tu hội Đời sống thánh hiến và các Tu đoàn tông đồ. Sự cộng tác đó, cùng với việc tôn trọng các đặc sủng và vai trò riêng, sẽ luôn là một thiện ích lớn lao cho sứ mạng chung của Giáo Hội. Công đồng Vaticano II trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân)”, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Đời sống thánh hiến đối với Giáo Hội và với sứ mạng của Giáo Hội. Với việc khấn giữ các lời khuyên Phúc âm, đáp lại lời mời gọi đặc biệt của Thiên Chúa, các tín hữu tự buộc mình tuân giữ lời khuyên khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, noi gương Chúa Giêsu, và dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, Đấng đáng được yêu mến trên hết mọi sự, với một danh xưng mới mẻ và đặc biệt, để phụng sự và tôn vinh Thiên Chúa (LG 44).
Một Tu hội thánh hiến thường bắt đầu cuộc sống của mình như một nhóm nhỏ, được qui tụ bởi Đấng sáng lập (hoặc Nữ sáng lập) và bởi những thành viên tiên khởi cùng chia sẻ một đặc sủng và một quan điểm chung. Với sự phân định khôn ngoan và thích hợp, và qua những sắc lệnh chính thức thiết lập, Giám mục có thể công nhận nhóm ấy như một Hiệp hội đạo đức trong Giáo Hội địa phương, và sau đó, như một Hiệp hội công các tín hữu. Việc thiết lập Tu hội thánh hiến theo luật giáo phận chỉ được thực hiện khi Hiệp hội ấy có một đặc sủng (carisma) mới và được xác định rõ ràng để mưu ích cho toàn thể Giáo Hội, và đã đạt đến một sự phát triển và trưởng thành đầy đủ. Điều quan trọng là không thể có một Tu hội thánh hiến nào được thiết lập nếu không có một đặc sủng mới, rõ ràng và hiển nhiên, cũng như không có một sự bảo đảm chắc chắn về sự phát triển trong tương lai. Đặc sủng dòng tu là một hồng ân thực sự của Thiên Chúa dành cho Giáo Hội, và các Giám mục được mời gọi công nhận đặc sủng đó sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng. Vì thế, không một Tu hội nào sẽ được phê chuẩn nếu không có sự chắc chắn hợp lý về yếu tố thánh thiện này.
Trong Bộ Giáo Luật hiện hành, tiến trình để thành lập một Tu hội thánh hiến mới theo luật giáo phận đã được đơn giản hóa. Giám mục giáo phận có thể thực hiện bước giáo luật này chỉ khi ngài đã tin chắc chắn rằng nhóm người ấy phải có một đặc sủng mới được xác định rõ ràng và phải đạt đến sự phát triển đầy đủ, và ngoài ra còn phải có một sự trưởng thành về lĩnh vực thiêng liêng, tu trì và huấn luyện. Thực tế, điều khoản 579 của Bộ Giáo luật đã xác định rằng: “Trong địa hạt của mình, các Giám mục Giáo phận có thể ban hành sắc lệnh chính thức để thành lập các tu hội thánh hiến, miễn là đã tham khảo ý kiến của Tông Toà”. Bởi vậy, sau khi đã cân nhắc cẩn thận, Giám mục giáo phận có thể thiết lập trong lãnh thổ của ngài một Tu hội mới. Điều kiện duy nhất mà Bộ Giáo luật đòi hỏi là phải tham khảo Tông Toà trước khi thiết lập. Tuy nhiên, sự tham khảo này không những được xem là một yếu tố cần thiết cho sự hữu hiệu của việc thiết lập, mà còn là một cơ hội thích hợp để nghiên cứu cách khách quan hơn và để đánh giá xác thực về đặc sủng của Tu hội mới, đồng thời cũng để bảo đảm rằng tất cả các yếu tố và các điều kiện cần thiết đã được đệ trình.
Việc tham khảo Tông Toà trước của Giám mục giáo phận đòi buộc phải xem xét kỹ lưỡng, cùng với những kinh nghiệm có được trong việc giải thích và áp dụng. Do vấn đề này, trong buổi tiếp kiến Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào ngày mùng 04 tháng tư năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quy định sự tham khảo trước theo điều khoản giáo luật 579 trong việc xin thiết lập một Tu hội mới kể từ đây, đồng thời ấn định quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng sáu năm 2016.
Vì thế, từ nay, một sắc lệnh thiết lập một Tu hội thánh hiến mới được ban hành mà không tuân thủ những chỉ dẫn của điều khoản 579 sẽ bị coi là vô hiệu.
Roma, Bộ Phúc-Âm-hoá các Dân tộc, ngày 01 tháng sáu năm 2016.
Hồng Y Fernando Filoni
Tổng trưởng
(Bài được cập nhật lúc 20h10 ngày 01.7.2022)
nguồn: https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/thanh-lap-hiep-hoi-cong-nham-den-thanh-lap-tu-hoi-dsth-hoac-tu-doan-dstd-46198
Very good write-up. I absolutely appreciate this site. Thanks!