Bí tích Thánh Thể là trung tâm điểm của Giáo Hội, là trọng tâm trong đời sống tu trì. Thánh Thể cũng là “nguồn mạch” của mọi sinh hoạt trong đời sống Giáo Hội, bởi vì Thánh Thể là lương thực cần thiết cho sự sống và sứ mạng của Giáo Hội. Đây cũng chính là cứu cánh mọi công việc khác của Giáo Hội (x. PV 10).
Vì thế, không có kinh nào, nghi thức nào và tổ chức nào cao trọng và quý mến cho bằng Thánh Lễ, bởi vì trong Thánh Lễ sẽ diễn ra một cuộc trao đổi kỳ diệu dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, làm cho bánh và rượu trở nên Thịt và Máu Chúa Giêsu qua lời truyền phép của linh mục. Bí tích Thánh Thể nói lên sự hiện diện thực sự và trọn vẹn của Chúa Giêsu. Cũng qua Thánh Lễ, cùng với của lễ tuyệt hảo là Chúa Giêsu trên thánh giá, chúng ta nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, dâng lên Thiên Chúa Cha lời chúc tụng, tạ ơn và cầu xin.
Thật vậy, nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu diễn tả tình yêu trọn vẹn khi trao hiến Mình và Máu của mình làm của ăn cho nhân loại.
Là những người sống đời thánh hiến, chúng ta được mời gọi yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí tích cao trọng này. Hơn nữa chúng ta cũng được mời gọi để trở nên giống Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Sống “linh đạo Thánh Thể” trong đời sống thường ngày. Mặt khác, chúng ta cũng có bổn phận loan truyền mầu nhiệm này trong cuộc đời chứng nhân trong đời tu của chúng ta.
1. Sự cao trọng của Bí tích Thánh Thể
Nếu Bí tích Thánh Tẩy là Bí tích quan trọng hơn cả trong Bẩy Bí tích, thì Bí tích Thánh Thể chính là Bí tích cao trọng nhất trong những Bí tích ấy. Qua Bí tích Cực Thánh này, Chúa Giêsu hiện diện dưới hình bánh, hình rượu để trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng ta, làm cho đời sống tinh thần của chúng ta được lớn mạnh không ngừng.
Bí tích Thánh Thể chính là sự tiếp diễn của Hy Tế Thập Giá, là đỉnh cao và tuyệt đỉnh của mọi cử hành phụng vụ cũng như các việc đạo đức khác trong đời sống của người kitô hữu nói chung và đời sống người thánh hiến nói riêng.
Nơi Bí tích Thánh Thể, khi hiệp thông với chính Hy Tế Thập Giá của Chúa Giêsu, chúng ta cũng dâng tất cả vui buồn, sướng khổ, thành công hay thất bại, và dâng chính bản thân, gồm linh hồn và thân xác của ta làm của lễ để hiệp cùng Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha hầu đem lại ơn cứu độ cho chính bản thân và thế giới. Thật thế: khi bẻ bánh tạ ơn, chúng ta thực sự thông dự vào Thân Thể của Chúa Giêsu, nên chúng ta được nâng lên để hiệp thông với Ngài và với nhau: “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17), vì hết thảy chúng ta cùng thông phần vào một tấm bánh, thế nên, tất cả chúng ta trở thành chi thể của Thân Thể ấy (x. 1Cr 12, 27), và mỗi người là chi thể của nhau (x. Rm 12, 5).
Nơi Thánh Lễ và qua việc Hiệp Lễ, chúng ta, những người sống đời thánh hiến được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, được Mình và Máu Thánh Ngài nuôi dưỡng, được ngụp lặn trong ân sủng và lớn lên trong tình yêu của Ngài.
Thánh Thể được ví như nguồn sống nơi người tận hiến, thế nên: như cá không nước, cây không nhựa, đèn không dầu, xe không xăng, đời tu mà không năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể thì tâm hồn sẽ suy yếu và chết yểu dần dần, vì: nếu chúng ta không ăn Thịt và uống Máu Con Người, chúng ta không có sự sống nơi mình (x. Ga 6, 53). Còn “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Ðấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6, 56-57).
Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đến và ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Ngài tình nguyện ở lại như thế làm gì nếu không phải vì con người và mong cho nhân loại được hạnh phúc, được sống dồi dào và tồn tại muôn đời.
Khi chiêm ngắm Bí tích Thánh Thể, chúng ta sẽ cảm nghiệm rất rõ tình yêu của Thiên Chúa Cha trong việc trao ban chính Con Một là Chúa Giêsu cho nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Đến lượt Chúa Giêsu, chúng ta thấy và cảm nghiệm được tình yêu tự hiến của Ngài: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Tình yêu này được thánh Phaolô diễn tả: Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha, đã hủy mình ra không, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân như chúng ta. Ngài còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và là cái chết ô nhục trên thập giá (x Pl 2,6-11).
Chúa Giêsu đã chấp nhận tất cả để những người thuộc về Ngài được sống và sống dồi dào.
Nơi Bí tích Thánh Thể, chúng ta kín múc được nguồn suối tình yêu đến với tâm hồn chúng ta, làm cho mảnh đất tâm hồn được dạt dào và tốt tươi; đồng thời chúng ta cũng được mời gọi diễn tả hay làm cho dòng chảy đó đến với những tâm hồn sa mạc đang cần đến dòng suối tình yêu tuôn chảy đến mọi ngõ ngách khô cằn của tâm hồn.
Thật vậy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài nơi Bí tích Thánh Thể, để qua đó ta được hạnh phúc và sẽ trao ban niềm vui, hạnh phúc đó cho anh chị em chúng ta: “Hãy đến hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề hãy đến với Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).
Nơi Bí tích cao trọng này, chúng ta được mời gọi sống sự hiệp thông bằng việc sống với nhau trong tình yêu của Chúa: “Thánh Thể làm cho ta hiệp nhất trong Nhiệm Thể. Dâng lễ, dự lễ mà không yêu thương là mâu thuẫn, quái gở” (x. ĐHV 362). Bởi vì: “Đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc Vượt Qua” (PV, số 47).
2. Bí tích Thánh Thể và đời sống thánh hiến
Khi chiêm ngắm và sống “linh đạo tình yêu” nơi Thánh Thể, người sống đời thánh hiến được mời gọi trở nên dấu chỉ của sự hiệp thông, xây dựng và gìn giữ mối dây bác ái với anh chị em cùng sống đời tu cũng như sống đời gia đình, bởi vì: khi bẻ bánh tạ ơn, chúng ta thực sự thông dự vào Thân Thể của Chúa Giêsu, nên chúng ta được nâng lên để hiệp thông với Ngài và với nhau. Thế nên, tất cả chúng ta trở thành chi thể của Thân thể ấy (x. 1Cr 12,27), và “mỗi người là chi thể của nhau” (Rm 12,5).
Trong lời nguyện tiến lễ, lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô đã diễn tả sự hiệp thông đó thật sâu xa: “Lạy Chúa, bao hạt lúa mới làm nên tấm bánh này, bao trái nho mới ép thành chén rượu đây, tượng trưng sự đoàn kết giữa con cái Chúa”.
Như vậy, khi gắn bó với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được tháp nhập vào trong đại dương tình yêu bao la của Chúa, và được liên kết với anh chị em đồng loại như cành cây gắn liền với thân cây: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).
Khi hướng tâm hồn chúng ta và kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta cũng sẽ trở nên quà tặng để hiến dâng lên cho Thiên Chúa: “Mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô hợp nhất với Người trong cuộc hiến dâng mạng sống lên cho Chúa Cha nhờ Thánh Thần” (ĐSTH số 95).
Đời tu của chúng ta sẽ rất hạnh phúc nếu chúng ta kết hiệp với mầu nhiệm Thánh Thể và sống mầu nhiệm ấy trong đời sống thường ngày. Sống sự kết hiệp đó, ta có thể gọi nó là: “linh đạo Thánh Thể”.
Thật vậy, đi tu để làm gì nếu không coi đây như là niềm hạnh phúc nhất của mình!
3. Sống “linh đạo Thánh Thể” trong đời thánh hiến
Nói đến linh đạo, là người ta nói đến một cái gì đó làm nên bản chất. Khi nói đến “linh đạo Thánh Thể”, ấy là chúng ta nói đến bản chất của Bí tích này. Thật vậy, linh đạo của Bí tích Thánh Thể chính là tình yêu, hiệp nhất, hiệp thông do mầu nhiệm tự hủy của Chúa Giêsu đem lại.
Khi sống mầu nhiệm tự hủy này, thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã cảm nghiệm: “Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi bị nghiền nát bởi nanh vuốt của thú dữ để trở thành bánh tinh tuyền của Chúa Kitô”. Thánh nhân đã sống tinh thần ấy và ngài đã thốt lên: “Cho đi tất cả để tìm lại được tất cả”; “Tôi là hạt lúa mì của Chúa Kitô”.
Những người sống đời thánh hiến cũng phải trở nên như hạt lúa mì bị nghiền nát ra để hòa nên một với Chúa Giêsu hầu trở nên tấm bánh cho người khác. Tinh thần này được khởi đi từ chính Chúa Giêsu, Ngài đã vâng lời Thiên Chúa Cha, chấp nhận nhập thể và nhập thế, rồi cuối cùng chết cho nhân loại (x. Pl 2, 6-9). Ngài cũng chấp nhận trở nên của ăn, của uống cho nhân loại nơi Bí tích Thánh Thể.
Như vậy, vì vâng lời, Chúa Giêsu đã chấp nhận thân phận tự hủy liên lỉ để thánh ý Thiên Chúa Cha được thực hiện là cứu độ con người qua cái chết của Chúa Giêsu.
Đến lượt chúng ta, những người sống đời thánh hiến, chúng ta cũng phải hy sinh, trở nên như hạt lúa mì bị nghiền nát nhờ những hy sinh hằng ngày của mình, để qua đó trở nên tấm bánh tinh tuyền thắm đượm hương vị của tình yêu trao tặng cho người khác.
Thật vậy, cũng như hạt lúa mì, nếu không bị nghiền nát ra thì mãi vẫn là hạt lúa trơ trọi và không có ích. Nếu Chúa Giêsu chỉ chấp nhận nhập thể và nhập thế mà không chấp nhận cái chết để cứu độ thì thánh ý Thiên Chúa Cha không được thực hiện. Vì thế, đời tu, chúng ta đi theo Chúa Giêsu trên chính con đường mà Ngài đã đi, thì không có con đường nào khác ngoài con đường của hạt lúa mì mục nát và hy tế thập giá.
Thập giá ấy chính là bổn phận, thiếu thốn, bệnh tật, bị hiểu lầm, xúc phạm, nhạo báng, khinh bỉ, cô đơn… những thứ đó như là chất xúc tác để làm nên cuộc đời dâng hiến nếu biết cậy dựa vào ân sủng và sự quan phòng của Chúa.
Hay nói cách khác, khi sống “linh đạo Thánh Thể”, cuộc đời của chúng ta phải là một cuộc đời hy sinh liên lỉ cách trung thành và hoàn toàn sống trong sự phó thác, tin tưởng nơi Thiên Chúa.
Điểm cốt lõi của “linh đạo Thánh Thể” chính là tự hủy, hòa tan và sống đức ái. Thật vậy, người ta không khen một linh mục hay một tu sĩ thánh thiện, đạo đức và tốt lành chỉ dựa trên việc giữ luật cách tỉ mỉ, bởi lẽ nếu chỉ chú tâm đến luật mà không có đức ái hay phạm đến đức ái thì không thể gọi là thánh thiện được. Nói như thế, chúng ta không có chủ trương coi thường luật, nhưng điều muốn nói ở đây là: chúng ta nhìn đến cốt lõi của luật. Cốt lõi đó là gì nếu không phải là xây dựng và bảo vệ đức ái vẹn toàn.
4. Sống đức ái cụ thể trong cộng đoàn thánh hiến
Sống đức ái cụ thể trong cộng đoàn thánh hiến là biết tha thứ và yêu thương nhau. Tha thứ cho những xúc phạm của người khác với mình.
Khi có tha thứ, là có sự bình an trong tâm hồn, xây dựng sự hiệp nhất nơi cộng đoàn mà mình được mời gọi sống với nhau.
Trong đời tu, khi còn sống chung trong Chủng Viện, nếu là tu triều, và đời sống cộng đoàn nếu là tu dòng, thì đời tu của chúng ta không sớm thì muộn, chúng ta chắc chắn có nhiều lúc bị cám dỗ sống ích kỷ, chỉ biết lo cho mình. Sống “co cụm trong vỏ ốc” và không muốn quan tâm đến ai. Sống theo kiểu chủ nghĩa “hạt nhân”, tức là “ai có thân thì người ấy lo”, hay “mạnh ai nấy thắng”. Đây là những khó khăn, cám dỗ nội tại. Tuy nhiên, đôi khi thử thách đó đến từ ngoại cảnh, tức là chúng ta bị người khác đối xử không tốt, sống ích kỷ và làm cho chúng ta cũng ích kỷ theo khi lựa chọn lối sống “ăn miếng trả miếng”; “mắt đền mắt, răng đền răng”; “ai sao tôi vậy”.
Nhưng khi chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta thấy lòng nhân hậu của Chúa Giêsu được lộ hiện rất rõ trong cuộc đời của Ngài qua những mối tương quan như: Chúa Giêsu đã tha thứ cho Phêrô, Phaolô, người phụ nữ ngoại tình, và ngay cả Giuđa và những người gây nên cái chết bất công cho Ngài… Cuối cùng, vì yêu thương, nên Ngài sẵn lòng ngự vào lòng ta cho dù không một ai xứng đáng để đón nhận Ngài vào trong tâm hồn qua Bí tích Thánh Thể.
Người sống đời thánh hiến cũng vậy. Khi kết hiệp nên một với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta được mời gọi sống yêu thương nếu không muốn nói là bắt buộc, bởi vì: khi đón nhận Mình và Máu Chúa Giêsu vào trong lòng mà không sống yêu thương thì thật là quái gở, mẫu thuẫn nội tại, không bình thường.
Như vậy, tha thứ, xây dựng sự hiệp nhất và sống mầu nhiệm hiệp thông phải là điển căn bản trong đời tu của chúng ta.
Không tha thứ thì không trở nên giống Chúa Giêsu được, và cũng không phải là môn đệ của Chúa. Nếu nuôi hận thù là đồ đệ cho Ma Quỷ. Không tha thứ, chúng ta có chầu Thánh Thể cả ngày lẫn đêm, có rước lễ hằng ngày và làm các việc đạo đức khác liên miên đi nữa, cũng không thể làm cho chúng ta được hạnh phúc thật và Chúa sẽ buồn vì cách thức thi hành giả tạo theo kiểu “mồ mả” của chúng ta.
Thật thế, chu toàn bổn phận là điều rất cần trong đời sống thánh hiến, vì đây là điểm căn bản để chúng ta sống trong mọi chiều kích của đời tu. Tuy nhiên, đạo đức thật không nếu không yêu thương anh em mình? Đạo đức thật không nếu không tha thứ cho nhau? Đạo đức thật không nếu chỉ có tương quan hàng dọc với Thiên Chúa mà không có hàng ngang là anh chị em mình? Nên nhớ rằng, thập giá chỉ là Thánh Giá khi được kết hợp cả thanh ngang và thanh dọc. Nếu chỉ có thanh ngang hoặc thanh dọc thôi thì nó là khúc gỗ không hơn không kém.
Sống “linh đạo Thánh Thể”, tức là người sống đời thánh hiến sống đức ái và ham muốn được thực hiện nó mỗi ngày trong đời sống. Khi thực hiện được điều đó, đời tu của chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài đến trần gian, rao giảng và cứu độ con người vì muốn con người được hạnh phúc trọn vẹn. Khi chấp nhận hy sinh cá nhân vì ích lợi của người khác, người sống đời thánh hiến trở thành như hạt lúa mì bị nghiền nát, được Chúa Giêsu nhào nắn để trở nên tấm bánh thơm tho dâng lên Thiên Chúa Cha và trao tặng cho mọi người.
Khi chúng ta chấp nhận thân phận tự hủy ra không như thế vì người khác, ấy là lúc chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Lúc đó là Chúa ở trong ta, ta ở trong Chúa và như một sự triển nở, ta có nhau là anh chị em.
Như vậy, Bí tích thánh Thể rất cao trọng trong đời tu. Bí tích Thánh Thể làm cho đời tu được thăng tiến và đảm bảo. Bí tích Thánh Thể còn là một nền linh đạo tuyệt với về đức ái cho đời tu.
Mong sao mỗi người chúng ta, khi sống linh đạo Thánh Thể trong đời sống, chúng ta được hạnh phúc, và những người sống cùng cũng như những nơi ta đến vì sứ vụ, họ cũng được hạnh phúc như chúng ta.
Thật vậy, mọi người chỉ có thể được hạnh phúc khi cùng nắm tay nhau hướng tha và vì cuộc sống của anh chị em chung quanh chúng ta.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Tin cùng chuyên mục:
Tìm hiểu về Năm Thánh
Đề tài Tĩnh tâm Quí IV
Cáo phó ông cố Augustinô, thân phụ dì Anna Trần Thị Hải
Thấy Ơn Cứu Độ Của Thiên Chúa (08.12.2024 – Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C)