Bài Ðọc I: Br 5,1-9

“Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi”.

Trích sách Tiên tri Barút.

Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi. Chúa sẽ mặc cho ngươi áo công lý, và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi. Vì chưng, Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian. Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu nghĩa. Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông. Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây họp lại theo lệnh của Đấng Thánh, họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử. Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa. Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm, đã cho Israel núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang.

Đó là lời Chúa.

 

Đáp ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng tôi, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

 

Bài Ðọc II: Pl 1,4-6.8-11

“Anh em hãy ăn ở trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Đức Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, luôn luôn trong mọi lời cầu nguyện của tôi, tôi hân hoan khẩn cầu cho tất cả anh em, vì anh em đã thông phần vào việc rao giảng Phúc Âm từ ngày đầu cho tới nay. Tôi tin tưởng rằng Đấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Đức Giêsu Kitô. Vì Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: Tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Đức Giêsu Kitô. Điều tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của anh em ngày càng gia trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, để anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Đức Kitô, anh em được Đức Giêsu Kitô ban cho dư đầy hoa quả công chính, hầu tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa.

 

Alleluia: Lc 3, 4.6

Alleluia, alleluia! – Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 3, 1-6

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế, có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Dacaria, trong hoang địa. Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: Có tiếng kêu trong hoang địa, hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa.

BÀI 1: THẤY ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA

Suy Niệm

Malakhi được coi là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước
Ông viết một lời tiên tri ở cuối cuốn sách của ông:
“Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi,
trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến” (Ml 3,23).
Bởi đó nhiều người Do-thái đã tin và chờ,
chờ Êlia trở lại để chuẩn bị cho ĐỨC CHÚA đến.
Dân Israel đã chờ vị ngôn sứ đó từ năm thế kỷ.
Khi Gioan Tẩy giả xuất hiện, người ta tin ông là Êlia.
Nhưng Gioan không xuống từ trời trong cơn gió lốc (2V 2,11),
ông được sinh ra bởi một đôi vợ chồng cao niên, hiếm muộn.
Thiên sứ đã báo cho người cha là Dacaria biết về Gioan:
em sẽ được đầy thần khí và quyền năng của Êlia (Lc 1,17).
Dacaria biết con mình sẽ là ngôn sứ của Chúa,
đi trước Chúa, để dọn đường cho Ngài,
và giúp dân Israel nhận biết ơn cứu độ (Lc 1,76-77).

Mỗi lần đến Mùa Vọng, chúng ta lại gặp Gioan Tẩy giả,
một ngôn sứ thích sống trong hoang địa (Lc 1,80).
Ông đã sống ở đó cho đến khi bắt đầu sứ vụ.
Người Do-thái vui khi nhận ra ông là ngôn sứ,
vì họ biết Thiên Chúa đã muốn nối lại với Israel
cuộc đối thoại bị cắt đứt qua nhiều thế kỷ.
“Có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan” (Lc 3,2).
Lời Chúa đến với Gioan như xưa đã đến với các ngôn sứ.
Chính hoang địa là nơi Chúa nói với Gioan
để Gioan nói lại cho dân chúng.
Gioan không nói lời của mình, không làm việc của mình.
Ông là người phát ngôn của Chúa và làm việc cho Chúa.
Ông đã đi khắp vùng ven sông Giođan
kêu gọi người ta đến với ông để lãnh nhận phép rửa.
Phép rửa này nhằm giúp họ bày tỏ lòng sám hối,
mong được ơn tha tội, làm hòa với Chúa (Lc 3,3).
Gioan ý thức mình là người dọn đường.
Ông nhận ra mình là tiếng hô trong hoang địa,
nên ông tâm đắc với lời mời gọi trong sách Isaia:
“Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa…” (Is 40,3).
Gioan không mời người ta dọn con đường vật chất,
nhưng con đường trong tâm của mình.
Con đường ấy vốn mấp mô, quanh co, lồi lõm.
nay phải sửa lại cho ngay thẳng, phẳng phiu.
Để chuẩn bị con đường như thế, cần hối cải và hoán cải.
Hoán cải là biến đổi tâm của mình, từ đó đổi cả cuộc đời.
Gioan mời người ta đến để ông dìm họ xuống dòng nước.
Dòng nước thanh tẩy và đưa họ vào cuộc sống mới.

Thiên Chúa đã cho xuất hiện ngôn sứ Gioan,
vào thời đế quốc Rôma đô hộ người Do-thái.
Thượng tế Kha-nan đã bị Rôma truất phế
để đưa con rể ông là Cai-pha lên thay.
Vào thời ấy, đất Israel bị chia để trị, một phần cho Philatô,
ba phần dành cho ba con trai của Vua Hêrôđê Cả.
Gioan được sai đến vào cái thời hỗn loạn nhiễu nhương như thế,
để chuẩn bị đường cho Đấng Cứu độ, cho Đức Chúa (Lc 2,11).

Thời nào Thiên Chúa cũng tặng cho nhân loại những Gioan,
những người dọn đường cho Con Ngài đến.
Gioan can đảm mời gọi người ta hoán cải đổi đời,
và chính ông cũng có can đảm để sống hoán cải.
Con Thiên Chúa đã đến trần gian từ hơn 2000 năm qua,
nhưng thế giới hôm nay vẫn giống với thời của Gioan Tẩy giả,
vẫn cần tự do công lý, bình an hạnh phúc, sự thật tình thương.
Bởi đó thế giới vẫn cần những người dọn đường như Gioan.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa
về tất cả những điều Chúa đòi hỏi nơi con trong suốt cuộc đời.
Chúc tụng Chúa về thời đại con đang sống.
Chúc tụng Chúa về những giờ phút sướng vui
và những ngày tủi thân buồn bã.
Chúc tụng Chúa về cả những gì
Chúa đã không cho con được hưởng.

Lạy Chúa, xin đừng sa thải
người tôi tớ bất xứng và lười biếng của Chúa đây.
Ôi lạy Chúa khôn ngoan, nhân hậu và yêu thương,
xin đừng đuổi con xa Chúa.
Xin giữ con để con luôn phụng sự Chúa trong suốt đời con.
Xin giữ con để con phục vụ bất cứ điều gì Chúa muốn.
Dù khi mỏi mệt, dù khi chán chường,
con xin Chúa vẫn luôn kiên nhẫn,
để không bao giờ mỏi mệt về con,
và giữ con luôn luôn phụng sự Chúa.

Xin Chúa đến giúp con,
ban cho con ơn bắt đầu và lại bắt đầu,
cho con biết cậy trông
cả những khi cùng đường tuyệt vọng,
cho con tin chắc rằng Chúa sẽ thắng,
một chiến thắng huy hoàng nơi con.
(Karl Rahner)

BÀI 2: CÓ LỜI THIÊN CHÚA PHÁN

Suy Niệm

Mỗi lần mùa Vọng đến, ta lại gặp Gioan.
Một cuộc hạ sinh kỳ lạ, một lối sống khác thường.
Hoang địa là nơi vắng người, trơ trụi, thiếu sự sống.
Nhưng chính ở đó mà Gioan đã lớn lên và trưởng thành,
trong sự gặp gỡ thâm trầm với Thiên Chúa.
Càng lúc ông càng ý thức về sứ mạng của mình,
nhưng ông đã kiên nhẫn chờ đợi nhiều năm tháng,
cho đến ngày ông nghe thấy Thiên Chúa ngỏ lời với ông.
Lời của Ngài đưa ông ra khỏi hoang địa
để đến với mọi vùng ven sông Giođan mà gặp con người.
Lời Chúa ông nghe trở thành Lời Chúa ông công bố.
Tiếng Chúa gọi ông trở thành tiếng ông mời gọi mọi người.
Gioan là vị ngôn sứ cho dân tộc ông
sau gần năm thế kỷ vắng bóng ngôn sứ.
Ông sống trong dòng lịch sử của đạo lẫn đời:
một hoàng đế Tibêriô, hai thượng tế Khanna và Caipha,
một Philatô tham lam, tàn bạo, tổng trấn vùng Giuđê,
một Hêrôđê, tiểu vương vùng Galilê, kẻ sẽ giết ông sau này.
Gioan đón nhận toàn bộ dòng lịch sử ấy.
Lịch sử dân tộc là nơi diễn ra lịch sử cứu độ.
Gioan ý thức mình là Tiền Hô cho Ðấng Cứu Thế,
và ông cố làm tròn sứ mạng của mình trước lịch sử.

Gioan mời dân chúng sám hối.
Không được tiếp tục sống như xưa nữa.
Ðã đến lúc phải đổi đời, đổi lối nhìn, đổi lối nghĩ.
Ông kêu gọi cả nước hãy sửa sang đường sá,
để đón lấy Vua Mêsia, đấng ông không dám cởi dây giày.
Ðường quan trọng là đường vào cõi lòng.
Có bao lối nghĩ quanh co, bao tính toán lệch lạc.
Có những lũng sâu tăm tối, thiếu vắng ánh sáng tình yêu.
Có những núi đồi ngạo nghễ của tự kiêu, tự mãn.
Có những chỗ mấp mô, lồi lõm giữa người với người.
Phải sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay.
Phải san cho phẳng, bạt cho thấp…
Sám hối là dọn con đường của lòng mình
và mời mọi người cùng dọn các con đường thành đại lộ.
Ðiều đó chẳng dễ dàng chút nào, và thường gây đau đớn.
Mùa Vọng không phải là thời gian đi xưng tội qua loa,
nhưng là dẹp bỏ những chướng ngại trong tâm hồn,
để Chúa có thể dễ dàng đến và ở lại.

Gioan đã là ngôn sứ chuẩn bị cho Chúa đến lần đầu.
Chúng ta phải là ngôn sứ chuẩn bị cho Ngài đến lần cuối.
Làm ngôn sứ cho dân tộc mình, cho thời đại mình:
đó là ơn gọi của mọi Kitô hữu chẳng trừ ai.
Cần cất tiếng hô bằng lời nói và bằng cuộc sống.
Ơn cứu độ đã đến từ hai mươi thế kỷ nay,
nhưng vẫn thiếu những con đường phẳng phiu, ngay thẳng,
để Thiên Chúa có thể đến gặp con người.
Xin Thánh Thần giúp chúng ta làm những con đường mới
trên những nẻo đường quen thuộc của nhân loại.

Gợi Ý Chia Sẻ

1. Ngôn sứ là người nói lời của Thiên Chúa. Có khi nào bạn dám nói một điều do lương tâm đòi buộc, nhưng đem lại cho bạn nhiều thiệt thòi, nguy hiểm không?

2. Ðường sá là cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc phát triển. Bạn đã làm gì trong mùa Vọng này để dọn đường cho Chúa đến?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Ðấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con;
xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

BÀI 3: HÃY DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA

Suy Niệm

Ðôi khi trong cuộc sống,
chúng ta muốn tự định nghĩa về mình.
Chúng ta tự hỏi mình là ai.
Ðây là một câu hỏi quan trọng và cần thiết.
Gioan Tẩy Giả cũng đã đặt cho mình câu hỏi tương tự.
Nhiều người nghĩ rằng ông là đấng Mêsia, là Êlia…
Còn ông, ông biết rõ ông là ai.
Gioan không đánh lừa mình hay đánh lừa người khác.
Ông tự định nghĩa: "Tôi là tiếng kêu trong sa mạc.
Hãy dọn đường cho Chúa đến" (Ga 1, 23).

Cả cuộc đời Gioan là một tiếng kêu.
Tiếng kêu ấy đã vang lên từ khi ông được thụ thai,
một cuộc thụ thai lạ lùng khi cha mẹ ông đã luống tuổi.
Tiếng kêu ấy rõ dần qua cuộc sống đặc biệt của ông:
nơi hoang địa, mặc áo lông thú,
ăn châu chấu và mật ong rừng.
Tiếng kêu ấy vang động khắp vùng ven sông Giođan.
Một tiếng kêu khẩn thiết: hãy sám hối.
Một tiếng kêu cấp bách: hãy dọn đường cho Chúa đến.
Tiếng kêu cuối cùng của Gioan đã đưa ông đến cái chết:
"Vua không được phép lấy bà ấy làm vợ" (Mt 14,4).

Gioan hấp dẫn vì ông sống điều ông giảng:
ông sống khổ hạnh và mời gọi người ta sám hối.
Gioan mãi mãi hấp dẫn vì ông không bao giờ tìm mình.
Ông sống vai trò của người mở đường,
người giới thiệu cho Ðấng đến sau ông
nhưng lại quyền thế hơn ông.
Ông vui mừng tự xóa mình đi để Ðức Giêsu được nổi bật.
Chính vì thế mà ông trở nên cao trọng.
Con người chỉ cao trọng khi sống cho Thiên Chúa.
Mỗi lần mùa Vọng trở về,
chúng ta có dịp gặp lại Gioan, người dọn đường.
Chúa Giêsu hôm nay vẫn cần những Gioan Tiền Hô mới
biết cất tiếng kêu thức tỉnh nhân loại,
biết dạy cho họ chờ đợi và nhận ra ơn cứu độ đã đến.
Dọn đường là lội ngược dòng,
là chấp nhận bị khai trừ, bị từ chối.
Gioan đã dọn đường bằng cả cuộc đời
để cuộc hôn nhân giữa Chúa Kitô và nhân loại thành tựu.
Hội Thánh vẫn cần những người dám sống điều mình nói,
và dám nói điều mình sống.

Gợi Ý Chia Sẻ

1. Các giám mục Mỹ mời gọi giới trẻ lội ngược dòng trước sự lôi kéo của vật chất, hưởng thụ. Có khi nào bạn dám đi ngược với tập thể, vì muốn sống theo ý Chúa?

2. Trong cuộc sống của Gioan Tẩy Giả, điều gì đánh động bạn hơn cả?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa.
(Graham Kings)