Theo bước chân Ngài giữa ánh sáng Phục Sinh

Tuần Thánh vừa khép lại trong thinh lặng của Thứ Bảy Tuần Thánh, khi đất trời lắng xuống để chờ đón một Bình Minh mới. Ngày đầu tiên của Bát nhật Phục Sinh – ngày sự sống chiến thắng cái chết – tôi lặng người trước tin tức: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra đi.

Không ồn ào, không huy hoàng, cũng chẳng phải giữa một thánh lễ trọng thể. Ngài ra đi như cách ngài sống – âm thầm, khiêm hạ, và đầy nhân hậu. Trong Năm Thánh – năm của Lòng Thương Xót, của Hành Hương và Canh Tân – ngài đã hoàn tất cuộc hành trình của một người cha, một người tôi tớ, một vị mục tử nhân lành. Và tôi – một nữ tu trẻ đang lần bước trong đời dâng hiến – không thể không dừng lại, chiêm ngắm, và tự hỏi: Cuộc đời ngài để lại gì cho tôi, cho hành trình tôi đang đi?

Ngài ra đi sau khi đã sống trọn một cuộc Tuần Thánh dài – không chỉ là bảy ngày, mà là cả một đời – nơi từng bước chân đều in dấu Thập Giá: từ Buenos Aires đến Roma, từ quảng trường Thánh Phêrô đến các trại tị nạn, từ phòng họp thượng hội đồng đến những nơi vô danh của khổ đau nhân loại. Đời ngài là một bản kinh Tiệc Ly liên lỉ – bẻ ra, trao ban, và yêu đến cùng.

Tôi nhớ ngày ngài bước ra từ ban công đền thờ Thánh Phêrô. Gương mặt sáng láng, thánh thiện của ngài cuốn hút và gây ấn tượng cho tôi tức thì. Khoảnh khắc thánh thiêng nhưng đầy khiêm nhường đó, ngài chỉ xin cộng đoàn “hãy cầu nguyện cho tôi.” Sự khiêm nhường ấy không phải là một cử chỉ, nhưng là linh đạo. Ngài làm Giáo Hoàng như một người môn đệ, một Giêsu Hữu – luôn cúi xuống để rửa chân, để ôm lấy những ai bị lãng quên, khổ đau. Ngài không chỉ giảng về Tin Mừng – ngài sống nó. Ngài không chỉ kêu gọi thế giới hãy để ý đến người nghèo – ngài sống như người nghèo.

Tôi từng nhiều lần được đánh động bởi những lời rất “Phanxicô”: “Người mục tử phải mang mùi chiên,” “Giáo Hội là bệnh viện dã chiến,” “Cầu nguyện không phải là để trốn tránh thực tại, mà là để biến đổi nó.” “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Trong những giờ cầu nguyện, tôi từng thầm cảm ơn ngài – vì có một người cha hiểu trái tim người trẻ, dám nói lên những điều khiến nhiều người bất an, và dám bênh vực cho kẻ bị áp bức, bị tước đoạt tự do, hạnh phúc…

Khi ngài chúc lành trọng thể cho toàn thể nhân loại lần cuối, tôi tin rằng đó không chỉ là một nghi thức – mà là một cử chỉ trao ban cuối cùng, của một người đã sống trọn cho đoàn chiên. Ngài không giữ gì lại cho riêng mình. Không quyền lực, không vương miện, không ngai vàng – chỉ là một cây gậy mục tử và một trái tim đã tan chảy vì yêu thương.

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội Hoàn Vũ để tang để tưởng nhớ ngài. Tôi đã xem đi xem lại những hình ảnh cuối cùng của ngài. Trong khung cảnh Phục Sinh, PaPa vẫn hiện diện – gương mặt tiều tụy, ánh mắt nặng trĩu vì kiệt sức, bàn tay run run nhưng vẫn cố giơ lên ban phép lành. Ánh mắt ấy – như đang ôm lấy cả Hội Thánh, ôm lấy đoàn chiên mà ngài luôn gọi là “con cái.” Đôi môi vẫn gắng gượng mấp máy lời chúc Phục Sinh, giọng nói dẫu mệt mỏi vẫn vọng lên niềm hy vọng. Từng cử chỉ của ngài như một lời trăn trối dịu dàng: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp, đã chạy đến cùng đường, và đã giữ vững đức tin” (2 Tm 4,7). Không than vãn, không nghỉ ngơi – ngài đã dâng cả những hơi thở cuối cùng như một của lễ vì đoàn chiên, vì Giáo Hội của Đức Kitô.

Và giờ đây, khi ngài nằm yên giữa những lời kinh tiễn biệt, tôi tự hỏi: gương sống đời dâng hiến của ngài đem lại điều gì cho tôi? Là một người nữ tu trẻ, tôi có thể không bao giờ bước lên những khán đài lớn hay viết những thông điệp cho thế giới, nhưng tôi có thể sống như ngài: khiêm nhường, hiệp nhất, yêu thương những người bé mọn, và can đảm bước vào đêm tối với ngọn đèn đức tin trong tay.

Sự ra đi của Đức Phanxicô không khép lại điều gì trong tôi – trái lại, nó mở ra một mùa mới: mùa của noi gương và tiếp bước. Ngài đã chỉ cho tôi thấy: chết đi không phải là kết thúc, mà là khởi đầu cho một sự sống tròn đầy nơi Cha.

Và hôm nay, tôi cúi đầu cầu nguyện không chỉ cho ngài – mà cho chính tôi, để như ngài, tôi biết ra đi mỗi ngày khỏi cái tôi ích kỷ, khỏi những tiện nghi và an toàn, đến với anh chị em mình. Để một ngày nào đó, trong ánh sáng Phục Sinh, tôi cũng có thể ra đi – như ngài – bình an, phó thác.

Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì đã gửi đến cho Giáo Hội người cha nhân lành là Đức Giáo Hoàng Phanxicô – người đã yêu mến Hội Thánh cho đến cùng. Xin cho con, trong phận nhỏ bé của mình, biết sống và chết mỗi ngày như một lời chứng yêu thương giữa trần gian. Amen.

An Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *