Tinh thần tông đồ, ý thức được sai đi theo Linh Đạo Hiệp Nhất
HC điều 59-60; 1Cr 9,16-19.22-23
- Khung cảnh: Đặt mình trong khung cảnh được thánh hiến cho Chúa và được Chúa sai đi thi hành sứ mạng.
- Ơn xin: Xin ơn thao thức với công cuộc loan báo Tin Mừng, và nhiệt thành loan báo Tin Mừng bằng chính cách ăn nết ở của mình.
- Tinh thần tông đồ
Từ Thập Giá tuôn trào ơn cứu độ[1]và Thần Khí dũng lực[2] thúc đẩy các tông đồ của Đức Kitô[3] ra đi rao giảng sự hoán cải và ơn tha tội cho muôn dân[4], để biến họ thành môn đệ của Người.[5] Vì thế:
- 1. Người tông đồ tự đồng hóa mình với Đức Kitô để tiếp nối và hoàn tất sứ mạng cứu rỗi của Người.
- 2. Người tông đồ hoạt động giữa lòng Giáo hội để xây dựng nhiệm thể Đức Kitô ngay trong môi trường văn hóa, xã hội mình đang sống.
- 3. Người tông đồ theo sát tinh thần Phúc Âm, đến với mọi người trong thái độ kính trọng, hiền hòa, khiêm nhu và rao giảng Tin Mừng không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những công việc phục vụ thiết thực, nhất là bằng chính đời sống phù hợp với Tin Mừng Đức Kitô. (Điều 59).
Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi, làm cho muôn dân thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (x. Mt 28,19-20). Lệnh truyền đó càng thôi thúc chúng ta, những người đang sống đời sống thánh hiến, luôn biết hiệp nhất với nhau để loan báo Tin Mừng. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải lên đường, phải thao thức với sứ mạng loan báo Tin Mừng chứ không bàng quan, yên phận. Mỗi người với khả năng của mình đóng góp hết sức mình làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa. Trong dụ ngôn “con chiên lạc đàn”, chính người chủ chiên đã ra đi để tìm kiếm con chiên lạc chứ không phải ngồi đợi con chiên lạc tự ý trở về (x. Mt 18, 12-14).
Chúng ta có nguy cơ muốn thu mình lại và trở thành người “ đi tu để tìm một chỗ nương tựa cho an tâm” đó là thái độ lệch lạc. Có khi chúng ta đến với Hội dòng, được sai làm tông đồ, nhưng lại không dấn thân. Đời sống của người tông đồ phải chấp nhận dấn thân, khó khăn, liều lĩnh, hiểm nguy.
Với lời mời gọi ra đi và dấn thân loan báo Tin Mừng, ta được mời gọi tiến thêm hơn nữa, đó là loan báo Tin Mừng qua đời sống chứng tá, nên thánh từng phút giây trong đời sống hằng ngày. Mỗi chị em chúng ta phải vượt ra khỏi cái tôi của mình, đến với mọi người trong thái độ kính trọng, hiền hòa, khiêm nhu và rao giảng Tin Mừng không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng những công việc phục vụ thiết thực, sống hết mình trong sứ vụ mà Cộng đoàn và Hội dòng trao phó, nhất là bằng chính đời sống phù hợp với Tin Mừng Chúa Kitô.
Trong các môi trường văn hóa xã hội chị em được sai đến cũng như ở các cộng đoàn, chúng ta phải sống làm sao cho người khác nhận ra nét đẹp của nữ tu Đức Mẹ Hiệp Nhất, dấn thân, hy sinh, hiền hòa, khiêm tốn. Chúng ta nhớ lại lời dạy của Đấng Sáng Lập và lời Đức Cha Cố Giuse Maria: “Có thể chúng con không giỏi giang như các dòng khác, nhưng chúng con phải vượt trổi hơn về sự khiêm tốn, hy sinh âm thầm, tận tâm phục vụ không cần ai biết đến”. Ngày nay chúng ta có xu hướng ngại hy sinh dấn thân, thích cuộc sống yên phận. Chúng ta cũng thiếu sự khiêm tốn trong lời ăn tiếng nói với nhau và với người khác. Cách cư xử với mọi người còn cứng cỏi thiếu bác ái, thiếu kính trọng và tế nhị nên không có sức cảm hóa.
- Ý thức được sai đi
Được thánh hiến cho Thiên Chúa trong Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất, chị em được mời gọi thực hiện lời cầu xin tha thiết của Chúa Giêsu:“Xin Cha cho hết thảy chúng được nên một, lạy Cha, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, xin cho chúng cũng trở nên một trong chúng ta, ngõ hầu thế gian tin là Cha đã sai Con”. Chị em tham dự vào sứ vụ của Chúa Giêsu, bằng cách xây dựng sự hiệp nhất qua cầu nguyện, lời nói, việc làm, phẩm chất của sự hiện diện, để ước nguyện “Xin cho chúng nên một” của Chúa Giêsu được thực hiện trong môi trường mà Thiên Chúa Quan Phòng ban cho chúng ta (Điều 60).
“Xin cho chúng nên một”. Đây là lời nguyện khẩn thiết của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha cho các môn đệ của mình. Chúa Giêsu cũng nêu gương mẫu hiệp nhất giữa Chúa Cha và Ngài. Và như thế, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta là môn đệ của Ngài, hãy hiệp nhất với nhau như Chúa Cha và Chúa Con là một. Qua đó, mọi người sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Thầy, đó là chúng ta yêu thương nhau.
Hội dòng và từng chị em ý thức được Chúa sai đi kiến tạo sự hiệp nhất nơi môi trường sống của mình. Ngày nay hận thù, chia rẽ, chiến tranh bạo động, sự ác lan tràn khắp nơi. Ơn gọi của chúng ta phải là nhân tố của sự yêu thương hiệp nhất, một ơn gọi thật cao quý. Tuy nhiên việc thực hành không dễ, chúng ta phải cầu xin ơn Chúa liên lỉ, để tình yêu Chúa lấp đầy con tim của chúng ta, không ai cho cái mình không có, sự hiệp nhất phải bắt nguồn từ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cầu nguyện tha thiết cho các môn đệ hiệp nhất với nhau. Lời cầu nguyện đặc biệt này là nguồn an ủi và động viên chúng ta thêm mạnh mẽ và can đảm làm chứng tá cho Ngài giữa cuộc đời này. Có hiệp nhất với Chúa Giêsu và nên một với Ngài thì mới phát sinh sự hiệp nhất với nhau. Hiệp nhất mang tính truyền giáo và truyền giáo nhằm mục đích hiệp nhất. Nếu ai hiệp nhất với Thiên Chúa thì sinh hoa kết trái dồi dào. Còn những ai không sinh hoa kết trái thì chính người ấy đã không sống trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Để kiến tạo sự hiệp nhất, trước hết ta phải bỏ đi những kiêu ngạo, ích kỷ, tự ái, tư lợi cá nhân, biết lắng nghe, thông cảm và tôn trọng mọi người.
Trong lời nguyện của Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta hãy đi sâu vào mối tương quan thân mật với Chúa Cha và với chính Ngài, bằng một đời sống nội tâm đầy tràn sức sống. Vì chính sự hiệp nhất trong một tình yêu duy nhất này, mới có sức xoá tan mọi bất hòa, chia rẽ, để tạo nên một bầu khí chan hòa yêu thương trong an bình và hiệp nhất.
Chúng ta cần nhớ 3 điều Đức Cha Giáo phận nhắc nhở Hội dòng và từng chị em trong ngày lễ Tạ Ơn 60 năm và lễ tuyên khấn của một số chị em.
- Cần thành lập ban cổ động ơn gọi,
- Huấn luyện giai đoạn học viện cho kỹ,
- Sám hối về những gì chúng ta chưa sống đúng với ơn gọi, và phải sống thế nào để mọi người nhận ra Chúa nơi đời sống của chị em.
Xin cho chúng ta nghe được tiếng Chúa dạy qua Đức Cha để mỗi chị em cố gắng sống thánh thiện, đó là ta đang thi hành sứ mạng Chúa sai đi và cũng là đáp lại những mong muốn của mọi người nhất là Đức Cha Giáo Phận luôn thao thức cho đời sống của chị em mỗi ngày sống tốt hơn, nhờ đó Hội dòng có thêm nhiều ơn gọi để phụng sự Chúa và phục vụ cho cách đồng truyền giáo nơi Giáo phận Bắc Ninh thân yêu này.
Gợi ý suy nghĩ và cầu nguyện
– Đời sống của tôi có thực sự trở nên chứng tá của Tin Mừng chưa? Tôi cần hoán cải như thế nào?
– Là một nữ tu Đức Mẹ Hiệp Nhất, tôi thao thức với tinh thần tông đồ và ý thức được sai đi như thế nào? Tôi phải làm gì để đáp lại điều Chúa và Giáo Hội mong muốn?
Tâm sự với Chúa Giêsu với Đức Mẹ và kết thúc kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng.
[1] x. Ga 3,14-15.
[2] x. Ga 19,30; 7,39.
[3] x. Cv 1,8.
[4] x. Lc 24,47.
[5] x. Mt 28,19.
BAN HUẤN LUYỆN
Tin cùng chuyên mục:
Tìm hiểu về Năm Thánh
Đề tài Tĩnh tâm Quí IV
Cáo phó ông cố Augustinô, thân phụ dì Anna Trần Thị Hải
Thấy Ơn Cứu Độ Của Thiên Chúa (08.12.2024 – Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C)