Tĩnh Tâm Tháng 3 – Quí I /2024

Để chuẩn bị năm thánh 2025, Chúa Nhật ngày 21/01/2024, trong giờ đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với mọi người hiện diện tại Quảng trường Đền thờ Thánh Phêrô: “Những tháng tới đây sẽ đưa chúng ta tới gần với việc mở Cửa Thánh và bắt đầu Năm Thánh. Tôi xin anh chị em gia tăng việc cầu nguyện để chuẩn bị tâm hồn chúng ta sống biến cố ân sủng này thật tốt đẹp, và cảm nghiệm sức mạnh của niềm hy vọng nơi Thiên Chúa. Vì vậy, hôm nay chúng ta bắt đầu Năm Cầu Nguyện, tức là một năm khám phá lại giá trị lớn lao và nhu cầu tuyệt đối của việc cầu nguyện trong đời sống cá nhân, trong đời sống Hội Thánh, và trong thế giới”.

Để cùng nhịp bước với Hội Thánh, Hội dòng chúng ta đi sâu vào đời sống cầu nguyện hơn. Chính vì vậy trong năm nay các đề tài tĩnh tâm quí sẽ là những đề tài về cầu nguyện.

Tĩnh Tâm Tháng 3 – Quí I /2024

HÃY CẦU NGUYỆN KẺO SA CHƯỚC CÁM DỖ

Lc 22, 31-34. 39-46

Khung cảnh: Chúa Giêsu sống đời cầu nguyện và truyền dạy ta cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.

Ơn xin: Xin ơn tỉnh thức luôn trung thành cầu nguyện và sống đời cầu nguyện. 

  1. Chúa Giêsu là con người của cầu nguyện.

Nhờ sự vâng phục sâu xa, Chúa Giêsu đã đến trần gian để cứu độ con người theo thánh ý Chúa Cha (x. Dt 10,4-7). Vì thế, Chúa thường xuyên gặp gỡ Chúa Cha qua cầu nguyện, để biết ý muốn của Cha mà thi hành. Ngài là người con hiếu thảo rất mực yêu mến Cha, nên việc kết nối mật thiết với Cha làm Ngài hạnh phúc. Trước khi thi hành sứ mạng rao giảng Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa bốn mươi ngày (x. Lc 4,2). Việc cầu nguyện với Cha là lương thực nuôi dưỡng trọn vẹn mọi khía cạnh trong đời sống của Ngài (x. Ga 4,34). Ngài đã cầu nguyện rất nhiều trong mọi khoảnh khắc của ngày sống và trọn cuộc sống: từ sáng sớm, lúc trời còn tối mịt (x. Mc 1,35) cho tới khi đêm về (x. Mc 6,46), khi chịu Phép Rửa (x. Lc 3,21), trước khi chữa bệnh  (x. Lc 5,16), thức suốt đêm cầu nguyện tuyển chọn các tông đồ (x. Lc 6.12-13), trước khi biến hình (x. Lc 9,28), khi dạy các môn đệ cầu nguyện (x. Lc 11,1), trước khi chịu Thương khó (x. Lc 22,39-46), trên Thánh giá (x. Lc 23,34.46).

Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là cầu nguyện, sống mật thiết với Chúa Cha “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10,38). Chúa Giêsu nên một với Chúa Cha “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30).

Nhờ cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cám dỗ trong cuộc đời.

  • Chiêm ngắm đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu dạy tôi điều gì?
  1. Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta. 

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa nói: “Simôn, Simôn ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.” (Lc 22,31-32). Chính khi các môn đệ yếu đuối, tình yêu của Chúa Giêsu không chấm dứt, nhưng còn trở nên mãnh liệt hơn. Cũng vậy, Chúa Giêsu biết tôi yếu đuối, Ngài cầu nguyện với Chúa Cha cho tôi để tôi khỏi mất lòng tin. Chính khi xác tín rằng: Chúa Giêsu luôn cầu nguyện cùng Chúa Cha cho tôi, sẽ làm cho tôi có sức mạnh để vượt qua thử thách và nâng đỡ tôi trong cuộc sống.  Trong Tin Mừng thánh Gioan chương 17, Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ: ”Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11). Chúa Giêsu đã cất lời cầu xin cùng Chúa Cha hãy gìn giữ các môn đệ mà Cha đã trao cho Ngài. Chúa Giêsu đã thấy trước những tương lai sắp đến với các môn đệ: những đau khổ gian truân, căm thù, ghen ghét, hành hạ, thử thách, cực khổ… Ngài cất lời cầu xin khẩn thiết với Chúa Cha cho môn đệ, cho thế giới hiệp nhất. Chúa Giêsu xin Chúa Cha thánh hóa các môn đệ của Ngài, để trong lúc sống giữa đời, họ vẫn giữ được sự thánh thiện sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian (x.Ga 17,16).

Chúa Giêsu hằng yêu thương và luôn cầu nguyện cho tôi, tôi đã làm gì cho Ngài, tôi đang làm gì cho Ngài và tôi sẽ làm gì cho Ngài?

  1. Cầu nguyện chúng ta sẽ được biến đổi như Chúa muốn.

Được làm con cái Thiên Chúa là đặc ân mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta. Thánh Gioan tông đồ khẳng định: “Chúa Cha yêu chúng ta đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1Ga 3,1). Để thực sự trở thành con cái Thiên Chúa, chúng ta phải yêu mến và thi hành ý muốn của Chúa Cha. Vì thế cầu nguyện là dẫn chúng ta đến việc thực hành điều Chúa dạy ta trong cầu nguyện. Cầu nguyện là mở lòng mình ra đón nhận ân sủng của Thiên Chúa để biết quan tâm đến những người xung quanh. Cầu nguyện đích thực sẽ giúp ta có được sự khôn ngoan, sáng suốt và quân bình để biết cách hành xử với người khác. Cầu nguyện có thể hàn gắn những rạn nứt và đổ vỡ trong tương giao với người khác, sẽ giúp ta biết khiêm tốn thấy mình còn nhiều thiếu sót bất toàn và nhận ra những điều tốt nơi người khác.

Việc cầu nguyện vô cùng ích lợi cho chúng ta, vì mỗi lần cầu nguyện là mỗi lần chúng ta đi vào tình hiệp thông với Thiên Chúa và để Chúa thực thi ý muốn của Ngài nơi cuộc đời chúng ta. Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta mở ra với tình yêu của Thiên Chúa và một khi đã sống cho Chúa thì chúng ta cũng sẽ yêu thương và hy sinh cho người khác. Giữa cuộc đời đầy những cám dỗ và thử thách, “ma quỷ như sư tử gầm thét luôn rảo quanh tìm mồi cắn xé”(1Pr 5,8). Nếu ta không trung thành cầu nguyện và nghiêm túc sống đời sống cầu nguyện, ta không thể vững bước trên con đường theo Chúa và cũng không thể thực hiện được những điều Chúa muốn nơi cuộc đời của ta.

Hằng ngày tôi vẫn giữ đủ giờ cầu nguyện, đời sống của tôi có được biến đổi như Chúa muốn không? Tại sao?

– Tôi cần chỉnh đốn lại đời sống cầu nguyện của tôi như thế nào? 

 => Tâm sự với Chúa và đọc kinh Lạy Cha với hết tâm tình yêu mến.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *