Đề tài tĩnh tâm tháng 4/2023

Tĩnh tâm tháng 4/2023

HC điều 38-41; Rm 12, 1-2

Giá trị của việc tuyên khấn theo Linh Đạo Hiệp Nhất

 

Khung cảnh: Suy nghĩ về việc tuyên khấn và những ơn lành Chúa ban trong đời sống dâng hiến.

Ơn xin: Xin ơn cảm nghiệm sâu xa tình yêu của Thiên Chúa đã chọn gọi, và xin ơn trung tín với điều mình tuyên khấn.

  1. Tuyên khấn, một hành vi của nhân đức thờ phượng

Tuyên khấn là hành vi của nhân đức thờ phượng, niêm ấn giao ước tình yêu thánh hiến giữa Thiên Chúa và người tu sĩ trong Đức Kitô. Ba lời khấn là ba khía cạnh của tiếng “Xin vâng” duy nhất, đáp lại ân huệ Thiên Chúa thánh hiến toàn diện con người chúng ta.

Qua Giáo hội và Hội dòng, chúng ta cam kết tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm, hiến dâng cho Thiên Chúa chính bản thân với nghị lực yêu thương, nhu cầu chiếm hữu và quyền tự do điều khiển đời mình. Đó là những lãnh vực chính yếu của cuộc sống con người.

Sự hiến dâng đời sống cách dứt khoát và công khai đòi hỏi chúng ta phải trưởng thành về mặt nhân bản và thiêng liêng, để có thể trung thành với giao ước tình yêu qua mọi thăng trầm và thử thách” (Điều 38)

Bước vào đời sống tu trì bằng lời tuyên khấn tự nguyện theo sát Chúa Giêsu Kitô, ta cam kết tận hiến cho Thiên Chúa một cách dứt khoát và toàn diện. Chính Chúa Giêsu là mẫu gương toàn hảo nhất và cuộc sống của Người khích lệ ta tiến bước, dù phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách. Khi ta cam kết tận hiến toàn thân cho Thiên Chúa, ta được ơn Chúa Thánh Linh soi dẫn, để dâng lên Thiên Chúa những gì Người đã ban tặng cho ta, làm cho cuộc sống của ta trở nên một của lễ, từ một thụ tạo được hiến thánh để dành riêng cho việc phụng sự Thiên Chúa xuyên suốt mỗi giây phút của cuộc sống ta. Việc tuyên khấn là một giao ước thánh thiêng và hoàn toàn tự do. Về phía Thiên Chúa chọn gọi và về phía con người đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, là một hành vi thuộc đức thờ phượng, vì khi tuyên khấn là ta khấn với Thiên Chúa chứ không phải với người phàm. Hành vi này là một việc thờ phượng cao cả, nên có giá trị đặc biệt, do đó khi khi ta không trung tín với điều mình tuyên khấn là ta xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng cực thánh và trung tín.

– Tôi sống giao ước tình yêu đối với Chúa như thế nào trong cuộc sống hằng ngày?

– Tôi hiến dâng cho Thiên Chúa chính bản thân với nghị lực yêu thương, nhu cầu chiếm hữu và quyền tự do điều khiển đời mình như thế nào?

  1. Giá trị pháp lý của việc tuyên khấn

Bằng lời tuyên khấn, chị em biểu lộ ý chí của mình muốn trở thành người của Thiên Chúa và Giáo hội, để làm công việc của Chúa và Giáo hội với ý thức trách nhiệm về điều mình tuyên khấn.

Lời khấn của chị em được Chị Tổng Phụ Trách hoặc chị đại diện nhận nhân danh Giáo hội, cho nên là lời khấn công.

Bằng lời tuyên khấn lần đầu, chị em trở nên thành viên của Hội dòng với những quyền lợi và bổn phận của người tuyên khấn tạm thời. Bằng việc tuyên khấn trọn đời, chị em gia nhập Hội dòng cách hoàn toàn và vĩnh viễn” (Điều 39).

Lời tuyên khấn trong đời sống thánh hiến là một lời cam kết có giá trị cao trọng và nó giải thoát ta khỏi những mối bận tâm lo lắng để tự do phụng sự Chúa. Làm cho cuộc đời ta trở nên của lễ toàn thiêu rất đẹp lòng Thiên Chúa, qua việc thực thi đức ái và dâng cho Chúa tất cả những gì tốt đẹp nhất.

Lời tuyên khấn bao trùm cả cuộc đời của người tu sĩ, tạo nên một cuộc sống mới, một trách nhiệm mới, ta trở thành người của Thiên Chúa và Giáo hội, được gia nhập vào đại gia đình tu sĩ trong Hội Thánh, để làm những công việc của Chúa và Giáo Hội ngang qua Hội dòng. Đã là người của Thiên Chúa thì cung cách hành xử của tôi phải mặc lấy cung cách hành xử của Chúa. Khi tuyên khấn tôi trở thành một thành viên của gia đình Hội dòng với những quyền lợi và trách nhiệm đối với gia đình này. Vì vậy tôi có bổn phận, trách nhiệm với gia đình Hội dòng, xây dựng Hội dòng ngày càng phát triển. Muốn làm cho gia đình Hội dòng lớn mạnh thì từng chị em phải cố gắng vươn tới sự thánh thiện trong chính cách ăn nết ở của mình. Thay vì đòi hỏi chị em và Hội dòng phải làm cho tôi điều này điều nọ thì hãy tự hỏi mình đã làm gì cho chị em và cho Hội dòng?

– Người khác đánh giá về cung cách sống của tôi như thế nào? Tôi có lắng nghe để biết mình là người của Chúa hay vẫn là người của thế gian?

– Tôi là người đòi hỏi hay là người đã sống hết mình với Chúa, hy sinh cho chị em và Hội dòng?  

  1. Công thức tuyên khấn
  • Khấn lần đầu

Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần,

Lạy Cha, Cha đã gọi con, T…, theo Chúa Giêsu,

Nhờ ơn Chúa Thánh Linh, con đã khám phá lời mời gọi của Cha và đã đào sâu ý nghĩa của ơn gọi thánh hiến trong Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất.

Giờ đây, để được theo sát Đức Giêsu Kitô hơn,

Trước mặt Đức cha T…, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh,

(hoặc cha T…, đại diện Đức Giám Mục Giáo phận Bắc Ninh,)

Trong tay chị T…, Tổng Phụ Trách Hội dòng,

Con xin tuyên khấn với Thiên Chúa Toàn Năng, sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục trong thời hạn một năm theo Hiến Chương của Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất.

Con xin phó thác đời sống con cho Hội dòng này, để cùng chị em bước đi trong Linh đạo Đức Mẹ Hiệp Nhất, theo gương Đức Trinh Nữ Maria phụng sự Thiên Chúa và yêu thương phục vụ mọi người.

Xin Cha ban Chúa Thánh Linh soi sáng, nâng đỡ con. Xin Đức Mẹ cùng các Thánh chuyển cầu cho con, được ơn trung thành với lời tuyên khấn, để thánh hóa bản thân, mưu ích cho Giáo hội và tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.

  • Khấn vĩnh viễn

Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần,

Lạy Cha, Cha đã gọi con, T…, theo Chúa Giêsu,

Nhờ ơn Chúa Thánh Linh, con đã khám phá lời mời gọi của Cha và đã đào sâu ý nghĩa của ơn gọi thánh hiến trong Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất.

Giờ đây, để được theo sát Đức Giêsu Kitô hơn,

Trước mặt Đức Cha T…, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh,

Trong tay chị T…, Tổng Phụ Trách Hội dòng,

Con xin tuyên khấn vĩnh viễn với Thiên Chúa Toàn Năng, sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục trọn đời theo Hiến Chương của Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất.

Con xin phó thác trọn đời sống con cho Hội dòng này, để cùng với chị em bước đi trong Linh đạo Đức Mẹ Hiệp Nhất, theo gương Đức Trinh Nữ Maria, phụng sự Thiên Chúa và yêu thương phục vụ mọi người.

Xin Cha ban Chúa Thánh Linh soi sáng, nâng đỡ con. Xin Đức Mẹ cùng các Thánh chuyển cầu cho con, được ơn trung thành với lời tuyên khấn, để thánh hóa bản thân, mưu ích cho Giáo hội và tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen. (Điều 40).

Trong lễ tuyên khấn, mỗi chị em cảm nghiệm sâu xa và xác tín mình được Chúa Thánh Linh soi sáng, nhận ra lời mời gọi của Chúa Cha để bước đi theo sát Chúa Giêsu trong Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất. Bằng sự tự nguyện với tất cả ý thức, tự do ta khấn giữ ba lời khuyên Phúc Âm để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Lời tuyên khấn không phải như một câu “thần chú” đọc xong là thành tu sĩ, nhưng là từng ngày ta giữ điều mình đã tuyên khấn với Thiên Chúa. Tuy vậy nhiều lúc ta không ý thức với điều mình tuyên khấn, ta cứ từ từ lấy lại những gì mình đã dâng cho Chúa để cho “cái tôi” ngày càng lớn dần lên và ta cũng từ từ loại Chúa ra khỏi cuộc đời của mình bằng những chọn lựa phản bội nho nhỏ hằng ngày. Chính vì thế, thay vì thánh hóa bản thân, mưu ích cho Giáo hội và tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi thì ta lại cảm thấy buồn chán, không hạnh phúc với điều mình đã tuyên khấn, hay phàn nàn kêu trách người này, hoàn cảnh nọ…. Như vậy ta không mang lại mưu ích cho Giáo hội và cũng không tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu mời gọi những ai theo Chúa là phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá hằng ngày mà theo Chúa (x.Lc 9,23-24). Có khi ta chưa bỏ hẳn đời tu nhưng đời sống của ta không hạnh phúc. Lý do ta chưa sống đúng với giá trị của đời tu, sống hời hợt, chỉ khi nào ta sống đúng với những đòi hỏi của đời tu ta mới hạnh phúc thật. Niềm vui đích thực của đời dâng hiến là niềm vui có Chúa, muốn có Chúa thì phải hủy mình để đi con đường của Chúa Giêsu đã đi.

– “Điều khấn hứa cùng Ngài phải lo giữ trọn” (Tv 64, 2). Tôi có sống trọn điều mình đã khấn hứa với Chúa chưa? Tôi cần phải làm gì để sống trọn lời khấn?

   

  1. Nghi thức tuyên khấn

     “ Đức Giám Mục Giáo phận Bắc Ninh đích thân hoặc ủy quyền cho vị đại diện cử hành thánh lễ khấn dòng.

 Chị Tổng Phụ Trách đích thân hoặc ủy quyền cho chị đại diện nhận lời khấn của chị em.

Chị em tuyên khấn theo nghi thức của Hội dòng:

Trong lễ khấn lần đầu có nghi thức trao Hiến Chương.

Trong lễ khấn trọn đời, có nghi thức trao nhẫn Giao ước.

Những chị sau đây phải ký vào sổ chứng thư Tuyên khấn:

 Chị Tổng Phụ Trách hay chị đại diện nhận lời khấn

 Khấn sinh

Chị Giám sư Học viện

Chị Tổng thư ký(Điều 41).

Vì sự cao cả của việc tuyên khấn nên nghi thức khấn lần đầu, khấn trọn đời được tổ chức trong Thánh lễ. Hội dòng thuộc quyền Giáo phận nên Đức Giám Mục Giáo phận Bắc ninh đích thân cử hành Thánh lễ hoặc ủy quyền cho vị đại diện cử hành thánh lễ khấn dòng. Chị Tổng Phụ trách nhận lời tuyên khấn: “Nhân danh quyền bính đã được Giáo Hội và Hội dòng trao cho để nhận lời tuyên khấn thánh hiến của chị em, tha thiết dâng chị em cho Thiên Chúa, để chị em hoàn thành việc dâng hiến với Hy Lễ Thánh Thể. Vậy, chị em hãy trung tín với lời tuyên khấn, và chu toàn sứ mạng mà Hội Thánh và Hội dòng đã ủy thác cho chị em”.

Ta được thánh hiến cho Thiên Chúa qua lời khấn dòng không phải vì công trạng của ta nhưng chỉ vì Chúa yêu ta cách nhưng không. Thiên Chúa Đấng thánh thiện cao cả ngàn trùng, đã hủy mình để ký kết giao ước tình yêu với ta là một thụ tạo mong manh, thấp hèn, tội lỗi.

Ta ký kết giao ước tình yêu với Thiên Chúa bằng việc ký chứng thư tuyên khấn.

Chúa dùng các trung gian để ký kết với ta:

Đức Giám Mục trao Hiến chương, trao nhẫn giao ước, ký chứng thư tuyên khấn.

Chị Tổng Phụ trách nhân danh Giáo Hội và Hội dòng nhận lời tuyên khấn, dâng chị em cho Thiên Chúa với Hy lễ Thánh Thể, ký chứng thư tuyên khấn.

Các chị làm chứng ký chứng thư.

Ta được làm con Thiên Chúa, được làm tu sĩ, Chúa Giêsu đã phải trả giá bằng cái chết trên thập giá. Muốn trung tín với điều mình đã tuyên khấn ta hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu chết treo lơ lửng trên thập giá, chính Chúa sẽ dạy ta sống như thế nào để nên giống Chúa. Đời sống của ta cũng phải trở nên của lễ toàn thiêu dâng Chúa  “Không phải cứ mặc chiếc áo dòng hoặc được người ta gọi bằng ‘Dì’ là đã thành nữ tu đâu, nhưng ta phải sống ‘hẳn hoi’”. (trích lời giảng của Đức Cha phó ngày 31.3). Như vậy tất cả mọi suy nghĩ, nói năng và hành động mỗi ngày của ta phải ‘hẳn hoi’ để nên giống Chúa Giêsu, ta mới thực sự là một nữ tu Đức Mẹ Hiệp Nhất. Nếu không sống “hẳn hoi” ta chỉ là nữ tu giả, khi đến trình diện trước Chúa Giêsu thì ta sẽ nhận được câu trả lời của Chúa Giêsu“ Ta không biết các ngươi…” (x. Mt 7, 21-27).

Tôi cần phải điều chỉnh đời sống  như thế nào để tôi là một tu sĩ hẳn hoi của Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất?

 

Tâm sự : Lạy Chúa Giêsu, sống cho Chúa thật là điều khó. Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con. Chúa đòi con cho Chúa tất cả, để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa. Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa, để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa. Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà, để cây đời con sinh thêm hoa trái. Chúa cương quyết chinh phục con, cho đến khi con thuộc trọn về Chúa. Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan. Để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt. Ước gì con cảm nghiệm được rằng. Trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. Amen (trích.RABBOUNI, 30).  

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *