HC điều 55- 58; Rm 12, 1-21
Chia sẻ trong tình liên đới, tương quan với gia đình và ân nhân
Khung cảnh: Nhìn lại đời sống của tôi đối với các mối tương quan cộng đoàn, gia đình và ân nhân.
Ơn xin: Xin Chúa ban ơn để hiểu đúng giá trị của các mối tương quan và biết sống các mối tương quan tốt đẹp theo như Chúa mong muốn.
- Chia sẻ trong tinh thần liên đới (HC điều 55)
- 1. Chị em hãy yêu mến cộng đoàn mà mình đang là thành viên, đem hết sức lực xây dựng cộng đoàn đó như là chính gia đình của mình theo tinh thần Hiến Chương, và chu toàn trách nhiệm của mình đối với cộng đoàn trước khi đòi hỏi các quyền lợi.
Hiến chương mời gọi chị em hãy yêu mến cộng đoàn mình đang sống, đem hết sức lực xây dựng cộng đoàn, cộng đoàn chính là gia đình thật của mình. Vì vậy mỗi chị em đem hết sức lực để chu toàn trách nhiệm đối với cộng đoàn trước khi đòi các quyền lợi.
Chị em chúng ta được quy tụ với nhau nhờ tiếng gọi của Chúa Giêsu, để cùng làm nên một gia đình mới Chúa, chính Chúa là Chủ của gia đình này, vì thế ta, cần đem hết sức lực để xây dựng cộng đoàn, đón nhận tất cả những gì Chúa trao, dù điều đó có phù hợp theo ý của mình hay không. Có lúc, không được theo ý mình, ta rất khó chịu và dễ có phản ứng lạ. Ta nên đặt mình vào những hoàn cảnh và tình trạng thực tế của cộng đoàn để hiểu và dễ dàng đón nhận những điều đang xảy ra hằng ngày trong đời sống chung. Những khó khăn, vất vả, nếu ta cùng nhau đồng cam cộng khổ thì đó là cơ hội tốt để ta tập luyện nhân đức. Điều đáng sợ nhất của một cộng đoàn là: không có người hy sinh dấn thân mà chỉ đòi hỏi quyền lợi. Vì nếu cộng đoàn không còn người nhiệt thành, hy sinh dấn thân thì cộng đoàn ấy sẽ tàn lụi dần. Do đó, sự tham gia và dấn thân cách tích cực của từng chị em chính là nguồn sức sống cho cộng đoàn.
- 2. Hãy ý thức rằng mỗi chị em trong cộng đoàn là do Thiên Chúa gửi đến, chứ không do mình lựa chọn theo ý muốn riêng tư. Vì vậy, hãy chấp nhận và thông cảm với con người thực tế của chị em:
10 Trong tâm tình biết ơn đối với một ân huệ Chúa ban để bổ túc, thanh luyện và xây dựng cho ta; ngay cả khi người chị em trở thành một thánh giá;
20 Trong ý thức trách nhiệm đối với bổn phận Chúa giao phó là gìn giữ từng chị em và giúp mỗi người phát triển tiềm năng của mình;
30 Đón nhận trong tinh thần đồng trách nhiệm, cùng với mọi chị em chu toàn sứ mạng của Hội dòng đối với Giáo hội và xã hội.
Mỗi chị em là một quà tặng vô giá, một kỳ công rất độc đáo của Thiên Chúa ban tặng cho Hội dòng và cho từng chị em. Nhưng mỗi người còn đầy giới hạn, yếu đuối và tội lỗi. Vì vậy ta cần phải nhận ra sự giới hạn, yếu đuối, tội lỗi của mình, đồng thời cần có sự kiên nhẫn, lòng trắc ẩn và sự cảm thông đối với người khác. Muốn sống tốt với nhau thì phải bỏ đi những thành kiến không tốt về nhau. Khi con người sống chung với nhau là có những vấn đề nảy sinh: hiểu lầm, nghi kỵ, nghĩ xấu về nhau, cần phải có sự đối thoại, lắng nghe, tôn trọng và tin tưởng nhau. Cộng đoàn không phải là một cái gì đó cố định, khi đã tồn tại rồi thì tồn tại mãi, nó cần được xây dựng, vun đắp mà mỗi người phải góp một tay. Khi xảy ra những xung đột, cũng cần phải có sự hoà giải và tha thứ (x.Mt 18,22). Lệnh truyền của Chúa Giêsu “tha đến bảy mươi lần bảy” làm ta liên tưởng đến một con tim vô cùng rộng mở cùng với một sự kiên nhẫn không bờ bến dành cho người chị em của mình. Nhưng tha thứ không phải dễ, tự sức ta không thể làm được, ta phải cầu nguyện thật nhiều để cảm nhận được tình yêu của Chúa đã tha thứ cho bản thân, thì đến lượt mình cũng phải tha thứ cho chị em. Trong cộng đoàn, ta phải biết đón nhận nhau dù khác nhau về tuổi tác, trình độ, công việc, tính tình, sở thích, nhưng phải luôn có tinh thần phục vụ lẫn nhau (x.Mt 18,1; 20,26-28).
Trong tinh thần đồng trách nhiệm, chị em giúp nhau chu toàn sứ mạng với những vai trò, công việc được trao phó. Mỗi chị em khi làm việc đều nhân danh Hội dòng và kết quả thuộc về Hội dòng. Chúng ta phải kiến tạo được tinh thần đồng trách nhiệm vượt qua từ cái “tôi” sang cái “chúng ta”, “cái tôi” nhỏ lại để làm cho “cái chung” lớn lên, từ “cộng đoàn làm gì cho tôi” sang “tôi đã làm gì cho cộng đoàn”.
- 3. Tinh thần liên đới đòi hỏi chị em:
10 Chia sẻ cho nhau của cải vật chất, tinh thần: niềm vui, nỗi buồn, tin tức và kinh nghiệm.
20 Hãy đón nhận những thành công hoặc thất bại của chị em như của chính mình;
30 Giúp nhau cùng trưởng thành trên ba bình diện: nhân bản, Kitô-hữu và tu sĩ, để trung thành với giao ước sống đời thánh hiến trong linh đạo Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất.
40 Cẩn mật bảo vệ đời sống riêng của cộng đoàn và Hội dòng:
Chỉ trình bày các vấn đề của cộng đoàn và Hội dòng với những người có thẩm quyền trong Hội dòng và Giáo hội;
Khi bàn hỏi với những người khôn ngoan và đáng tin cậy khác, nhằm phương thế tích cực xây dựng Hội dòng hay cộng đoàn, vẫn phải giữ mức độ cẩn mật, tế nhị cần thiết để khỏi phương hại tới thanh danh chị em.
Thánh Phaolô dạy chúng ta phải chia sẻ những điều thiện, những gì tốt nhất cho người khác và cho cộng đoàn (x.1Tx 5, 15). Những hiểu biết thu được chỉ là tạm thời và nó dễ dàng vuột khỏi tâm trí ta, nếu có dịp chia sẻ, chúng sẽ ở lại với ta lâu dài hơn và có thể là vĩnh viễn. Hơn nữa, khi chia sẻ với chị em về một điều gì, là chúng ta đưa điều đó ra làm của chung, lúc đó ta sẽ cảm nhận cuộc sống thú vị hơn, một sự chung chia những “tài sản quý báu” đến từ kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, việc chia sẻ phải được thực hiện cách thích hợp và chân thành, không thể là sự áp đặt lên người khác ý muốn của mình, nhưng là trao tặng những kinh nghiệm quý báu trong tinh thần xây dựng nếp sống chung. Trong các buổi chia sẻ, đừng sợ bị đánh giá, sợ đụng chạm, giữ im lặng hoặc ậm ừ cho qua, nhưng biết cởi mở để mang lại một bầu khí chan hòa yêu thương trong cộng đoàn. Chị em chia sẻ và đón nhận những thành công, thất bại, niềm vui, nỗi buồn của nhau, vì thành công, thất bại của mỗi chị em đều ảnh hưởng chung tới cộng đoàn.
Chị em sống tế nhị với nhau, giữ sự cẩn mật trong cộng đoàn, không đem chuyện của chị em và cộng đoàn nói với người ngoài, vì như vậy sẽ phá vỡ cộng đoàn và gây ra sự nghi ngờ chị em.
- 1. Cộng đoàn, nhất là chị Phụ trách, hãy quan tâm cung ứng các nhu cầu tinh thần và vật chất cho từng chị em một cách hợp lý hợp tình, để chị em đạt được mục đích ơn gọi của mình.[1]
- 2. Hãy dành tình yêu thương và sự chăm sóc đặc biệt cho:
10 Chị em sống xa cộng đoàn hoặc đang gặp khó khăn, đau khổ trong tâm hồn;
20 Chị em già yếu, bệnh tật, nhất là lo liệu cho chị em sắp qua đời chịu các bí tích và đón nhận cái chết một cách lành thánh.
- 3. Chị Phụ trách tạo điều kiện cho chị em trong cộng đoàn sinh hoạt chung với nhau và với những cộng đoàn khác, để tăng cường sự hiệp thông, mở rộng kiến thức và giải trí lành mạnh.
Trong lời tuyên khấn, chị em phó thác đời sống mình cho Hội dòng để cùng chị em bước đi trong linh đạo hiệp nhất. Chị em bỏ gia đình ruột thịt để sống trong gia đình thiêng liêng. Vì vậy cộng đoàn, nhất là chị Phụ trách quan tâm cung ứng các nhu cầu tinh thần và vật chất cho chị em cách hợp tình, hợp lý để chị em cảm nghiệm được cộng đoàn chính là gia đình thật và sống hạnh phúc trong ơn gọi của mình.
Cộng đoàn dành tình yêu thương, sự chăm sóc đặc biệt cho chị em sống xa cộng đoàn và chị em đang gặp khó khăn, đau khổ trong tâm hồn, chị em già yếu, bệnh tật. Tuy nhiên chị em cần sống sự trưởng thành của đời tu, dâng những khó khăn, đau khổ, bệnh tật để kết hợp với sự đau khổ của Chúa như một của lễ hy sinh, khiêm tốn đón nhận sự chăm sóc của cộng đoàn, không đòi hỏi sự chăm sóc theo kiểu người đời.
Để tăng cường sự hiệp thông, chị em có thể sinh hoạt chung với chị em trong các cộng đoàn khác, tùy vào sự sắp xếp của các cộng đoàn.
- 1. Mỗi cộng đoàn phải có một khu vực dành riêng cho chị em, được xem như nội vi để diễn tả sự cách biệt thế gian[2] và tạo khung cảnh thuận lợi cho việc cầu nguyện, suy nghĩ và nghỉ ngơi. mọi hoàn cảnh, khi ở nhà cũng như lúc đi ra ngoài, điều then chốt là mỗi chị em tự tạo cho mình một nội vi trong tâm hồn, để lòng trí luôn hướng về kho tàng[3] duy nhất là chính Đức Giêsu.
- 2.Nội vi do chị Phụ trách ấn định với sự biểu quyết của Tu nghị Cộng đoàn. Quyết định này phải được trình lên chị Tổng Phụ Trách. Khi có lý do chính đáng, chị Phụ trách cộng đoàn có thể mở nội vi, từng lần một.
Giáo hội luôn khôn ngoan đặt để cho con cái những phương tiện cần thiết. Giáo luật 1983 viết: “Việc các tu sĩ phải làm chứng công khai cho Đức Kitô và cho Giáo Hội bao hàm sự xa cách thế gian là điều hợp với đặc tính và mục tiêu của mỗi tu hội” (đ. 607§3).
Với không gian riêng biệt, ta tránh khỏi những giao tiếp với người ngoài cộng đoàn khi không cần thiết. Trong không gian nội vi đó, ta có được sự thinh lặng cần thiết cả bên trong lẫn bên ngoài để phát triển tình thân với Thiên Chúa hơn. Trong thinh lặng, ta không xa lánh con người đồng thời của mình, nhưng luôn liên kết mật thiết với họ trong sự hiệp thông thiêng liêng mà chính Thiên Chúa là nguồn nối kết đích thực.
Trong thực tế của xã hội ngày nay, ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tiếng ồn bên ngoài đặc biệt là phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Nếu chỉ giữ những luật nội vi bên ngoài thì chưa đủ. Ta được mời gọi giữ nội vi tâm hồn là sự thinh lặng của con tim. Nơi đó, ta thực sự gặp được Chúa, tìm thấy mình và sống chan hòa với chị em. Những kỷ luật mang tính pháp lý bên ngoài có không gian thinh lặng thật sự, sẽ mang lại ích lợi thiêng liêng cho tâm hồn và trở thành lối sống mang tính “ngôn sứ” loan truyền Danh Chúa và sự bình an cho con người ngày nay.
- 1.Lời khấn tháp nhập chị em vào gia đình thiêng liêng là Hội dòng và tạo cho chị em một thế đứng mới trong tương quan với gia đình ruột thịt. Do đó, lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và thân nhân phải được biểu lộ bằng cách thức phù hợp với người tu sĩ:
10 Chị em giúp đỡ gia đình ruột thịt chủ yếu bằng lời cầu nguyện, sự an ủi tinh thần và gương sáng tông đồ;
20 Thăm viếng gia đình theo quy định của Nội Qui;
30 Khi thực sự cần về phụng dưỡng cha mẹ già yếu, neo đơn hoặc giúp đỡ vật chất, hãy đơn sơ trình bày với bề trên và cộng đoàn.
- 2. Đối với thân nhân của chị em và ân nhân của Hội dòng, cộng đoàn ân cần tiếp đón, thăm viếng và tận tình giúp đỡ khi cần thiết, nhất là lúc ốm đau hoặc gặp hoạn nạn.
Chị em giúp đỡ gia đình ruột thịt chủ yếu bằng lời cầu nguyện, sự an ủi tinh thần, gương sáng tông đồ và nhất đời sống thánh thiện của chị em. Đó là điều cha mẹ, anh chị em trong gia đình mong muốn ở nơi mỗi chị em chúng ta.
Các mối tương quan với gia đình và ân nhân đã được quy định trong Nội Qui điều 11,12, 21,22,23. Tuy nhiên mỗi chị em chúng ta không nệ luật một cách cứng nhắc, nhưng trên hết mọi sự, ta luôn tìm vinh danh Chúa, vì lợi ích chung của cộng đoàn, bác ái với tha nhân. Để làm được điều này ta phải bỏ ý riêng, hy sinh bản thân.
Suy nghĩ & cầu nguyện
- Tôi sống tình liên đới với chị em trong Hội dòng như thế nào? Tôi cần điều chỉnh như thế nào để sống đúng với Hiến Chương và Nội Qui của Hội dòng?
- Tôi tôn trọng luật nội vi như thế nào? Tôi có tạo cho mình một nội vi trong tâm hồn, để lòng trí luôn hướng về kho tàng duy nhất là chính Chúa Giêsu không? Hay tôi để cho mình bị cuốn hút vào những sự ồn ào bên ngoài đặc biệt là phương tiện truyền thông, mạng xã hội?
- Tôi sống các mối tương quan với gia đình và ân nhân thế nào? Tôi cần chỉnh đốn điều gì?
[1] x. GL 607.
[2] x. GL 607 §3; 667 §1; ĐSTH 59.
[3] x. Lc 12,34.
Tin cùng chuyên mục:
Tìm hiểu về Năm Thánh
Đề tài Tĩnh tâm Quí IV
Cáo phó ông cố Augustinô, thân phụ dì Anna Trần Thị Hải
Thấy Ơn Cứu Độ Của Thiên Chúa (08.12.2024 – Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C)