Tôi có biết tôi?

Có lẽ khi bạn đọc tựa đề này bạn sẽ thấy nó thật tầm thường. Có thể bạn sẽ lướt qua vì nó chả có gì thú vị. Đúng, nó tầm thường thật vì nó được viết bởi một suy tư cũng tầm thường và  bởi tác giả cũng tầm thường vì chưa có kinh nghiệm sâu sắc trong cuộc đời. Nhưng thật vui khi bạn một lần để ý đến nó và có bỏ qua thì cũng chẳng sao vì cuộc sống vẫn thật tốt đẹp.

Hôm nay là thánh lễ an táng của một vị linh mục lớn tuổi: 85 năm tuổi đời, 45 năm thiên chức linh mục. Thánh lễ an táng nhưng tôi chẳng thấy có không khí của sự ai oán ly biệt. Khăn tang, cờ quạt tang chế có đủ nhưng tâm hồn ai cũng mừng vui. Thật là một sự bất thường đến kì lạ. Ai đến đám tang cũng nở nụ cười và chúc mừng gia đình tang quyến: “Xin chúc mừng vì một sự ra đi nhẹ nhàng”. Linh cữu của ngài được để ở giữa gian cung thánh nhà thờ. Người ta đến viếng xác mà nhẹ nhàng như đến thăm hỏi ngài…Bầu khí phụng vụ áp ngày lễ Chúa thăng thiên với hoa trắng, áo lễ trắng lại càng làm cho người ta như đến tham dự thánh lễ tạ ơn mừng tân gia của cha cố nơi Thiên Đàng. Vị linh mục già móm mém, bước chân chậm chạp vì sức khỏe ngày một yếu nhưng ngài chưa bỏ một thánh lễ, chưa bỏ một bữa cơm nào…Bao nhiêu cha, bao nhiêu tu sĩ, bao nhiêu bà con giáo dân đến hiệp dâng trong thánh lễ cuối cùng của ngài. Ai cũng ước được chết như thế. Đến chị nữ tu hơn 80 tuổi không tham dự được mà chỉ nghe kể lại cũng thốt lên: “Chết như thế ai chả muốn chết”.

Tham dự thánh lễ đó, điều gì để lại trong tâm hồn bạn? Phải chăng đó là hình ảnh một cụ già móm mém đã về nhà hưu. Tôi có thể dám chắc với bạn, chẳng ai ngồi đó nhận định về một cụ già như thế, mà hiện lên trong tâm trí mỗi người một lời tạ ơn Chúa vì 85 năm quăng mình giữa một cuộc sống đầy khó khăn. Chẳng biết cha đã can trường ra sao nhưng qua bao khúc bi thương, cha vẫn vui tươi hiện diện cùng giáo phận. Và nếu để ý từ lúc cha nằm xuống cho đến khi đưa tiễn cha ra vườn thánh, chỉ coi thời tiết thôi thì đến người lương dân xung quanh cũng cho rằng ông này có hậu. Nét riêng nhất của cha đã về với Chúa và ở lại cùng tha nhân.

Tôi biết tôi sẽ ra sao? Đời dâng hiến ai cũng đã nói “xin cho con từ bỏ cái tôi của mình”. Những năm đầu của đời tu, tôi đã hiểu từ bỏ cái tôi là đào bới, là đào làm sao cho nó bật rễ và vứt cái tôi của mình theo đúng nghĩa đen. Nhưng càng tu tôi càng quan tâm đến cái tôi của mình. Càng ở lại với Chúa tôi thấy mình càng phải để ý đến nó. Thật nực cười phải không ạ? Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta phải từ bỏ mình cơ mà. Thưa, sự từ bỏ ở đây khác so với những năm đầu đời tu. Dù hiểu biết tâm lý còn giới hạn, nhưng nhận định riêng, cái tôi là bản ngã của con người, là nét riêng nhất trong linh hồn mà Thiên Chúa đã đặt để. Nó vô cùng quan trọng và lớn lên tùy thuộc vào chọn lựa của mỗi cá nhân. Nếu bạn quan sát bất cứ hạt gì, bạn đều thấy có phần vỏ, phôi và chất dinh dưỡng dự trữ. Nôm na, chính phần phôi đó, quyết định hạt đó là cây xoài, na, nhãn, mít. Hạt lớn lên bởi tất cả những gì bao bọc: dưỡng chất trong hạt, đất, nước, khí hậu, ánh sáng…

Cái tôi cá nhân thể hiện bạn là chính bạn chứ không phải ai khác. Bước vào cuộc đời, bạn là một đứa trẻ, lớn dần bạn đẹp rạng rỡ ở tuổi thanh niên thiếu nữ, rồi ập đến là những vết chân chim, đồi mồi và hoa râm. Một ngày nào đó, sinh lão bệnh tử hỏi thăm bạn. Bạn biết những điều đó sẽ đến, nhưng điều gì làm bạn luôn có giá trị? Thưa là nhân cách, là cách bạn nhìn nhận và rèn luyện cái tôi của mình thật tốt. Hành trình cuộc đời của bạn diễn ra và chọn lựa bao nhiêu kiến thức, bao nhiêu mối tương quan, bao nhiêu nhận định về cuộc sống là bấy nhiêu dưỡng chất cho cái tôi lớn lên. Nó nhập vào mình cả điều tốt lẫn điều xấu một cách nhanh chóng qua lăng kính cuộc sống muôn hình vạn trạng của bạn. Khi mới tập tu, bạn hay để ý nó và điều khiển để loại bỏ ngay những cái xấu. Lúc này, bạn dễ nói lời xin lỗi, cảm ơn vì cái tôi của bạn còn đang khao khát được phát triển tốt lành. Bước sang những năm của lời khấn, bạn nhận thấy điều khác biệt rõ ràng. Lúc này, bạn có nhiều hiểu biết hơn, bạn có kinh nghiệm về cuộc sống nhiều hơn, bạn có suy nghĩ, cách làm riêng của mình. Cái tôi đã vững vàng hơn. Bạn sẵn sàng đưa ra quan điểm tranh luận và đóng góp ý kiến với mọi người. Càng trưởng thành, bạn thấy cái tôi cũng phát triển. Bạn tự tin thể hiện chính mình, bỏ qua những mặc cảm để dấn thân trong những sứ vụ có khi bạn chẳng nghĩ mình làm được. Bạn đã dám đứng trước đám đông, dạy hát, đệm đàn hay trình bày ý tưởng cách mạch lạc… Nhưng nếu không để ý hôm nay “Tôi ra sao” bạn sẽ dễ đi lầm đường vô cùng. Bạn dễ dàng nhận định về người khác mà không biết nhận định về mình. Khi chủ nghĩa cá nhân mỗi ngày được đề cao, người khác góp ý, bạn dễ dàng đưa kinh nghiệm của mình lên trên hết và phản ứng tiêu cực hoặc tranh luận như một giáo sư dạy đời. Bạn giống như một triết gia nói về triết lý của cuộc sống bằng những kinh nghiệm hết sức quý báu của mình cho người khác. Và nếu không tự nói triết lý cho chính mình bằng sự hồi tâm mỗi ngày, để đưa cái tôi của bạn vào một khuôn khổ của Đức Giêsu, thì bạn sẽ là thầy bói cho người khác mà không bói được cho mình. Khi khó khăn xảy đến, bạn than van, trách móc về cuộc sống, về thực tại…Lúc này, bạn vô tình đẩy đưa cái tôi lên đỉnh cao và thất bại thì đánh vùi dập nó trong nỗi buồn. Bạn dễ than van về sứ vụ khó khăn. Bạn dễ nhìn công sức của bạn bỏ ra thật  vất vả: bao nhiêu sương gió, bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu lần mất tiếng khản cổ…mà bỏ quên đi “tôi làm được gì là do Thiên Chúa”. Nhận ra giá trị đúng của mình thì bạn được niềm vui tham dự vào sứ vụ của Chúa đổ đầy hơn tất cả mấy thứ xét về thể lý kia.

Tôi đã ngạc nhiên, trong một lần đến với phép Hòa Giải, vị linh mục còn rất trẻ đã khuyên sự hoán cải thật sự không phải là tháng nào cũng đi xưng thú tội lỗi, nhưng là ở quyết tâm và thực hành để từ bỏ. Điều đó thực hiện được khi con thực hành nghiêm túc giờ xét mình cuối ngày. Hồi tâm hay xét mình là thời gian để bạn và tôi nhìn lại cái tôi của mình ra sao và xin ơn Chúa điều chỉnh lại. Có thế, mỗi chọn lựa trong ngày sống mới có những hoa trái tốt lành cho chính bạn và tha nhân.

Cái tôi vẫn lớn lên theo bạn hằng ngày và là nét độc đáo riêng nhất của bạn. Bạn trân quý nó và từ bỏ theo nghĩa cắt tỉa mỗi ngày để không nhiễm những thói đời. Mặt khác, bạn chuyên tâm đi theo con đường âm thầm của Thầy Chí Thánh. Bạn quên mình đi để không tìm vinh quang danh dự cho mình mà quy về Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên bạn với hết cả lòng biết ơn. Như vị linh mục kia, một ngày nào đó chúng ta cũng nắm chắc cái chết trong tay. Nhưng ít ai để ý mỗi ngày cái tôi của mình ra sao. Liệu người ta có thể nhận định bạn tốt lành như vị cha già kính yêu? Nếu mỗi ngày bạn chọn chăm sóc cái tôi ra sao và để ý nó như thế nào thì bạn đích thực là “kẻ hành hương của hy vọng” đầu tiên trong năm thánh 2025 này!

Maria Matthia, Học viện Đức Mẹ Hiệp Nhất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *