TUẦN CỬU NHẬT KÍNH CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

HỘI DÒNG ĐỨC MẸ HIỆP NHẤT CỬ HÀNH

TUẦN CỬU NHẬT

KÍNH CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Từ 15/05 – 23/05/2021

 Chủ đề: NĂM THÁNH GIUSE: “TRÁI TIM CỦA NGƯỜI CHA

 

Kính thưa cộng đoàn !

Hôm nay, chúng ta bắt đầu bước vào Tuần Cửu Nhật mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, cũng là ngày lễ đặc biệt của Hội dòng bởi Chúa Thánh Thần chính là nguồn cội và là sức mạnh dẫn đến sự hiệp nhất trong Giáo hội mà Hội dòng đã được Chúa ủy thác làm cho ĐẶC SỦNG này trở nên sống động trong Giáo Hội hôm nay. Trong bầu khí mừng Chúa Lên Trời và chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Cũng là dịp kỷ niệm năm thứ 150 ngày Đức Chân Phước Piô IX tôn vinh Thánh Giuse là Bổn Mạng của Giáo Hội Hoàn Vũ, cùng với toàn thể Hội Thánh cử hành Năm Thánh Giuse: bắt đầu từ ngày 8 tháng 12 năm 2020 tới ngày 8 tháng 12 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông Thư “ Trái Tim Người Cha” (Patris Corde). Trong bầu khí thánh thiêng chuẩn bị cho lễ ngày lễ đặc biệt “Chúa Thánh Thần Hiện Xuống” của Hội dòng, chị em cùng với Giáo Hội hoàn vũ học hỏi và chiêm ngắm cách đặc biệt hình ảnh của thánh cả Giuse, một người luôn lắng nghe và thực hành theo sự chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần đã được Đức Thánh Cha Phanxico tôn vinh trong tông thư với 7 tấm gương sau: “Người cha được các tín hữu yêu mến, Người cha dịu dàng, Người cha vâng lời Thiên Chúa, Người cha của sự chấp nhận, Người cha can đảm sáng tạo, Người cha lao động và Người cha luôn là bóng mát che chở”. Nguyện ước cho mỗi người chị em trong Hội dòng, khi chiêm ngắm hình ảnh một người Cha hiền của Chúa Giêsu khi ở trần thế, một người bạn tuyệt vời của Đức Maria, cảm nghiệm được sự gần gũi và nâng đỡ. Học nơi cha thánh nhân đức về sự lắng nghe trong khiêm nhường và vâng phục trong Thần khí.

Được mang danh hiệu “Đức Mẹ Hiệp Nhất” chúng ta cùng cầu xin thánh Giuse và Đức Maria hiện diện trong “gia đình Hiệp Nhất” để cùng với Mẹ và Cha thánh Giuse chúng ta tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến xin Ngài soi sáng, hướng dẫn, đổi mới cá nhân từng người và cả Hội dòng luôn bước đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, qua việc sống Đặc sủng, Linh đạo ơn gọi Đức Mẹ Hiệp Nhất trong sự khiêm nhường đơn sơ, sống tình huynh đệ chân thành, sự thứ tha và hòa giải, loại trừ những mầm mống gây chia rẽ.

Xin Chúa Thánh thần đốt lên trong lòng chúng ta ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa và lòng nhiệt thành phục vụ tha nhân, để chúng ta trở nên những chứng tá của sự hiệp nhất trong cộng đoàn và trong môi trường chúng ta hiện diện. Nhờ đó chúng ta mới có thể đi loan báo tình thương của Chúa cho tha nhân bằng chính tình thương Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Trong suốt tuần cửu nhật mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, trước mọi giờ kinh trong ngày chúng ta đều bắt đầu bằng bài hát (hoặc kinh Chúa Thánh Thần).

 

 

NGÀY THỨ NHẤT

Thứ bảy, ngày 15 tháng 5 năm 2021

Cùng Với Thánh Giuse Chúng Ta Tạ Ơn Chúa Đã Ban Thánh Thần Cho Giáo Hội

 

* Ý cầu nguyện: Hôm nay, ngày thứ nhất của Tuần Cửu Nhật kính Chúa Thánh Thần, cùng với THÁNH GIUSE chúng ta dành ngày đầu tiên để cảm tạ Chúa Cha đã ban Chúa Thánh Thần cho Giáo hội và cho từng chị em. Trong giờ chầu này chúng ta cảm tạ Chúa Cha đã ban Chúa Thánh Thần, Đấng luôn ở cùng thánh Giuse, xin Người cũng luôn ở cùng chị em, để soi sáng, giữ gìn, dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta trong suốt cuộc đời. Xin Người biến đổi chúng ta nên nhân tố và kiến tạo sự hiệp nhất trong cộng đoàn và trong lòng nhân loại hôm nay.

  • Lời Chúa: 16Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. 17Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. 18Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. (Ga 14, 16-18)
  • Suy niệm:

Thiên Chúa Cha là Đấng từ bi nhân hậu, giàu ân sủng và tràn đầy lòng xót thương. Cha đã ban cho chúng ta một ân huệ vô cùng cao quý, đó chính là Chúa Thánh Thần, để Người ở với chúng ta luôn mãi và dạy dỗ chúng ta mọi điều. Chúa Cha cho chúng ta được chia sẻ vào sự sống, tình yêu, quyền năng và sức mạnh của Chúa. Một khi có Chúa Thánh Thần, chúng ta có được mọi sự và làm được mọi điều. Có Chúa Thánh Thần chúng ta sẽ sống hiệp nhất, tâm hồn chúng ta được no thỏa và bình an, vui tươi và hạnh phúc nhờ biết kín múc những ân huệ từ nguồn suối nước của Thánh Thần.

Tông thư “Trái tim của người Cha” được Đức Thánh Cha viết trong bối cảnh của đại dịch Covid-19. Theo ngài, đại dịch giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của những con người vì công ích, những người xa ánh đèn sân khấu, kiên nhẫn mỗi ngày và nuôi dưỡng hy vọng, lan toả sự đồng trách nhiệm. Chúng ta có thể tìm thấy nơi thánh Giuse, “một người không được chú ý, người hiện diện hàng ngày, kín đáo và âm thầm, người chuyển cầu, là sự nâng đỡ và hướng dẫn trong những lúc khó khăn”. Thánh nhân nhắc chúng ta rằng những người dường như “giữ vai trò phụ”, âm thầm, lại là “những vai chính không thể thay thế trong lịch sử cứu độ”.[1]

Cùng với thánh Giuse, chúng ta xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta đức tin liều lĩnh, dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân, dám tiến bước trong bóng đêm, dám lội ngược dòng với thế gian và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó để bước theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta một đức tin vững chắc để qua những cọ sát đau thương dù trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, cũng không làm chúng ta mất niềm tin vào Thiên Chúa hằng xót thương và bao bọc che chở chúng ta.

 

  • Tôi có nhận ra ân huệ lớn nhất mà Chúa Cha ban cho tôi là Chúa Thánh Thần hằng ở cùng tôi để gìn giữ, soi sáng và hướng dẫn tôi không?
  • Tôi có biết cảm tạ Chúa Cha vì đã ban Chúa Thánh Thần là nguồn tình yêu và sức mạnh cho tôi thi hành sứ mạng trong ơn gọi như món quà quí nhất trong cuộc đời tôi không?
  • Lạy Thần Khí và tình yêu thiêng liêng của Thiên Chúa, con xin Ngài ban cho con các ân sủng của Ngài, để nhờ đó tâm hồn con biết tuân phục và vâng theo ý Chúa trong mọi biến cố như Cha thánh Giuse đáng kính, được sống trong sự ngọt ngào mật thiết của Chúa Ba Ngôi. Amen

 

 

NGÀY THỨ HAI

 Chúa Nhật, ngày 16/5/2021

Cùng Với Thánh Giuse, Trong Điểm Thứ Nhất: Người Cha Được Các Tín Hữu Yêu Mến. Vì Ngài Có Lòng Ao Ước Được Tràn Đầy Thánh Thần

 

* Ý cầu nguyện: Hôm nay, ngày thứ hai của Tuần Cửu Nhật, cùng với THÁNH GIUSE chúng ta cầu nguyện và chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên đời sống cá nhân từng chị em và toàn thể Hội dòng. Trong giờ chầu này chúng ta ước ao được tràn đầy Thánh Thần như thánh nhân đã ao ước và kêu xin: Lạy Chúa Thánh Thần, con khao khát Chúa, xin Ngài ngự đến.

 

* Lời Chúa: 38Hôm ấy là ngày bế mạc tuần lễ Lều, và là ngày long trọng nhất.Đức Giê-su đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống .” 39Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh. (Ga 7, 38-39).

 

  • Suy niệm:

Trước khi Chúa Giêsu về trời, Chúa đã truyền cho các môn đệ không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, chờ đợi quyền năng từ trên cao ban xuống, đó là: trong ít ngày nữa họ sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần. Các môn đệ đã vâng lời, và họ tụ họp ở lầu trên của Nhà Tiệc Ly, cùng nhau cầu nguyện với Mẹ Maria, để chờ đợi lãnh nhận lời hứa của Chúa Cha. Ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự đến với quyền năng của Ngài, và các môn đệ được tràn đầy Thánh Thần.

Trong Tông thư, điểm đầu tiên Đức Thánh Cha miêu tả về thánh Giuse là “người cha được các tín hữu yêu quý”, vì ngài đã thể hiện một cách cụ thể tình phụ tử của mình, khi dâng cuộc đời mình làm của lễ trong tình yêu phục vụ Đấng Cứu Thế.

Noi gương cha Thánh, xin Chúa Thánh Thần ngự xuống tràn ngập trong tâm hồn chúng ta, ban cho chúng ta biết từ bỏ chính mình và những ước muốn ích kỷ, đầu óc ganh tị, để từ nay chúng ta chỉ ao ước sống đẹp lòng Chúa, luôn biết xây dựng sự hiệp nhất bằng việc sống bác ái, vui tươi và trở thành mối dây yêu thương, bình an, và hiệp nhất trong đời sống cộng đoàn. Từ đó, mọi người xung quanh cảm nhận được tình yêu của người hiến dâng, phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.

– Tôi có lòng khao khát Chúa Thánh Thần đến ngự trị trong tâm hồn như thánh Giuse và các môn đệ không?

– Trong cộng đoàn, tôi có một lòng một ý để lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần qua người có trách nhiệm và qua chị em hay tôi chỉ muốn giữ ý riêng của tôi?

– Tôi có thấy được hoa trái của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn và cuộc sống của tôi chưa?

* Lạy Chúa Thánh Thần, quà tặng của Thiên Chúa ban cho tâm hồn chúng con. Xin ban cho con niềm vui sâu thẳm mà con cảm nhận được, khi biết rằng Ngài là chủ nhân hiền hòa và là sự sống thiêng liêng ở trong con.

 Lạy cha thánh Giuse, cội nguồn của niềm vui và tình phụ tử, xin cầu cho chúng con. Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng cho chúng con tràn đầy niềm vui và ân sủng, xin ngự đến trong chúng con. Amen.

 

NGÀY THỨ BA

Thứ hai, ngày 17/05/2021

 Cùng Thánh Giuse, “Người Cha trong dịu hiền” và Thờ Kính Chúa Thánh Thần Trong Tâm Hồn

 

* Ý cầu nguyện: Hôm nay, ngày thứ ba của Tuần Cửu Nhật, Cùng với thánh Giuse, chúng ta tôn thờ Chúa Thánh Thần đang ngự trong tâm hồn chúng ta để chúng ta biết lắng nghe và làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần như cha thánh trong đời sống thường ngày.

* Lời Chúa:19Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, 20báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi .” 21Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. 22Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, 23và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét. (Mt 2, 19-23)

 

* Suy niệm:

Người Cha dịu hiền, Đức Giê-su đã nhìn thấy nơi Thánh Giuse sự dịu hiền của Thiên Chúa

Thánh Giuse đã chứng kiến Đức Giêsu lớn lên ngày qua ngày “thêm khôn ngoan, thêm vóc dáng và thêm ân nghĩa trước nhan Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2, 52), trong thời gian sống ẩn dật của Người. Bởi vì, khi trở nên một người ở giữa chúng ta, Ngài đã đảm nhận điều căn bản nhất làm nên thân phận con người, đó là thời gian, là lớn lên theo thời gian, như một triết gia đã nói : “Con người không thể tránh né được thời gian”.

“Lịch sử cứu độ được hoàn tất ngang qua những yếu đuối của chúng ta”

Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta thường nghĩ rằng: Thiên Chúa chỉ dựa vào khía cạnh tốt đẹp và thắng cuộc của chúng ta…” Tôi đã và đang nghĩ như vậy không? Đâu là những chuyển động nội tâm của tôi, khi tôi nghĩ như vậy?

“Đức Thánh Cha nói tiếp, trong thực tế phần lớn những dự định của Người được thực hiện ngang qua và bất chấp sự yếu đuối của chúng ta”; và “Lịch sử cứu độ được hoàn tất “khi hy vọng dù không còn hy vọng” (Rm 4, 18), nghĩa là, ngang qua những yếu đuối của chúng ta, và cả những bất lực nữa (do khả năng, bệnh tật, tuổi tác…). Đó là kinh nghiệm của Dân Chúa trong lịch sử cứu độ, của Thánh Giuse, của Đức Maria, và của thánh Phao-lô, của các thánh, nhất là của Thánh Bổn Mạng, của Đấng Sáng Lập Hội Dòng, mà Đức Thánh Cha nhắc lại trong Tông Thư. Vậy đâu những yếu đuối của tôi? Và tôi đã hiểu và sống như thế nào?

Đức Thánh Cha mời gọi: “Nếu như thế là viễn tượng của nhiệm cục cứu độ, khi đó chúng ta phải học để đón nhận những yếu đuối của chúng ta với sự dịu hiền sâu sa”. Tôi ước ao đáp lại ra sao, với ơn Chúa, theo gương và nhờ lời cầu bầu của Thánh Giuse?

Như Thiên Chúa đã bênh vực, chở che dân Israel, Thánh Giuse cũng đã tận tụy chăm sóc Chúa Giêsu: “Ngài dạy bước đi, cầm lấy tay; đối xử như một người Cha nâng đứa trẻ lên tận má mình, cúi xuống và cho ăn” (x. Hs 11,3-4). Nơi Thánh Giuse, Chúa Giêsu đã nhìn thấy tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa: “Như người cha yêu thương con cái mình, Chúa xót thương những ai kính sợ Người” (Tv 103, 13). Chúng ta yếu đuối, giòn mỏng, nhiều lần vô vọng trong những cơn thử thách, sợ hãi, lo âu,… Thánh Giuse dạy chúng ta rằng, Đức tin vào Thiên Chúa cũng là tin rằng, Ngài có thể hành động, cả khi chúng ta sợ hãi, ngã lòng và yếu đuối… Ngài cũng dạy chúng ta rằng, giữa những thử thách của cuộc đời, chúng ta đừng bao giờ sợ để Chúa dẫn lối chỉ đường. Đôi khi, chúng ta muốn kiểm soát mọi sự, nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh rộng lớn. Chúng ta xin lỗi Chúa Thánh Thần, vì Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa luôn bị lãng quên trong đời sống của chúng ta. Nhiều lúc chúng ta làm phiền lòng Ngài, xúc phạm đến Ngài, đã không nhận ra sự hiện diện của Ngài trong đời sống của chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần ban ơn cho chúng ta biết thờ phượng, tôn vinh, yêu mến và làm theo sự hướng dẫn của Ngài trong suốt cuộc đời theo mẫu gương của thánh Giuse.

  • Tôi có nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần như người mẹ luôn dạy dỗ, an ủi và nâng đỡ tôi không?
  • Tôi hay lãng quên và xúc phạm đến Chúa Thánh Thần thế nào?

* Lạy Chúa Thánh Thần, quân sư nội tâm và chủ nhân thánh hóa tâm hồn, con xin Ngài với lòng kiên nhẫn không sờn để Ngài dạy cho tâm trí con biết sự thật trọn hảo và xin gìn giữ trái tim con trong sự bình an thánh thiện của Ngài. Con khao khát sự thánh thiện, không phải cho chính riêng con, mà cho sự tán dương của Ngài. Lạy Chúa Thánh Thần, xin lắng nghe lời con nguyện cầu, và ngự trị trong tâm hồn con là đền thờ của Ngài, xin lấp đầy những nỗi khát vọng bừng cháy của con.

 Lạy thánh Giuse, là Đền Thờ tuyệt hảo của Chúa Thánh Thần, xin cầu cho chúng con luôn biết giữ gìn tâm hồn trong sạch thánh thiện theo gương Ngài. Amen.

 

NGÀY THỨ TƯ

Thứ ba, ngày 18/05/2021

 Cùng Thánh Giuse, Chúng Ta Xin Tận Hiến Thân Xác Và Linh Hồn Cho Chúa Thánh Thần

 

* Ý nguyện: Hôm nay ngày thứ tư của Tuần Cửu Nhật, cùng với thánh cả Giuse chúng ta tận hiến thân xác, linh hồn cho Chúa Thánh Thần như xưa thánh Giuse đã hoàn toàn tận hiến cuộc đời ngài dưới tác động của Chúa Thánh Thần.

 * Lời Chúa: 18Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứthần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽcứu dân Người khỏi tội lỗi của họ .” 22Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta .” 24Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. 25Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻlà Giê-su. (Mt 1,18-25)

  • Suy niệm:

Điểm thứ ba trong tông huấn, thánh Giuse là “người cha vâng phục thánh ý Thiên Chúa”; Thánh Giuse được mời gọi cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và nhất là vào tiến trình Nhập Thể của Con Thiên Chúa, nhưng ngài lại nghe được tiếng gọi đảm nhận sứ mạng lớn lao này, ngang qua những giấc mơ nhỏ bé và âm thầm của Ngài, theo lời kể của thánh sử Mát-thêu. Để giúp chúng ta chiêm ngắm Thánh Giuse, “Người Cha trong vâng phục”, Đức Thánh Cha kiên nhẫn và chậm rãi nhắc lại bốn biến cố khúc quanh trong giai đoạn đầu của mầu nhiệm Nhập Thể, tương ứng với bốn giấc mơ của Thánh Giuse: trước khi ngài đón Đức Maria về chung sống; đưa gia đình đi trốn sang Ai Cập; đưa về quê hương và cuối cùng đưa đến lập nghiệp ở Nazareth (Mt 1, 20 ; 2, 13.19.22).

Giấc mơ được coi như một trong những cách thức, qua đó Thiên Chúa bày tỏ ý muốn của Người. Ngoài ra, như ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm: khi nằm mơ, con người chúng ta trở nên yếu ớt nhất, ít kháng cự nhất. Nếu như thế, các giấc mơ có thể được hiểu như một ngôn ngữ diễn tả sự ưng thuận trọn vẹn của Thánh Giuse đối với ý muốn của Thiên Chúa. Sự ưng thuận đến quên mình. Chúng ta không thể không so sánh sự ưng thuận này với lời “xin vâng” của Đức Maria; và chúng ta có thể nhận ra rằng, sự ưng thuận của Thánh Giuse không chỉ là “tức khắc không do dự”, nhưng còn là “tuyệt đối”! Để Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa cần hai lời xin vâng.

Qua sự vâng phục của thánh Giuse, chúng ta cám ơn Chúa Thánh Thần đã cho chúng ta nhận ra người Cha đích thực là Thiên Chúa. “Ơn gọi” của Thánh Giuse gắn liền với con người và sứ mạng của Đức Kitô, theo một cách thức duy nhất: “phục vụ trực tiếp” và “trong tư cách là cha”. Như thế, ơn gọi của ngài vừa đời thường, vì như bao người cha trong gia đình, nhưng cũng thật nhiệm mầu, vì liên quan đến Mầu Nhiệm Cứu Độ.

 

  • Phần tôi, đâu là cách thức Chúa dùng, để bày tỏ ý muốn của Người cho tôi, về cuộc đời, về ơn gọi, trong những hoàn cảnh, nghịch cảnh hay tình huống đặc biệt của tôi?
  • Tôi lắng nghe và đáp lại như thế nào? Tôi có “phân định” hay tập “phân định” không?
  • Và đâu là cách tôi “phân định”, để tìm ra ý muốn của Người? Thánh Giuse dạy tôi bài học nào, trong sự vâng phục ý Chúa? Tôi khám phá ra ý nghĩa nào và Chúa muốn nói với tôi điều gì, khi tôi chiêm ngắm Thánh Giuse, “Người Cha trong vâng phục”?

 

 

* Lạy Chúa Thánh Thần, tình yêu trung kiên của Chúa Cha và Chúa Con, là sự thánh thiện của Thiên Chúa Ba Ngôi, là ngọn lửa thần linh rực cháy ở trong con, xin ban cho con biết sẵn sàng tận hiến cuộc đời của con cho Chúa để Chúa thực hiện kế hoạch của Chúa trên cuộc đời con. Xin cho con biết nhẫn nại mỗi khi con phải đối diện với những sự ngang trái trong đời sống hằng ngày. Xin đốt cháy mọi sự mê muội tối tăm trong tâm hồn con và uốn nắn con trở nên hình ảnh của Ðấng Cứu độ.

 

NGÀY THỨ NĂM

 Thứ , ngày 19 /05/2021

 Cùng Thánh Giuse, Hiệp Nhất Nên Một Và Bước Đi Với Chúa Thánh Thần

* Ý nguyện: Hôm nay, ngày thứ năm của Tuần Cửu Nhật mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Cùng với thánh Giuse, chúng ta xin ơn hiệp nhất và bước đi với Chúa Thánh Thần như ngài đã mau mắn lên đường bước đi với Chúa Thánh Thần trong sứ mạng bảo vệ và che chở Đức Maria và Chúa Giêsu. Trong giờ chầu này chúng ta xin cho mình luôn bước đi với Chúa Thánh Thần để sinh ra những hoa trái nhất là hoa trái của sự bác ái, hiệp nhất và yêu thương. 

* Lời Chúa: 16Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. 17Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. 18Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa. 19Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, 20thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, 21ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa. 22Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, 23hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. 24Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê.

25Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước. 26Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau.

  • Suy niệm:

Điểm thứ tư trong tông huấn, thánh Giuse cũng là “người cha của sự chấp nhận” Thánh Giuse đã gạt bỏ ý riêng của mình để chấp nhận các sự kiện xảy đến và, dù các sự kiện ấy xem ra gây hoang mang, lo sợ. Nhận trách nhiệm và biến chúng thành một phần lịch sử của chính mình. Như trong trường hợp “gây cấn”: vâng lời Thiên sứ, Ngài đã đón nhận Đức Maria về làm vợ một cách vô điều kiện. Ngài trung thành giữ luật, nhưng với tâm tình quảng đại bao dung. Ngài trở thành hình ảnh của một người đàn ông biết tôn trọng và tinh tế.

Ngài không chấp nhận một cách thụ động, tiêu cực, nhưng tích cực chủ động một cách ý thức và can đảm với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Thánh nhân giúp chúng ta đón nhận mọi thứ như “chúng vốn là như thế”. Cả khi chúng không diễn ra như mong muốn, vì biết rằng: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Thánh Cả cũng khuyến khích chúng ta chấp nhận và đón nhận người khác “như chính con người họ”, đặc biệt là những người yếu đuối (x. 1 Cr 1,27).

Chúng ta ước ao sống hiệp nhất và bước đi với Chúa Thánh Thần chính là Thầy dạy, là bạn đồng hành của chúng ta. Thế nhưng đã có nhiều lúc chúng ta đi lạc đường, quyết định thiếu sáng suốt, chọn lựa sai lầm… Hôm nay chúng ta xin quay về làm bạn với Ngài để nghe Lời Ngài sửa dạy và dẫn dắt. Để hiệp nhất, chúng ta cần biết trò chuyện, kết hợp mật thiết với Ngài. Để nghe Lời Ngài, chúng ta cần biết lắng nghe và đối thoại. Để bước theo Ngài, chúng ta cần khiêm tốn để Ngài đi trước và chúng ta bước theo sau.

  • Tôi có can đảm bước ra khỏi mình, khỏi sự an toàn của bản thân để đến với tha nhân theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần không?
  • Tôi có quên đi những vấn đề của mình để nhạy bén với những nhu cầu của tha nhân không?
  • Tôi đang sống trong một thế giới vô cảm, tôi có bị ảnh hưởng và sống vô cảm không?

* Lạy Chúa Thánh Thần, ngọn lửa thần linh của Ba Ngôi Cực thánh, xin thắp sáng trong con một ngọn lửa bừng cháy tình yêu đối với tha nhân. Xin chiếm đoạt trọn vẹn tâm hồn con bằng ngọn lửa của Ngài; xin xua đuổi mọi ý hướng ích kỷ trong con, xin giúp con cùng thánh Giuse biết đọc ra thánh ý Chúa trong từng biến cố. Amen

 

NGÀY THỨ SÁU

Thứ năm, ngày 20/05/2021

 

Cùng Thánh Guise, Chúng Ta Sống Ơn Gọi Hiệp Nhất Đầy Sáng Tạo Trong Thánh Thần

* Ý nguyện: Hôm nay, ngày thứ sáu của Tuần Cửu Nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Cùng với thánh Giuse, chúng ta xin Chúa Thánh Thần ban cho mỗi chị em trong Hội dòng, sống ơn gọi hiệp nhất đầy tính sáng tạo và tình yêu trong ơn gọi. Để tình yêu và sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần làm lan tỏa nơi những người chị em gặp gỡ.

* Lời Chúa: (2 Tm 6-10)

6Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa,đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. 7Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. 8Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng. 9Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Ki-tô Giê-su, 10nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Ki-tô Giê-su đã xuất hiện.

* Suy niệm:

Điểm thứ năm Đức Thánh Cha miêu tả thánh Giuse là “lòng can đảm sáng tạo”, biết cách biến vấn đề thành cơ hội bằng cách luôn đặt niềm tin vào Chúa Quan Phòng lên hàng đầu. Như thánh Phaolô đã nhắc nhở ông Timôthê về đặc sủng đã nhận được, vì Thiên Chúa đã ban cho mỗi người một Thần khí khiến mỗi người đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ.

Yếu tố quan trọng cho mọi cuộc hồi tâm là sự can đảm sáng tạo. Lòng can đảm và óc sáng tạo giúp ta đối phó và vượt thắng những thử thách khiến ta bỏ cuộc. Đọc Tin Mừng tường thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu, ta thắc mắc tại sao Thiên Chúa không can thiệp một cách cụ thể, rõ ràng… Nhưng ta đừng quên, Thiên Chúa thường hoạt động qua con người và các biến cố xảy ra. Với lòng can đảm và óc sáng tạo của người thợ mộc, Thánh Giuse đã tìm được một “nơi” để Đức Mẹ sinh con. Đó là chuồng bò lừa giữa đồng không mông quạnh. Là “ngôi nhà” chào đón Con Thiên Chúa đến thế gian (x. Lc 2, 6-7). Trong những hoàn cảnh nguy nan, sự sống của Hài nhi bị đe dọa, Thánh Giuse đã bình tĩnh vận dụng mọi khả năng để mau lẹ giải thoát con mình và Đức Mẹ. Chúng ta cũng được trao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ Con Thiên Chúa. Theo nghĩa này, Thánh Giuse là Đấng Bảo vệ Hội Thánh. Vì Hội Thánh là sự tiếp nối Nhiệm Thể Chúa Kitô trong lịch sử. Tất cả những ai nghèo khó, thiếu thốn, xa lạ, di dân, lao tù, bệnh hoạn tật nguyền đều là “hài nhi” để Thánh Giuse bảo vệ. Bởi thế, Thánh Giuse được kêu cầu như Đấng chở che, phù trợ…

  • Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và hoạt động cùng Hội dòng cách sống động và đầy tính sáng tạo trong công cuộc Loan báo Tin Mừng. Và xin Ngài soi sáng, dẫn dắt hội dòng trong thánh ý của Thiên Chúa để Hội dòng được phát triển không ngừng cả về số lượng và tinh thần sống ĐS và LĐ hiệp nhất.

 

* Lạy Chúa Thánh Thần xin đốt lên trong tâm hồn chúng con ngọn lửa yêu mến Chúa và nhạy bén nhận ra những ân huệ Chúa ban cho chúng con trong từng giây phút của cuộc đời, để luôn biết ca tụng Chúa,

 Lạy Cha thánh Giuse, Cha thánh luôn được cháy lửa lòng yêu mến Chúa, xin cầu cho chúng con cũng luôn được lòng sốt sắng và cháy lửa yêu mến Chúa như Ngài. Amen.

 

 

NGÀY THỨ BẢY

Thứ sáu, ngày 21/05/2021

 Cùng Thánh Cả Giuse Cầu Nguyện Và Ca Ngợi Thiên Chúa Trong Thần Khí

 * Ý nguyện: Hôm nay ngày thứ bảy của Tuần Cửu Nhật, cùng thánh cả Giuse chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết cầu nguyện và ca ngợi Chúa thế nào cho đẹp lòng Chúa. Trong giờ chầu này chúng ta cầu cho Đức Hồng Y Phao lô Giuse Đấng sáng lập Hội dòng, Đức Cha cố Giuse Maria, các chị em trong Hội dòng, các ân nhân và thân nhân của chị em, đã qua đời và xin cho mỗi người chúng ta sống đúng với Đặc sủng mà Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta.

* Lời Chúa:

26Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. 27Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa. (Rm 8, 26-27).

* Suy niệm: Điểm thứ sáu, Thánh Giuse là một người thợ mộc làm việc lương thiện để nuôi sống gia đình. Nơi Thánh Giuse, Chúa Giêsu, cũng như chúng ta, học được giá trị, phẩm giá và niềm vui của “chén cơm manh áo” là thành quả lao động của chính mình.

Việc làm là phương tiện để tham gia vào công trình cứu chuộc. Cơ hội để làm cho Nước Trời mau đến. Để phát triển tài năng và khả năng. Để hoàn thiện chính bản thân mình và các thành viên trong gia đình, để hợp tác với chính Thiên Chúa và trở thành những người sáng tạo thế giới xung quanh chúng ta. Việc làm của Thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng: Chính Thiên Chúa, khi làm người, đã không khinh thường công việc.

 

Vì thế, Thánh Thần ở trong chúng ta để trợ giúp chúng ta: Ngài trợ giúp chúng ta trong hành động như thế nào, Ngài cũng giúp đỡ chúng ta trong đời sống cầu nguyện  như vậy. Ngài “cầu thay nguyện giúp cho chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả”, nghĩa là bằng những ngôn từ mà ngôn ngữ phàm nhân không thể nào diễn tả được. Thánh Phao-lô không nhắm đến ơn nói tiếng lạ hay tiếng thì thầm đặc sủng nào đó: thánh nhân nhắc cho chúng ta nhớ rằng để có được tương quan thân tình với Thiên Chúa là một mầu nhiệm. Chỉ có Thần Khí mới có thể dẫn đưa chúng ta vào mầu nhiệm này trong những quan điểm của Thiên Chúa.

Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cầu nguyện đúng ý của Thiên Chúa. Nếu hơi thở của chúng ta cần có sự hiện diện của Chúa, thì lời cầu nguyện của chúng ta không thể thiếu sự trợ giúp của Ngài, vì chỉ có Ngài là Đấng thấu suốt tâm can của con người và tâm can của Thiên Chúa. Xin đốt lên ngọn lửa trong lòng chúng ta, để chúng ta luôn chuyên cần cầu nguyện và đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Xin Thánh Thần ngự vào tâm hồn chúng ta và làm cho trái tim chúng ta trở nên trái tim của Ngài. Làm tắt đi ở trong chúng ta những ngọn lửa giận dữ và bất hòa đã làm sao lãng sự sốt mến trong trái tim. Những lúc hiểm nguy, xin gìn giữ sự sống yếu đuối của chúng ta và ban bình an của Ngài cho tâm hồn chúng ta; xin ngọn lửa bác ái cháy sáng trong chúng ta để trái tim người khác cũng được cháy lên.

  • Nhìn lại đời sống cầu nguyện của tôi một cách chân thật, tôi có để Chúa Thánh Thần hướng dẫn không?
  • Khi cầu nguyện, chúng ta thường muốn Chúa làm theo ý mình. Đó là chúng ta chưa biết cách cầu nguyện. Vậy chúng ta có luôn cầu xin với Chúa Thánh Thần đến trợ giúp và hướng dẫn chúng ta cầu nguyện không?
  • Tôi có khao khát cầu nguyện và nghiêm túc sống những điều Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cầu nguyện chưa?

* Lạy Thần Khí của sự thật và của ánh sáng, xin giúp chúng con biết cách cầu nguyện thế nào cho đẹp lòng Chúa, xin quét sạch khỏi thần trí chúng con những bóng đen của lỗi lầm và nghi ngờ. Xin ban ơn cho chúng con để trung thành và yêu mến với việc lao động, cầu nguyện và ca ngợi Chúa.

Lạy thánh cả Giuse, là gương mẫu tuyệt hảo trong việc lao động, cầu nguyện và ca ngợi Chúa, xin cầu cho chúng con.Amen.

 

 

NGÀY THỨ TÁM

Thứ bảy, ngày 22/05/2021

 Cùng Với Thánh Giuse, Đón Nhận Đặc Sủng Của Chúa Thánh Thần Trong Ơn Gọi Đức Mẹ Hiệp Nhất

 

* Ý nguyện: Hôm nay, ngày thứ tám của Tuần Cửu Nhật, xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta khao khát đón nhận Đặc Sủng của Hội dòng, để chúng ta sống hiệp nhất và thi hành sứ mạng làm chứng tá của sự hiệp nhất trong Giáo hội và thế giới hôm nay. Trong giờ chầu này chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo phận, trong Giáo hội và thế giới.

 

* Lời Chúa:  14Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để pháđổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; 15Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. 16Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. 17Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. 18Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha. (Ep 2, 14-18)

* Hiến chương điều 2:

  • 3: Danh hiệu “Đức Mẹ Hiệp Nhất” muốn nêu lên mục tiêu của tất cả các hoạt động của Giáo Hội là nhằm quy tụ tất cả con cái Thiên Chúa về một mối (x. Ga 11,52). Đức Kitô, Đấng là hòa bình của chúng ta, đã liên kết dân Do Thái và dân ngoại thành một dân tộc mới của Thiên Chúa, trong một thân thể duy nhất. Thật vậy, nhờ Đức Kitô, chúng ta được liên kết trong một Thần khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha (x. Ep 2,14-18; 1Ga 1,3).

* Suy niệm:

Điểm thứ bảy trong tông huấn, Thánh Giuse là người thinh lặng và cầu nguyện. Nói ít, làm nhiều. Trong mối tương quan với Chúa Giêsu, Thánh Giuse là hình bóng trần gian của Cha trên trời.

Giáo hội cũng rất cần:

– Những người cha để yêu thương chăm sóc các trẻ em mồ côi, cơ nhỡ.
– Những người cha dạy dỗ con cái trưởng thành, có khả năng tự quyết định sáng suốt, biết tự chủ tự lập.

Lễ Ngũ Tuần là lễ của sự hiệp nhất, hiểu biết và hiệp thông nhân loại. Trình thuật lễ Ngũ Tuần trong sách Công Vụ chứa đựng trong câu chuyện xây tháp Babel (St 11,1-9). Tháp Babel miêu tả một vương quốc trong đó con người đã tập trung có thể tự mình xây dựng một con đường lên tới trời để mở cửa trời ra và nó tự đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa. Trình thuật Kinh Thánh này chứa đựng một sự thật trường tồn mà chúng ta có thể trông thấy trong lịch sử và trên thế giới. Với tiến bộ của khoa học và kỹ thuật đã đi tới quyền lực thống trị các sức mạnh của thiên nhiên, lèo lái các yếu tố, chế tạo ra sinh vật và hầu như cả con người. Thật thế, con người đã gia tăng các khả năng truyền thông, thu thập và truyền bá tin tức, nhưng có thể nói rằng khả năng hiểu biết nhau có gia tăng, hay có lẽ, một cách mâu thuẫn, lại ngày càng ít hiểu nhau hơn? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong Thánh Kinh: sự hiệp nhất chỉ có với ơn Thần Khí của Thiên Chúa, là Ðấng sẽ ban cho chúng ta một con tim mới, một tiếng nói mới và một khả năng truyền thông mới. Ðó là điều đã xảy ra buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần, năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua, khi ngọn lửa của Chúa Thánh Thần xuống trên các môn đệ, đậu trên từng người và đốt lên nơi họ ngọn lửa thiên linh, một ngọn lửa tình yêu có khả năng biến đổi. Sự sợ hãi biến mất, con tim cảm thấy một sức mạnh mới, các miệng lưỡi mở ra và bắt đầu nói với sự thẳng thắn, đến độ mọi người đều có thể hiểu việc loan báo Chúa Giêsu Kitô chết và sống lại. Chúa Thánh Thần, Thần Khí của sự hiệp nhất và chân lý có thể tiếp tục vang lên trong tâm trí con người và thúc đẩy họ gặp gỡ nhau và tiếp nhận nhau. Chúng ta không thể lớn lên khi khép kín trong cái “tôi” của mình, nhưng lớn lên khi mà sống hiệp nhất với nhau, có khả năng lắng nghe và chia sẻ, chỉ trong cái “chúng ta” của Hội dòng, của Giáo Hội, với một thái độ khiêm tốn sâu xa trong nội tâm. Nơi đâu con người muốn làm Thiên Chúa, thì họ chỉ có thể chống đối nhau. Trái lại nơi đâu họ đặt để mình trong chân lý của Chúa, thì họ rộng mở cho hành động của Thần Khí nâng đỡ và hiệp nhất họ với nhau.

  • Tôi biết quí trọng đặc sủng mà Chúa trao phó cho Hội dòng không?
  • Trong mọi hoạt động của tôi, có nhắm tới việc xây dựng sự hiệp nhất không?
  • Tôi có thao thức và thường xuyên cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo phận, Giáo hội và thế giới không?

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến giúp chúng con sống hiệp nhất và yêu thương. Xin cho chúng con biết ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại, lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau, thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần cho chúng con sức mạnh để hòa giải với nhau về những sự khác biệt, hiểu lầm, chia rẽ, chống đối, hận thù đang xé nát thân mình Chúa Kitô, hầu chúng con có thể được Ngài chữa lành các vết thương đã hằn sâu trong tâm hồn và thân xác chúng con. 

          Lạy thánh Giuse, là bóng mát che chở Đức Maria và Chúa Giêsu, xin che chở Giáo Hội, Giáo Phận và Hội dòng chúng con. Amen.

 

NGÀY THỨ CHÍN

Chúa Nhật, ngày 23/05/2021

Cùng Thánh Giuse và Đức Maria Thi Hành Sứ Mạng Hiệp Nhất Trong Chúa Thánh Thần

* Ý nguyện: Hôm nay là ngày thứ chín của Tuần Cửu Nhật, chúng ta đã chuẩn bị tâm hồn để mừng Lễ Hiện Xuống và khao khát một lễ Hiện Xuống mới trên đời sống của mỗi người và toàn thể Hội dòng. Xin Chúa Thánh Thần ùa vào căn nhà tâm hồn cá nhân và Hội dòng chúng ta với quyền năng và sức mạnh của Ngài như trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Trong giờ chầu này chúng ta cầu nguyện cho các thân nhân và ân nhân còn sống cũng như đã qua đời. Hôm nay cũng là ngày cuối của tuần cửu nhật cùng với Thánh Giuse và Mẹ Maria chúng ta nài xin Chúa Thánh Thần ngự đến.

 

* Lời Chúa: (Cv 2, 1-11)

1Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

5Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. 6Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. 7Họsửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ử 8Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? 9Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, 10có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; 11nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay ngườiẢ-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!

Hiến chương điều 3

30 Vào lễ Ngũ tuần, Đức Giêsu, sau khi trở về với Chúa Cha, đã trút đổ “Thần khí của hiệp nhất và hòa hợp, Thần khí của hòa giải và tha thứ” xuống trên các tông đồ đang họp nhau cầu nguyện cùng với Đức Maria (x. Cv 1,8.14; Ga 19,22).

  • 2. Cùng với Mẹ Maria, chị em kiên trì cầu nguyện cho tất cả mọi người được nên một (x. Ga 17,21), cố gắng kiến tạo sự hiệp nhất trong cộng đoàn (Ga 14,34-35), cũng như lên đường loan báo tình thương của Chúa (x. Lc 1,39), qua các công tác phục vụ (x. Ga 2,3.5).
  • 3. Để xây dựng sự hòa hợp hiệp nhất trong môi trường sinh sống, chị em cũng cố gắng phát huy những đức tính của người phụ nữ Việt Nam: cần cù, đảm đang, trung hậu, giản dị kết hợp với tính năng động và sáng tạo.

Xin Chúa Thánh Thần ngự đến với quyền năng và sức mạnh của Ngài cho chúng ta thực hiện thành lời mời gọi của Chúa là kiên trì cầu nguyện cho tất cả mọi người nên một (x. Ga 17,21), cố gắng kiến tạo sự hiệp nhất trong cộng đoàn (Ga 14,34-35), cũng như lên đường loan báo tình thương của Chúa (x. Lc 1,39), qua các công tác phục vụ của chúng ta (x. Ga 2,3.5).

* Suy niệm:

Cùng với Mẹ Maria chị em chiêm ngắm hình ảnh Thánh Giuse trong tông thư, Đức Thánh Cha cho biết Thánh Giuse là người cha thầm lặng. Sống cuộc sống đời thường một cách phi thường. Rất gần gũi với chúng ta. Cũng như bao nhiêu người khác thuộc mọi trình độ văn hóa, giai cấp, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo,… đang âm thầm làm việc để kiến tạo một thế giới thanh bình và nhân bản. Thánh Giuse nhắc nhủ chúng ta rằng, những ai ẩn mình trong bóng tối – hay bị lãng quên – có thể đóng vai trò không thể so sánh được trong lịch sử cứu độ.

Thánh Giuse tìm được hạnh phúc không chỉ ở sự hy sinh bản thân mà ở sự tự hiến. Nơi ngài, chúng ta không bao giờ thấy nỗi thất vọng mà chỉ thấy niềm tin tưởng. Sự thinh lặng kiên nhẫn của ngài dẫn tới những thể hiện cụ thể của lòng tin tưởng. Thế giới của chúng ta ngày nay cần những người cha. Nó không chấp nhận những bạo chúa, những kẻ hà hiếp người khác như một phương tiện để bù đắp cho nhu cầu của chính họ. Nó từ chối những người nhầm lẫn quyền hành với độc đoán, phục vụ với tùng phục, thảo luận với áp bức, bác ái với trợ giúp, sức mạnh với hủy diệt. Mọi ơn gọi đích thực đều được sinh ra từ việc tự hiến, là hoa trái của sự hy sinh chín chắn. Chức linh mục và đời sống thánh hiến cũng đòi hỏi phải có sự chín chắn như vậy. Dù ơn gọi của chúng ta là gì, kết hôn, độc thân hay sống trinh khiết, việc cho đi chính mình sẽ không thành toàn nếu nó chỉ dừng lại ở sự hy sinh; chỉ thành toàn khi ơn gọi của chúng ta được gắn với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô.

  • Tôi đã cố gắng xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đoàn, trong Hội dòng và trong môi trường sống của tôi thế nào?
  • Tôi có nhận ra đâu là những nguyên nhân gây chia rẽ trong cộng đoàn và trong Hội dòng của tôi không?
  • Tôi có diệt trừ những mầm mống của sự chia rẽ khi nó bắt đầu nổi lên trong tôi không?

* Lạy Chúa Thánh Thần xin dẫn con tới sự thánh thiện vẹn toàn qua sự cầu nguyện liên lỉ, nhẫn nại làm việc và sống hiệp nhất để đời sống chúng con trở nên ánh sáng cho trần gian, là muối ướp cho đời thêm mặn mà và đầy ý nghĩa. Xin cho chúng con cam đảm ra đi làm chứng nhân của sự hiệp nhất giữa một thế giới đầy chia rẽ và hận thù. Xin Thần Khí Chúa hướng dẫn điều khiển mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của chúng con đều quy về Thiên Chúa là Cha toàn năng.

 Lạy Cha thánh Giuse và Mẹ Maria, là Đấng luôn hiệp nhất với thánh ý Chúa, xin cầu cho chúng con. Amen.

VĂN PHÒNG HDĐM HIỆP NHẤT

 

Top of Form

[1] (Trích tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô “Trái Tim Của Người Cha”).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *