VẤN ĐỀ ĐỐI THOẠI TRONG VÂNG PHỤC

Để cuộc đối thoại được diễn ra tốt đẹp, bề trên và bề dưới đều cần Thần Khí soi dẫn. Khi nhắc đến Thần Khí, ta nghĩ đến sự thiện chí, sự mở lòng, sự sẵn sàng đón nhận mọi khả thể mới có thể xảy đến.

Để có một sự đồng tâm nhất trí giữa bề trên và bề dưới, đối thoại là điều rất cần thiết. Đó là một cuộc trò chuyện giữa hai bên về cùng một chủ đề nào đó, với dụng ý sẽ tìm ra một giải pháp chung cho tốt nhất cho tất cả. Một bề trên không bao giờ nghe ý kiến của bề dưới thì dù có đưa ra quyết định đúng trong công việc cũng có nguy cơ không phù hợp với bề dưới. Một bề dưới không bao giờ chia sẻ tâm tư ước nguyện với bề trên thì khó lòng để bề trên hiểu mình, và khi nhận được một quyết định nào đó không ưng ý, họ dễ cáu gắt và bất mãn. Đối thoại trước hết giúp hai bên được lắng nghe nhau, bày tỏ suy nghĩ cho nhau, cùng nhau vạch ra những đường hướng, những điểm thuận lợi và không thuận lợi, từ đó đi đến sự hiểu nhau, đồng tâm nhất trí.

Khác với những cuộc thương thảo hay trao đổi theo kiểu làm ăn, đối thoại trong đời tu có bản chất là một cuộc nhận định để tìm ý Chúa. Chúa có thể biểu lộ ý của mình bằng nhiều cách. Đôi khi là qua phán đoán của bề trên, đôi khi qua những dấu chỉ tỏ tường. Nhưng phần lớn là qua những cuộc trao đổi trong tinh thần đối thoại như thế. Bởi vậy, trong cuộc nói chuyện, bề trên và bề dưới phải ý thức rằng đây là một buổi cầu nguyện, là lúc mà hai người “tụ họp” nhân danh Thầy Giêsu, chứ không đơn thuần chỉ là một kiểu trao đổi vu vơ, giải trí, hay chất vấn, lấy thông tin… Muốn vậy, giữa hai bên phải có sự tin tưởng dành cho nhau, một sự gần gũi trong bầu khí anh chị em với nhau. Cả hai đều phải mang thiện chí là muốn biết và thực thi ý Chúa, chứ không khăng khăng cố chấp ở lại trong ý riêng của mình. Nếu như mỗi bên đã có quyết định của riêng mình rồi, họ đến gặp nhau chỉ để thuyết phục người kia làm theo ý mình, thì đó không còn là đối thoại nữa. Đó chỉ là một kiểu đàm phán theo kiểu hợp đồng mà thôi.

Để cuộc đối thoại được diễn ra tốt đẹp, bề trên và bề dưới đều cần Thần Khí soi dẫn. Khi nhắc đến Thần Khí, ta nghĩ đến sự thiện chí, sự mở lòng, sự sẵn sàng đón nhận mọi khả thể mới có thể xảy đến. Ta cũng nghĩ đến những sáng kiến, những ý tưởng hay mà có khi cả hai người chưa hề nghĩ ra trước đó. Ta nghĩ đến mọi điều tốt đẹp mà Chúa sẽ gửi đến cho hai bên, vừa giúp họ có thêm ánh sáng để nhận định, vừa ban thêm sức giúp họ can đảm đón nhận điều được mời gọi và chu toàn nó trong sự nhiệt thành hăng hái. Có đôi khi, bề trên phải đối thoại với những bề dưới vốn là người không được xuất sắc cho lắm và luôn có những suy nghĩ rất “lạ đời”. Nhưng bề trên không nên tỏ ra khinh thường để rồi không để ý, hay tỏ ý chê trách, bác bỏ. Bề trên cần có sự kiên nhẫn với họ, lắng nghe, rồi từ từ giúp họ nhận ra những sai sót trong suy nghĩ của mình một cách khôn ngoan mà không làm họ tổn thương.

Sự đối thoại cũng cần một sự tự do, kẻ nói người nghe và sát thực tế. Cả hai đều được mời gọi để chia sẻ suy nghĩ của mình. Và khi người này nói thì người kia phải lắng nghe, chứ không phải giành nhau nói, hay chỉ ngồi đó mỉm cười. Bề trên phải tạo ra một bầu không khí thân thiện để bề dưới không cảm thấy sợ sệt, hay bị áp lực đến độ không dám chia sẻ. Thường thì bề trên nên để cho bề dưới nói nhiều hơn, còn mình thì chịu khó lắng nghe, ghi nhận và chỉ lên tiếng khi cần thiết. Nên nhớ, đây không phải là một buổi “hỏi cung”, nên phải tránh mọi kiểu nghiêm nghị, răn đe, doạ nạt. Nội dung của cuộc đối thoại phải sát thực tế và đi thẳng vào vấn đề cần trao đổi. Không nên mất thời giờ để nói về những chuyện tưởng tượng nào đó, hay của ai đó, chẳng có liên can gì đến chuyện của mình. Bề trên phải cảnh giác, không để cho cuộc trò chuyện bị lạc đề, không có điểm nhấn, và chẳng sinh ích lợi gì.

Đối thoại là cần thiết, nhưng cũng phải lưu ý rằng sau đó quyền quyết định vẫn thuộc về bề trên. Nếu cả hai cùng tìm ra được sự đồng thuận và giải pháp tốt nhất thì tuyệt vời. Nhưng giả như sau khi nói chuyện, mỗi bên vẫn giữ nguyên ý kiến của riêng mình thì bề trên là người có tiếng nói cuối cùng. Sự vâng phục thể hiện ở chỗ: khi cuộc đối thoại diễn ra, mình có quyền chia sẻ những gì mình muốn, nhưng khi bề trên đã quyết định rồi thì mọi chuyện chấm dứt, bề dưới không nên tỏ ra khó chịu, gặp ai cũng càm ràm, đòi gặp người này người kia để tiếp tục nói chuyện, đặc biệt là không được “bàn ra”. Bề dưới phải tin rằng quyết định của bề trên sau cuộc đối thoại là ý Chúa, nên nếu quyết định ấy đối nghịch với ý mình thì mình phải cố gắng từ bỏ ý riêng để hoà quyện ý mình với Chúa, coi quyết định của bề trên là điều mà mình thật sự muốn làm.

Để tìm biết ý Chúa, sự thẳng thắn và bình tâm là điều rất cần thiết. Bình tâm là một trạng thái để mình hoàn toàn tự do trước mọi thúc đẩy của Chúa, gạt bỏ hết mọi định kiến cá nhân, không bị điều gì ràng buộc, không dính bén vào một lôi kéo nào, như bàn cân không nghiêng về bên trái hay bên phải. Đó là một sự mở lòng hoàn toàn với một thái độ sẵn sàng đón nhận. Trong sự đối thoại, cả hai bên đều được mời gọi để mang lấy thái độ này, nếu không, mọi cái sẽ trở nên vô ích. Sự đối thoại giúp bề dưới dễ dàng vâng phục hơn, và vâng phục trong sự trưởng thành, trách nhiệm và tự nguyện hơn. Nó cũng giúp bề trên tránh thái độ độc tài, chủ quan nhưng trở nên sáng suốt hơn trong quyết định của mình. Nó cũng là cơ hội để hai bên hiểu được nhau hơn. Thiết nghĩ rằng đó cũng là một nét đẹp trong đời tu mà ai cũng khao khát.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ (dongten.net)

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *